Thư viện công cộng và công tác phục vụ người nghèo

Điểm qua vài nét về người nghèo trên thế giới và ở Việt Nam. Sơ lược về một số nhu cầu thông tin cơ bản của người nghèo. Liệu thư viện công cộng có phải là kênh thông tin hợp lý cho người nghèo khi mà họ còn gặp phải quá nhiều rào cản trong việc tiếp cận? Một số khuyến nghị nhỏ để các thư viện công cộng có thể làm tốt hơn nữa công tác phục vụ đối tượng đặc thù này!

pdf6 trang | Chia sẻ: candy98 | Lượt xem: 490 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thư viện công cộng và công tác phục vụ người nghèo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THƯ VIỆN CÔNG CỘNG VÀ CÔNG TÁC PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO Ngô Thị Hồng Điệp Tóm tắt: Điểm qua vài nét về người nghèo trên thế giới và ở Việt Nam. Sơ lược về một số nhu cầu thông tin cơ bản của người nghèo. Liệu thư viện công cộng có phải là kênh thông tin hợp lý cho người nghèo khi mà họ còn gặp phải quá nhiều rào cản trong việc tiếp cận? Một số khuyến nghị nhỏ để các thư viện công cộng có thể làm tốt hơn nữa công tác phục vụ đối tượng đặc thù này! 1. NGƯỜI NGHÈO – HỌ LÀ AI? Theo World Bank, người nghèo là người có mức thu nhập dưới 1.9USD/ngày. Theo Hội Thư viện Mỹ (2017), người nghèo “chịu ảnh hưởng bởi một loạt những hạn chế bao gồm thất học, bệnh tật, bị tách biệt về mặt xã hội, vô gia cư, chịu cảnh đói khát, bị kỳ thị đối xử” Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của World Bank, người nghèo chiếm tỷ lệ 3.23% (2012) và 3.06% (2014). Theo số liệu thống kê của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB (tháng 4/2017), ở Việt Nam, có 7% tổng dân số sống dưới ngưỡng nghèo quốc gia. Theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, chuẩn nghèo đa chiều Việt Nam được xây dựng dựa trên một số tiêu chí cụ thể, trong đó bao gồm “hộ nghèo là hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng thuê bao điện thoại và internet, gia đình không có tài sản nào trong số các tài sản sau: tivi, đài, máy vi tính; không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã/thôn”. Như vậy, có thể thấy rõ rằng người nghèo có mức sống rất thấp, gặp rất nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội tiếp cận thông tin và các dịch vụ viễn thông. Nghiên cứu của nhiều nước cho thấy lợi ích thực sự của tăng trưởng kinh tế ít đến được với nhóm người chịu thiệt thòi này. 2. NHU CẦU THÔNG TIN CỦA NGƯỜI NGHÈO Người nghèo luôn ở trong tình trạng “nghèo thông tin”. Với cuộc sống đầy bươn chải, luôn trong tình trạng thiếu thốn về mọi mặt, những thông tin mà người nghèo cần luôn gắn liền với nhu cầu sống cơ bản của họ, cụ thể là: - Thông tin về các chương trình/chính sách xóa đói, giảm nghèo của nhà nước và địa phương;  Thạc sĩ, Thư viện Đại học RMIT chi nhánh Hà Nội - Thông tin liên quan đến các cơ hội việc làm, giáo dục, y tế, hỗ trợ và tư vấn pháp lý; phúc lợi xã hội; - Thông tin phục vụ cho sự phát triển năng lực của bản thân. 3. THƯ VIỆN CÔNG CỘNG LÀ THIẾT CHẾ PHÙ HỢP NHẤT VÀ QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Khi đề cập đến thư viện công cộng như một “thiết chế dân chủ” không có nghĩa là chúng ta đặt “người nghèo” bên cạnh “người giàu”; điều mà chúng ta muốn nói đến là sự bình đẳng của mọi người trong việc tiếp cận và sử dụng thư viện công cộng. Nội dung này đã được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực thư viện, cụ thể là: - Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện quy định rõ “Thư viện công cộng là thư viện có vốn tài liệu tổng hợp thuộc mọi ngành, lĩnh vực khoa hoc, phục vụ rộng rãi mọi đối tượng bạn đọc”. - Hội Thư viện Mỹ (2017) nêu rõ: “Hội Thư viện Mỹ khuyến khích sự bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của tất cả mọi người và thừa nhận nhu cầu cấp bách cần đáp ứng của số lượng ngày càng gia tăng của trẻ em, người trưởng thành và các hộ gia đình thuộc diện nghèo trên đất nước Mỹ”. Trong cuộc chiến chống đói nghèo, tri thức là một vũ khí quan trọng. Vốn tài liệu phong phú, đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực nội dung của thư viện công cộng sẽ cung cấp cho mọi người những thông tin hữu ích và cũng là yếu tố thiết yếu mang đến sự tiếp cận bình đẳng cho mọi đối tượng sử dụng thư viện, trong đó có người nghèo. 4. NHỮNG RÀO CẢN TRONG VIỆC SỬ DỤNG CÁC DỊCH VỤ THƯ VIỆN CÔNG CỘNG CỦA NGƯỜI NGHÈO Từ phía người nghèo Việc thiếu thông tin có thể coi là rào cản đầu tiên và cơ bản đối với người nghèo. Người nghèo dành hầu như toàn bộ quỹ thời gian của mình vật lộn với công cuộc mưu sinh, đời sống vật chất và tinh thần đều được duy trì ở mức thấp hơn so với các đối tượng khác trong xã hội. Do đó, kỳ vọng vào việc người nghèo (mà rất nhiều trong số họ có trình độ văn hóa thấp) nắm bắt được những thông tin không trực tiếp liên quan đến những nhu cầu cơ bản của người nghèo là một thách thức không nhỏ trong công tác truyền thông của mọi đơn vị mà các thư viện công cộng cũng không là một ngoại lệ. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, người nghèo rất khó nắm bắt được những thông tin về những quyền cơ bản của con người. Và thậm chí, ngay cả khi những thông tin đó có thể tiếp cận được thì người nghèo cũng thiếu đi những kỹ năng cần thiết để có thể khai thác và tận dụng được các lợi ích của chúng. Ngoài ra, sự dịch chuyển rất nhiều của người nghèo vì công cuộc mưu sinh, sự thiếu hụt thời gian cũng là rào cản rất lớn để họ có thể tiếp cận và sử dụng các thư viện công cộng như các nhóm đối tượng khác trong xã hội. Từ phía các thư viện công cộng Có thể điểm qua một số yếu tố thường gặp có thể được xem là rào cản với người nghèo: địa điểm thư viện (nhiều khi không phù hợp), thời gian mở cửa phục vụ của thư viện (chưa linh hoạt), mức phí trong thư viện (còn cao), sự phù hợp, tương thích của vốn tài liệu với hoàn cảnh và nhu cầu của người nghèo, sự chuyên nghiệp của nhân viên thư viện trong việc phục vụ đối tượng đặc biệt này Ngoài ra, theo Gieskes (2009), các thư viện công cộng chưa có được một bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết về công tác phục vụ đối tượng đặc biệt này. Đây là cơ sở quan trọng để các thư viện có được định hướng đúng đắn trong việc phục vụ người nghèo. Theo một nghiên cứu khảo sát của Hội Thư viện Mỹ, nhiều cán bộ thư viện công cộng cho biết họ hoàn toàn không biết quy định liên quan đến các dịch vụ phục vụ người nghèo của thư viện mình. Nhiều người trong số họ chia sẻ: thư viện nơi họ làm định nghĩa người nghèo là những người sử dụng máy tính công cộng, là những người không tham gia các chương trình học tập tại bậc cao đẳng, đại học, là những người thường xuyên gây phiền toái, v.v Như vậy, bản thân những người làm công tác thư viện công cộng cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề đói nghèo và giải quyết đói nghèo – điều đó phải chăng thể hiện sự chưa sẵn sàng và thiếu đi những nỗ lực cần thiết của các thư viện công cộng trong việc hỗ trợ người nghèo được tiếp cận gần hơn với các dịch vụ và vốn tài liệu của thư viện? 5. VẬY, THƯ VIỆN CÔNG CỘNG CẦN LÀM GÌ ĐỂ CÓ THỂ PHỤC VỤ TỐT CHO NGƯỜI NGHÈO? Những bạn đọc mà cán bộ thư viện công cộng thường xuyên gặp nhất, những người mà thường chọn cách làm việc với cán bộ thư viện nhất (để tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề của mình) lại là cộng đồng không bao gồm người nghèo. Rất khó để có thể nhìn thấy những gương mặt đại diện cho nhóm người nghèo trong các cuộc họp liên quan đến việc xây dựng các chính sách, kế hoạch quan trọng của thư viện. Đơn giản là vì người nghèo – họ quá bận rộn với công cuộc mưu sinh và luôn mang tâm lý yếm thế “chắc gì những gì mình nói sẽ được lắng nghe???” Sanford Berman (2001) đã có một cách lý giải khác cho vấn đề này khi viết “Sự thật đơn giản là người nghèo không muốn sử dụng các nguồn lực và thông tin của thư viện như cách những người có thu nhập đầy đủ vẫn làm. Nguyên nhân cơ bản là: sự đói nghèo và hệ thống kinh tế xã hội cho phép điều được diễn ra điều đó”. Như ở trên đã nói: thư viện công cộng là thiết chế dân chủ, tạo ra sự bình đẳng cho mọi đối tượng trong việc tiếp cận vốn tài liệu và dịch vụ thư viện. Và trong cuộc chiến chống đói nghèo – thông tin và tri thức chính là thứ vũ khí quan trọng giúp người nghèo vượt lên nghịch cảnh và vượt lên chính bản thân mình. Vậy, thư viện công cộng cần làm gì để người nghèo có thể tiếp nhận những vũ khí đó một cách hiệu quả nhất? Đầu tiên, các thư viện cần sớm có tài liệu hướng dẫn công tác phục vụ người nghèo. Điều này là rất cần thiết bởi hiện tại, rất nhiều thư viện công cộng trên thế giới vẫn đang lúng túng với câu hỏi “Làm thế nào để chúng tôi có thể phục vụ được người nghèo”? Theo Glen (2006), câu hỏi chuẩn xác hơn và cũng phức tạp hơn mà các thư viện cần trả lời là: “Thư viện của chúng tôi cần xây dựng và gắn các dịch vụ của mình vào đời sống của người nghèo như thế nào để họ có thể được hưởng lợi từ những gì mà chúng tôi có thể làm được?” Sự khác biệt không chỉ nằm trong câu chữ. Câu hỏi thứ nhất chịu ảnh hưởng của tư duy thụ động theo hướng “cung-cầu” dịch vụ thư viện, kiểu: nếu chúng ta cho người nghèo cái này, cái kia thì người nghèo sẽ đến thư viện! Câu hỏi thứ hai mang tính tương tác nhiều hơn, thể hiện được một quá trình (tìm ra cái cần làm) và kết quả của quá trình đó (người nghèo sẽ được thụ hưởng lợi ích gì?). Thư viện cần đa dạng hóa các hoạt động của mình, cụ thể là: - Phát triển hơn nữa các hoạt động tiếp cận cộng đồng. Mọi người đều rất quen thuộc với các buổi trưng bày, giới thiệu sách, các cuộc thi, các buổi nói chuyện, toạ đàm do thư viện công cộng tổ chức. Đây được xem là cách quảng bá cho thư viện và cũng là cách tiếp cận cộng đồng khá hiệu quả trong các thư viện công cộng. Gần đây, sự kiện hackathon do Thư viện thành phố Toronto phối hợp tổ chức đã thu thập được rất nhiều những sáng kiến, đề xuất của cộng đồng liên quan đến việc chống đói nghèo. Tiếp cận cộng đồng thành công sẽ giúp cho các thư viện công cộng nhận thức tốt hơn về nhu cầu của người dùng, từ đó có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời trong hoạt động phục vụ bạn đọc. - Tăng cường các dịch vụ thư viện lưu động. Đây được xem là dịch vụ thư viện linh hoạt nhất, phù hợp nhất với người nghèo ở mọi quốc gia. - Tổ chức các hoạt động tập huấn dành cho người nghèo, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên nghèo – không chỉ cung cấp cho họ các kiến thức mà còn các kỹ năng tìm kiếm và đánh giá thông tin. Các lớp tập huấn liên quan đến kiến thức tin học căn bản là một hoạt động có ý nghĩa với hoạt động xoá đói giảm nghèo vì rào cản về công nghệ tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin. Việc tiếp cận với Internet không chỉ giúp người nghèo được tiếp cận thông tin trực tuyến một cách đơn thuần mà rộng hơn, là giúp người nghèo có được sự kết nối trực tuyến với tất cả! Theo Beyond Access (2014), một nghiên cứu gần đây về các thư viện công cộng cho thấy: đối tượng sử dụng thư viện công cộng thừa nhận sự tác động mang tính tích cực của Internet đến cuộc sống của họ trong các nội dung về y tế, giáo dục, tiết kiệm thời gian, thu nhập... Các kỹ năng được cung cấp trong các lớp tập huấn còn giúp người nghèo từng bước được tham gia vào hoạt động học tập suốt đời. - Cần phối hợp với các tổ chức cộng đồng khác trong việc cung cấp thông tin một cách chủ động cho người nghèo. Các thư viện có thể tạo các blog để chia sẻ, cập nhật thông tin về các hoạt động sắp tới của thư viện dành cho người nghèo và/hoặc cập nhật những chính sách liên quan trực tiếp đến người nghèo, những hoạt động xoá đói giảm nghèo do các cơ quan địa phương tổ chức. - Cần tập huấn cho cán bộ trong việc phục vụ người nghèo, đặc biệt là trong phương thức giao tiếp và đánh giá nhu cầu của người nghèo. Cán bộ thư viện công cộng thường chỉ tập trung nhiều vào việc thu thập các số liệu thống kê việc sử dụng vốn tài liệu thư viện, các bảng khảo sát, trưng cầu ý kiến người sử dụng, các số liệu thống kê mang tính định lượng, các bản đóng góp ý kiến từ phía người sử dụng thư viện rồi tổng hợp, xử lý các số liệu này. Và như vậy, theo Gehner (2010), những cán bộ thư viện đã tỏ ra là mình quá độc lập trong việc xác định nhu cầu của người khác! Khi làm việc với người nghèo, hầu hết cán bộ thư viện công cộng đều chỉ chú tâm đến chữ “nghèo” của người nghèo, từ đó dẫn đến việc xây dựng các quyết sách chỉ căn cứ chủ yếu dựa trên nhu cầu - điều đó “chỉ đảm bảo được sự tồn tại mà không dẫn đến sự đổi thay hoặc phát triển đáng kể của cộng đồng”. Gehner đề xuất một cách tiếp cận người nghèo hiệu quả hơn và cũng nhân văn hơn: tìm hiểu năng lực của chính những người nghèo đó, hiểu được kỹ năng riêng, trải nghiệm bản thân riêng, tầm nhìn và suy nghĩ riêng của họ, tạo cơ hội để họ được chia sẻ, được lắng nghe Nếu mọi cán bộ thư viện công cộng đều có cùng suy nghĩ: làm việc VÌ người nghèo (chứ không phải là làm việc CHO người nghèo) thì mọi hoạt động của thư viện sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cho nhóm đối tượng đặc biệt này! KẾT LUẬN Cuộc chiến chống đói nghèo vẫn đang ở những bước đầu tiên! Các thư viện công cộng nên đầu tư hơn nữa cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng cả về chiều rộng và chiều sâu. Nếu thư viện công cộng làm tốt việc trang bị các kỹ năng thông tin cho người nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo được tiếp cận với thông tin và nhận thức được quyền được tiếp cận thông tin của họ, thu hẹp dần khoảng cách công nghệ trong xã hội thì chắc chắn, tư duy của người nghèo sẽ ít nhiều được thay đổi! Nguyên nhân sâu xa của đói nghèo đâu đó có bóng dáng của một tư duy cũ. Sự tài trợ cho các nhu cầu căn bản cho ngày hôm nay mà thiếu đi sự cung cấp các kỹ năng cần thiết để dẫn đến sự thay đổi trong tư duy thì chắc chắn, người nghèo sẽ vẫn chỉ là người nghèo trong ngày mai với những nhu cầu căn bản tương tự. Và các thư viện công cộng đã đủ tự tin, sẵn sàng thay đổi tư duy của chính mình về vai trò của họ trong cuộc chiến chống đói nghèo chưa? Muốn giúp người nghèo, phải thực-sự-biết họ cần gì! TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. American Library Association, 2017, ‘Extending Our Reach: Reducing Homelessness Through Library Engagement’, American Library Association, < ala/offices/extending-our-reach-reducing-homelessness- through-library-engagement-7> 2. Asian Development Bank 2017, ‘Poverty in Vietnam’, Asian Development Bank, 3. Berman, S 2001, ‘A long struggle to force libraries to serve the poor’, Street Spirit, January, pp12-13. 4. Beyond Access, 2012, ‘Internet access and public libraries: an investment in digital inclusion and twenty first century skills’, Beyond Access, < resources/internet-access-and-public-libraries-an-investment-in-digital-inclusion- and-twenty-first-century-skills/> 5. Đặng Nguyên Anh 2015, Nghèo đa chiều ở Việt Nam, một số vấn đề chính sách và thực tiễn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, < tintuc/Lists/KhoaHocCongNghe/View_Detail.aspx?ItemID=21> 6. Gehner, J 2010, ‘Libraries, low income people and social exclusion’, Public Library Quarterly, 29(1), pp39-37. 7. Holt, GE 2006, ‘Fitting library services into the lives of the poor’, The Botttom Line, 19(4), pp179-186 8. Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện. 9. Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. 10. The World Bank, 2017, ‘Poverty’, The World Bank, 11. The World Bank data, 2017, ‘Poverty in Vietnam’, The World Bank, < bank.org/topic/poverty?locations=VN>