Trang phục là một trong những thành tố cơ bản nhất phản ánh đặc trưng văn hoá tộc người. Để biến các nguyên liệu thành trang phục, người ta phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều bước khác nhau. Mỗi công đoạn, mỗi loại nguyên liệu lại có các công cụ khác nhau. Để chế tác trang phục bằng vải, cần có các công cụ dùng để biến nguyên liệu thành sợi, dụng cụ dùng để xe sợi, dụng cụ dùng để dệt sợi, nhuộm sợi, nhuộm vải Chế tác trang phục bằng kim loại phải có khuôn gò, đúc, lò nung, nồi nấu và các dụng cụ cần thiết kèm theo để gò, rèn, giũa Trang phục bằng các chất liệu từ động vật phải có các dụng cụ dùng trong việc thuộc da, sấy ép, cắt bào, hấp, may Các công cụ này được phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Chúng phản ánh trình độ phát triển của công nghệ địa phương, công nghệ dân gian; thể hiện trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo của một cộng đồng người.
Vì vậy, tìm hiểu trang phục không thể chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu, màu sắc, hoa văn trên trang phục mà còn phải tìm hiểu bộ công cụ để làm nên bộ trang phục ấy. Từ đó, góp phần nghiên cứu về văn hoá dân gian trên góc độ công nghệ truyền thống.
Thôn Cát Cát hiện nay được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến bởi những giá trị to lớn không chỉ về mặt cảnh quan thiên nhiên mà còn cả về bản sắc văn hoá dân tộc Mông được bảo lưu khá đậm nét trong các nếp sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do sự phát triển của du lịch nói riêng, của kinh tế thị trường nói chung đang từng ngày, từng giờ tấn công mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - văn hoá – xã hội nơi đây. Trong đó, công nghệ dân gian cũng đang bị lấn át mạnh mẽ bởi công nghệ và các loại máy móc, thiết bị công nghiệp hiện đại.
Tình hình đó đã đặt ra một yêu cầu bức thiết là phải khẩn trương nghiên cứu, tiến tới bảo tồn và phát huy giá trị của công nghệ dân gian truyền thống nói chung, công nghệ dân gian trong lĩnh vực dệt may của người Mông ở Cát Cát nói riêng bằng các phương pháp bảo tồn phù hợp, có hiệu quả để nó không chỉ đứng vững mà còn có thể khẳng định được vị thế của mình trong xã hội công nghiệp.
Chuyên đề Bộ công cụ dệt may của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm góp phần giải quyết vấn đề đó. Chuyên đề nằm trong Đề tài Bảo tồn nghề dệt truyền thống, thuộc Dự án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề được thực hiện bằng các phương pháp dân tộc học truyền thống, sử dụng kết quả điền dã tại thực địa làm nguồn tài liệu nghiên cứu chủ yếu.
27 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1502 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Bộ công cụ dệt may của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DẪN LUẬN
Trang phục là một trong những thành tố cơ bản nhất phản ánh đặc trưng văn hoá tộc người. Để biến các nguyên liệu thành trang phục, người ta phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều bước khác nhau. Mỗi công đoạn, mỗi loại nguyên liệu lại có các công cụ khác nhau. Để chế tác trang phục bằng vải, cần có các công cụ dùng để biến nguyên liệu thành sợi, dụng cụ dùng để xe sợi, dụng cụ dùng để dệt sợi, nhuộm sợi, nhuộm vải… Chế tác trang phục bằng kim loại phải có khuôn gò, đúc, lò nung, nồi nấu và các dụng cụ cần thiết kèm theo để gò, rèn, giũa… Trang phục bằng các chất liệu từ động vật phải có các dụng cụ dùng trong việc thuộc da, sấy ép, cắt bào, hấp, may… Các công cụ này được phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Chúng phản ánh trình độ phát triển của công nghệ địa phương, công nghệ dân gian; thể hiện trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo của một cộng đồng người.
Vì vậy, tìm hiểu trang phục không thể chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu, màu sắc, hoa văn trên trang phục mà còn phải tìm hiểu bộ công cụ để làm nên bộ trang phục ấy. Từ đó, góp phần nghiên cứu về văn hoá dân gian trên góc độ công nghệ truyền thống.
Thôn Cát Cát hiện nay được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến bởi những giá trị to lớn không chỉ về mặt cảnh quan thiên nhiên mà còn cả về bản sắc văn hoá dân tộc Mông được bảo lưu khá đậm nét trong các nếp sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do sự phát triển của du lịch nói riêng, của kinh tế thị trường nói chung đang từng ngày, từng giờ tấn công mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - văn hoá – xã hội nơi đây. Trong đó, công nghệ dân gian cũng đang bị lấn át mạnh mẽ bởi công nghệ và các loại máy móc, thiết bị công nghiệp hiện đại.
Tình hình đó đã đặt ra một yêu cầu bức thiết là phải khẩn trương nghiên cứu, tiến tới bảo tồn và phát huy giá trị của công nghệ dân gian truyền thống nói chung, công nghệ dân gian trong lĩnh vực dệt may của người Mông ở Cát Cát nói riêng bằng các phương pháp bảo tồn phù hợp, có hiệu quả để nó không chỉ đứng vững mà còn có thể khẳng định được vị thế của mình trong xã hội công nghiệp.
Chuyên đề Bộ công cụ dệt may của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm góp phần giải quyết vấn đề đó. Chuyên đề nằm trong Đề tài Bảo tồn nghề dệt truyền thống, thuộc Dự án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề được thực hiện bằng các phương pháp dân tộc học truyền thống, sử dụng kết quả điền dã tại thực địa làm nguồn tài liệu nghiên cứu chủ yếu.
1. BỘ CÔNG CỤ TRỒNG VÀ CHĂM SÓC LANH
Bộ công cụ trồng và chăm sóc lanh của người Mông ở Cát Cát gồm có cuốc và dao.
Cuốc trong bộ công cụ làm đất của người Mông ở Cát Cát là loại cuốc bướm. Lưỡi cuốc bằng sắt, rộng khoảng 20 cm, cao 12 cm. Lưỡi cuốc có hình bán nguyệt, hai bên rìa hơi khum, sắc. Chuôi cuốc cong gập có họng tra cán, độ cong gập tuỳ thuộc vào địa hình canh tác có độ dốc nhiều hay ít, góc xiên từ 450 – 750. Cán cuốc ngắn, lưỡi bè, dùng để xới đất, trốc cỏ, vun… thích hợp với vùng đất tơi khô.
Dao quắm của người Mông có kích thước nhỏ, cán ngắn, lưỡi dài, đầu cong như mỏ quạ, rìa lưỡi thẳng tới gần đầu mút mới cong lại, thích hợp với việc phát và moi móc cỏ trong các khe đá.
2. BỘ CÔNG CỤ CHẾ BIẾN LANH THÀNH SỢI
Chế biến lanh thành sợi là việc tốn khá nhiều thời gian và công sức. Ngày từ khi thu hoạch đã diễn ra những công đoạn đầu tiên của việc này. Các công đoạn cứ nối tiếp nhau từ tháng 6 – 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch mới có thể tạm gọi là xong. Trong các công đoạn ấy, ngoại trừ có tước vỏ lanh và nối sợi là chỉ cần đôi bàn tay. Còn lại các công đoạn khác, người phụ nữ Mông luôn cần đến sự trợ giúp đắc lực của bộ công cụ.
2.1. Công cụ giã lanh
Bộ công cụ giã lanh của người Mông ở Cát Cát gồm có cối (kror chuv tuôr ntuôk) và cây giã - thường được dùng từ cán rìu (ku tauk) hoặc đầu bẹt của xà beng (changv nzưv).
Người Mông không sử dụng chầy để giã lanh vì chầy vừa to, vừa nhẹ; trong khi vỏ lanh trước khi được thì trơ và cứng. Vì vậy, người ta thường sử dụng những thứ có độ nặng (đầm tay) và đầu nhỏ (để tập trung lực). Trước đây, đồng bào thường sử dụng cán rìu - loại rìu vẫn được dùng để chặt cây, bổ củi. Thông thường, cán rìu có kích thước dài 75 – 80 cm, tiết diện 2,5 x 3,5 cm. Ngày nay, nhiều người sử dụng loại xà beng mua ở chợ huyện về giã.
Cối giã lanh thường được làm từ gỗ pơ mu bởi đây là loại gỗ nhẹ, mềm, dai, nhiều nhựa dầu (tinh dầu) nên có thể chịu đựng được sự thay đổi của thời tiết, khí hậu – không bị nứt nẻ, co ngót; đồng thời chịu được lực va đập khi giã lanh – không bị vỡ. Tuy nhiên cũng có khi người ta làm cối bằng gỗ kháo và gỗ dổi. Về hình dáng và kích thước, cối có dạng hình trụ thon nhỏ dần về đáy. Về kích thước, có chiều cao thành ngoài ≈ 80 cm, đường kính miệng 50 cm, đường kính đáy 40 cm, thành cối dày 5 cm, lòng cối sâu 55 cm, phần đáy đặc cao 25 cm. Nếu cắt ngang theo chiều thẳng đứng của cối, mặt trong lòng cối có 2 dạng hình khối. Ở phía nửa trên, thành lòng cối có hình thẳng đứng. Ở phía nửa dưới, thành lòng cối thon nhỏ dần, càng về đáy, độ thon càng lớn khiến cho phần này có phẫu diện đáy hình chữ U, được gọt đẽo tỷ mỉ sao cho đạt độ phẳng nhẵn gần như tuyệt đối. Điều này sẽ có tác dụng trong việc tạo ra độ trơn trượt cần thiết cho cây giã khi giã lanh (không bị mắc chầy vào thành lòng cối). Chiếc cối thường được chôn ngập phần lớn chiều cao của cối xuống đất, chỉ để lộ phần trên đỉnh cối, với chiều cao ≈ 5 – 10 cm. Vị trí chôn cối thường ở góc nhà ngoài hoặc ở hiên nhà, góc trái gần cửa chính.
2.2. Guồng xe sợi (yuôz)
Guồng xe sợi là công cụ dùng để xe sợi lanh sau khi sợi đã được xe và nối bằng tay. Công đoạn xe sợi bằng guồng có tác dụng để cho sợi được đánh vào các con suốt. Nhưng quan trọng hơn là để cho sợi được tăng thêm độ mềm và độ dẻo dai, chuyển từ dạng mỏng và dẹt của vỏ cây sang dạng tròn và xoăn chắc của chỉ/sợi dệt.
Guồng xe sợi của người Mông ở Cát Cát được làm bằng gỗ. Loại gỗ được đồng bào ưa thích khi chế tác guồng này là gỗ pơ mu hoặc gỗ dổi, gỗ kháo. Chiếc guồng này gồm có 09 bộ phận chính; bao gồm: trục đỡ (ndêx yuôz), lỗ cắm que cuốn sợi (kror nzeir), giá đỡ trục (nênhv yuôz), bánh xe (câux yuôz), trục bánh xe (ntơs yuôz), dây tạo lực, trục đỡ cần, cần đạp và suốt cuốn sợi (nzeir).
2.2.1. Trụ đỡ (ndêx yuôz)
Trụ đỡ trong bộ guồng xe sợi của người Mông ở Cát Cát xưa thường được làm bằng gỗ pơ mu. Nay, do nguồn gỗ pơ mu đã khan hiếm nên đồng bào có thể thay thế bằng một số loại gỗ khác nhưng vẫn đảm bảo độ bền chắc như dổi, kháo… Về hình dáng, trụ đỡ có hình trụ đứng. Về kích thước, trụ cao khoảng 1,7 m, tiết diện 7 x 7 cm. Trụ được đóng cố định vào một thanh gỗ ngang có tác dụng như một chân trụ. Chân trụ cũng được làm bằng một loại gỗ chắc chắn, dài 1,1 – 1,2 m; rộng 16 cm; cao 9 cm.
2.2.2. Giá đỡ trục (nênhv yuôz)
Trên chiếc guồng xe sợi, giá đỡ trục là nơi để người ta mắc dây curoa nối với bánh xe để truyền lực tác động từ vòng quay của bánh xe lên các suốt chỉ. Giá đỡ trục có cấu tạo chính bởi 2 miếng gỗ được chế tác theo một định dạng bất di bất dịch như sau:
Từ một miếng gỗ có tiết diện 74 x 15 cm; dầy 2,5 cm, người ta chia chiều dài của nó ra thành 3 khoang. Hai khoang ngoài cùng, mỗi khoang dài 16 cm, người ta cắt sâu xuống 12 cm tạo ra thành hai đường rãnh đối xứng ngăn cách với đoạn giữa để sau khi cắt gọt, hai đầu sẽ tạo thành hai khoang gờ cao cho khi dây curoa nảy lên trong quá trình vận hành cũng sẽ không bị văng ra ngoài. Khoang giữa dài 40 cm được đánh dấu một điểm ở trung tâm phía trên đỉnh và một điểm trung tâm ở phía dưới đáy. Từ điểm trung tâm trên đỉnh, người ta gọt hai đường lượn hai đường vòng cung chạy xuống đều về hai phía sao cho điểm cuối của đường gọt gặp đúng điểm cắt ở hai cạnh mà phải đảm bảo đường lượn phải cong đều ≈ 300 - 350. Trên vành cong này, người ta chia khoảng cách thành 4 điểm đều nhau: mỗi điểm cách nhau 10 cm. Tại mỗi điểm đó, người ta khoan một lỗ rộng khoảng 1 cm để lắp que suốt sợi.
Từ hai điểm cắt chia đoạn kể trên, người ta dóng hai đường thẳng xuống cạnh đáy của miếng gỗ - gọi là đường chia khoang (mỗi bên một đường). Từ hai điểm chia khoang ở đáy miếng gỗ, người ta gọt hai đường lượn lên vào phía trong với độ cong ≈ 200 sao cho hai đường lượn này phải cùng gặp nhau ở điểm chính giữa tâm của cạnh đáy miếng gỗ. Đường lượn dưới này có tác dụng để cho khi bánh xe nảy lên trong lúc quay cũng không chạm phải giá đỡ trục.
Từ điểm chính giữa của khoang giữa, người ta đánh dấu một điểm, từ điểm này, người ta đo đều ra hai bên - mỗi bên 10 cm để đánh dấu tiếp 2 điểm nữa. Tại ba điểm này, người ta đục 3 lỗ mộng để lắp 3 thanh đệm. Tiết diện của mỗi lỗ mộng là 2,5 x 2,5 cm.
Sau khi làm xong một miếng gỗ, người ta ướm vào miếng gỗ còn lại, vạch mẫu và chế tác tiếp miếng gỗ còn lại cũng với trình tự và kích thước như trên.
Được cả hai miếng gỗ có hình dáng và kích thước giống nhau, người ta lắp chúng vào với nhau. Để tạo ra một khoảng cách làm chỗ lắp dây curoa, người ta đóng 3 thanh đệm. Các thanh đệm là những miếng gỗ được ở các vị trí cách đều nhau (theo vị trí các lỗ mộng đã đề cập ở trên). Bốn miếng gỗ vừa có tác dụng là vùng đệm ngăn cách giữa 2 miếng gỗ của giá đỡ trục, vừa có tác dụng tạo ra một khoảng trống cần thiết để cho dây curoa chạy lúc vận hành. Mỗi miếng gỗ có chiều dài 10 cm, tiết diện 4 x 4 cm.
2.2.3. Lỗ cắm que cuốn sợi (kror nzeir)
Lỗ cắm que cuốn sợi được đục tại 4 điểm sát cạnh đỉnh của giá đỡ trục (cách đỉnh giã đỡ trục ≈ 1,5 – 2 cm. Mỗi lỗ có đường kính khoảng 1 cm, lỗ nọ cách lỗ kia 10 cm. Lỗ này để người ta cắm que suốt cuốn sợi xuyên qua hai miếng gỗ của giá đỡ trục. Khi vận hành guồng, người xe sợi đặt dây curoa nằm lên trên 4 que suốt sợi. Lực đạp của người thao tác được truyền qua cần đạp vào bánh xe, qua dây curoa lên các que suốt sẽ làm cho suốt quay và cuốn sợi vào con suốt.
2.2.4. Bánh xe (câux yuôz)
Bánh xe trong bộ guồng xe sợi của người Mông ở Cát Cát trước đây vốn được làm hoàn toàn bằng song mây (vòng cuốn) và gỗ (trục và các thanh giằng). Ngày nay, do chất liệu song mây khan hiếm nên người ta thay thế bằng vòng sắt. Cấu tạo của bánh xe như sau:
Bánh xe có đường kính 65 cm được tạo bởi 2 vòng sắt được lượn tròn rồi hàn đính hai đầu vào nhau (người Mông ở Cát Cát mua sắt xây dựng và thuê hàn ở phố huyện). Xung quanh, người ta lắp các thanh gỗ vừa có tác dụng làm các thanh giằng cho hai vòng sắt, vừa làm đường chạy cho dây curoa. Mỗi thanh dài 16 cm; rộng 3 cm; dày 2,5 cm. Số lượng các thanh gỗ này không cố định nhưng để cho dây chạy không bị nặng thì ít nhất cũng không dưới 8 thanh, nhiều nhất cũng không quá 16 thanh (ít hơn sẽ làm rỗng đường chạy của dây, dây sẽ bị vấp nhiều; nhiều hơn sẽ bí – gây ra nhiều ma xát trên đường chạy của dây, dây chạy không có đà - Giải thích của ông Vàng A Sử, sinh năm 1963, trú tại đội I, thôn Cát Cát). Trong lòng bánh xe, người ta lắp vào đó 2 thanh gỗ bắt chéo nhau theo hình dấu nhân. Hai thanh này vừa có tác dụng nối bánh xe với trục quay; vừa có tác dụng chịu lực cho toàn bộ bánh xe, khiến cho bánh xe không bị biến dạng trong quá trình vận hành. Mỗi thanh này có chiều dài 65 cm; rộng 7 cm; dày 1,5 cm. Tại điểm trung tâm (nơi hai thanh giằng gặp nhau), người ta đục một lỗ tròn đường kính 3,5 cm để lắp vào trục (trục bánh xe).
2.2.5. Trục bánh xe (ntơs yuôz)
Trục bánh xe trước đây được làm bằng sắt, hoặc gỗ. Que trục có đường kính ≈ 3 cm, dài 20 cm. Một đầu que trục được đóng chìm vào thân trụ đỡ với độ ngập vào thân trụ đỡ 5 – 7 cm. Ngày nay, nhiều người còn đóng một đầu que trục xuyên qua thân trụ đỡ rồi bắt ốc chốt giữ (trong trường hợp này đầu que trục được làm bằng sắt và đầu trục có tạo ren). Phần còn lại của que trục dài khoảng 12 – 15 cm được sỏ vào lỗ trục. Phần thừa phía ngoài, người ta chốt chặn bằng 1 – 2 vòng sắt to và hàn cứng lại sao cho chốt chặn không bị trượt khỏi vị trí. Điểm chốt chặn không được khít quá, nếu không sẽ làm cho bánh xe bịt sát, không bon; cũng không được xa quá, nếu không bánh xe sẽ bị chao đảo trong khi vận hành. Ngày nay, nhiều người còn lắp cả vòng bi vào điểm tiếp giáp giữa lỗ trục và que trục làm tăng độ trơn, bon cho vòng quay.
Ngoài ra, trong bộ guồng xe sợi của người Mông ở Cát Cát còn có dây curoa, cần đạp, trụ đỡ cần và suốt cuốn sợi. Dây curoa xưa được làm bằng da trâu hoặc da bò (về cách thuộc da: Xem ở phần cấu tạo của khung dệt), nay được thay bằng dây chun cắt từ săm ô tô được mua ở chợ huyện. Cần đạp, trụ đỡ cần và suốt cuốn sợi đều là những cấu kiện đơn giản, dễ làm, dễ kiếm trong vùng cư trú.
2.3. Guồng thu và tháo sợi
Guồng thu sợi, tiếng Mông gọi là khâuz lis. Đây là công cụ dùng để thu sợi từ những suốt chỉ nhỏ vào thành một bó lớn để thực hiện công đoạn tiếp sau (công đoạn làm trắng sợi). Toàn bộ các bộ phận của công cụ này đều được làm bằng tre.
Guồng thu sợi của người Mông ở Cát Cát có cấu tạo đơn giản với chỉ gồm có 3 bộ phận là trục đỡ (tâuz lis), thanh cuộn (khâuz lis) và chốt chặn (chel khâuz lis). Chúng được liên kết với nhau tạo thành một khối rộng khoảng 3 m2.
2.3.1. Trục đỡ (tâuz lis)
Bộ phận này có tác dụng giữ cho guồng thu sợi đứng vững kể cả lúc đứng yên hay khi vận hành. Căn cứ vào chức năng thì trục đỡ gồm có 3 bộ phận liên kết với nhau là: chân trục, trục giữa và ống thân trục (Người Mông ở Cát Cát không có tên gọi riêng cho 3 bộ phận này).
Chân trục là một đoạn tre dài khoảng 40 cm, đường kính khoảng 10 cm. Gọi là chân trục vì bộ phận này nằm ở vị trí dưới cùng đảm nhiệm chức năng làm trụ cho không chỉ toàn bộ khối trục mà còn làm điểm tựa cho cả guồng thu sợi. Để có thể làm được điều đó, phần lớn chiều dài chân trục được chôn chặt dưới đất hoặc. Phần chìm dưới lòng đất khoảng 35 cm, được nèn chặt. Đoạn chân trục nổi lên trên mặt đất cao khoảng 5 cm; hoặc cũng có thể được đóng cố định vào một miếng gỗ tròn (đường kính ≈ 40 cm; dầy ≈ 10 cm). Chân trục là vị trí quan trọng quyết định chủ yếu tới sự vững chãi của guồng xe sợi trong lúc vận hành.
Ngay phía trên chân trục là trục giữa. Gọi là trục giữa vì hai đầu của nó đều được luồn vào nằm gọn trong lõi của chân trục và ống thân trục. Trục giữa là một đoạn ống tre (cũng có khi người ta làm bằng gỗ) dài khoảng 70 cm, đường kính ≈ 6 – 7 cm. Một đầu được cắm vào chân trục (đoạn cắm vào chân trục dài khoảng 30 cm). Một đầu được cắm luồn vào bên trong lõi của đoạn ống thân trục nằm ở vị trí trên cùng của trục (đoạn cắm vào ống thân trục dài khoảng 40 cm). Trục giữa vừa có chức năng góp phần giữ cho guồng thu sợi luôn được đứng vững; đồng thời cũng vừa có chức năng làm cho trục vận hành trơn tru, không bị dít, kẹt hay mắc trong lúc vận hành; và đó là chức năng chủ yếu nhất của nó.
Trên cùng là ống thân trục. Gọi là ống thân trục vì lõi của nó lồng chụp vào trục giữa và thân của nó là nơi để lắp các thanh cuộn. Ống thân trục là một đoạn tre to gồm 02 dóng tre với đường kính tương đương với đường kính của chân trục, chiều dài khoảng 80 cm. Đầu phía dưới được chặt bỏ đốt để lồng vào trục giữa. Đoạn lồng nằm gọn trong một dóng tre phía dưới dài khoảng 40 cm được chặn lại bằng một mắt đốt tre tự nhiên. Nhờ có mắt đốt tre này mà trục giữa chỉ đến đây là bị chặn lại, không thể trồi tiếp lên gây ra sự va chạm với các thanh cuộn ở trên. Ở dóng tre phía trên, người ta đục 2 đôi lỗ (mỗi đôi gồm có 2 lỗ đối xứng ở 2 mặt đối diện của dóng tre) để lồng thanh cuộn. Theo kinh nghiệm dân gian, để cho guồng có được sự cân bằng cần thiết, người ta thường lấy các khoảng giữa của đoạn công cụ chế tác để đục lỗ luồn thanh cuộn. Theo cách tính toán đó, người ta chia dóng tre ra làm hai phần đều nhau. Điểm chính giữa chính là điểm người ta đục đôi lỗ dưới. Sau đó, lấy mốc từ lỗ dưới và điểm trên cùng của dóng tre, người ta lại chia đôi đoạn còn lại này thành hai nửa đều nhau. Và điểm chính giữa đoạn được chia đôi ấy cũng lại là điểm để người ta đục đôi lỗ trên. Do hai thanh cuộn phải nằm chéo nhau theo hình dấu nhân tạo thành góc 900 nên hai cặp lỗ cũng phải được đục ở các vị trí tương ứng. Đường kính của lỗ phụ thuộc vào đường kính của ống thân cuộn. Thông thường, đường kính của lỗ này ≈ 5 – 6 cm.
2.3.2. Thanh cuộn (khâuz lis)
Thanh cuộn trong bộ guồng thu sợi gồm có 1 đôi (2 thanh) được làm từ hai thanh tre nhỏ và có đường kính tương đối đều giữa 2 đầu (5 cm) và được xếp chéo nhau theo hình dấu nhân. Khi lắp vào trục, điểm tâm giữa của mỗi thanh đều trùng nhau và đều nằm ở chính giữa tâm của ống thân trục khiến cho chiều dài của mỗi thanh tính từ ống thân trục ra đến đầu mỗi thanh cuộn đều bằng nhau. Thanh cuộn trong bộ guồng thu sợi có tác dụng quy định độ lớn nhỏ của vòng sợi/bó sợi được thu. Vì vậy, chiều dài của nó bao giờ cũng phải mang tính chuẩn mực tương đối. Tổng chiều dài của mỗi thanh là 6 cm. Sau khi lắp vào ống thân trục, chúng sẽ tạo ra cho bộ guồng thu sợi một kích thước lớn tới 6 m2.
2.3.3. Chốt chặn (chel khâuz lis)
Chốt chặn trong bộ guồng thu sợi gồm có 4 thanh tre nhỏ, mỗi đoạn đều có kích thước nhỏ: dài 10 cm, đường kính ≈ 1 – 1,5 cm. Điểm gài chốt chặn cách đầu thanh cuộn khoảng 8 cm. Chốt chặn có tác dụng để chặn bốn đầu thanh cuộn và đây cũng là các điểm mắc sợi. Sợi khi được thu sẽ mắc tại các điểm này. Sau mỗi lượt quay, sợi sẽ mắc lại một vòng. Và sau nhiều lượt quay như vậy sẽ tạo ra một cuộn sợi với nhiều vòng. Số vòng sợi nhiều hay ít phụ thuộc vào ý muốn của người thu sợi.
2.4. Công cụ luộc sợi
Luộc sợi (cùng với ủ và giặt sợi) là công đoạn giúp cho sợi được trắng, loại bỏ được lớp vỏ xanh bên ngoài. Người Mông ở Cát Cát luộc sợi lanh trong các chảo lớn bằng bếp lò truyền thống. Thông thường, trước đây, mỗi gia đình người Mông đều có 1 bộ lò - chảo. Hiện nay, do số hộ mới tách chưa có điều kiện làm bếp lò khá lớn nên số lượng lò - chảo của cả thôn chỉ là 44 bộ trong tổng số 73 hộ gia đình; ≈ 60,3% số gia đình trong thôn. Bình quân cứ 1,6 hộ có 1 bộ lò - chảo (số liệu chúng tôi thống kê tháng 8/2009).
Bộ lò chảo truyền thống của người Mông ở Cát Cát như sau:
Bếp lò, tiếng Mông gọi là khor truk. Bếp được làm ngay sau khi làm nhà xong gắn liền với lễ cúng ma bếp. Bếp thường được làm tại gian trái nhà bên phải. Đó cũng là không gian người ta bố trí nguồn nước ăn, chạn bát và các đồ dùng để làm bếp khác.
Bếp lò của người Mông ở Cát Cát được làm hoàn toàn bằng đất được lấy ngay trên nền đất của thôn. Đó là loại đất vàng xám được phong hoá từ đá macma axit hình thành trên đá granit có độ lẫn đá cao. Để loại bỏ lớp đất biến chất do trồng trọt lâu năm trên bề mặt, người ta phải lấy đất dưới độ sâu ≈ 40 – 50 cm. Đất mang về được nhào với một lượng nước vừa phải sao cho đất có đủ độ nhuyễn cần thiết mà không bị khô, không bị nhão. Sau đó, người ta dùng tay để đắp từng cạnh của bếp sao cho bếp có dạng 4 cạnh bằng và 4 góc vuông là được. Thông thường. Bếp có chiều cao 50 cm, chiều ngang 100 cm, thành bếp dày 20 - 30 cm. Tại cạnh ngoài của bếp, người ta tạo cửa bếp (ndaux khor truk). Cửa bếp cao 40 cm, chiều ngang 50 cm, trên đỉnh cửa bếp được uốn hình vòm. Cửa bếp là nơi để người ta tiếp củi vào lò; đồng thời nó cũng có chức năng là nơi đón gió và O2 vào lòng bếp cho lửa có môi trường cháy.
Chảo, tiếng Mông gọi là Jav. Chảo của người Mông ở Cát Cát hiện nay được đồng bào mua ở chợ huyện về dùng. Kích thước của chảo có nhiều cỡ. Loại chảo dùng để luộc sợi thường có kích thước: cao 40 cm (sau khi đặt lên bếp lò, một nửa chiều cao này sẽ chìm vào lòng bếp lò). Đường kính miệng chảo 90 cm. Chảo có 2 tai xách ở hai cạnh đối xứng. Mỗi tai chảo dài 14 cm, cao 2 cm; trong đó một nửa chiều cao được gắn vào thân chảo.
2.5. Công cụ lăn sợi
Bộ công cụ lăn sợi của người Mông ở Cát Cát có thớt lăn sợi và đá lăn sợi. Chúng đều được đồng bào tự làm bằng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
2.5.1. Thớt lăn sợi
Thớt lăn sợi, tiếng Mông gọi là Changr đauk laur ntauz. Thớt phải được làm từ các loại gỗ rắn chắc như sồi, dổi; và đặc biệt là loài thạch tùng mọc rải rác trên những sườn núi ở độ cao > 1.800 m, đặc biệt mọc nhiều trên sườn núi Phanxipăng. Gỗ để làm thớt lăn sợi phải được lấy từ những thân cây to