Chuyên đề Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Chi nhánh nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Hà Nội
Kinh tế thị trường như một sân chơi khắc nghiệt mà ở đó sự cạnh tranh là một “chất xúc tác” giúp cho nó ngày càng phát triển. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa đã lan rộng trên khắp thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Từ đó khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng trở lên khó khăn, sự an toàn của chúng luôn bị đe dọa bởi những rủi ro không thể lường trước được. Và hệ thống Ngân hàng cũng nằm trong nguy cơ tiềm ẩn này thậm chí rủi ro của nó còn cao hơn các doanh nghiệp khác. Trong quá trình vận động của nền kinh tế, Ngân hàng là nơi “bơm” vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu tạo nên sự vận động nhịp nhàng và thúc đẩy quá trình phát triển của nền kinh tế. Kết hợp với các ngành kinh tế khác, Ngân hàng có vai trò tham gia bình ổn thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát, phát triển thị trường ngoại hối và tạo công ăn việc làm cho người lao động Và đặc biệt quan trọng hơn Ngân hàng là kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế. Trong thời kỳ mới, chiến lược phát triển kinh tế đất nước do Đảng và Nhà nước đặt ra là phát triển kinh tế theo chiều sâu và thực hiện Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa. Do đó, nguồn vốn trung và dài hạn của Ngân hàng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế trên là rất quang trọng. Theo tính toán và dự báo thì nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 2006 – 2010 vào khoảng 140 tỷ USD, trong đó 35% là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Với xu hướng hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ chủ yếu cố gắng tạo năng lực sản xuất mới và nâng cao khả năng cạnh tranh. Chính vì vậy, nhu cầu vay vốn tín dụng trung và dài hạn của các thành phần kinh tế là rất lớn. Việc đáp ứng các nhu cầu vay vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế là cơ hội lớn để mở rộng hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khả năng cho vay phải đi đôi với nâng cao chất lượng của những khoản tín dụng trung và dài hạn, từ đó tạo ra một giới hạn an toàn trong kinh doanh của Ngân hàng và đồng thời góp phần vào quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của đất nước. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian thực tập tại Chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội kết hợp với những kiến thức đã học em đã chọn đề tài: “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội”. Nội dung của chuyên đề bao gồm 3 Chương: Chương 1: Tín dụng trung dài hạn và chất lượng của tín dụng trung và dài hạn của Ngân hàng Thương mại. Chương 2: Thực trạng chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội. Chương 3: Một số giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội. Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong bộ môn đã giảng dạy em trong suốt thời gian học tại trường và em cũng gửi lời cảm ơn tới các anh chị trong Phòng Tín dụng - Chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội đã tận tình hướng dẫn, cung cấp các tài liệu và đóng góp ý kiến để em hoàn thành Chuyên đề tốt nghiệp này.