Báo cáo Thái độ xã hội đối với người đồng tính
Ngày nay, các nghiên cứu xã hội học đã khẳng định xã hội nào cũng có hiện tượng đồng tính luyến ái. Tuy không thể thống kê một cách chính xác, nhưng các nhà khoa học trên thế giới ước tính người đồng tính luyến ái chiếm khoảng 3% dân số của mỗi quốc gia. Tỉ lệ này gần như không thay đổi giữa các quốc gia, thời đại hoặc nền văn hoá. Mặc dù người đồng tính luyến ái là một bộ phận hợp thành nên nhân loại nhưng ở nhiều nơi trên thế giới họ vẫn là nạn nhân của tình trạng ngược đãi. Tại những nước theo đạo Hồi, đồng tính là vấn đề không thể khoan dung. Người đồng tính luyến ái thường bị lăng mạ, bị cấm đoán, bị trừng phạt, thậm chí bị tử hình chỉ vì có xu hướng tình dục khác biệt. Tưởng chừng sự phân biệt đối xử với người đồng tính chỉ xảy ra ở những quốc gia Hồi giáo Trung Đông, nơi quyền lực của nam giới được xem là tối thượng. Nhưng ngay cả ở những xã hội cởi mở như Hoa Kỳ, định kiến và phân biệt đối xử với người đồng tính luyến ái cũng không vì thế mà mất đi. Sự trớ trêu của tạo hoá đã gây nên những bi kịch đối với người đồng tính. Theo điều tra của Viện nghiên cứu dư luận xã hội Mỹ, 41% dân số Mỹ cho rằng nếp sống của người đồng tính luyến ái mâu thuẫn với nếp sống của những cư dân còn lại. Sự miệt thị và ghê sợ người đồng tính luôn đi kèm với nhau mà hậu quả là hàng năm ở Mỹ có hàng chục người đồng tính luyến ái bị sát hại. Người ta nhận thấy tất cả những trường hợp trên đều chứa đựng chung một yếu tố là thành kiến chống lại sự bất thường về giới và xu hướng tình dục của những người đồng tính. Tại Việt Nam, đồng tính luyến ái là một chủ đề nhạy cảm, mới nổi lên và thu hút sự chú ý của dư luận. Trong quá khứ, vì nhiều nguyên nhân xã hội khác nhau, như đất nước có chiến tranh, khó khăn về kinh tế, quan niệm khắt khe về chuẩn mực. khiến rất nhiều người đồng tính không dám công khai thân phận của mình. Trên thực tế, đó cũng là thời điểm mà các vấn đề thuộc về cá nhân bị che khuất hoặc lu mờ đi trước những đòi hỏi khắc nghiệt của cuộc sống. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, sự giao lưu với văn hoá phương Tây và sự trưởng thành của thế hệ trẻ - lớp người được sinh ra trong thời kỳ hậu chiến. đã dẫn tới sự biến đổi mạnh mẽ trong thái độ và hành vi của người dân đối với nhiều vấn đề xã hội, trong đó có quyền được sống thật với giới tính của mình. Chưa bao giờ hoạt động của người đồng tính luyến ái và số lượng các xuất bản phẩm về họ lại gia tăng mạnh như thời gian vừa qua. Đó là bằng chứng về sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề này. Trên báo chí và trên mạng Internet, độc giả không khó để tìm kiếm những phóng sự viết về người đồng tính luyến ái và cuộc sống của họ trong “thế giới thứ ba”. Một vài website riêng của người đồng tính luyến ái được thành lập. Đó là diễn đàn để họ tâm sự, chia sẻ, trao đổi thông tin và cất lên tiếng nói bảo vệ mình. Năm 2005, tại Hà Nội, câu lạc bộ sức khoẻ Hải Đăng - mái nhà chung của người đồng tính luyến ái nam đã ra đời theo một dự án do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tài trợ, nhằm thay đổi hành vi tình dục, giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho những người đồng tính nam và bạn tình của họ. Trong lĩnh vực nghệ thuật, đã xuất hiện một vài tác phẩm điện ảnh, kịch nói hoặc văn học dựa trên chủ đề về người đồng tính. Trong số đó có thể kể tới hai cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bùi Anh Tấn gây được sự quan tâm của dư luận là “Một thế giới không có đàn bà” và “Les - vòng tay không đàn ông”. Trên phương diện luật pháp, tháng 8/2006, Bộ Y tế đã đệ trình chính phủ dự thảo nghị định cho phép chuyển đổi giới tính. Nếu nghị định này được thông qua, việc chuyển đổi giới tính sẽ được hợp pháp hoá ở Việt Nam. Tuy nhiên, những gì mà xã hội biết về người đồng tính luyến ái hầu như chỉ giới hạn trong những phóng sự, bài viết hoặc bản tin có tính chất “phát hiện” được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Trong một số trường hợp, mục đích của những sản phẩm này nhằm làm thoả mãn tính hiếu kỳ của độc giả, hơn là hướng họ tới sự hiểu biết nghiêm túc và nhân văn về người đồng tính. Ở Việt Nam, vấn đề đồng tính luyến ái chưa được giới khoa học quan tâm thích đáng. Sự im ắng này được minh chứng bằng việc có rất ít các nghiên cứu xã hội học về người đồng tính luyến ái, đặc biệt là những nghiên cứu do nghiên cứu viên là người Việt Nam thực hiện (Vũ Ngọc Bảo & Philippe Girault, 2005). Đó là nhận định chung của các nhà nghiên cứu xã hội và những người am hiểu về tình dục đồng giới ở Việt Nam. Vài năm trở lại đây, lo lắng trước sự lan truyền của HIV/AIDS qua quan hệ tình dục đường hậu môn không được bảo vệ, trong một số nghiên cứu nhỏ được tiến hành với sự cộng tác của các chuyên gia nước ngoài, đồng tính luyến ái nam trở thành đối tượng khảo sát như một nhóm có hành vi nguy cơ cao. Cho tới nay, các nghiên cứu về người đồng tính luyến ái ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu kiến thức và các hành vi nguy cơ liên quan đến lây nhiễm HIV (Care International, 1993; St. Pierre, 1997; Wilson & Carwthorne, 1999; Colby, 2003) Đối mặt với sự thật: Tình dục đồng giới nam và HIV/AIDS ở Việt Nam - Vũ Ngọc Bảo, Philippe Girault -NXB Thế giới, 2005 Kết quả là sự tồn tại của nhóm đồng tính luyến ái nữ và thái độ của cộng đồng đối với hiện tượng đồng tính luyến ái gần như bị lãng quên. Từ bối cảnh chung đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu “Thái độ xã hội đối với người đồng tính”. Do kỳ thị đối với người đồng tính còn ít được nghiên cứu trong bối cảnh văn hoá - xã hội Việt Nam nên nhóm nghiên cứu nhận thấy việc tập trung vào đối tượng này là thích hợp. Nghiên cứu được tiến hành nhằm bổ sung những thiếu hụt thông tin xung quanh người đồng tính. Trọng tâm của nghiên cứu hướng tới việc khắc hoạ thái độ của xã hội đối với người đồng tính trong bối cảnh của Việt Nam, cũng như bối cảnh xã hội dẫn tới việc người đồng tính luyến ái bị kỳ thị. Qua đó, nghiên cứu hy vọng góp một phần nhỏ trong nỗ lực giảm thiểu sự kỳ thị của cộng đồng đối với người đồng tính luyến ái và vận động các tổ chức có liên quan xây dựng những chương trình can thiệp hiệu quả dành cho nhóm xã hội này.