Cảm hứng phê phán trong di cảo thơ của Chế Lan Viên

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, nhất là khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc, nhà thơ Chế Lan Viên (23/10/1920 - 19/6/1989) có viết nhiều bài thơ mang cảm hứng phê phán rõ nét. 1. Trước hết là sự nhìn nhận và phê phán về chính mình. Điều này không dễ mấy ai dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của mình mà rút ra bài học cần thiết. Chẳng hạn, tu chỉnh về ý nghĩ để hành động cho đúng hướng, có ích cho cuộc sống và cho chính bản thân mình. Thực ra, không phải đến thời điểm này Chế Lan Viên mới có ý thức về vấn đề đó. Trước đây, thời chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới, Chế Lan Viên từng dũng cảm đưa con người cá nhân của mình ra để mổ xẻ, để thấy rõ cái đớn hèn, bé nhỏ của mình và rộng ra là một lớp người thuộc thế hệ mình để mà đau xót và hối hận. Phê phán mình xa rời cuộc đấu tranh của quần chúng Chế Lan Viên từng viết: “Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy / Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi) (1)

pdf7 trang | Chia sẻ: anhquan78 | Lượt xem: 906 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cảm hứng phê phán trong di cảo thơ của Chế Lan Viên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1 CẢM HỨNG PHÊ PHÁN TRONG DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN NGUYỄN DIỆU LINH (*) Vào những năm 80 của thế kỷ XX, nhất là khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc, nhà thơ Chế Lan Viên (23/10/1920 - 19/6/1989) có viết nhiều bài thơ mang cảm hứng phê phán rõ nét. 1. Trước hết là sự nhìn nhận và phê phán về chính mình. Điều này không dễ mấy ai dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của mình mà rút ra bài học cần thiết. Chẳng hạn, tu chỉnh về ý nghĩ để hành động cho đúng hướng, có ích cho cuộc sống và cho chính bản thân mình... Thực ra, không phải đến thời điểm này Chế Lan Viên mới có ý thức về vấn đề đó. Trước đây, thời chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới, Chế Lan Viên từng dũng cảm đưa con người cá nhân của mình ra để mổ xẻ, để thấy rõ cái đớn hèn, bé nhỏ của mình và rộng ra là một lớp người thuộc thế hệ mình để mà đau xót và hối hận. Phê phán mình xa rời cuộc đấu tranh của quần chúng Chế Lan Viên từng viết: “Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy / Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi) (1). Để nêu bật sự hy sinh lớn lao của lãnh tụ, Chế Lan Viên đã chua xót nói về thế hệ mình: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp / Giấc mơ con đè nát cuộc đời con / Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp / Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn” (Người đi tìm hình của Nước) (2). Trong các bài nghĩ về thơ và nghề thơ, Chế Lan Viên đã có những câu mang cảm hứng phê phán về bản thân mình. Cuộc đấu tranh tự phê bình và phê bình bao giờ vế đầu cũng đáng trân trọng. Đến Di cảo thơ, ý thức tự phê bình và phê bình càng được đẩy lên cao. Hoàn cảnh đất nước lúc này đã thống nhất, không còn phải e dè những “khu vực cấm” nữa. Song song với đó, ý thức dân chủ trong xã hội và trong văn học được đề cao, con người có thể sống trung thực với mình, nói những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình về đời sống xã hội và về con người. Chính vì vậy, cảm hứng phê phán trong thơ Chế Lan Viên ở tầm cao hơn, sâu sắc hơn giai đoạn trước. Nhìn nhận lại bản thân mình – không hiểu có quá mức cần thiết không – Chế Lan Viên viết: “ anh 2 tội lỗi, dại khờ, ngu si, bướng bỉnh / Làm sao? Làm sao anh có đủ khôn ngoan để gặp tai ương mà né tránh / Anh là kẻ rất thấp mà, là chổi thôi mà, sao lại bắt anh quét trời như những chùm sao / Ở tận trên cao?”(Làm sao?) (3). Phê phán bản thân không lường được sức mình, thậm chí không thấy cả nhân loại vô cùng to lớn, trong đó có nhiều người tài hơn mình, còn bản thân mình thật là nhỏ nhoi tội nghiệp, Chế Lan Viên viết: “Sau anh còn mênh mông nhân loại / Đừng nghĩ mình là người đi cuối / Phải để lại dấu chân, nhành cây, viên sỏi/ Cho người theo sau không cô đơn / Khi gặp dấu chân anh, người đi trước / Họ lại để một cành hoa tiếp tục bên đường” (Sau anh) (4). Sự thực thì có lúc nhà thơ cười mình tốn công lớn mà hiệu quả thu về thật nhỏ nhoi: “Cười mình vung lưới rộng / Thu về con tép con / Nhặt bốn câu bé bỏng / Sải cánh cả tâm hồn” (Tuổi già làm thơ tứ tuyệt) (5). Cũng có lúc Chế Lan Viên vươn tới mức độ cao của sự phê phán là nhận ra đã đến lúc phải thay đổi con người mình. Sự “đổi đời ” cũng có nghĩa là phải thay đổi cách suy nghĩ, cách hành động. Phải đắm mình vào trong cuộc sống bình dị hàng ngày, biến con người mình cũng bình thường như bao người bình thường khác thì mới mong “đổi Lời”: “Ngồi giữa cá tôm, trong xe buýt, xe lam đầy bụi / Ra khỏi sức hút của danh vọng, bản thân, tên tuổi / Trộn hạt giống anh vào trăm giống cao sang hay hèn hạ của đời / Ăn miếng ngọt ngon, giờ ăn nhục tủi / Đang là ngọc, tự vùi mình là hạt sỏi / Nghĩ sâu vào trong cái đang sống bên ngoài / Rồi từ đấy anh mới đẻ ra thơ như Đức Chúa Lời / Đẻ Đức Chúa Con của Người trong chuồng cừu bên máng cỏ / Hôi hám thế mới thực tình là Chúa / Muối đổi Lời ư? Anh phải đổi Đời” (Đổi Đời) (6). 2. Sau khi tự phê phán mình, Chế Lan Viên mở rộng cảm hứng ấy sang những vấn đề chung của xã hội và những người xung quanh mà nhà thơ nhận thấy. Trước hết, đó là việc phê phán sự quên quá khứ, sự nhìn nhận không đúng về quá khứ ở một số người. Có sự vật rất có ích cho cuộc sống, thậm chí nếu không có nó thì cũng chấm dứt sự tồn tại của sự sống. Nhưng vì ta quá quen, quá nhờn có khi tưởng không có nó thì ta vẫn là ta cho nên tưởng nó chưa từng tồn tại: “Cái mặt trời quá quen / Loài người dùng hằng bữa / Quên phứt nó là hoa / Chẳng ai ca tụng nữa” (Quá quen) (7). Đánh giá về quá khứ, rất cần có sự xem xét hoàn cảnh cụ thể về yếu tố khách quan, từ đó ta nhìn nhận yếu tố chủ quan một cách có lý có tình hơn. Chế Lan Viên đã viện đến lịch sử để 3 nhắn nhủ những điều rất thời sự: “Vua Hùng, vua Lê, cả dân tộc sống trong Châu Á đói nghèo / Dẫm chân trong bùn, dẫm chân tại chỗ / Có làm vua cũng là vua thứ quèn / Mũ triều thiên lẫn cùng rổ rá / Áo long bào lắm khi phải vá / Suốt đời lo miếng ăn cho dân tộc không xong! / Không phải thứ vua lục viện, tam cung / Có ba nghìn con em vườn lê múa hát / Do đó ta có chửi vua nước mình cũng chửi cho chừng mực” (Vua) (8). Nhìn nhận về đất nước, về truyền thống lịch sử như vậy là rất khách quan. Ta có thể phê phán trước đây nhiều thứ nhưng đừng quên rằng lịch sử nước ta mấy nghìn năm phải chống giặc ngoại xâm và chống chọi với thiên nhiên. Ngay trong 61 năm dưới chế độ mới thì đã có 30 năm chiến tranh chống hai tên đế quốc đầu sỏ và 16 năm chống chiến tranh biên giới. Thực sự chúng ta có 15 năm sống trong hoà bình. Nhưng hoà bình cũng chỉ là tương đối. Bao thế lực còn chống phá ta. Vả lại, đến từng thời điểm lịch sử, chúng ta có sức bấy nhiêu thôi, chúng ta đành chấp nhận cách giải quyết của cha ông ta là đến chừng mực ấy. Nhìn thẳng vào thực trạng của đất nước một cách đúng đắn thiết tưởng cũng là cách phê phán những cái nhìn phi thực tế: “Việt Nam chỉ giàu chiến công thôi / Còn nghèo vô kể / Chả lẽ lại đổ cho Nhật, cho Tây,cho Tàu, cho Mỹ / Hay lãnh đạo về kinh tế / Khi trái tim ta tồi / Mà cuộc đời như rệp như bọ chét / Suốt đêm cắn xé / Đánh ta liên hồi” (Đôi giầy chật) (9). Trong thời hậu chiến, bên cạnh cái lo toan của cuộc sống hiện tại, chúng ta còn lo chu đáo cho những người đã vì sự nghiệp chung mà ra đi mãi mãi. Có những người bình thường, cuộc sống bao vất vả mà họ vẫn dành tấm lòng và làm trọn nghĩa với người đã khuất. Nhưng cũng có những người thờ ơ, tỏ ra “vô can” trước mọi trách nhiệm mà lẽ ra họ nên góp phần chia sẻ. Chế Lan Viên đã dựng lên hai hình ảnh đối lập nhằm phê phán đối tượng này: “Người nông dân ấy đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh / Xác anh em và xác con mình / Anh xếp trên gường nhà anh như họ còn nằm ngủ /() Có khi bản thân anh cũng muốn quên giữa cuộc đời chật vật / Còn ta à! Thì bận vì dạ hội, liên hoan / Tình ca, hội thảo /Bao nhiêu điều láo nháo chúng ta quên / Quên rằng giờ chiến thắng mười năm / Anh ta vẫn khổ / Con vào trường không có chỗ / Đến bệnh viện không tiền / Ra đường không ai nhớ / Về làng người ta quên ” (Một người thường) (10). 3. Tập trung nhất là cảm hứng phê phán những mặt bất cập xuất hiện vào thời kỳ đổi mới. Chế Lan Viên phê phán những quan niệm làm đảo điên các giá trị, tôn thờ chủ nghĩa vật chất khiến nhân loại như sắp đến lụi tàn: “Thế kỷ 20. Nôn mửa 4 thành cổ điển / Và phá phách vào Hàn lâm viện / Họ chia ra buồn tiền chiến và say hậu chiến / Biến chén rượu hạt mít và cái ao nhà thành ra biển, / Dựng cặp đùi lên thành Khải hoàn môn / Giết hết hoa sen để vạn tuế buồn / Họ lao trượt ái tình như trẻ con chơi cầu trượt/ Đồ vật là chúa tể mà / Nhân loại sắp hoàng hôn” (Mô - đéc) (11). Trong đối nhân xử thế, có kẻ chỉ dùng lời lẽ đầu lưỡi mà không thực tâm ghi sâu đáy lòng ơn huệ của người khác. Chắc chắn là Chế Lan Viên không nhạo báng từ “cảm ơn” từ bao đời để lại mà chúng ta vẫn dùng. Nhà thơ muốn phê phán những kẻ dùng lời nói để vuỗi đi mọi thứ cần ghi nhớ: “Để khỏi nhớ ơn, người ta bày ra chữ cảm ơn / Cảm ơn một lần, hai lần thôi thế là rảnh nợ” (Cảm ơn) (12). Cuộc sống xô bồ khiến con người không sống thật là mình, phải nguỵ trang nhiều thứ dẫn đến việc khó nhận ra con người đích thực của mình. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, anh ta cũng không tự chủ để trở về với bản chất thật của mình. Yêu, ghét cũng tuỳ do người đời định liệu. Chế Lan Viên phê phán hiện tượng này: “Anh ta có nhiều mặt nạ / Cái nào cũng là mặt thật của mình / Vì cái thật hơn nó phải ẩn hình / Sau mặt thật vốn là giả ấy / Chiếc mặt nạ anh đánh lừa người khác / Lẫn cùng bao mặt nạ bao người” (Mặt nạ) (13). Vấn đề danh và thực hiện nay đang là mối quan tâm của dư luận xã hội, thậm chí là một điều nhức nhối. Đáng trân trọng sao khi mà trước công cuộc đổi mới một năm, Chế Lan Viên đã nhận ra điều này, đã cảnh tỉnh dư luận xã hội cần đi vào thực chất của con người cùng những đóng góp cụ thể, hiệu quả của người ấy cho xã hội. Nhà thơ dựng lên một cảnh tượng thật hiếm có: “Trong lễ đón người đến tự Thiên Hà / Anh bị gạt ra / Vì không cấp bậc / Lương anh quá thấp / Lại không bằng cấp / Ốm chưa bao giờ nằm lầu A / Từ anh đến những người được mời đi đón còn xa / Cách nhiều phẩm trật /() Người trong phòng họp / Quay nhìn ra anh nhà thơ bị gạt / Cho anh một bạt tai đánh đốp: / "Cút ! Đi đi ! Đừng có đứng đây nghe / Rồi tưởng bở / Nghĩ mình cũng là thi sĩ / Đến tự thiên ha, thiên hả, thiên hà” (Đón người Thiên Hà) (14). Tham nhũng hiện nay trở thành “quốc nạn”. Người ta lên án nó, căm giận nó và tìm cách dần dần loại nó ra khỏi đời sống xã hội. Vào những năm cuối đời, Chế Lan Viên đã góp tiếng nói phê phán loại sâu mọt này. Khác với mọi người khác khi họ thường lớn tiếng tố cáo, bằng sức mạnh của thơ ca, Chế Lan Viên đã dựng lên những hình tượng tương phản khiến cho ý nghĩa tố cáo sâu sắc hơn. Thời chiến tranh, nhà thơ hốt lá bàng rơi để đun nấu. Vui trong cảnh 5 nghèo bởi nghĩ đến chiến trường xa có người lính đổ máu cho mình. Nếu người lính biết được cảnh ở hậu phương có một nhà thơ, chưa nói là một nhà thơ lớn, đang nhặt lá để nấu đun, vì chiến tranh, đất nước còn nghèo, người lính sẽ được an ủi phần nào. Nhưng giờ đã hoà bình, mà hoà bình đã trên mười năm, nhà thơ vẫn phải nhặt lá (để đun thay củi) :“Không phải vì đất nước mình còn chiến tranh, nghèo khó / Mà vì có bao nhiêu thằng đang sống xa hoa / Vì có bọn người thoái hoá / Khiến cho thắng trận rồi mà vẫn còn nhặt lá - kẻ làm thơ!” (Hốt lá) (15). Một năm sau, tiếng nói phê phán lại tiếp tục trong câu chuyện nhà thơ bị phạt tiền điện, không có tiền trả, phải bán đi bảy tấm ván bạn cho định làm trần nhà để có tiền nộp phạt. Nghĩ mà thương thân. Giá có ván làm trần “Tuổi lớn vẫn viết được / Miễn nhà có cái trần”. Nhà thơ thì khổ vậy mà thấy quanh mình còn có những kẻ : “Chung quanh bọn tham ô / Xây biệt thự lớn, nhỏ / Còn lên lớp nhà thơ: / “Cần chịu đựng gian khổ” (Nhà không trần) (16). Bọn tham ô mà nhà thơ nói đến trong bài thơ tất không thể là bọn bình thường. Phải có chức, có quyền mới “lên lớp” răn dạy nhà thơ được chứ. Thưa vong linh nhà thơ Chế Lan Viên, những “bọn”, những “thằng” mà ông nói tới ngay những năm đầu sau đổi mới đã có nhiều tên phải ra trước vành móng ngựa, phải vào nhà đá nhưng chưa phải đã hết. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn tiếp tục và hy vọng đất nước, xã hội ngày một tốt đẹp hơn bởi những ung nhọt đó dần dần được cắt bỏ. Với cảm hứng phê phán mạnh mẽ, Chế Lan Viên còn hướng tới nhiều vấn đề khác phức tạp hơn. Đó là “cuộc cãi cọ giữa chân lý và bọn cầm cờ trắng cờ đen nghiêng ngả / Giữa người lên chiến hào và kẻ tụt lại sau / Giữa mặt trời lên và các ngôi sao chết / Giữa cờ đỏ thiêng liêng và những kẻ đổi màu” (Tranh luận) (17). Đó còn là sự phê phán triết học: “Ngỡ như nhờ anh mà cỏ mọc / Nhờ anh mà trái rơi!” (Triết (1)) (18). Hoặc đó là sự phê phán tôn giáo không còn thiêng khi phạm tội sát nhân: “Các tôn giáo bây giờ được việc hơn xưa / Thần thánh tham dự các vụ giết người dữ dằn hơn hôm qua” (Tôn giáo mới) (19). Có lần Chế Lan Viên phải thốt lên một cách chua xót: “Thế kỷ đông người mà nhân loại vắng tanh”. Phần “nhân loại” mà nhà thơ muốn nói tới tất nhiên phải là phần trong sáng, lành mạnh của con người. Nói như vậy có phần cực đoan chăng? Nhưng phải thừa nhận là cái xấu, cái ác còn hoành hành dữ quá. Con người có lương tâm cần phải nỗ lực nhiều hơn để đẩy lùi nó, dần dần loại bỏ nó. 6 4. Là người làm thơ, Chế Lan Viên không thể không nghĩ đến những mặt bất cập của nghề nghiệp văn chương mà bày tỏ thái độ. Trước hết, đó là sự xa rời thực tế của mình (và của nhiều người khác): “Mẹ già chạy gạo nuôi anh từng ngày, từng buổi / Một tháng bao lần ngô ghế theo khoai / Thế mà anh đi tìm nắm cỏ tiên để hái / Mẹ cần ăn, anh cho nắm cỏ hái trên trời” (Hái trên trời) (20). Chế Lan Viên còn phê phán những tác giả muốn tìm chữ lạ để lừa người chứ thực chất không có gì mới, chứng tỏ sự lười động não trong sáng tạo nghệ thuật: “Những nhà thơ mất giá / Lại thường hay đổi tiền / Mong dùng nhiều chữ lạ / Lừa người tiêu quá quen” (Mất giá) (21). Rồi có cả những nhà thơ vô cảm, không biết đến "cây đời" với bao điều hấp dẫn. Cách phê phán rất nhẹ nhàng mà đầy oán trách : "Những nhà thơ không nghe biếc đầu cây gọi họ / Gặp mùa đào mà không có nỗi buồn Thôi Hộ / Đi qua mùa xuân không ngoái cổ lấy một lần / Họ sống ba trăm sáu chục ngày, không biết một ngày Xuân!” (Lãnh đạm) (22). Nhiều trường hợp “dịch thơ” lại hoá “diệt thơ”. Chế Lan Viên cũng không buông tha những “dịch giả” này: “thằng dịch chết dịch /Không hiểu mà dịch bừa /() Ở đời chết bởi bọn trung gian ấy / Không trung mà lại gian” (Bị lừa) (23). Cảm hứng phê phán trong Di cảo thơ ở dạng khái quát nhất có lẽ là ở một bài thơ viết ngay sau khi phát động đổi mới. Những người đã có quá khứ, tạm cho là vinh quang mà nhà thơ gọi là “cuộc đời là ở phía đằng sau” muốn níu kéo “hoàng hôn đã tắt”, cũng có nghĩa là muốn cản trở bình minh đến. Sự bảo thủ, trì trệ đến một mức nào đó có thể xem là tội lỗi. Nhà thơ gần bẩy mươi tuổi tự nhủ với mình và để nhắn cùng kẻ khác: “Hãy nhớ mình là nước, hãy trôi đi, đừng quẩn mãi chân cầu / Khốn nỗi! Có người cuộc đời là ở phía đằng sau / Họ níu kéo các bình minh đã tắt, các hoàng hôn đã tắt / Quên chuẩn bị tiếng gà cho ngày mọc hôm sau” (Tiếc nuối) (24). N.D.L . TÀI LIỆU THAM KHẢO : (1) Chế Lan Viên: Hoa ngày thường, chim báo bão, Nxb Văn học, 1967, tr.35. (2) Chế Lan Viên: Ánh sáng và phù sa, Nxb Văn học, 1960, tr.90. (3), (10), (11), (14), (15), (18), (22) Chế Lan Viên: Di cảo thơ (tập II), Nxb Thuận Hoá, 1993, tr. 75, 173 - 174, 120, 89 - 91, 105, 100, 158. 7 (4), (12), (13), (17), (19), (20), (23), (24) Chế Lan Viên: Di cảo thơ (tập III), Nxb Thuận Hoá, 1996, tr. 50, 129, 83, 47, 49, 58, 22, 87. (5), (6), (7), (8), (9), (16), (21) Chế Lan Viên: Di cảo thơ (tập I), Nxb Thuận Hoá, 1992, tr. 152, 171, 164, 199, 100, 69, 75. --------------------------- (*) Địa chỉ: NGUYỄN DIỆU LINH (ThS-NCS), Giảng viên Ngữ Văn, Trường đại học Khoa học Thái Nguyên. (ĐTDĐ: 0975 190 882) (Đã được nhận in trên tạp chí Nghiên cứu văn học trong tháng 01.2011 )