Chiến lược đầu tư nước ngoài trong thăm dò khai thác dầu khí của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam
''Phát triển công nghiệp Dầu khí thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn'' đã và đang là mục tiêu của Chính phủ ta trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Đáp ứng lại sự tin tưởng ấy, sau 27 năm đầu tư và phát triển, Ngành Dầu khí Việt Nam đã đạt được một vị trí quan trọng và vững chắc trong nền kinh tế đất nước. Từ những dòng dầu đầu tiên khai thác được từ mỏ Bạch Hổ đến phát hiện thương mại ở mỏ Sư Tư Đen (8/2003), tính đến nay đã hơn 100 triệu tấn dầu thô được khai thác cung cấp nguồn năng lượng cho phát triển đất nước. Tất cả những thành tích to lớn và ấn tượng này đều khởi nguồn từ những nỗ lực rất lớn của toàn Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Bước vào thế kỷ mới, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cũng phải đối diện với những vận hội và thách thức mới. Đó là khi khi việc đảm bảo an toàn năng lượng cho đất nước sẽ trở nên cực kỳ quan trọng, đặc biệt là từ năm 2015, khi chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng bằng các nguồn trong nước. Do đó, đòi hỏi Tổng Công ty không những đẩy mạnh hoạt động trong nước mà còn phải từng bước thực hiện đầu tư thăm dò khai thác ở nước ngoài. Mặc dù đây là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ không những của ngành dầu khí mà còn của Việt Nam, nhưng nó có ý nghĩa cấp thiết đối với việc phát triển kinh tế đất nước nói chung, đối với tiến trình hội nhập vào các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu của Tổng Công ty dầu khí nói riêng. Trong khuôn khổ khoá luận của mình, em xin trình bày: “Chiến lược đầu tư nước ngoài trong thăm dò khai thác dầu khí của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam”. Mong sao những ý tưởng và quyết tâm lớn lao của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam sớm trở thành hiện thực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Mục đích nghiên cứu Khoá luận nhằm mục đích làm rõ yêu cầu cấp thiết của hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thăm dò khai thác dầu khí, để từ đó đưa ra một Chiến lược đầu tư cụ thể cho hoạt động này cũng như là đề xuất một số giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả chiến lược đó, nhất là trong thời gian tới khi vấn đề an ninh năng lượng quốc gia thực sự trở nên cấp bách trước yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước.