Đề tài Điểm đặc thù trong điều kiện kinh tế-Xã hội cho sự ra đời nhà nước của người Việt Cổ

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhà nước chỉ xuất hiện khi có các điều kiện: Thứ nhất, có sự chuyển đổi từ nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế sản xuất-xã hội-trao đổi dựa trên cơ sở của sự xuất hiện và bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Thứ hai, có sự phân chia xã hội thành những cực đối lập không điều hòa, tức là phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng và mâu thuẫn giai cấp đã trở nên gay gắt, không thể điều hòa được.

doc3 trang | Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 2361 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Điểm đặc thù trong điều kiện kinh tế-Xã hội cho sự ra đời nhà nước của người Việt Cổ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A-ĐẶT VẤN ĐỀ Nhà nước không xuất hiện ngay từ khi xã hội loài người xuất hiện mà nó chỉ ra đời khi xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định dưới những tác động của điều kiện kinh tế-xã hội. Do vị trí nằm trên bán đảo Đông Dương nên sự ra đời nhà nước của người Việt cổ mang những đặc điểm của của sự hình thành nhà nước phương Đông cổ đại, đồng thời nó cũng có những điểm đặc thù riêng biệt. Việc nghiên cứu những điểm đặc thù trong điều kiện kinh tế-xã hội cho sự ra đời nhà nước của người Việt cổ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hình thành nhà nước cũng như ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển của nhà nước và pháp luật Việt Nam trong tiến trình lịch sử. B-NỘI DUNG 1.Cơ sở lý luận về sự ra đời của nhà nước. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhà nước chỉ xuất hiện khi có các điều kiện: Thứ nhất, có sự chuyển đổi từ nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế sản xuất-xã hội-trao đổi dựa trên cơ sở của sự xuất hiện và bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Thứ hai, có sự phân chia xã hội thành những cực đối lập không điều hòa, tức là phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng và mâu thuẫn giai cấp đã trở nên gay gắt, không thể điều hòa được. 2.Những điểm đặc thù trong điều kiện kinh tế-xã hội cho sự ra đời nhà nước của người Việt cổ. 2.1. Đặc thù về kinh tế. Điều kiện kinh tế là nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đời của nhà nước. Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu nông nghiệp đã trở thành nền kinh tế chủ đạo của nước ta. Nếu như vào đầu thời kỳ Hùng Vương (giai đoạn Phùng Nguyên) công cụ bằng đá chiếm ưu thế, thì trải qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, nhất là từ Đông Sơn công cụ lao động đã có bước tiến lơn lao, chủ yếu là công cụ bằng đồng thau và bắt đầu xuất hiện công cụ bằng sắt như lưỡi cày đồng, nhíp đồng, lưỡi cuốc, mai thuổng…(riêng ở Cổ Loa đã tìm thấy gần 100 lưỡi cày bằng đồng). Nền nông nghiệp nước ta đã có một bước chuyển lớn từ nông nghiệp dùng cuốc sang nông nghiệp dùng cày với lưỡi cày bằng kim loại. Điều đó đã góp phần nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy sự phân hóa các ngành nghề: Về trồng trọt, từ trồng trọt nưỡng rẫy là phổ biến chuyển sang lấy nông nghiệp trồng lúa nước làm chủ đạo. Theo tài liệu khảo cổ học, phân tích 4 mẫu thóc cháy và trấu lấy từ các di tích thì đều có niên đại trước công nguyên. Cùng với nghề trồng lúa nước thì nghề trồng rau củ, cây ăn quả vẫn tiếp tục phát triển. Chăn nuôi cũng được đẩy mạnh theo đà của trồng trọt với các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn gà…Trong các di tích khảo cổ học đã tìm thấy nhiều xương trâu, bò nhà, tượng gà bằng đất nung, đồng thau (ở di chỉ Đồng Đậu, Chiền Vậy, Vinh Quan)… Hái lượm và săn bắt vẫn tồn tại nhưng bị đẩy xuống thứ yếu bởi trồng trọt và chăn nuôi cho sản phẩm nhiều hơn và không bấp bênh. Bên cạnh nông nghiệp các nghề thủ công cũng phát triển mạnh như nghề làm đồ gốm phát triển theo hướng thực dụng với hoa văn đơn giản; nghề dệt khá phổ biến với các loại vải mịn, vải thô còn in dấu trên đồ gốm. Sự phát triển của nghề luyện kim (đúc đồng, luyện sắt) có ý nghĩa như cuộc cách mạng, có tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống kinh tế và cơ cấu xã hội. Trong khoảng 2000 năm TCN, sản xuất nền kinh tế thời đại Hùng Vương từ chỗ còn mang dáng dấp kinh tế tự nhiên nguyên thủy ở giai đoạn đầu trải qua những bước phát triển lâu dài đến giai đoạn cuối đã có nhưng bước chuyển biến lớn lao chuyển dần sang nền kinh tế sản xuất. Sự phát triển của kinh tế đã dẫn đến sự tư hữu, tuy nhiên sự tư hữu xuất hiện chưa đầy đủ mà mới bước đầu tư hữu về hoa lợi, công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt còn tư liệu sản xuất chủ yếu là ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của công xã. Ở thời Hùng Vương, các công xã nông thôn với chế độ công hữu về ruộng đất đã xuất hiện và tồn tại tương đối bền vững. Những di tích khảo cổ học thời kỳ Hùng Vương cho thấy chứng tích về sự tụ cư và định cư của công xã nông thôn trên những phạm vi thường rộng hàng ngàn mét vuông cho đến một vài vạn mét vuông với tầng văn hóa khá dày. Những từ “ruộng Lạc” (Lạc điền), “dân Lạc” (Lạc dân) chép trong thư tịch cổ cho thấy ruộng đất tư hữu chưa xuất hiện ở thời Hùng Vương. Toàn bộ ruộng đất cày cấy đều thuộc quyền sở hữu của công xã và được phân chia cho các thành viên trong công xã canh tác. Công xã có thể giữ một phần ruộng đất để cày cấy chung và sản phẩm được dùng vào những chi phí công cộng. Có thể nói rằng đây chính là điểm đặc thù về kinh tế trong sự hình thành nhà nước của người Việt cổ. 2.2 Đặc thù về xã hội Khi kinh tế phát triển, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều không những đáp ứng đủ nhu cầu của con người mà còn xuất hiện sản phẩm thặng dư và chính sự tích tụ sản phẩm thặng dư đã khiến cho xã hội có sự phân hóa giàu nghèo. Tuy nhiên sự phân hóa giàu nghèo đó chưa thật sâu sắc, xã hội chưa phân thành giai cấp mà mới phân chia thành các tầng lớp sau: Tâng lớp quý tộc: họ vốn là con cháu của các thủ lĩnh liên minh các bộ lạc, tộc trưởng thị tộc cùng gia đình của họ. Họ là những quý tộc thế tập chứ không phải là chủ nô hay địa chủ vì lợi tức mà họ thu được chủ yếu thông qua việc bóc lột nông dân công xã và cũng chưa có ruộng đất tư. Tầng lớp thứ hai là nông dân công xã nông thôn, chiếm đa số trong xã hội và là lực lượng sản xuất chủ yếu. Họ được công xã chia ruộng để cày cấy nhưng cũng bị quý tộc bóc lột bằng các hình thức cống nạp, lao dịch. Tuy nhiên đời sống của nông dân công xã tương đối ổn định và tự do, khác với địa vị của nô lệ. Tầng lớp nô tì có địa vị thấp nhất trong xã hội với số lượng không nhiều. Họ ít khi tham gia sản xuất mà chủ yếu phục dịch trong các gia đình quý tộc. Có thể thấy rằng, đến giai đoạn Đông Sơn, sự phân hóa xã hội đã thể hiện rõ nét cả sự phân hóa giàu nghèo và sự phân hóa về địa vị xã hội. Tuy nhiên quá trình phân hóa diễn ra rất chậm chạp, kéo dài hàng ngàn năm và mức độ phân hóa xã hội vẫn chưa tới mức sâu sắc, chưa mang tính đối kháng giai cấp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tồn tại bền vững của công xã nông thôn với chế độ sở hữu chung về ruộng đất. Đây chính là điểm đặc thù so với các nước khác như Trung Quốc và nhất là các nước phương Tây cổ đại (nơi mà chế độ tư hữu về ruộng đất đã khiến cho các giai cấp trong xã hội có sự phân hóa và mâu thuẫn gay gắt đến mức không thể điều hòa được). 3.Yếu tố thúc đẩy sự ra đời sớm của nhà nước. Các đặc thù về kinh tế-xã hội nêu trên vẫn chưa đủ để dẫn tới sự ra đời của nhà nước mà mới chỉ tạo những tiền đề vật chất cần thiết ban đầu. Sự ra đời nhà nước của người Việt cổ phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố xúc tác, thúc đẩy, đó chính là nhân tố trị thủy-thủy lợi và đấu tranh tự vệ. Với lợi thế thiên nhiên có nhiều thuận lợi, từ cuối thời Hùng Vương, cư dân đã tràn xuống chinh phục vùng đồng bằng châu thổ của các con sông lớn và phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là vùng đất được phù sa bồi đắp hàng năm nên rất màu mỡ nhưng đồng thời chế độ nước sông cũng gây nên không ít khó khăn đòi hỏi tất cả các cộng đồng dân cư ở đây phải tiến hành công cuộc trị thủy gắn liền với thủy lợi như đắp đê, làm hồ chứa nước. Điều đó đã được phản ánh qua các truyền thuyết dân gian như Sơn Tinh-Thủy Tinh… Cùng với trị thủy thì tự vệ chống xâm lược cũng đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Từ thời Hùng Vương, chiến tranh đã trở thành một hiện tượng kịch liệt và phổ biến trong xã hội, bao gồm cả những cuộc xung đột bên trong và bện ngoài. Những xung đột bên trong thường diễn ra trong các cộng đồng, các bộ lạc, các thị tộc đòi hỏi phải có một thiết chế để hợp nhất các địa phương, các cộng đồng dân cư thành một quốc gia. Còn xung đột bên ngoài biểu hiện ở cuộc đấu tranh chống các mối đe dọa ngoại xâm nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng. Các tư liệu khảo cổ đã minh chứng điều đó. Nếu như trong giai đoạn Phùng Nguyên, tỷ lệ vũ khí so với toàn bộ hiện vật rất nhỏ và không khác mấy so với công cụ sản xuất thì đến giai đoạn Đông Sơn, tỷ lệ vũ khí đã tăng, chiếm trên 50% toàn bộ hiện vật, đa dạng và phong phú về kiểu loại. Ngoài ra còn có các truyền thuyết như Thánh Gióng, Mỵ Châu-Trọng Thủy… Cuộc đấu tranh tự vệ và trị thủy-thủy lợi là những công cuộc lớn lao đặc biệt quan trọng, phải tiến hành thường xuyên, có tính cấp bách vì nó liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của cả cộng đồng. Nó đòi hỏi phải có một loại cơ cấu tổ chức rộng lớn bao trùm toàn xã hội, có khả năng huy động lực lượng lớn sức người, sức của đó chính là nhà nước. Vì vậy yếu tố trị thủy và chống xâm lược đã trở thành những yếu tố thúc đẩy sự ra đời sớm của nhà nước. C-KẾT LUẬN Nói tóm lại, những điểm đặc thù trong điều kiện kinh tế-xã hội đã khiến cho quá trình hình thành nhà nước của người Việt cổ khác với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Nhà nước của người Việt cổ ra đời trên cơ sở những tiền đề về vật chất và sự phân hóa xã hội chưa thực sự chín muồi, đó mới chỉ là điều kiện cần còn những nhân tố thúc đẩy sự ra đời sớm của nhà nước chính là điều kiện đủ. Kết hợp những nhân tố đó, nhà nước của người Việt cổ đã ra đời đặt nền móng cho sự phát triển và hoàn thiện nhà nước sau này.