Bất kỳ hoạt động có tổ chức của con người cũng đều phải tiến hành dựa trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động mang tính chấp hành và điều hành, tính tổ chức thực tiễn là chủ yếu, nên nguyên tắc trong quản lý hành chính nhà nước chính là tư tưởng, là nền tảng cho tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính, giúp cho chủ thể này có thể thức hiện có hiệu quả chức năng của mình, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Một trong những nguyên tắc chủ đạo trong quản lý hành chính nhà nước phải kể đến là nguyên tắc tập trung - dân chủ. Vậy thế nào là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước? Đây chính là vấn đề mà bài viết này sẽ làm sáng tỏ.
8 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1609 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài học kỳ Luật hành chính - Nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A – Lời mở đầu
Bất kỳ hoạt động có tổ chức của con người cũng đều phải tiến hành dựa trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động mang tính chấp hành và điều hành, tính tổ chức thực tiễn là chủ yếu, nên nguyên tắc trong quản lý hành chính nhà nước chính là tư tưởng, là nền tảng cho tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính, giúp cho chủ thể này có thể thức hiện có hiệu quả chức năng của mình, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Một trong những nguyên tắc chủ đạo trong quản lý hành chính nhà nước phải kể đến là nguyên tắc tập trung - dân chủ. Vậy thế nào là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước? Đây chính là vấn đề mà bài viết này sẽ làm sáng tỏ.
B – Nội dung
1. Nguyên tắc tập trung - dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước.
1.1. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước.
Tập trung - dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, và hoạt động quản lý hành chính nhà nước cũng được tổ chức thực hiện trên cơ sở tuân thủ nội dung của nguyên tắc này. Đây là nguyên tắc mang tính chỉ đạo cao, được qui định tại Điều 6 Hiến pháp 1992 (sửa đổi và bổ sung năm 2001): “Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.” Theo như qui định này thì các cơ quan quyền lực nhà nước và các cơ quan khác của nhà nước (chính phủ, UBND các cấp …) đều phải lấy nguyên tắc tập trung - dân chủ làm tiền đề cho việc tổ chức và hoạt động của mình. Nguyên tắc này cũng chính là cơ sở pháp lý chỉ đạo hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
1.2 Nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước
Nguyên tắc tập trung - dân chủ bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ. Nếu chỉ thiên về tập trung mà không chú trọng đến dân chủ sẽ dẫn tới hiện tượng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, … trái với bản chất của nhà nước ta. Ngược lại nếu coi trọng dân chủ quá sẽ dẫn tới hiện tượng dân chủ quá trớn, lạm dụng dân chủ ảnh hưởng đến hoạt động của nhà nước. Tập trung và dân chủ là hai mặt của một vấn đề, có sự thống nhất và kết hợp hài hòa với nhau.
Tập trung là một thuộc tính quản lý quan trọng của bất cứ nhà nước nào, nhưng không phải là sự tập trung toàn diện và tuyệt đối, mà chỉ đối với những vấn đề cơ bản, chính yếu nhất, bản chất nhất. Trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta, tập trung nhằm đảm bảo thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lý để điều hành, chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật một cách thống nhất. Trong khi đó, dân chủ hướng tới việc mở rộng quyền cho đối tượng quản lý nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lý, phát huy khả năng tiềm tàng của đối tượng quản lý trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật. Trong quản lý hành chính nhà nước cũng như trong các hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước khác cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa hai yếu tố này nhằm đảm bảo cho việc “ thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước, nó mang các đặc điểm chung của các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước như:
- Có giá trị pháp lý cao: được qui đinh trong các văn bản pháp luật của nhà nước: Điều 6 Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001).
- Tính khách quan: do được xây dựng và đúc rút từ các quy luật của đời sống xã hội và thực tiễn quản lý.
- Tính ổn định tương đối: do chịu sự tác động của các quy luật.
- Được ghi nhận qua nhận thức chủ quan của con người.
- Tính thống nhất: có mối quan hệ hữu cơ với các nguyên tăc quản lý hành chính khác, tạo thành hệ thống thống nhất.
1.3 Biểu hiện của nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước
1.3.1 Sự phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.
Ðiều 6 Hiến pháp 1992 quy định : “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.”
Đây chính là sự ghi nhận tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực ấy thông qua một hệ thống cơ quan mà họ bầu ra để thay mặt họ trực tiếp thực hiện quyền lực ấy. Sự phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước, về căn bản chính là sự phụ thuộc vào nhân dân. Ðây cũng chính là việc thực hiện “dân là gốc” trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Sự phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước với cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp biểu hiện ở các điểm sau:
+ Các cơ quan quyền lực nhà nước có những quyền hạn nhất định trong việc thành lập, thay đổi, bãi bỏ các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp. + Trong hoạt động, các cơ quan hành chính nhà nước luôn chịu sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình với cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.
Bên cạnh đó yếu tố dân chủ cũng được thể hiện rõ nét trong việc cơ quan quyền lực nhà nước:
+ Trao quyền chủ động, sáng tạo cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật khác của cơ quan quyền lực nhà nước.
+ Không tham can thiệp vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
1.3.2 Sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, của địa phương đối với trung ương.
Sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, của địa phương đối với trung ương được biểu hiện ở hai phương diện tổ chức và hoạt động.Tất cả các yêu cầu, mệnh lệnh hợp pháp, trên cơ sở những quy định của pháp luật do cấp trên và trung ương đưa ra, cấp dưới và địa phương có nghĩa vụ phải thực hiện.
Trung ương cũng phải tôn trọng ý kiến của cấp dưới, địa phương về công tác tổ chức, hoạt động và về các vấn đề khác của quản lý hành chính nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để cấp dưới, địa phương phát huy sự chủ động, sáng tạo nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhằm chủ động thực hiện được “thẩm quyền cấp mình”.
1.3.3 Sự phân cấp quản lý.
Sự phân cấp quản lý là sự phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Quyền lực nhà nước không phải được ban phát từ cấp trên xuống cấp dưới. Sự phân quyền cho từng cấp là cần thiết nhưng phải đồng thời được kết hợp với việc xác định vai trò của từng cấp hành chính: trung ương, tỉnh, huyện, xã…. Mỗi cấp quản lý có những mục tiêu, nhiệm vụ, thẩm quyền và những phương thức cần thiết để thực hiện một cách tốt nhất những mục tiêu, nhiệm vụ của cấp mình.Phân cấp quản lý chính là một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, việc phân cấp phải đảm bảo những yêu cầu sau:
+ Phải xác định quyền quyết định của trung ương đối với những lĩnh vực then chốt, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược để đảm bảo sự phát triển cân đối hài hòa của toàn xã hội, bảo đảm sự quản lý tập trung và thống nhất của nhà nước trong phạm vi toàn quốc.
+ Phải mạnh dạn phân quyền cho địa phương, các đơn vị cơ sở để phát huy tính chủ động sáng tạo trong quản lý, tích cực phát huy sức người, sức của, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống nhằm hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
+ Phải phân cấp quản lý có sự cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng, phải cụ thể, hợp lý trên cơ sở quy định của pháp luật. Phải xác định chức năng của mỗi cơ quan để phân cấp quản lý cho phù hợp, mỗi loại việc chỉ có thể được thực hiện bởi một cấp cơ quan hoặc một vài cấp cơ quan. Có những chức năng được thực hiện ở cấp dưới lại có hiệu quả hơn cấp trên, hoặc có những chức năng tất yếu phải được thực hiện ở cấp cơ sở. Hạn chế tình trạng cấp trên gom quá nhiều việc, khi không làm xuể công việc ấy thì giao lại cho cấp dưới.
1.3.4 Sự hướng về cơ sở
Hướng về cơ sở là việc các cơ quan hành chính nhà nước mở rộng dân chủ trên cơ sở quản lý tập trung đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống các đơn vị kinh tế, văn hóa xã hội trực thuộc. Các đơn vị cơ sở của bộ máy hành chính nhà nước là nơi tạo ra của cải vật chất trực tiếp phục vụ đời sống nhân dân. Vì thế nhà nước cần có các chính sách và biện pháp quản lý thống nhất và chặt chẽ tổ chức và hoạt động của hệ thống các đơn vị cơ sở; cung cấp và giúp đỡ về vật chất nhằm tạo điều kiện để đơn vị cơ sở hoạt động có hiệu quả. Có như vậy hoạt động của các đơn vị này mới phát triển một cách mạnh mẽ theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
1.3.5 Sự phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Sự phụ thuộc này cũng được thể hiện ở cả hai mặt tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và được pháp luật quy định chặt chẽ.
Ðối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung một mặt phụ thuộc vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, mặt khác phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Ví dụ: UBND Tỉnh A một mặt chịu sự chỉ đạo của HÐND Tỉnh A theo chiều ngang, một mặt chịu sự chỉ đạo của Chính phủ theo chiều dọc.
Ðối với cơ quan chuyên môn, một mặt phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cùng cấp, mặt khác nó phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cấp trên trực tiếp.Ví dụ: Sở Tư pháp Tỉnh B, một mặt phụ thuộc vào UBND Tỉnh B, mặt khác phụ thuộc vào Bộ Tư pháp.
2. Ý nghĩa của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong hệ thống các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước. Nó bao trùm, chi phối toàn bộ các mặt hoạt động cơ bản của quản lý hành chính nhà nước, đồng thời là cơ sở để hình thành, xây dựng và tổ chức thực hiện những nguyên tắc khác trong quản lý hành chính nhà nước.
Nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện đậm nét quan điểm chính trị, bản chất giai cấp của nhà nước, làm cơ sở cho việc tổ chức hoạt động quản lý của các cơ quan quan lý hành chính nhà nước.
Nguyên tắc này đảm bảo cho hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân lao động. Đảm bảo tập trung quyền lực vào hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước – cơ quan đại diện cho nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Tập trung - dân chủ đảm bảo cho cấp trên và trung ương tập trung quyền lực để chỉ đạo, giám sát hoạt động của cấp dưới, địa phương; phát huy tính năng động sáng tạo cho các cấp, ngành địa phương trong mọi lĩnh vực hoạt động; đồng thời khắc phục tình trạng quan liêu, áp đặt ý chí, làm mất đi tính chủ động sáng tạo của địa phương, cấp dưới.
Nguyên tắc tập trung dân chủ đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích chung của cả nước với lợi ích cua địa phương, giữa lợi ích ngành với lợi ích vùng, lãnh thổ.
C – Kết luận
Qua phân tích nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước ta hiểu sâu hơn về nội dung của nguyên tắc đồng thời nắm bắt được vai trò, ý nghĩa của nó trong hoạt động quản lý hành chính ở nước ta hiện nay. Việc tiến hành hoạt động quản lí hành chính nhà nước cần phải dựa trên rất nhiều các nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau, trong đó có những nguyên tắc chủ chốt, cơ bản của quản lý hành chính nhà nước. Là một trong các nguyên tắc cơ bản ấy, nguyên tắc tập trung dân chủ góp phần hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ các hoạt động cơ bản của quản lý hành chính nhà nước.