Vi phạm hành chính cũng như mọi vi phạm pháp luật khác đều là các hành vi trái pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội. Nó trực tiếp xâm hại đến các quy tắc quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.Vì lẽ đó xử lý vi phạm hành chính là một trong những nội dung rất quan trọng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Và để xử lý những vi phạm đó nhà nước ta đã đặt ra những hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Sau đây em xin đi phân tích hai hình thức chính xử phạt vi phạm hành chính là: cảnh cáo và phạt tiền.
4 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1914 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cá nhân hành chính: phân tích các hình thức chính xử phạt vi phạm hành chính, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Đặt vấn đề.
Vi phạm hành chính cũng như mọi vi phạm pháp luật khác đều là các hành vi trái pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội. Nó trực tiếp xâm hại đến các quy tắc quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.Vì lẽ đó xử lý vi phạm hành chính là một trong những nội dung rất quan trọng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Và để xử lý những vi phạm đó nhà nước ta đã đặt ra những hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Sau đây em xin đi phân tích hai hình thức chính xử phạt vi phạm hành chính là: cảnh cáo và phạt tiền.
II. Giải quyết vấn đề.
Khái niệm xử phạt vi phạm hành chính.
Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.
Các hình thức xử phạt chính trong xử phạt vi phạm hành chính.
a. Cảnh cáo.
Cảnh cáo là hình thức xử phạt chính áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, vi phạm lần đầu có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Khi xử phạt cảnh cáo, người có thẩm quyền quyết định bằng văn bản hoặc hình thức khác ( nhắc nhở bằng lời nói không phải là hình thức phạt cảnh cáo). Cảnh cáo là hình thức xử phạt mang tính cưỡng chế nhà nước nhưng mang nặng ý nghĩa giáo dục.
Đối với cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc tổ chức vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt cảnh cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện được văn bản pháp luật quy định là có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo. Nếu loại vi phạm đó mà pháp luật quy định chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì không được áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.
Thứ hai, việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi đó là vi phạm lần đầu và có các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 8 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Chúng ta cần phân biệt hình thức xử phạt cảnh cáo trong xử phạt vi phạm hành chính và hính phạt cảnh cáo trong hình sự, hình thức cảnh cáo cưỡng chế trong kỉ luật. Mức độ nghiêm khắc của chế tài trong hình thức phạt cảnh cáo và hình phạt cảnh cáo là khác nhau. Người bị Tòa án tuyên hình phạt cảnh cáo theo thủ tục tố tụng hình sự được coi là có án tích và bị ghi vào lý lịch tư pháp. Trong khi đó hình thức xử phạt hành chính cảnh cáo là hình thức xử phạt mang tính giáo dục đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo không coi là có án tích và không bị ghi vào lý lịch tư pháp. Còn cảnh cáo trong cưỡng chế kỉ luật thì chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức vi phạm kỉ luật đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng khuyết điểm có tình chất thường xuyên, hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng có tính chất tương đối nghiêm trọng. Cảnh cáo trong trách nhiệm kỉ luật được lưu trong hồ sơ cá nhân, do đó nó đóng vai trò khác so với cảnh cáo trong xử phạt vi phạm hành chính.
Ví dụ: Điều 8 nghị định 10/2009/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản quy định: đối với hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn của những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được quy định tại các Điều 13, 14, 16, 17, 18 của Luật Phá sản thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Người thực hiện loại vi phạm hành chính này có thể bị xử phạt hành cảnh cáo với điều kiện họ thực hiện vi phạm đó lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ.
b. Phạt tiền.
Phạt tiền là hình thức xử phạt chính được quy định tại Điều 14 pháp lênh xử lý vi phạm hành chính 2002. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nếu không thuộc trường hợp bị xử phạt cảnh cáo thì bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền. Hình thức phạt tiền là hình thức xử phạt áp dụng phổ biến với nhiều loại vi phạm hành chính từ những vi phạm về trật tự an toàn xã hội đến những vi phạm trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, môi trường…Phạt tiền tác động đến vật chất của con người, gây cho họ những bất lợi về tài sản.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 10.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mức phạt tiền cho các hành vi vi phạm được quy định cụ thể tại Điều 14 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cho từng lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: Điểm a, khoản 2 Điều 14 quy định về mức phạt tiền tối đa đối với những với lĩnh vực: trật tự, an toàn xã hội; quản lý và bảo vệ các công trình giao thông; quản lý và bảo vệ công trình thuỷ lợi; lao động; đo lường và chất lượng hàng hoá; kế toán; thống kê; tư pháp; bảo hiểm xã hội là phạt tiền tối đa đến 30.000.000
Việc lựa chọn, áp dụng mức phạt tiền đối với người vi phạm phải trong khung phạt cụ thể được văn bản pháp luật quy định cho loại vi phạm đã được thực hiện theo cách: khi phạt tiền mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình củ khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Việc lựa chọn áp dụng mức phạt tiền đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính có những nét đăc thù riêng biệt như sau: người từ đủ 14 tuổi đền dưới 16 tuổi vi phạm hành chính chỉ bị phạt cảnh cáo, không phạt tiền. Người tử đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì có thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điều 12 của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Khi phạt tiền với họ thì mức phạt tiền không quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên. Trong trường hợp họ không có tiền thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp thay.
Ngoài ra, pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định:
Khi quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm, nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung.
Cá nhân, tổ chức vi phạm bị phạt tiền có thể nộp phạt tiền phạt tại chỗ hoặc tại kho bạc nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được nhận biên lai thu tiền phạt.
Ví dụ về hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính: khi người tham gia giao thông khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 04 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
III. Kết luận.
Như vậy, các hình thức xử phạt hành chính là các chế tài được nhà nước áp dụng để giúp cho hoạt động quản lý hành chính được thực hiện có hiệu quả hơn, pháp luật được tôn trọng và đảm bảo thực hiện.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trinh luật hành chính Việt Nam, Nxb. Công An Nhân Dân, Hà Nội 2010.
2. Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002
3. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008
4. Nghị định sốn 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 04 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thong đường bộ.
5. Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
6. Nghị định 10/2009/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.