A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Để việc chiếm đoạt thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một của hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa.
Một hôm, A và B đem khẩu súng này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi hóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy. A rút súng ra dọa: “ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy chiếc xe máy mang đi, C và D không có phản ứng gì cả. A, B đem xe máy bán cho người quen là E được 8.000.000 đồng và ăn tiêu hết.
Hỏi:
1. Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao? (3 điểm)
2. Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A, B được giải quyết như thế nào? Tại sao? (2 điểm)
3. E có phạm tội không? Tại sao? (2 điểm)
10 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1708 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kỳ hình sự bài tình huống số 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI SỐ 2
A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Để việc chiếm đoạt thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một của hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa.
Một hôm, A và B đem khẩu súng này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi hóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy. A rút súng ra dọa: “ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy chiếc xe máy mang đi, C và D không có phản ứng gì cả. A, B đem xe máy bán cho người quen là E được 8.000.000 đồng và ăn tiêu hết.
Hỏi:
Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao? (3 điểm)
Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A, B được giải quyết như thế nào? Tại sao? (2 điểm)
E có phạm tội không? Tại sao? (2 điểm)
Bài làm
Phân tích tình huống: Tình huống nêu rõ A,B luôn có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác và chuẩn bị súng để dọa đối phương, do không thu mua được nên đã dùng súng đồ chơi và tình cờ gặp C,D có chiếc xe máy ngoài bờ sông, A, B đã dùng súng dọa ‘’ ngồi im không tao bắn chết’’ làm C,D tưởng là súng thật, và để A,B lấy chiếc xe của mình. Sau đó, A,B đã bán cho E với giá 8.000.000 đồng và ăn tiêu hết.
Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao? (3 điểm)
Căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) và những hành vi mà A, B thực hiện, có thể khẳng định hành vi của A, B cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS. Để làm rõ vấn đề này thì chúng ta phải phân tích cụ thể các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong trường hợp phạm tội của A, B theo các dữ kiện bài ra:
- Về chủ thể: chủ thể của tội cướp tài sản là chủ thể thường nên chỉ đòi hỏi có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
Trong tình huống này, phải khẳng định A, B đều có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, chúng hoàn toàn có khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của mình. Điều này biểu hiện ở chỗ, A, B dù nhận thức được mức độ nguy hiểm của một thứ vũ khí là khẩu súng nhưng vẫn chủ động đi tìm mua nhằm giúp cho việc chiếm đoạt tài sản được thuận lợi. Chỉ khi không mua được súng thật thì A, B mới phải ra cửa hàng đồ chơi mua súng nhựa.
- Về khách thể của tội phạm: tội cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ đó là quan hệ nhân thân (mà cụ thể là xâm phạm đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người) và quan hệ sở hữu.
Trong tình huống bài ra, với ý định chiếm đoạt tài sản, A và B tìm mua súng. Súng là một loại vũ khí có khả năng sát thương cao, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của con người. Tuy nhiên, do không mua được súng thật nên A, B ra cửa hàng đồ chơi trẻ em mua súng nhựa và dùng khẩu súng nhựa đó để hăm dọa C, D nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, hành vi lấy súng giả để hăm dọa này dù chưa trực tiếp xâm hại nhưng đã đe dọa xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của C, D. Không những thế, việc A đưa ra lời lẽ hăm dọa khiến C, D lo lắng để tạo điều kiện cho B lấy chiếc xe máy - một tài sản thuộc sở hữu của C, D mang đi cũng có nghĩa là A, B đã xâm hại đến quyền sở hữu của C, D.
- Về mặt khách quan: hành vi khách quan của tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Người phạm tội chỉ cần có một trong ba hành vi kể trên thì tội phạm hoàn thành, không nhất thiết người phạm tội phải chiếm đoạt tài sản.
Đối với trường hợp của A, B thì hành vi phạm tội của A, B chính là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc . Đây là trường hợp người phạm tội bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ (hoặc cả hai) đe dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự lại việc chiếm đoạt. Ở đây, A dùng cả cử chỉ (rút súng ra) và tung ra lời lẽ hăm dọa: “ngồi im không tao bắn chết”. Mặc dù đây là súng giả nhưng A và B đã có hành vi đe dọa sẽ dùng súng, có nghĩa là A, B chưa hề sử dụng vũ lực với C, D mà mới chỉ đang đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với C, D nếu C, D có hành động dịch chuyển hay kháng cự không đưa tài sản. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý ở đây là dù A, B chưa dùng vũ lực nhưng sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu C, D không đưa tài sản. “Ngay tức khắc” vừa biểu hiện sự nhanh chóng về thời gian (sẽ xảy ra ngay lập tức), vừa thể hiện sự mãnh liệt của hành vi đe dọa, làm cho người bị đe dọa không có thời gian suy nghĩ, và thấy rằng vũ lực sẽ xảy ra ngay, họ không có hoặc khó có điều kiện tránh khỏi. Dấu hiệu ngay tức khắc chỉ đòi hỏi người phạm tội đã có hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc mà không đòi hỏi họ phải thực sự có ý định sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng như phải có đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc. Thực tế là trong tình huống này C, D đã rất lo lắng cho tính mạng của mình, không thể có phản ứng gì khi B lấy chiếc xe máy mang đi. Rõ ràng là với thái độ biểu hiện ra bên ngoài của A, B thì dù A có định bắn hay không hay đó có phải là súng thật hay không thì C, D cũng không thể và không có điều kiện để suy nghĩ, mạo hiểm với tính mạng của mình bởi hành vi đó của A đã làm tê liệt khả năng nhận thức và kháng cự của C, D khiến cho C, D không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt.
- Về mặt chủ quan: lỗi của người phạm tội cướp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp
Với trường hợp của A, B thì khi đi tìm mua súng thật, rõ ràng A, B hoàn toàn nhận thức được mức độ nguy hiểm mà việc sử dụng súng thật sẽ gây ra cho con người nhưng A, B vẫn đi tìm mua súng để việc chiếm đoạt tài sản được diễn ra thuận lợi. Chỉ khi không mua được súng thật thì A, B mới phải ra cửa hàng đồ chơi trẻ em để mua súng nhựa. Dù đó là súng nhựa (giống như thật) nhưng chắc chắn A, B sẽ đoán trước được, người bị tấn công không thể hoặc khó có điều kiện để nhận ra đó là súng giả, có nghĩa là A, B hoàn toàn nhận thức được hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc của mình sẽ làm cho người nào bị tấn công (mà cụ thể ở đây là C, D) lâm vào tình trạng không thể kháng cự được. Không những đoán trước được như thế mà A, B còn mong muốn hành vi đó làm đè bẹp hoặc tê liệt sự chống cự của người bị tấn công, để có thể thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Một yếu tố rất quan trọng nữa thuộc mặt chủ quan của tội phạm là dấu hiệu mục đích. Việc thực hiện những hành vi khách quan như ở trên chỉ trở thành hành vi phạm tội của tội cướp tài sản nếu việc thực hiện những hành vi đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Đối với tình huống bài ra, hành vi của A, B hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu này bởi ngay từ đầu, A, B đã có “ý định chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Như vậy, qua việc phân tích các căn cứ nói trên thì ta thấy hành vi của A, B hoàn toàn thỏa mãn những dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS.
Cần phải nói thêm rằng, dấu hiệu “ngay tức khắc” trong hành vi của A, B như đã phân tích ở trên là căn cứ rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội của A, B cấu thành tội trộm cắp tài sản, giúp phân biệt tội trộm cắp tài sản (Điều 133) với tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135). Tội "cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 135 BLHS có hành vi khách quan "đe doạ sẽ dùng vũ lực…" là hành vi doạ sẽ gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội "cướp tài sản" đe doạ "dùng vũ lực ngay tức khắc" (biểu hiện sự nhanh chóng về mặt thời gian) thì tội "cưỡng đoạt tài sản" là đe doạ "sẽ dùng vũ lực" tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Sự đe doạ này không có tính nguy hiểm như tội cướp. Người bị đe doạ còn có điều kiện để chống cự lại, có thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.
2. Trường hợp C, D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A, B được giải quyết như thế nào? Tại sao? (2 điểm)
Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng nếu trong trường hợp C, D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì A, B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS.
Theo quy định của Điều 133 BLHS về tội cướp tài sản: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Ta thấy, đối với tội cướp tài sản thì điều luật chỉ quy định về dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm nên có thể khẳng định rằng cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản là cấu thành tội phạm hình thức.
Xét tình huống bài ra, như đã phân tích ở trên, dù chỉ là súng giả nhưng thực chất hành vi dùng súng giả hăm dọa của A, B chính là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với C, D. Với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản, A, B nhận thức được hành vi của mình là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và mong muốn hành vi đó làm đè bẹp hoặc tê liệt sự chống cự của C, D. Tuy nhiên, không như A, B dự đoán và mong muốn C, D phát hiện ra khẩu súng mà A cầm là giả nên đã chống cự lại khiến cho A, B không thể lấy được tài sản. Về trách nhiệm hình sự của A, B trong trường hợp này có hai quan điểm: quan điểm thứ nhất cho rằng ngay từ khi tung ra lời đe dọa và thể hiện ra bên ngoài hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì có nghĩa là tội phạm đã hoàn thành và A, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Trong khi đó, quan điểm thứ hai cho rằng việc C, D biết được khẩu súng là giả là nằm ngoài mong muốn của A, B; A và B cố ý phạm tội nhưng không thực hiện được đến cùng hành vi của mình vì C và D đã biết đó là súng giả và có hành động chống cự dẫn đến A và B không cướp được tài sản nên tội phạm mà A, B thực hiện chỉ dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
Về hai quan điểm nói trên, với tình huống bài ra, có thể khẳng định rằng tội phạm mà A, B thực hiện đã hoàn thành và A, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 133 BLHS. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy bởi vì thời điểm tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã hoàn thành được mục đích của mình hay chưa mà tội phạm chỉ hoàn thành khi người phạm tội đã có hành vi thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm. Trong khi đó, tội cướp tài sản là tội có cấu thành tội phạm hình thức, tức là chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm mà trong đó hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc. Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức thì tội phạm hoàn thành ngay khi người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội. Trở lại tình huống trên, việc A, B tung ra lời hăm dọa và biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài hành vi đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản thì cũng có nghĩa là A, B đã thực hiện được hành vi phạm tội mà không cần quan tâm đến việc A, B có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Như vậy, có thể khẳng định lại một lần nữa rằng nếu trong trường hợp C, D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì A, B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS.
3. E có phạm tội không? Tại sao? (2 điểm)
Theo giả thiết bài ra thì E là người quen của A, B. A, B bán tài sản do hành vi phạm tội của mình mà có cho E và thu được 8.000.000 đồng. Trong tình huống này, để có thể kết luận E có phạm tội hay không thì chúng ta cần xem xét hai tình huống sau:
a,Tình huống 1: E có biết chiếc xe máy mà A,B bán cho mình là tài sản do A,B ăn cắp, khi đó chia thành 2 trường hợp:
Trước khi A, B đi cướp tài sản thì E có hứa hẹn trước là sẽ mua lại tài sản mà A, B cướp được.
Trong trường hợp này, về mặt khách quan, tuy E không có hành vi trực tiếp cướp tài sản của C, D nhưng E lại có hành vi giúp sức cho A, B thực hiện tội phạm, thể hiện ở việc E giúp A, B tiêu thụ tài sản do cướp được mà có. Thứ hai, về mặt chủ quan, E không những biết rõ hành vi nguy hiểm của A, B mà còn mong muốn hành vi này xảy ra, thể hiện ở việc E hứa hẹn trước với A, B là sẽ mua lại tài sản cướp được. Như vậy, có thể khẳng định là trong trường hợp này, E sẽ phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS, là đồng phạm với A và B trong vai trò là người giúp sức. Vai trò giúp sức của E thể hiện ở chỗ E đã có sự trợ giúp về tinh thần cho A, B khi hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ tài sản cướp được cho chúng. Với lời hứa hẹn như vậy thì chắc chắn A, B sẽ “yên tâm” hơn trong việc thực hiện hành vi phạm tội bởi tài sản mà chúng cướp được sẽ có nơi tiêu thụ. Điều này có nghĩa là E đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thực hành là A, B thực hiện tội phạm.
Mặt khác, biết chiếc xe máy là tài sản ăn cắp, E vẫn mua của A,B.
Với trường hợp này, E sẽ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 BLHS. Ở đây, E không những biết được chiếc xe máy mà A, B mang đến là tài sản có được do phạm tội mà E còn có hành vi tiêu thụ tài sản bất hợp pháp đó thể hiện ở hành vi mua lại tài sản (chiếc xe máy). Như vậy, hành vi của E đã thỏa mãn các dấu hiệu của mặt khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Không những thỏa mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan mà về mặt chủ quan, hành vi của E thể hiện lỗi cố ý thể hiện ở chỗ mặc dù biết rằng chiếc xe máy mà A, B mang tới là tài sản do phạm tội mà có nhưng E vẫn đồng ý mua lại và trả cho A, B số tiền là 8.000.000 đồng. Ngoài ra, do E không hề thỏa thuận hay hứa hẹn trước với A, B nên E không thể biết trước được hành vi phạm tội của A, B; E không cùng thực hiện tội phạm với A, B nên không thể kết luận E đồng phạm với A, B tội cướp tài sản.
b. Tình huống 2: E không biết chiếc xe mà A, B bán cho mình là tài sản do phạm tội mà có.
Có thể khẳng định là trong trường hợp này E không phạm tội. Thứ nhất, E không thỏa thuận, hứa hẹn trước với A, B nên không thể kết luận E đồng phạm với A, B tội cướp tài sản. Thứ hai, vì E không hề biết rằng chiếc xe mà A, B bán cho mình là tài sản do phạm tội mà có nên E không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 250 BLHS. Ở đây, việc E mua lại chiếc xe do A, B mang đến chỉ đơn thuần là quan hệ mua bán tài sản thông thường trong đó chỉ bên bán là A, B mới biết được nguồn gốc của tài sản còn E hoàn toàn không vi phạm pháp luật khi mua lại chiếc xe này.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa như sau:
- Nếu trước khi A, B đi cướp tài sản mà E có hứa hẹn trước là sẽ mua lại tài sản mà A, B cướp được thì E sẽ phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS, là đồng phạm với A và B trong vai trò là người giúp sức.
- Nếu E biết chiếc xe mà A, B bán cho mình là tài sản do phạm tội mà có, nhưng việc mua bán này E không hề thỏa thuận hay hứa hẹn trước với A, B thì E sẽ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 250 BLHS 1999.
- Nếu E không biết chiếc xe mà A, B bán cho mình là tài sản do phạm tội mà có và E cũng không hề thỏa thuận hay hứa hẹn trước với A, B thì E không phạm tội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Sách:
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập 1, tập 2 Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hình sự - phần các tội phạm, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2007.
Trương Quang Vinh, “Các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999”, Tạp chí luật học, số 4/2000.
* Văn bản quy phạm pháp luật:
Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009).
Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1999.
Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS 1999.