Giúp học sinh cảm nhận được niềm vui sướng, hân hoan, mãnh liệt và tác động kì diệu của lí tưởng cộng sản đối với hồn thơ Tố Hữu. Từ đó, học sinh biết rút ra bài học đúng đắn về lẽ sống.
- Hiểu được sự vận động của các yếu tố trong thơ trữ tình: tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu trong việc làm nổi bật tâm trạng của cái tôi nhà thơ.
10 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 10986 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài thơ: Từ ấy của Tố hữu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiết thứ:…./ Tuần….
Ban cơ bản
Từ ấy
- Tố Hữu-
Người soạn: Lương Thị Phương Oanh. Khóa học: 2005-2009
GV hướng dẫn: Cô Nguyễn Thị Hoàn. Trường: THPT Trần Phú- Hoàn Kiếm
Ngày dạy:………………………..Tại lớp:…………….
A. Mục tiêu cần đạt:
- Giúp học sinh cảm nhận được niềm vui sướng, hân hoan, mãnh liệt và tác động kì diệu của lí tưởng cộng sản đối với hồn thơ Tố Hữu. Từ đó, học sinh biết rút ra bài học đúng đắn về lẽ sống.
- Hiểu được sự vận động của các yếu tố trong thơ trữ tình: tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu…trong việc làm nổi bật tâm trạng của cái tôi nhà thơ.
B. Phương pháp:
- Thuyết trình kết hợp vấn đáp.
- Câu hỏi gợi mở kết hợp bài tập phần luyện tập trong SGK.
C. Tiến trình tổ chức bài giảng:
Vào bài: Tố Hữu là một trong những tác gia văn học tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Thơ ông có thể xem là biên niên sử của cách mạng Việt Nam qua các thời kì, tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình- chính trị. Ông thường viết về lẽ sống, lí tưởng, tình cảm cách mạng của con người. Hôm nay, chúng ta cùng đến với một bài thơ đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo thơ ca của Tố Hữu. Đó chính là bài thơ “Từ ấy”.
Hoạt động của GV & HS
Ghi bảng
GV giảng: Trước khi phân tích nội dung bài thơ chúng ta hãy tìm hiểu phần Tiểu dẫn để có những hiểu biết về tiểu sử tác giả cũng như hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
GV hỏi: Căn cứ vào phần Tiểu dẫn trong SGK và phần chuẩn bị bài trước ở nhà, Em hãy tóm tắt những hiểu biết của mình về tác giả Tố Hữu?
Trả lời:
- Tố Hữu (1920- 2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.
- Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, cha và mẹ đều là những người yêu văn học dân gian. Chính vì vậy, những âm điệu, câu chữ của những bài ca dao cứ ngân nga mãi trong lòng, hóa thân vào giọng điệu ngọt ngào, tâm tình thương mến trong thơ Tố Hữu.
- Sinh ra ở Huế cũng là mảnh đất nuôi dưỡng hồn thơ Tố Hữu từ những điệu hò, tiếng ca bâng khuâng, da diết.
- Tố Hữu đến với cách mạng từ phong trào Mặt trận dân chủ. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng. Và “từ ấy” cho đến năm 1986, ông đã giữ nhiều cương vị trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thủy chung với con đường thi ca cách mạng.
- Các tập thơ chính của Tố Hữu: Từ ấy (1937- 1946), Việt Bắc ( 1947- 1954), Gió lộng (1955- 1961), Ra trận (1962- 1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999). Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
- Con đường thơ ca của Tố Hữu gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của phong cách thơ ông là chất trữ tình chính trị về nội dung và đậm đà tính dân tộc trong hình thức thể hiện.
GV hỏi: Em hãy trình bày những hiểu biết của mình về bài thơ “Từ ấy”?
Trả lời:
- Tập thơ “Từ ấy” là tập thơ đầu tay của Tố Hữu. Tập thơ gồm những sáng tác của Tố Hữu từ năm 1937 đến năm 1946. Tập thơ gồm ba phần ghi lại ba chặng đường trưởng thành của người thanh niên Tố Hữu trong đấu tranh cách mạng từ khi giác ngộ lí tưởng đến Cách mạng tháng Tám: “Máu lửa”, “Xiềng xích”, “Giải phóng”. Tập thơ là tiếng hát hân hoan, nồng nhiệt của một thanh niên trí thức khát khao lẽ sống, say mê lí tưởng, hăng hái đấu tranh cách mạng.
- Bài thơ “Từ ấy” thuộc phần “Máu lửa” trong tập thơ cùng tên này. Được Tố Hữu sáng tác năm 1938, đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu: được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản.
GV hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm: Bài thơ cần được đọc vời giọng vui tươi,phấn khởi, hào hứng, thể hiện tâm trạng sung sướng, hạnh phúc của một người thanh niên trẻ tuổi lần đầu tiên đến với lí tưởng cộng sản. Chú ý nhấn giọng vào cá từ ngữ, hình ảnh, các cấu trúc ngữ pháp trùng điệp và cách ngắt nhịp thay đổi linh hoạt.
GV gọi một học sinh đọc, nhận xét cách đọc của học sinh. GV đọc mẫu cho học sinh nghe.
GV đặt câu hỏi: Theo em bố cục bài thơ được chia làm mấy phần? Nội dung của từng phần?
Trả lời:
Bài thơ được chia làm 3 phần theo 3 khổ:
Khổ 1: Niềm vui sướng, say mê của tác giả khi bắt gặp lí tưởng cách mạng.
Khổ 2: Sự chuyển biến trong nhận thức của tác giả sau khi bắt gặp lí tưởng cách mạng.
Khổ 3: Những chuyển biến trong tình cảm của nhà thơ sau khi bắt gặp lí tưởng cách mạng.
GV hỏi: Nhà thơ Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nào để chỉ lí tưởng và niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng trong hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ nhất ?
Trả lời :
- Nắng hạ và mặt trời chân lí chói qua tim là những hình ảnh ẩn dụ để chỉ lí tưởng cách mạng với một niềm xúc động thành kính, thiêng liêng: lí tưởng cách mạng như một nguồn sống mới làm bừng sáng tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”.
+ Nắng hạ: Nguồn sáng đó mạnh mẽ, rực rỡ như ánh sáng của những ngày nắng hạ, xua tan những u ám, buồn đau, những tư tưởng, tình cảm tiểu tư sản còn rơi rớt trong nhận thức của những thanh niên có nhiệt huyết nhưng chưa tìm được hướng đi trong cuộc đời, “nắng hạ” cũng báo hiệu những điều tốt lành mà nhà thơ cảm nhận được không chỉ bằng khối óc mà bằng cả trái tim giàu nhiệt huyết của mình.
+ Mặt trời chân lí: lối nói ẩn dụ đầy ý nghĩa, mới lạ. Mặt trời của thiên nhiên đem lại sự sống, ánh sáng cho vạn vật,còn mặt trời chân lí thì đem lại sự sống, thổi bùng lên niềm vui sống cho một con người.
+ Các động từ mạnh: bừng, chói (ánh sáng có sức xuyên thấu mạnh) đã thể hiện sức mạnh của lí tưởng cộng sản và sự bừng sáng trong tâm hồn người thanh niên khi đón nhận lí tưởng đó.
( GV bình: Trước khi đến với cách mạng, Tố Hữu cũng đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm trạng cô đơn, buồn đau của những nhà thơ trong phong trào thơ Mới. Ông đã từng thốt lên rằng:
Đâu những ngày xưa tôi thấy tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời.
Lí tưởng cách mạng đã bừng sáng trong Tố Hữu một niềm vui mới, một cuộc sống mới. Và Tố Hữu đã biết kế thừa những gì tốt đẹp của Thơ Mới và tạo nên chất lãng mạn cách mạng riêng độc đáo.
GV hỏi: Ở hai câu tiếp theo của khổ thơ thứ nhất, tâm trạng vui sướng của nhà thơ còn được thể hiện trong những hình ảnh nào và bằng biện pháp nghệ thuật nào?
Trả lời:
- Tâm hồn nhà thơ hóa thành một khu vườn tưng bừng sức sống trong so sánh “ Hồn tôi là một vườn hoa lá- Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Niềm vui đã hóa thành âm thanh rộn ràng, thành sắc lá hoa tươi xanh, rực rỡ, thành hương thơm lan tỏa, ngọt ngào. Lối vắt dòng từ câu thơ thứ ba tràn xuống câu thơ thứ tư như tái hiện âm thanh của một tiếng reo phấn khởi, hân hoan trong lòng mình.
( GV sơ kết: Với khu vườn hoa lá ấy thì còn gì vui sướng hơn khi được đón ánh nắng ấm áp của mặt trời thiên nhiên, cũng như với người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì còn gì vui sướng, hạnh phúc hơn khi bắt gặp mặt trời chân lí, lí tưởng cách mạng soi rọi, dẫn đường. Từ đó, Tố Hữu đã thể hiện một niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống, vào cách mạng bằng cuộc đời hoạt động và sáng tạo nghệ thuật của mình.
GV hỏi: Khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống như thế nào?
Trả lời:
- Lẽ sống mới của nhà thơ: Gắn bó giữa cái tôi cá nhân với cái Ta chung của tập thể
- Tôi buộc lòng tôi với mọi người: Từ “buộc” ở đây không phải là bó buộc mà là sự ràng buộc, gắn bó.
- Tác giả đã sử dụng một loạt những từ láy mang tính chất biểu cảm cao: trang trải, gần gũi
( Thể hiện ý thức trách nhiệm và sự tình nguyện gắn bó với nhân dân, với quần chúng của người thanh niên sau khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng. Nhà thơ đã chân thành bộc bạch: từ đây, lẽ sống là sự gắn bó giữa cái tôi cá nhân với mọi người, với trăm nơi.
- Nhà thơ đã vui sướng khi cảm nhận được sức mạnh đoàn kết từ quần chúng nhân dân. Hình ảnh “khối đời” là một hình ảnh trừu tượng, mang ý nghĩa biểu cảm cao. Sức mạnh tập thể đã được trừu tượng hóa thành một thứ vật chất đồng nhất, không thể tách rời.
GV bình: Như vậy, có thể nói, mặc dù đã từng có tâm trạng đồng điệu với những cái tôi cá nhân đầy băn khoăn, bế tắc hay lẻ loi, cô đơn trong phong trào Thơ Mới. Nhưng kể từ khi được ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi đường, Tố Hữu không chỉ tin yêu cuộc sống mà còn hòa mình vào cái Ta chung của tập thể, góp tiếng nói đầy nhiệt huyết của mình cho khối đời chung mạnh mẽ, tạo nên một tình hữu ái giai cấp khăng khít, gắn bó.
GV hỏi: Sự chuyển biến trong tình cảm của nhà thơ được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Trả lời:
- Từ thái độ chủ chủ động và tình nguyện gắn bó với tập thể, nhà thơ đã có những chuyên biến mạnh mẽ trong tình cảm: Không còn là những tình cảm chung trừu tượng nữa mà Tố Hữu đã hướng đến những tình cảm cụ thể, gắn bó ruột thịt
+ Sự gần gũi đã đến mức trở thành ruột thịt với khối đời chung (là con, là anh, là em). Nhà thơ đã hòa mình trong đại gia đình lớn của quần chúng nhân dân. Một tình cảm yêu thương, tình hữu ái giai cấp giữa những con người đồng khổ chan chứa trong lời thơ.
+ Cùng với đó là niềm căm giận trước những bất công ngang trái của cuộc đời cũ đòi hỏi phải được quét sạch. Và chính vì tình cảm với những “kiếp phôi pha”, những con người “không áo cơm” ấy mà nhà thơ đã một đời thủy chung với công việc làm cách mạng và làm thơ.
GV bình: Như vậy, lí tưởng cách mạng không chỉ đem đến một tiếng reo vui, một niềm tin, niềm say mê yêu đời cho người thanh niên Tố Hữu mà còn làm nên những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về sức mạnh đoàn kết của quần chúng nhân dân lao khổ, đã tạo nên những thay đổi chân thành trong tình hữu ái giai cấp, niềm cảm thông và khát khao đấu tranh trước những bất công ngang trái của cuộc đời.
GV: Qua những phân tích trên, Em hãy tổng kết lại một cách khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ?
Trả lời:
- Nội dung: Bài thơ Từ ấy là tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng đồng thời cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của một nhà thơ cách mạng: trung thành với lí tưởng cộng sản và gắn bó ruột thịt với quần chúng nhân dân lao khổ.
- Nghệ thuật: Là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. Sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, những hình ảnh thơ mang tính biểu cảm cao…
I.Tiểu dẫn:
1. Tác giả
- Tên khai sinh: Nguyễn Kim Thành (1920-2002).
- Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, cha và mẹ đều yêu văn học dân gian.
- Quê: Huế
- Năm 1938 được kết nạp Đảng….
- Các tập thơ chính:………………
- Phong cách thơ trữ tình chính trị.
2. Tác phẩm:
- Bài thơ “Từ ấy” thuộc phần “Máu lửa”. Sáng tác năm 1938, đánh dấu mốc quan trọng: được kết nạp Đảng
3. Bố cục:
Bài thơ được chia làm 3 phần theo 3 khổ:
- Khổ 1: Niềm vui sướng, say mê của tác giả khi bắt gặp lí tưởng cách mạng.
- Khổ 2: Sự chuyển biến trong nhận thức….
- Khổ 3: Những chuyển biến trong tình cảm của nhà thơ…
II. Đọc- hiểu văn bản:
Khổ 1:
Hai câu đầu:
- Những hình ảnh ẩn dụ:
+ Nắng hạ: Nguồn sáng mạnh mẽ, rực rỡ như ánh sáng của những ngày nắng hạ, xua tan những u ám, buồn đau.
+ Mặt trời chân lí: Mặt trời của thiên nhiên đem lại sự sống, ánh sáng cho vạn vật,mặt trời chân lí thì thổi bùng lê sự sống và niềm vui sống cho con người.
+ Các động từ mạnh: bừng, chói -> Sức mạng của lí tưởng cộng sản
( Chất Lãng mạn cách mạng độc đáo riêng trong thơ Tố Hữu.
Hai câu sau:
- Nghệ thuật so sánh:
+ Niềm vui đã hóa thành âm thanh rộn ràng, thành sắc lá hoa tươi xanh, rực rỡ, thành hương thơm lan tỏa, ngọt ngào
( Niềm vui sướng, say mê của người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” được mặt trời chân lí, lí tưởng cách mạng soi rọi, dẫn đường ( tin yêu cuộc sống.
Khổ 2:
- Lẽ sống mới của nhà thơ: Gắn bó giữa cái tôi cá nhân với cái Ta chung của tập thể
- Động từ “buộc”: không phải là bó buộc mà là ràng buộc, gắn bó.
- Các từ láy: trang trải, gần gũi
( thể hiện ý thức trách nhiệm, sự tình nguyện gắn bó của cái tôi cá nhân nhà thơ với quần chúng nhân dân.
- Nhà thơ đã vui sướng khi cảm nhận được sức mạnh của tập thể qua hình ảnh đã được trừu tượng hóa “khối đời” (không thể tách rời.
3. Khổ ba:
- Không còn là những tình cảm chung trừu tượng nữa mà Tố Hữu đã hướng đến những tình cảm cụ thể, gắn bó ruột thịt
- Các từ ngữ: là con, là anh, là em
( quần chúng nhân dân đã trở thành một đại gia đình lớn. Tình cảm gắn bó với quần chúng nhân dân khiến tác giả cảm nhận như đã trở thành ruột thịt với khối đời chung( tình hữu ái giai cấp.
- Sự gắn bó, đồng cảm đó đã làm dậy lên trong lòng tác giả niềm căm giận trước những bất công ngang trái của cuộc đời( hành động: tham gia đấu tranh cách mạng.
( GV bình để tổng kết:
- Niềm vui sướng, tin yêu cuộc đời khi bắt gặp lí tưởng cách mạng.
- Những thay đổi trong nhận thức: sức mạnh tập thể.
- Những thay đổi trong tình cảm: tình hữu ái giai cấp.
( đấu tranh
III. Tổng kết:
- Nội dung:……………………..
- Nghệ thuật:…………………….
D. Củng cố:
- Bài tập về nhà: Phần Luyện tập trong SGK.
- Soạn 4 bài đọc thêm: Tương tư, Nhớ đồng, Lai tân, Chiều xuân.
Người soạn: GV hướng dẫn
Lương Thị Phương Oanh