Đề án Tự do hoá lãi suất trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam
Công cuộc đổi mới ở nước ta trong hơn 10 năm qua đã tạo ra cho đất nước bộ mặt mới, sức sống mới. Những thành tựu đã đạt được trên nhiều mặt đã đưa nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của đất nước - giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Nếu như đánh giá những thành quả về mặt kinh tế của Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, sẽ thấy thể hiện trên nhiều mặt trong đó đặc trưng chủ yếu là: duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định tiền tệ liên tục trong nhiều năm. Trong quá trình đổi mới nền kinh tế, hoạt động ngân hàng cũng được đổi mới tích cực và rõ nét kể từ năm 1988 đến nay, đặc biệt kể từ khi có hai pháp lệnh ngân hàng (1990). Đổi mới ngân hàng được thể hiện cả về mô hình tổ chức, hành lang pháp lí và các nội dung hoạt động . Bởi vậy hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến tích cực nhằm thoát ra khỏi những nội dung hoạt động và sự trì trệ của hệ thống ngân hàng theo cơ chế cũ, chuyển sang hoạt động theo nội dung hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường, và đã góp phần đáng kể vào công cuộc chống lạm phát, giữ vững và dần dần nâng cao giá trị Đồng Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ khi đổi mới hoạt động ngân hàng, do ý thức được lãi suất là công cụ quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, chính phủ, Ngân Hàng Nhà Nước đã có những bước cải cách quan trọng về lãi suất để tiến tới dần dần tự do hoá hoàn toàn lãi suất ở nước ta, đáp ứng đòi hỏi mang tính tất yếu của nền kinh tế thị trường. Lãi suất bước đầu đã được diều chỉnh theo yêu cầu của thị trường, chế độ kiểm soát lãi suất cứng nhắc dần dần được nới lỏng. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lí, đôi khi chưa linh hoạt và chưa điều tiết hoàn toàn theo quan hệ cung cầu về vốn, vẫn tồn tại nhiều mức trần lãi suất cho vay và lãi suất cho vay ngoại tệ, lãi suất tái chiết khấu chưa có điều kiện áp dụng để điều tiết linh hoạt nhu cầu tiền tệ . Vì thế, độ nhạy cảm của nền kinh tế với lãi suất chưa cao, công cụ lãi suất chưa thực hiện đầy đủ các chức năng, chưa xứng với tầm của nó và sẽ không đáp ứng được nhu cầu đổi mới nền kinh tế trong những năm tới. Thực trạng trên đòi hỏi phải tiếp tục cải cách lãi suất nhằm khắc phục những điểm bất cập để lãi suất thích ứng với cơ chế thị trường, tiến tới mục tiêu cuối cùng là tự do hoá lãi suất, phù hợp với xu thế của thời đại và mau chóng hội nhập với cộng đồng tài chính quốc tế. Yêu cầu tiếp tục cải cách, hoàn thiện công cụ lãi suất để mục tiêu cuối cùng là tự do hoá lãi suất ở Việt Nam là vấn đề đặt ra hết sức bức thiết với hoạt động ngân hàng. Xuất phát từ lí do đó, tôi chọn đề tài: Tự do hoá lãi suất trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam.