Chuyên đề Hệ thống các chế độ Bảo hiểm xã hội

1.1 Cơ sở hình thành hệ thống chế độ BHXH Chính sách BHXH là một trong những chính sách xã hội cơ bản nhất, là hạt nhân của hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Mảng chính sách này mang tính khái quát cao và thể hiện rõ mục đích, quan điểm, định hướng, phạm vi và các mối quan hệ điều chỉnh giữa Nhà nước với người lao động và người sử dụng lao động. Việc ban hành chính sách BHXH phải dựa vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong mỗi thời kỳ và xu hướng vận động khách quan của nền kinh tế - xã hội. Chính sách BHXH thường được thể hiện dưới dạng các văn bản pháp quy, các bộ luật và hiến pháp của mỗi nước. Để triển khai và thực hiện chính sách BHXH, vấn đề cốt lõi là phải cụ thể hoá chính sách thông qua các chế độ BHXH. Chế độ BHXH là những quy định cụ thể và chi tiết, là sự bố trí, sắp xếp những chế định thực hiện BHXH đối với người lao động. Nói cách khác, đó là một hệ thống các quy định được pháp luật hoá về đối tượng và phạm vi; về nghĩa vụ và quyền lợi, về điều kiện và mức đóng góp cho từng trường hợp BHXH cụ thể. Chế độ BHXH được cụ thể hoá dưới dạng các văn bản pháp luật và dưới luật, các thông tư, điều lệ. Vì thế, khi thực hiện mỗi chế độ thường phải nắm vững những vấn đề mang tính cốt lõi của chính sách BHXH để đảm bảo sự đúng đắn và tính nhất quán trong toàn bộ hệ thống các chế độ BHXH Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã nêu trong Công ước số 102 tháng 6 năm 1952 tại Giơnevơ, hệ thống chế độ BHXH bao gồm 9 chế độ sau đây: 1. Chăm sóc y tế 2. Trợ cấp ốm đau 3. Trợ cấp thất nghiệp 4. Trợ cấp tuổi già 5. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 6. Trợ cấp gia đình 7. Trợ cấp sinh đẻ 8. Trợ cấp khi tàn phế 9. Trợ cấp tiền tuất (trợ cấp mất người nuôi dưỡng) Chín chế độ trên hình thành 1 hệ thống chế độ BHXH. Tuỳ theo điều kiện kinh tế - xã hội mà mỗi nước tham gia công ước Giơnevơ thực hiện khuyến nghị đó ở mức độ khác nhau, nhưng ít nhất là phải thực hiện được 3 chế độ. Trong đó, ít nhất phải có một trong 5 chế độ : (3), (4), (5), (8), và (9). Hệ thống các chế độ BHXH được hình thành dựa trên những cơ sở chủ yếu sau: 1.1.1 Cơ sở sinh học Cơ sở sinh học tồn tại ngay trong bản thân những người lao động tham gia BHXH. Đây được coi là cơ sở khách quan nhất, vì nó liên quan đến độ tuổi, giới tính, sự suy giảm sức khoẻ tự nhiên và những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của mỗi con người. - Độ tuổi của mỗi con người luôn có giới hạn. Đứng trên góc độ quản lý dân số và nguồn lao động, người ta thường phân chia dân số thành 3 nhóm tuổi: Nhóm dân số trẻ (từ 0 đến 14 tuổi); nhóm dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) và nhóm dân số già (từ 61 tuổi trở lên). Việc phân chia này có vai trò rất lớn khi xây dựng hệ thống chế độ BHXH và đặc biệt là chế độ trợ cấp tuổi già. Tuổi già để được hưởng trợ cấp tiền hưu trí ở các nước không giống nhau, bởi lẽ "tuổi già sinh học" của các quốc gia, các vùng có sự khác nhau đáng kể. Tuổi già sinh học chủ yếu chịu sự chi phối của các quá trình diễn biến sinh lý trong cơ thể của con người. Quá trình đồng hoá ngày càng giảm, quá trình dị hoá lại ngày càng tăng lên theo tuổi tác, quá trình trao đổi chất giảm và tính ổn định kém. Những quá trình này làm cho khả năng lao động và sự phản xạ nghề nghiệp của con người ngày càng giảm đi. Ngoài ra, tuổi già sinh học còn chịu sự ảnh hưởng một phần của điều kiện và môi trường sống của con người, bởi vậy khi xác định độ tuổi nghỉ hưu cho chế độ trợ cấp tuổi già thì "Tuổi già sinh học" là cơ sở chủ yếu. - Giới tính lại là cơ sở sinh học liên quan đến nhiều chế độ BHXH. Đối với chế độ trợ cấp tuổi già, tuổi nghỉ hưu của nam giới thường cao hơn nữ giới, vì khả năng lao động của nữ giới bị suy giảm khá nhiều sau khi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Đối với chế độ trợ cấp thai sản, giới tính liên quan trực tiếp đến sự kiện mang thai và sinh con của phụ nữ, đến nhu cầu sinh học của họ trong toàn bộ thời gian được trợ cấp bảo hiểm xã hội. Do đó, để có được nguồn tài chính cần thiết trang trải cho thời gian bị giãn đoạn thu nhập cần phải nắm được số lượng và tỷ suất sinh ở từng nhóm lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ. - Một yếu tố khác cũng làm suy giảm khả năng lao động của người lao động nói chung đó là hiện tượng ốm đau. ốm đau có thể xảy ra với bất cứ ai, trong bất cứ thời gian và không gian nào. Khi ốm đau, người lao động ít nhiều bị suy giảm khả năng lao động và nếu phải nằm viện điều trị, phẫu thuật sẽ phát sinh các chi phí y tế và thu nhập bị gián đoạn. Vì thế, khi xây dựng chế độ chăm sóc y tế và chế độ trợ cấp ốm đau phải nắm được xác suất ốm đau cho người lao động, các chi phí y tế bình quân của một lần ốm đau và thời gian nghỉ ốm bình quân trong năm. v.v 1.1.2 Điều kiện và môi trường lao động - Điều kiện lao động và môi trường lao động giữa các ngành nghề, công việc và các vùng, miền khác nhau đôi khi có sự khác nhau rất lớn. Chẳng hạn, cùng làm việc trong ngành khai khoáng, nhưng những người làm các công việc gián tiếp (như: Thống kê, Kế toán, Cung ứng vật tư ) sẽ ít chịu sự tác động của độ bụi của tiếng ồn và xác suất xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cũng thấp hơn so với những người công nhân trực tiếp làm việc dưới hầm lò. Hoặc, cùng làm một công việc nào đó giống nhau nhưng nếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương, hải đảo thì điều kiện lao động và điều kiện sống sẽ khác hẳn so với làm việc ở vùng đồng bằng hay đô thị v.v Chính vì vậy, điều kiện và môi trường lao động cũng là một trong những cơ sở rất quan trọng khi thiết lập hệ thống chế độ BHXH. Những yếu tố này sẽ liên quan đến việc xác định độ tuổi khi nghỉ hưu của người lao động, đến thời gian nghỉ đẻ của lao động nữ; đến việc phân loại ngành nghề để xác định mức trợ cấp và thời gian trợ cấp trong chế độ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. v.v Ngoài ra, nó còn liên quan cả đến công tác bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn lao động và công tác phòn tránh rủi ro. 1.1.3 Cơ sở kinh tế - xã hội Khi ban hành chính sách BHXH và đặc biệt là khi thiết lập hệ thống các chế độ BHXH, cơ sở kinh tế - xã hội có tác động rất lớn và đôi khi đóng vai trò quyết định. Cơ sở kinh tế - xã hội biểu hiện ở trình độ dân trí và nhận thức xã hội của người lao động cũng như người sử dụng lao động, ở tiềm lực và sức mạnh kinh tế của đất nước cũng như người sử dụng lao động, ở khả năng tổ chức và quản lý xã hội của mỗi quốc gia. v.v. Những yếu tố này không chỉ quyết định một quốc gia nào đó có thể thực hiện được bao nhiêu chế độ BHXH; mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung của từng chế độ. Chẳng hạn, khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao thì khả năng đóng góp cho quỹ BHXH sẽ ngày càng nhiều, từ đó có thể nâng cao được các mức hưởng trợ cấp BHXH trong từng chế độ và ngược lại. Hoặc, một quốc gia có cơ sở kinh tế - xã hội mạnh và vững chắc, có thể thực hiện được cả 9 chế độ BHXH, diện bảo vệ của họ thông qua chính sách BHXH sẽ ngày càng rộng hơn, hình thức và trình độ tổ chức thực hiện chính sách BHXH cũng đa dạng hơn. v.v Cơ sở kinh tế xã hội còn ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách cứu trợ xã hội, cứu đói xã hội trong hệ thống an sinh xã hội nói chung

doc39 trang | Chia sẻ: ngatran | Lượt xem: 3005 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Hệ thống các chế độ Bảo hiểm xã hội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu liên quan