Chuyên đề tốt nghiệp Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty xây dựng Lũng Lô
Kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX nền kinh tế của nước ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng nền kinh tế thị trường của nước ta không phải là nền kinh tế thị trường tự do hay độc quyền mà là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước và vận động theo định hướng XHCN. Cơ chế thị trường là thiết chế kinh tế chi phối ý chí và hành động của người sản xuất và người tiêu dùng, người bán và người mua thông qua thị trường và giá cả nhằm trả lời các câu hỏi: - Sản xuất cái gì? - Sản xuất cho ai? - Sản xuất như thế nào? Nó chính là tổng thể các nhân tố, quan hệ, môi trường, động lực và quy luật chi phối sự vận động của thị trường. Trong cơ chế thị trường các đơn vị sản xuất kinh doanh được tự do tác động lẫn nhau trên thị trường. Đơn vị này có thể mua sản phẩm, dịch vụ từ các đơn vị khác trong một thị trường các giao dịch có thể tiến hành trao đổi thông qua hiện vật bằng tiền. Có hàng loạt các quy luật kinh tế tác động trong nền kinh tế thị trường nhưng phổ biến nhất vẫn là quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh. Những quy luật kinh tế thị trường tồn tại một cách khách quan và chỉ phát huy tác dụng khi có sự tác động của con người. Ưu điểm nổi bật của nền kinh tế thị trường là có tính năng động, khả năng thích nghi nhanh chóng, nó tạo điều kiện vật chất để thoả mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất văn hoá và sự phát triển toàn diện. Mặt khác, nó kích thích áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ xã hội hoá sản xuất. Tuy nhiên nền kinh tế thị trường cũng có những hạn chế mà bản thân nó không thể giải quyết được đó là: khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp, bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường. Nhận thức đúng đắn kinh tế thị trường sẽ giúp cho các doanh nghiệp tổ chức tốt công tác hạch toán kinh tế nói chung và kế toán tập hợp chi phí sản xuất nói riêng.