Đề bài: Đề số 2:
A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Để việc chiếm đoạt thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một cửa hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa.
Một hôm, A và B đem khẩu súng này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi hóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy. A rút súng ra dọa: “ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy chiếc xe máy mang đi. C và D không có phản ứng gì. A, B đem xe máy bán cho người quen là E được 8000.000 đồng và ăn tiêu hết .
Hỏi: 1. Hành vi của A và B cấu thành tội gì?Tại sao?
2. Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A, B được giải quyết thế nào? Tại sao?
3. E có phạm tội không? Tại sao?
9 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1541 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kì hình sự 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Đề số 2:
A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Để việc chiếm đoạt thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một cửa hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa.
Một hôm, A và B đem khẩu súng này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi hóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy. A rút súng ra dọa: “ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy chiếc xe máy mang đi. C và D không có phản ứng gì. A, B đem xe máy bán cho người quen là E được 8000.000 đồng và ăn tiêu hết .
Hỏi: 1. Hành vi của A và B cấu thành tội gì?Tại sao?
2. Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A, B được giải quyết thế nào? Tại sao?
3. E có phạm tội không? Tại sao?
BÀI LÀM
1. Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao?
Trước tiên , ta khẳng định hành vi của A và B đã thực hiện là hành vi phạm tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS)
Sở dĩ ta khẳng định tội danh mà A và B thực hiện là tội cướp tài sản là bởi vì hành vi mà A và B thực hiện đã đủ dấu hiệu cấu thành tội danh này:
Theo quy định tại Điều 133 BLHS thì: “ Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm…”. Từ đó, tội phạm này có những dấu hiệu cấu thành sau:
Khách thể của tội phạm: Hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ . Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu.Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết đến thân thể , đến tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu. Chính vì vậy cả hai quan hệ xã hội này đều được coi là khách thể trực tiếp của tội cướp tài sản.
Xét vào tình huống trên ta thấy:Hành vi phạm tội của A và B đã xâm hại trực tiếp đến tính mạng và tài sản của C và D: “ A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác . Để việc chiếm đoạt thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng . Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một cửa hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa. Một hôm, A và B đem khẩu súng này ra bờ sông . Bọn chúng gặp C và D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy . A rút súng ra dọa “ ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy xe máy mang đi C và D không có phản ứng gì” . Theo như tình huống thì A và B có ý định sử dụng súng thật để thực hiện hành vi cướp tài sản chứ không phải là súng giả. Việc sử dụng súng giả để đe dọa C và D là bất đắc dĩ vì không mua được súng thật. Với hành vi “ rút súng ra dọa: ngồi im không tao bắn chết” và lấy chiếc xe máy của C và D mang đi thì hành vi của A và B đã xâm phạm trực tiếp tới tính mạng của C và D đồng thời xâm phạm đến tài sản đang thuộc sở hữu của C và D là chiếc xe máy.
Mặt khách quan của tội phạm:Theo quy định tại Điều 133 BLHS thì có ba dạng hành vi khách quan được coi là hành vi phạm tội của tội cướp tài sản: Hành vi dùng vũ lực: là hành vi dùng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động vào người khác nhằm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự của người này chống lại việc chiếm đoạt. Hành vi dùng vũ lực phải nhằm vào con người.
Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: người phạm tội bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ( hoặc cả hai) dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự lại việc chiếm đoạt. Tính chất của sự đe dọa , theo quy định của Điều luật phải là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Dấu hiệu “ngay tức khắc” vừa dùng để chỉ sự nhanh chóng về mặt thời gian và vừa dùng để chỉ sự mãnh liệt của hành vi đe dọa. Dấu hiệu này chỉ đòi hỏi người phạm tội đã có hành vi,cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc mà không đòi hỏi họ phải thực sự có ý định sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng như phải có đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc.
Hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được: là hành vi có khả năng làm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự kháng cự.
Theo như tình huống trên, hành vi mà A và B thực hiện thuộc loại hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Khi gặp C và D đang ngồi bên cạnh chiếc xe máy ở bờ sông thì A đã rút súng ra dọa “ ngồi im không tao bắn chết”.Như vậy A đã dùng lời nói “ngồi im không tao bắn chết” và cử chỉ “ rút súng ra” để dọa C và D nếu chống cự lại hành vi “lấy chiếc xe máy mang đi” của B. Lời nói “ ngồi im không tao bắn chết” của A thể hiện dấu hiệu ngay tức khắc của sự đe dọa vì: chỉ cần C và D có bất kì một hành vi nào thôi là A sẽ bắn ngay( sự nhanh chóng về mặt thời gian); ngoài ra trong lời đe dọa của A còn thể hiện sự mãnh liệt “ tao bắn chết” khiến cho C và D ngồi im mặc cho B lấy xe máy mang đi.
Mặc dù có những lời nói và cử chỉ đe dọa nhưng thực chất A và B không đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc đối với C và D bởi vì súng mà A và B sử dụng để thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc của mình là súng giả. Nếu như, C và D không làm theo lời A mà chống trả lại thì A và B cũng không thể bắn chết C và D theo như lời đe dọa “ ngồi im không tao bắn chết được”
Tuy nhiên, hành vi của A và B đã đủ dấu hiệu của hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc vì chỉ cần A và B có thái độ và cử chỉ thể hiện ra bên ngoài: rút súng ra và dọa ngồi im không tao bắn chết chứ không đòi hỏi A và B phải có đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc.
Chủ thể của tội phạm: Vì tình huống không cho là A và B thực hiện hành vi khi bao nhiêu tuổi và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự không? Nhưng theo như những phân tích trong tình huống thì ta thấy:Liệu một người dưới 16 tuổi lại có thể thực hiện hành vi : tìm mua súng và sử dụng súng để tiến hành cướp tài sản hay không? Một người không có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể thực hiện những hành vi đó hay không? Vì vậy, tuy đề bài không cho nhưng ta vẫn coi như A và B đã đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp . Khi thực hiện hành vi phạm tội : dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc ; làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể kháng cự được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Theo như tình huống trên thì A và B đã thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: rút súng ra và dọa “ngồi im không tao bắn chết” nhằm chiếm đoạt chiếc xe máy của C và D. Như vậy lỗi của A và B là lỗi cố ý trực tiếp, A và B biết mình thực hiện hành vi đó và mong muốn hành vi đó sẽ làm C và D ngồi im không chống cự để mình có thể lấy được chiếc xe máy.
Từ những phân tích ở trên, ta khẳng định một lần nữa hành vi của A và B cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS.
2. Trường hợp C và D biết là súng giả , chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A và B được giải quyết như thế nào? Tại sao?
Theo như phân tích ở trên thì hành vi của A và B đã cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS, mà tội cướp tài sản là tội có cấu thành hình thức: chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi cướp tài sản là tội đã hoàn thành chứ không bắt buộc phải có hậu quả là lấy được tài sản. Chính vì vậy, cho dù C và D biết đó là súng giả, chống cự lại , A và B không lấy được tài sản thì hành vi của A cũng đã cấu thành tội cướp tài sản và tội đã hoàn thành ngay từ khi A thực hiện hành vi :rút súng ra và dọa ngồi im không tao bắn chết.
Vấn đề ở đây là cần xác định trách nhiệm hình sự mà A và B phải chịu khi thực hiện tội phạm trong tình huống này:theo như đề bài thì A và B sử dụng súng giả để thực hiện hành vi phạm tội của mình vậy hành vi của A và B có thuộc điểm d khoản 2- Điều 133 BLHS hay không?
Theo như Nghị quyết số 02/2003/NQ- HĐTP của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao (17/4/2003) về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì:
- "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ): a) Vũ khí quân dụng gồm: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thành; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng - an ninh. b) Vũ khí thể thao gồm: các loại súng trường, súng ngắn thể thao chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên. c) Súng săn gồm: Các loại súng săn một nòng, nhiều nòng các cỡ, tự động hoặc không tự động, súng hơi các cỡ, súng kíp, súng hoả mai, súng tự chế và các loại đạn, vỏ đạn, hạt nổ, thuốc đạn dùng cho các loại súng kể trên. d) Vũ khí thô sơ gồm: Dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ quy định.
- "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
- "Thủ đoạn nguy hiểm" 1à thủ đoạn đã được hướng dẫn tại điểm 5.1 mục 5 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/ 12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999: là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản...
Từ những hướng dẫn trên, ta khẳng định hành vi sử dụng súng giả của A để đe dọa C và D : “ngồi im không tao bắn chết” để cướp chiếc xe máy của C và D không thuộc điểm d“ Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” (khoản 2 Điều 133 BLHS) mà hành vi đó chỉ thuộc khoản 1 của Điều luật này.
Vì vậy, A và B phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 133 BLHS “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Mặc dù hành vi sử dụng súng giả của A và B bị C và D phát hiện và chống cự lại khiến A và B không lấy được chiếc xe máy thì A và B vẫn phải chịu trách nhiệm đối với tội phạm đã hoàn thành.
3. E có phạm tội không? Vì sao?
Khi A và B lấy được chiếc xe của C và D và đem bán cho người quen là E . Để xác định E có phạm tội không thì ta cần chia làm hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: E biết A và B thực hiện hành vi cướp tài sản ngay từ đầu và mua chiếc xe máy đó thì E đồng phạm với A và B phạm tội cướp tài sản với vai trò là người giúp sức.
Theo quy định tại Điều 20 BLHS về đồng pham: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”: Về mặt khách quan: trong đồng phạm phải có ít nhất từ hai người trở lên( đạt độ tuổi theo luật định và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự) và cùng thực hiện một tội phạm với các vai trò khác nhau: tổ chức, thực hành, xúi giục, giúp sức. Về mặt chủ quan: Những người đồng phạm phải cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Về lý chí thì người đồng phạm nhận thức được hành vi của mình và những người cùng thực hiện là nguy hiểm cho xã hội . Đồng thời, họ cũng nhận thức rõ hậu quả cho xã hội do hành vi của mình và những người đồng phạm khác gây ra nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội và tiếp nhận hành vi phạm tội của người đồng phạm.Về ý chí thì họ cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Những người đồng phạm có mục đích giống nhau hoặc mục đích tuy khác nhau nhưng họ đều biết và tiếp nhận mục đích của nhau.
Xét vào tình huống trên: E biết A và B cùng nhau tìm mua súng và thực hiện hành vi sử dụng súng đe dọa C và D “ngồi im không tao bắn chết” để cướp chiếc xe máy của C và D nhưng E không ngăn cản mà cứ để cho A và B thực hiện hành vi phạm tội .Sau đó E mua lại chiếc xe máy đó từ A và B với giá 8000.000 đồng nghĩa là E đã cố ý cùng A và B thực hiện tội cướp tài sản: A và B là người tổ chức và người thực hành còn E với vai trò là người giúp sức “ tạo ra những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”
Như vậy, E đồng phạm với A và B trong việc thực hiện tội cướp tài sản Điều 133 BLHS( cụ thể là theo khoản 1)
Trường hợp thứ hai: E biết đó là xe máy ăn cắp nhưng vẫn mua thì E phạm tội theo Điều 250 BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Theo như tình huống trên , sau khi cướp được chiếc xe máy của C và D thì A và B đem bán chiếc xe máy cho E lấy 8000.000 đồng và ăn tiêu hết. E không biết A và B thực hiện hành vi cướp tài sản của C và D nhưng trong trường hợp này xe máy là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu. Khi A và B cướp chiếc xe từ C và D nghĩa là chiếm giữ tài sản bất hợp pháp và cũng có nghĩa là tài sản đó không có giấy tờ hợp pháp. Khi E mua chiếc xe từ A và B , bản thân E phải biết đó là chiếc xe của ai? Ai bán? Và chỉ có người sở hữu hợp pháp mới có quyền sang tên chiếc xe đó cho E.
Tuy nhiên, trong tình huống này, E không hỏi A và B mà vẫn chấp nhận mua chiếc xe cho dù E biết đó là tài sản mà A và B đi cướp.Chính vì vậy, E phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu thánh đến ba năm”.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 2- Trường đại học luật Hà Nội- Nxb Công an nhân dân.
Bộ luật hình sự năm 1999- Nxb chính trị quốc gia.
Định tội danh và quyết định hình phạt- Ts.Dương Tuyết Miên- Nxb lao động xã hội.
Tìm hiểu tội phạm trong bộ luật hình sự năm 1999- Th.s Đinh Văn Quế- Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
Tội phạm và cấu thành tội phạm- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa – Nxb công an nhân dân.
Bình luận khoa học bộ luật hình sự - viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Nxb pháp lý.