Phê bình báo chí – một hoạt động cần thiết của văn hóa truyền thông

Ở các hình thái ý thức xã hội gần gũi với báo chí như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc., về cơ bản, thực tiễn sáng tạo đồng hành khá thường xuyên với hoạt động lý luận phê bình. Ở đó lý luận phê bình luôn đóng vai trò tổng kết, thẩm định, đánh giá, thậm chí thực hiện chức năng hướng đạo thiết thực cho quá trình sáng tạo của các chủ thể. Còn trong phạm vi hoạt động báo chí ở ta, mối quan hệ tương hỗ giữa 3 bình diện: sáng tạo, nghiên cứu lý luận và phê bình nhìn chung ít có được hiệu ứng tương tác như ý. Riêng bộ phận phê bình báo chí với tư cách là một hoạt động học thuật nhằm vào định giá, phê bình các sản phẩm nghiên cứu và sáng tạo tác phẩm báo chí thì còn khá nhiều bất cập. Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, bước đầu chúng tôi xin bàn tới những biểu hiện phát triển thiếu cân bằng của hoạt động phê bình báo chí trong tương quan với hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn sáng tạo, từ đó phác thảo những phương hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động phê bình báo chí hiện nay, góp phần định hướng và làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa truyền thông thời kỳ hội nhập.

pdf6 trang | Chia sẻ: anhquan78 | Lượt xem: 743 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phê bình báo chí – một hoạt động cần thiết của văn hóa truyền thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÊ BÌNH BÁO CHÍ – MỘT HOẠT ĐỘNG CẦN THIẾT CỦA VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG TS. Trịnh Thị Bích Liên∗ Ở các hình thái ý thức xã hội gần gũi với báo chí như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc..., về cơ bản, thực tiễn sáng tạo đồng hành khá thường xuyên với hoạt động lý luận phê bình. Ở đó lý luận phê bình luôn đóng vai trò tổng kết, thẩm định, đánh giá, thậm chí thực hiện chức năng hướng đạo thiết thực cho quá trình sáng tạo của các chủ thể. Còn trong phạm vi hoạt động báo chí ở ta, mối quan hệ tương hỗ giữa 3 bình diện: sáng tạo, nghiên cứu lý luận và phê bình nhìn chung ít có được hiệu ứng tương tác như ý. Riêng bộ phận phê bình báo chí với tư cách là một hoạt động học thuật nhằm vào định giá, phê bình các sản phẩm nghiên cứu và sáng tạo tác phẩm báo chí thì còn khá nhiều bất cập. Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, bước đầu chúng tôi xin bàn tới những biểu hiện phát triển thiếu cân bằng của hoạt động phê bình báo chí trong tương quan với hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn sáng tạo, từ đó phác thảo những phương hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động phê bình báo chí hiện nay, góp phần định hướng và làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa truyền thông thời kỳ hội nhập. 1. Phê bình báo chí hiện nay còn thiếu cân bằng hệ thống Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, chúng ta đã có được những thành tựu nghiên cứu lý luận báo chí rất đáng ghi nhận. Hệ thống các giáo trình lý luận về nghiệp vụ báo chí đã được hình thành và xác lập đến từng loại hình, loại thể báo chí cơ bản. Những thành tựu nghiên cứu báo chí học của các nước đã được giới thiệu và cập nhật khá thường xuyên. Nhiều công trình nghiên cứu dưới dạng chuyên luận và tài liệu tham khảo về báo chí học nói chung, về các tác gia hay thể loại báo chí nói riêng càng góp phần khơi thêm những chiều sâu mới cho tư duy nghiên cứu khoa học về báo chí. Thực tiễn sáng tạo tác phẩm báo chí của ta cũng đã vươn tới những tầm cao mới chưa từng có cả về quy mô số lượng và chất lượng nhờ không gian văn hoá dân chủ ∗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền thoáng rộng và cởi mở. Chưa bao giờ chúng ta có được một diện mạo đời sống báo chí sôi động và thăng hoa như hiện nay. Tốc độ hình thành nhanh chóng của các đơn vị báo chí mới cùng sự lớn mạnh của một đội ngũ các nhà báo thuộc đủ các loại hình báo chí khác nhau đã cho thấy sức sống và uy lực to lớn của nền báo chí nước nhà. Từ khi đổi mới và hội nhập, đời sống nghiên cứu lý luận và sáng tạo báo chí đã có được sự bứt phá, vươn tầm ngoạn mục, xứng đáng là công cụ đắc lực phụng sự cho sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước. Nhìn vào bức tranh đời sống sôi động của hoạt động nghiên cứu và sáng tạo báo chí, chúng ta có thể kỳ vọng vào khả năng hội nhập năng động của báo chí nước nhà trong xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và thế giới. Chẳng những chưa có được bước chân đồng hành tin cậy cùng với đời sống nghiên cứu và sáng tạo tác phẩm, hoạt động phê bình báo chí ở ta trong những năm qua đã hiện diện trong một diện mạo nhợt nhạt, thiếu cân bằng hệ thống với các chỉnh thể khác của đời sống báo chí nói chung. Chúng ta có một đội ngũ đông đảo các nhà báo trực tiếp tác nghiệp và sáng tạo tác phẩm báo chí trên mọi phạm vi cuộc sống xã hội khác nhau. Chúng ta cũng đã có một đội ngũ không ít các nhà nghiên cứu và giảng dạy báo chí chuyên nghiệp. Trong khi đó ở ta chưa hề có một cây bút phê bình báo chí nhiệt tâm và tận tuỵ với đúng nghĩa lao động phê bình đích thực. Giải thưởng báo chí hàng năm được trao cho đủ các thể loại tin, bài, phóng sự, bình luận, bút ký, điều tra, song xưa nay chưa hề có bài báo nào được giải lại thuộc thể loại phê bình báo chí. Quy luật sáng tạo các giá trị tinh thần của nhân loại cho thấy, đã có sự sáng tạo thường kéo theo sự hiện diện của hoạt động phê bình, đánh giá. Vì thế, sự xuất hiện có phần quá vênh lệch so với thực tiễn sáng tạo tác phẩm của phê bình báo chí đã phần nào phản ánh tình trạng phát triển thiếu cân bằng hệ thống tới mức khó chấp nhận của nền báo chí chúng ta. Trong tương quan so sánh với đời sống văn học, âm nhạc, hội hoạ, sân khấu, điện ảnh, ở lãnh địa báo chí dường như chưa có chỗ đứng xứng đáng cho hoạt động phê bình với tư cách là một mắt xích quan trọng góp phần hướng đạo cho sự phát triển lành mạnh của báo chí trên cả bình diện nội dung tư tưởng và cấu trúc hình thức sáng tạo. Công bằng mà nói phê bình báo chí ở ta hiện mới chỉ là một bộ phận mờ nhạt, sống nhờ và “ăn theo” hoạt động nghiên cứu lý luận. Chúng ta chưa có phê bình báo chí với tư cách là một hoạt động khoa học tồn tại độc lập, đồng đẳng bên cạnh các hoạt động nghiên cứu lý luận và sáng taọ tác phẩm báo chí. Một số đánh giá khái quát hay nhận xét về báo chí của các chính trị gia, các nhà lãnh đạo quản lý báo chí hoặc của giới nghiên cứu thông qua các báo cáo, nghị định, chỉ thị hay các bài viết đôi khi có hơi hướng phê bình ở góc độ phê phán, nhắc nhở khi có biểu hiện nào đó lệch lạc về tư tưởng. Tuy nhiên tất cả chỉ là những khái quát chung, không chỉ mặt gọi tên hiện tượng nào cụ thể để người cầm bút có dịp chiêm nghiêm, uốn nắn và tự điều chỉnh hành vi sáng tạo của mình .Vả lại, phê bình toàn diện không chỉ dừng lại ở những phê phán về vấn đề nội dung tư tưởng mà còn bao gồm cả các khía cạnh cấu trúc hình thức sáng tạo nữa. Chỉ có phê bình sâu sắc và toàn diện về mọi cấp độ cấu thành chỉnh thể của đời sống báo chí mới góp phần làm giàu thêm tiềm năng tri thưc sáng tạo và nghiên cứu của người làm báo. Một số ấn phẩm báo chí có duy trì khá đều đặn mục “dọn vườn” nhằm phê bình những non yếu trong hoạt động sáng tạo báo chí nhưng cũng lại chỉ thiên về phê phán vụn vặt chuyện sử dụng câu từ chữ nghĩa chưa chuẩn, chưa haytuyệt nhiên chưa thấy bài viết nào có khả năng mở rộng năng lực “dọn vườn” đến các bình diện hình thức như kết cấu, tổ chức chi tiết, ngôn từ, ý tưởng, quan niệm của chủ thể sáng tạo Nghiên cứu, phê bình báo chí hiện đại chuyên nghiệp rất cần thiết phải tạo lập được tư duy phê bình toàn diện về mọi yếu tố cấu thành chỉnh thể đời sống báo chí. Phê bình nhằm uốn nắn kịp thời những sai sót và định hướng tích cực cho hoạt động báo chí cũng chưa được ý thức như một công việc thường xuyên. Dường như phê bình báo chí của ta hiện nay chỉ chú tâm vào phần ngọn, thiên về xử lý hậu quả khi “sự đã rồi”. Chúng ta chưa có được năng lực phòng ngừa của một nền phê bình giàu tính năng chủ động tích cực, có thể tạo được sức đề kháng tự giác trong ý thức sáng tạo của các nhà báo. Thường trực ý thức phê bình và tự phê bình cũng là thứ công năng đối trọng hiệu quả nhằm phản vệ lại những nguy cơ sai sót từ trong tiềm thức của người cầm bút. Phê bình báo chí của ta hiện nay cũng mới chỉ dừng lại ở các trao đổi, nhận xét nhằm “rút kinh nghiệm” hoặc xử lý “kín” trong các cuộc họp giao ban định kỳ của các cấp lãnh đạo vá quản lý. Phê bình chưa trở thành một hoạt động chuyên môn dân chủ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, do vậy chưa tạo được hiệu ứng lan toả rộng rãi tới đông đảo đội ngũ những người làm báo. Những phác thảo trên cho thấy tình trạng phát triển của phê bình báo chí trong tương quan hệ thống của đời sống báo chí hiện vẫn còn nhiều bất cập khiến phê bình trở nên lạc điệu trước sự phát triển khá ổn định của đời sống nghiên cứu lý luận và sáng tạo báo chí. Tình trạng phát triển vênh lệch hệ thống diễn ra ở lãnh địa phê bình - một mắt xích quan trọng của đời sống báo chí sẽ gây trở ngại không ít cho hoạt động báo chí nói chung. Phê bình báo chí lành mạnh và đúng hướng có giá trị như một thứ “biệt dược” có khả năng phòng ngừa và chữa trị các căn bệnh cố hữu của báo chí cả về ý thức tư tưởng lẫn hình thức tổ chức quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Sự phát triển hài hoà của phê bình báo chí cũng góp phần củng cố bền chắc thêm trong ý thức sáng tạo của người làm báo về các nguyên lý lý luận báo chí cơ bản, do đó nó kéo gần lại khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn sáng tạo trong một cơ cấu quan hệ tương tác thống nhất, hữu cơ của đời sống báo chí. 2. Để phê bình báo chí trở thành một mắt xích của văn hóa truyền thông Sự trầm lắng của phê bình báo chí đã từng trường diễn trong lịch sử. Quan niệm sống “dĩ hoà vi quý”, truyền thống ứng xử vi tình của người Việt là một trong những căn nguyên chi phối thiếu tích cực tới nhịp độ phát triển bất thường của phê bình báo chí ở nước ta hiện nay. Thúc đẩy sự phát triển của phê bình báo chí theo kịp với đà phát triển của đời sống nghiên cứu lý luận và sáng tạo báo chí do vậy là công việc của cả một quá trình dài lâu, phức tạp, có liên quan tới tất cả các ngành, các cấp và mỗi chủ thể hoạt động báo chí. Bước đầu xin được phác thảo một vài phương hướng cơ bản với mong muốn góp phần đưa đời sống báo chí phát triển lên một tầm vóc mới. 2.1. Về nhận thức Việc tăng cường và thúc đẩy sự phát triển của phê bình báo chí hiện nay phải được khơi dậy trước hết từ việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tính năng và các nguyên tắc phê bình báo chí hiện đại trong khuôn khổ luật pháp cùng đạo đức nghề nghiệp cho mọi tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động báo chí. Phê bình đã đến lúc không còn chỉ là công tác đặc quyền của các cơ quan chức năng hay các nhà lãnh đạo báo chí mà là công việc bình thường của tất cả mọi người có nhiệt tâm với báo chí nước nhà. Hoạt động phê bình báo chí, nếu không thuộc những nội dung thông tin nhạy cảm, cần phải được phổ cập rộng rãi tới mọi ngõ ngách của không gian giao tiếp xã hội theo hướng công chúng hoá phê bình báo chí. 2.2. Về tổ chức hành động Các cơ quan chức năng quản lý và các cơ quan chủ quản báo chí cần có các biện pháp thu hút đông đảo lực lượng xã hội, các tầng lớp công chúng tham gia tích cực vào hoạt động phê bình báo chí nhằm kịp thời phát hiện những “hạt sạn”, những tỳ vết trong các sản phẩm nghiên cứu lý luận và sáng tạo báo chí cả trên bình diện nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Chế tài thưởng phạt thích đáng sẽ góp phần giữ vững mối quan hệ tương tác giữa đời sống báo chí và đông đảo công chúng tiếp nhận. Các ấn phẩm, cơ quan báo chí cần hình thành và duy trì thường xuyên các chuyên mục trao đổi, phê bình báo chí như một nhịp cầu gắn kết báo chí với công chúng tiếp nhận báo chí. Những tác phẩm báo chí tốt hoặc những bài viết còn non yếu về một số phương diện nào đó cần được thông tin trao đổi, phê bình, đánh giá kịp thời. Theo định kỳ, giải thưởng báo chí hàng năm cần có thêm tỷ lệ giải thưởng cho các tác phẩm nghiên cứu lý luận và phê bình báo chí xuất sắc (âu này chỉ chủ yếu trao giải cho lĩnh vực sáng tạo tác phẩm báo chí). Ở các Hội, Chi hội nhà báo, nếu điều kiện cho phép có thể thành lập các Tiểu ban nghiên cứu lý luận và phê bình báo chí; Cần sớm hình thành một lực lượng những người có chuyên môn sâu về phê bình báo chí để có thể đảm trách công việc này một cách chuyên nghiệp hơn. Để có được hiệu quả tích cực và sâu rộng, những tác phẩm báo chí mắc sai lầm, thiếu sót (nếu không phải là những vấn đề nhạy cảm), cần được tổ chức trao đổi, phê bình công khai giúp đông đảo người làm báo có điều kiện tiếp cận và rút kinh nghiệm. 2.3. Về đào tạo, bồi dưỡng Hoạt động phê bình báo chí hiện nay đã đến lúc cần phải được hệ thống hoá thành những vấn đề lý thuyết khái quát để trước mắt hình thành nội dung Chuyên đề Phê bình báo chí, tiến tới định hình môn học Phê bình báo chí có mặt trong khung chương trình đào tạo và bồi dưỡng báo chí . Người học nghề báo chí cần sớm được trang bị những tri thức cơ bản về cấu trúc lý thuyết của Bộ môn Phê bình báo chí như: vai trò, vị trí, chức năng, các nguyên tắc và cách thức phê bình báo chí hiện đại...Cần có cơ chế đan xen hợp lý giữa thông tin lý luận về phê bình báo chí với thực hành phê bình những hiện tượng báo chí cụ thể. Những tác gia, tác phẩm, trào lưu, xu hướng báo chíđương đại hoặc quá khứ “có vấn đề” sẽ trở thành đối tượng “giải phẫu” của hoạt động thực hành phê bình báo chí sinh động .Những hành trang tri thức lý luận và thực tiễn phê bình báo chí như vậy sẽ sớm định hình ở các nhà báo những kỹ năng cơ bản về phê bình báo chí chuyên nghiệp. Ở các ấn phẩm báo chí do chính các cơ sở đào tạo sáng lập để rèn nghề như Báo chí trẻ, Sóng trẻ...(Học viện Báo chí - Tuyên truyền) cũng cần có chuyên mục phê bình báo chí để người học chủ động trau dồi tri thức lý luận và thực tiễn về lĩnh vực học thuật thiết yếu này. Các cơ sở đào tạo và các cơ quan báo chí cũng cần tuyển chọn các bài viết trao đổi và phê bình báo chí có chất lượng tốt để phát hành rộng rãi như một nguồn tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Để thúc đẩy sự phát triển của phê bình báo chí và từng bước hiện thực hóa phê bình báo chí trở thành một phạm vi học thuật quan trọng sẽ còn cần phải có thêm những nỗ lực mới nhằm đào sâu hơn nữa vào nhiều khía cạnh khác nhau của phê bình báo chí trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Những chấm phá ban đầu của bài viết này hy vọng có thêm sự chia sẻ và hợp lực của các nhà quản lý báo chí, các bạn đồng nghiệp và tất cả những ai quan tâm tới phê bình báo chí – một mắt xích quan trọng của văn hóa truyền thông.