Các yếu tố tác động định hướng sáng nghiệp: Nghiên cứu từ góc độ thể chế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Bài viết này tập trung nghiên cứu tác động của các yếu tố thể chế chính thống và không chính thống tới định hướng sáng nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu, một cuộc khảo sát được thực hiện đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ba trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) đã khẳng định vai trò quan trọng của thể chế (chính thống và không chính thống) đối với định hướng sáng nghiệp. Cụ thể, lòng tin thể chế có tác động tích cực tới định hướng sáng nghiệp, trong khi đó sự không phù hợp của hệ thống chính sách, qui định và tham nhũng có tác động tiêu cực tới các khía cạnh của định hướng sáng nghiệp. Bài viết cũng đưa ra một số gợi ý để thúc đẩy định hướng sáng nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

pdf20 trang | Chia sẻ: hadohap | Lượt xem: 400 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các yếu tố tác động định hướng sáng nghiệp: Nghiên cứu từ góc độ thể chế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
298 CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐỊNH HƯỚNG SÁNG NGHIỆP: NGHIÊN CỨU TỪ GÓC ĐỘ THỂ CHẾ ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ VIỆT NAM TS. Bùi Anh Tuấn Công ty Cổ phần Hà Nội - Hưng Yên PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Bài viết này tập trung nghiên cứu tác động của các yếu tố thể chế chính thống và không chính thống tới định hướng sáng nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu, một cuộc khảo sát được thực hiện đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ba trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) đã khẳng định vai trò quan trọng của thể chế (chính thống và không chính thống) đối với định hướng sáng nghiệp. Cụ thể, lòng tin thể chế có tác động tích cực tới định hướng sáng nghiệp, trong khi đó sự không phù hợp của hệ thống chính sách, qui định và tham nhũng có tác động tiêu cực tới các khía cạnh của định hướng sáng nghiệp. Bài viết cũng đưa ra một số gợi ý để thúc đẩy định hướng sáng nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Từ khóa: Thể chế chính thống, thể chế không chính thống, định hướng sáng nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. 1. Giới thiệu Vai trò quan trọng của thể chế trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia đã được đề cập trong rất nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam. Đặc biệt, thể chế với vai trò là môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Trong bối cảnh các quốc gia đang chuyển đổi, thì thể chế không chính thống có thể có ảnh hưởng lớn hơn thể chế chính thống (Peng & Heath, 1996; Williamson, 2009). Việt Nam là một quốc gia mới nổi và đang trong giai đoạn chuyển đổi (emerging and transitional economy) thì các DNVVN khó có thể tránh khỏi các tác động của thể chế không chính thống. Vì vậy, việc xem xét tác động của cả thể chế chính thống và không chính thống là cần thiết. 299 Trong những năm gần đây, định hướng sáng nghiệp (entrepreneurial orientation) đã trở thành một nội dung quan trọng và chính yếu trong hầu hết các nghiên cứu về doanh nghiệp và doanh nhân. Chủ đề nghiên cứu liên quan tới định hướng sáng nghiệp đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các nhà nghiên cứu trên thế giới. Định hướng sáng nghiệp được cho là một yếu tố quan trọng cho thành công của doanh nghiệp (Vij & Bedi, 2012). Nội dung này cũng đã được nghiên cứu nhiều tại các DNVVN trên thế giới do vai trò quan trọng của loại hình doanh nghiệp này trong nền kinh tế của mỗi quốc gia (Keh & cộng sự, 2007; Wang & cộng sự, 2015). Ở Việt Nam, định hướng sáng nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng sáng nghiệp cũng đã được xem xét, trao đổi trong một số nghiên cứu như Swierczek & Thai (2003) và Nguyen (2009, 2011). Tuy nhiên, ảnh hưởng của thể chế (cả thể chế chính thống và không chính thống) đến định hướng sáng nghiệp vẫn còn chưa được nghiên cứu nhiều (Dickson và Weaver, 2008). Tính đến hết tháng 12 năm 2015 thì cả nước có khoảng trên 500.000 DNVVN, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp trên 40% GDP và thu hút trên 50% lực lượng lao động của cả nước (VCCI, 2016). Tuy nhiên, từ sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, số lượng doanh nghiệp giải thể và đóng cửa dường như vẫn không giảm. Số lượng các doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường trong năm 2016 đã tăng 32% so với năm 2015 (Cục đăng ký kinh doanh, 2017). Năng lực sản xuất kinh doanh của nhiều DNVVN Việt Nam còn rất hạn chế. Vì vậy, sức cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp còn yếu. Đặc trưng cơ bản của các DNVVN thường được nhắc tới như quy mô hoạt động nhỏ, sử dụng nhiều lực lượng lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, vốn ít và năng suất lao động thấp. Mục đích của bài viết này là tìm hiểu tác động của một số yếu tố của thể chế (chính thống và không chính thống) tới định hướng sáng nghiệp của các DNVVN Việt Nam, trong bối cảnh của một nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển. Phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày về cơ sở lý luận và giả thuyết nghiên cứu. Sau đó là phần phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu. Kết thúc bài viết là phần thảo luận kết quả nghiên cứu và đề xuất, kiến nghị. 2. Cơ sở lý luận và giả thuyết nghiên cứu 2.1. Thể chế: thể chế chính thống và không chính thống Nhiều khái niệm thể chế đã được các nhà nghiên cứu đưa ra căn cứ vào góc nhìn và bối cảnh nghiên cứu khác nhau. Veblen (1914) đã đưa ra một trong những khái niệm đầu tiên về thể chế, theo đó thể chế gồm phong tục, quy tắc ứng xử, các nguyên tắc về quyền và phép tắc. Như vậy, thể chế là các ràng buộc bên ngoài buộc mọi người phải tuân thủ và các ràng buộc bên trong thông qua nhận thức của các cá nhân rồi dẫn tới hành động. North (1981) định nghĩa thể chế là “một tập hợp các quy 300 tắc, quy trình tuân thủ, các chuẩn mực hành vi đạo đức được thiết kế để kiểm soát các hành vi của các cá nhân vì lợi ích tối đa hóa sự giàu có hay lợi ích của tập thể”. Mặc dù có nhiều khái niệm dựa trên các góc độ khác nhau nhưng sự phát triển khái niệm thể chế của North (1990) và Scott (1995) được nhiều tác giả sử dụng trong các nghiên cứu về thể chế. Theo North (1990) thể chế được hiểu là “luật chơi trong một xã hội”. Tương tự, thể chế nói tới hệ thống các luật lệ chung, khá ổn định, được xã hội thừa nhận và tuân thủ (Scott, 1995). Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về thể chế với vai trò là các yếu tố của môi trường kinh doanh không bao gồm thể chế chính trị, mặc dù bản chất của thể chế là phụ thuộc yếu tố chính trị (North, 1990). Thể chế bao gồm thể chế chính thống (formal institutions) và thể chế không chính thống (informal institutions) (North, 1990). North (1991,1997) đã tiếp tục làm rõ hơn khái niệm về thể chế với các ràng buộc chính thống và không chính thống. Thể chế chính thống là nói tới hệ thống luật pháp, quy định, chính sách, hợp đồng và hiệu lực thực thi. Cùng với toàn bộ văn bản luật pháp và chính sách là cơ chế thực thi, sự điều tiết, giám sát của các cơ quan liên quan giúp cho việc thực hiện chính sách. Thể chế chính thống có nội dung rất rộng. Roxas và công sự (2008) đã xem xét ảnh hưởng của thể chế chính thống tới định hướng chiến lược của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển ở Châu Á. Theo nghiên cứu này thì thể chế chính thống gồm 5 yếu tố: tính pháp quyền (rule of law), bảo về quyền sở hữu (property rights protection), các chính sách của Nhà nước (government policies), chất lượng điều hành (regulatory quality), và sự trợ giúp của Nhà nước (government assistance). Trong bối cảnh của các quốc gia chuyển đổi và đang phát triển thì nhiều yếu tố của thể chế chính thống đã trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV (Aidis, 2005; Hashi và Krasniqi, 2011; Zhu và các cộng sự, 2012). Chất lượng điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước là một trong các rào cản thuộc về chất lượng thể chế chính thống đã được nhiều nghiên cứu đề cập đến (Chadee và Roxas, 2013; Roxas và Chadee, 2012). Một chỉ báo quan trọng của chất lượng thể chế chính thống, đó là rào cản về hành chính cao và phức tạp của quy trình đăng ký pháp lý cho hoạt động kinh doanh của các DNNVV (Ostapenko, 2015). Mức thuế và quản lý thuế cũng là một rào cản lớn mà các DNNVV phải đối mặt (Hashi & Krasniqi, 2011). Các quốc gia có chất lượng thể chế thấp thì có số lượng quy trình và quy định rất lớn, việc thực hiện cũng không nhất quán nên làm tăng chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp (Autio & Fu, 2013). Bên cạnh đó, các thay đổi thường xuyên của các luật, nghị định, quy định và các thủ tục quy trình sẽ dẫn tới kết quả không chắc chắn, các chi phí về tuân thủ và chi phí cho thông tin cao hơn. Sự không phù hợp về các quy định chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hành vi kinh doanh của các doanh nghiệp (Lajqi & Krasniqi, 2017). Các rào cản được nêu 301 ở trên của thể chế chính thống cũng chính là các đặc điểm nổi bật của thể chế chính thống ở Việt Nam đã được các nghiên cứu chỉ ra: “Chất lượng của hệ thống luật còn thấp, phải thường xuyên sửa đổi, không ít luật chồng chéo mâu thuẫn nhauthủ tục hành chính vừa nhiều vừa phức tạp” ( Lê Du Phong & Lê Huỳnh Mai, 2018). “Hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định, thường xuyên thay đổi gây bất lợi cho các chủ thể thị trường, các quy định chính sách chưa phù hợp tạo rào cản” cho các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp (Nguyễn Thị Luyến, 2018). Đây cũng là hai yếu tố thể chế chính thống được đánh giá rất quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh các DNNVV ở Việt Nam (Trần Kim Chung & Trần Tiến Dũng, 2018). Nghiên cứu này sẽ xem xét ảnh hưởng của hai yếu tố này tới từng khía cạnh của định hướng sáng nghiệp của các DNVVN Việt Nam. (1) Rào cản từ quản lý điều hành của các cơ quan quan quản lý nhà nước được định nghĩa là các rào cản đối với hoạt động của các doanh nghiệp như mức thuế, quản lý thuế, các hoạt động thanh tra kiểm tra bởi sự áp đặt của nhà nước (Chadee & Roxas, 2013). Các rào cản thể chế này cũng bao gồm thiếu hụt sự hỗ trợ của nhà nước cho phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp như tài chính và các dịch vụ hỗ trợ (Hashi & Krasniqi, 2011; Zhu & cộng sự, 2012). (2) Sự không phù hợp của hệ thống chính sách, quy định được định nghĩa là tính phức tạp/sự chồng chéo, thiếu rõ ràng và tính biến động/thiếu ổn định và thiếu nhất quán của hệ thống chính sách, quy định của nhà nước. Các rào cản này được đề cập đến bởi Lajqi và Krasniqi (2017). Thể chế không chính thống nói tới các giá trị ngầm định trong các quan hệ xã hội, kỳ vọng chung của các bên (Scott, 1995) và thông thường không thể hiện bằng văn bản (Helmke & Levitsky, 2006), được xã hội thừa nhận và tuân thủ (ví dụ: tục lệ, văn hóa, chuẩn mực, truyền thống, và các hành vi được chấp nhận). Thể chế không chính thống có thể hạn chế thể chế chính thống hoặc ngược lại (Williamson, 2000). Trong một số bối cảnh cụ thể, thể chế không chính thống lại hỗ trợ thể chế chính thống (Peng & Heath, 1996). Mặc dù còn có các ý kiến khác nhau, nhìn chung thể chế không chính thống có thể được xác định theo ba nhóm yếu tố chủ yếu: 1) các yếu tố văn hóa quốc gia, các chuẩn mực trong xã hội (Busenitz & cộng sự, 2000); 2) các yếu tố xã hội như lòng tin, danh tiếng (Wicks & Berman, 2004; Seyoum, 2011); và 3) các yếu tố được sinh ra do kết quả của sự thiếu hụt và yếu kém của thể chế chính thống như tham nhũng và kết nối chính trị (Li, 2009). Tất cả ba nhóm yếu tố này của thể chế không chính thống đều hướng tới việc đạt được “sự chấp nhận” khi phải tuân thủ “luật chơi” trong một xã hội. Nghiên cứu này tập trung vào tìm hiểu ảnh hưởng của hai yếu tố thể chế không chính thống thường được đề cập trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển là tham 302 nhũng (Li, 2009, Zhghenti, 2017) và lòng tin thể chế (Nguyen & cộng sự, 2005; Seyoum, 2011). (1) Tham nhũng tồn tại ở tất cả các quốc gia. Nó nói tới việc lạm dụng quyền hạn được giao phó cho lợi ích cá nhân (Bardhan, 1997, Transparency International, 2010). Tham nhũng được định nghĩa là các cách tự làm giàu, tự thưởng tiền của quan chức nhà nước từ cao nhất xuống thấp nhất, để nhận được tiền và quà cho cá nhân từ mọi giao dịch của nhà nước bất cứ khi nào có thể. Khái niệm tham nhũng này đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu trước, bao gồm cả những nghiên cứu trong bối cảnh các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển (Avnimelech & cộng sự, 2014, Chadee & Roxas, 2013), và cũng được sử dụng trong nghiên cứu này. (2) Lòng tin thể chế được coi là một yếu tố của thể chế không chính thống. Nó đề cập tới các kỳ vọng được chia sẻ có nguồn gốc từ các cấu trúc xã hội chính thức thông qua các tín hiệu như về quy định pháp luật, ngân hàng, sự quan liêu của chính phủ (Fuglsang và Jagd, 2015). Nhìn chung, lòng tin thể chế vượt ra khỏi một giao dịch nhất định và vượt ra ngoài các đối tác trao đổi cụ thể (Zucker, 1986). 2.2. Định hướng sáng nghiệp và các khía cạnh liên quan Khái niệm về định hướng sáng nghiệp (hay tinh thần doanh nhân) đã trở thành một khái niệm trung tâm trong lĩnh vực nghiên cứu về tinh thần khởi nghiệp và đã thu hút một số lượng đáng kể các nghiên cứu cả lý thuyết và thực nghiệm trên thế giới (Covin & cộng sự, 2006; Harmas, 2013; Rauch & cộng sự, 2009). Miller và Friesen (1982) lần đầu tiên đã đưa ra khái niệm về định hướng sáng nghiệp (entrepreneurial orientation). Lumpkin và Dess (1996) định nghĩa định hướng sáng nghiệp là nói tới những quá trình, những hoạt động thực tế và những hoạt động ra quyết định dẫn tới sự ra đời của những cái mới trong doanh nghiệp. Như vậy, định hướng sáng nghiệp có thể được xem như quá trình ra quyết định chiến lược kinh doanh mà các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đã thực hiện cho tổ chức của họ nhằm mục đích duy trì tầm nhìn và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (Mason & cộng sự, 2015; Rauch & cộng sự, 2009; Wales & cộng sự, 2011). Trong nhiều nghiên cứu, định hướng sáng nghiệp được đề xuất như là một cấu trúc đa chiều. Miller (1983) đã xác định định hướng sáng nghiệp gồm có ba yếu tố cấu thành: khuynh hướng chấp nhận rủi ro (risk-taking), hành động một cách chủ động, tiên phong đi trước đối thủ (acting proactively) và hành động một cách sáng tạo, đổi mới (innovativeness). Lumpkin và Dess (1996) đã đề xuất thêm hai khía cạnh vào cấu trúc của định hướng sáng nghiệp, đó là tính quyết liệt cạnh tranh và tính tự chủ. Tuy nhiên, phổ biến trong nhiều nghiên cứu, định hướng sáng nghiệp chủ yếu được xem xét trên ba khía cạnh hay yếu tố cấu thành được đề cập bới Miller (1983) (ví dụ: Keh & cộng 303 sự, 2007; Kreiser & Davis, 2010; Mason & cộng sự, 2015; Rauch & cộng sự, 2009; Smart & Conant, 1994; Zahra và Covin, 1995). Ba yếu tố cấu thành của định hướng sáng nghiệp được giải thích cụ thể như sau: Khuynh hướng dám chấp nhận rủi ro nói tới việc doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư một nguồn lực đáng kể để khai thác các cơ hội kinh doanh và thực hiện những chiến lược kinh doanh có độ rủi ro cao. Tinh thần dám chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp không có nghĩa là "làm liều" không tính toán tới hậu quả, mà điều này phản ánh sự mạnh dạn, dám làm, dám nắm bắt những cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Những rủi ro thường gắn liền với cơ hội, nhưng các doanh nghiệp có thể và cần có khả năng quản lý và kiểm soát những rủi ro này ở mức cao nhất. Đổi mới sáng tạo nói tới việc doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ sự sáng tạo và thử nghiệm, tham gia vào các quá trình sáng tạo, thử nghiệm các ý tưởng như áp dụng các phương pháp sản xuất mới, công nghệ mới hay phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới cho các thị trường hiện tại hoặc thị trường mới. Chủ động tiên phong đi trước đối thủ phản ánh sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc táo bạo tiên phong đi trước đối thủ cạnh tranh (ví dụ: nghiên cứu và đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường trước đối thủ; dự đoán nhu cầu trong tương lai để chủ động thực hiện sự thay đổi và tác động tích cực vào môi trường kinh doanh). Chủ động có thể bao gồm các hành động: nhận biết và đánh giá các cơ hội mới, xác định và theo dõi các xu hướng thị trường và hình thành các nhóm kinh doanh mới. 2.3. Mối quan hệ giữa thể chế và định hướng sáng nghiệp của các DNNVV Thể chế chính thống và định hướng sáng nghiệp Rào cản từ quản lý điều hành và định hướng sáng nghiệp Hầu hết các nghiên cứu trong bối cảnh của các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển đã gợi ý rào cản từ quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đổi mới của doanh nghiệp (Chadee & Roxas, 2013; Xheneti & Bartlett, 2012). Zhu và cộng sự (2012) đã chỉ ra hoạt động đổi mới sáng tạo của DNNVV bị cản trở bởi các chi phí liên quan đến đổi mới như gánh nặng thuế, chi phí tài chính, việc tuân thủ sự quan liêu và cứng nhắc của các cơ quan Nhà nước. Rào cản này dẫn đến sự leo thang mức độ không chắc chắn và chi phí, ngăn cản khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các nguồn lực để hỗ trợ hoặc kích thích sự đổi mới. Bên cạnh đó, sự nhận thức về cơ hội và rủi ro của doanh nghiệp ảnh hưởng đến sự đổi mới sáng tạo và chủ động tiên phong của các doanh nghiệp (Haro & công sự, 2011). Khi mà mức độ không chắc chắn và chi phí tăng cao thì khả năng quản trị rủi ro của doanh nghiệp bị hạn chế, đặc biệt là các DNNVV. Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp suy giảm mức độ chấp nhận rủi ro để có thể hướng tới các cơ 304 hội kinh doanh. Sự tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và các dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước cho các DNNVV khi khai thác các cơ hội kinh doanh mới sẽ ảnh hưởng tích cực đến mức độ chấp nhận rủi ro của các doanh nghiệp (Haro & công sự, 2011). Do đó, việc gia tăng chi phí tiền bạc và chi phí thời gian, cũng như các doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự phiền hà khi thực hiện các thủ tục kinh doanh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp. Như vậy, chất lượng điều hành sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả ba khía cạnh của tinh thần doanh nhân. Các rào cản của chất lượng điều hành đối với hoạt động của các DNNVV cũng đã được các nghiên cứu trong nước đề cập tới (CIEM và các cộng sự, 2016; VCCI, 2016). Việc thanh tra, kiểm tra và quá nhiều các loại chi phí đã làm nản lòng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, ngại ngần đầu tư, giảm động lực đổi mới sáng tạo (Nguyễn Thị Luyến, 2018; Lê Du Phong & Lê Huỳnh Mai, 2018). Từ những thảo luận trên, nghiên cứu này đề xuất các giả thuyết sau: H1a: Chất lượng điều hành có mối quan hệ ngược chiều với mức độ đổi mới sáng tạo. H1b: Chất lượng điều hành có mối quan hệ ngược chiều với mức độ chấp nhận rủi ro. H1c: Chất lượng điều hành có mối quan hệ ngược chiều với mức độ chủ động tiên phong. Sự không phù hợp của hệ thống chính sách, quy định và định hướng sáng nghiệp Các nghiên cứu về thể chế, cả lý thuyết và thực nghiệm đã chỉ ra rằng các quy định và chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng sáng nghiệp (Dickson & Weaver, 2008; Roxas & cộng sự, 2008; Alvarez & Urbano, 2012). Phần lớn các nghiên cứu đều thừa nhận, các quy định pháp luật theo hướng hoàn thiện và phát triển, đảm bảo tuân thủ đúng theo cơ chế thị trường thì có mối quan hệ tích cực với sự phát triển của các doanh nghiệp thông qua khả năng đổi mới và quyết định chiến lược (Roxas & cộng sự, 2008). Mối quan hệ sẽ theo chiều ngược lại nếu các quy định pháp luật trở thành rào cản cho hoạt động của các doanh nghiệp (Chadee & Roxas, 2013; Liu, 2011; Zhu & cộng sự, 2012). Các quy định và chính sách của Nhà nước có thể thúc đẩy hoặc cản trở các cơ hội để DNNVV theo đuổi các dự án sáng tạo nhiều rủi ro hơn nhưng đầy hứa hẹn (Zhu và các cộng sự, 2012). Sự thiếu ổn định và phức tạp của hệ thống quy định chính sách gây ra rủi ro chính sách, rủi ro kinh doanh, mất động lực đổi mới sáng tạo và ảnh hưởng đến quyết định đầu tư phát triển của các doanh nghiệp (Nguyễn Thị Luyến, 2018). Bởi vì các chính sách không phù hợp nên môi trường trở nên đối nghịch với tăng trưởng kinh doanh và các doanh nhân khó dự đoán triển vọng về kinh tế trong tương lai để hình thành 305 các mối quan hệ hợp đồng. Điều này có thể ngăn cản các DNNVV chấp nhận rủi ro để đầu tư (Lajqi & Krasniqi, 2017). Bên cạnh đó, sự phức tạp và hay thay đổi của các quy định và chính sách của Nhà nước sẽ làm cho các doanh nghiệp khó dự đoán cũng như làm thế nào để phù hợp với các quy định khi muốn tiên phong trên thị trường. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tính chủ động tiên phong của các doanh nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu này đề xuất các giả thuyết sau: H2a: Sự không phù hợp của hệ thống chính sách, quy định của Nhà nước có mối quan hệ ngược
Tài liệu liên quan