Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ XVIII đặt ra yêu cầu phải có một cơ sở lý luận mới thay thế cho các quan điểm kinh tế trước đây đã bộc lộ những mặt phiến diện của nó, đòi hỏi các nhà kinh tế phải xác định đúng đắn vai trò của lĩnh vực công nghiệp. Nước Anh thời kỳ này là trung tâm phát triển công trường thủ công công nghiệp
10 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1744 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ XVIII đặt ra yêu cầu phải có một cơ sở lý luận mới thay thế cho các quan điểm kinh tế trước đây đã bộc lộ những mặt phiến diện của nó, đòi hỏi các nhà kinh tế phải xác định đúng đắn vai trò của lĩnh vực công nghiệp. Nước Anh thời kỳ này là trung tâm phát triển công trường thủ công công nghiệp. Đây chính là tiền đề xuất hiện trường phái kinh tế chính trị tư sản cổ điển ở Anh và trở thành chủ thuyết kinh tế của giai cấp tư sản ở nhiều nước. Các nhà kinh tế chính trị kiệt xuất của giai cấp tư sản Anh đã dùng luận chứng cương lĩnh kinh tế của mình nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Một trong những nền tảng quan trọng của cơ sở lý luận mới là lý luận về giá trị. Thông qua lý luận giá trị để phát hiện các mối liên hệ bản chất bên trong các hiện tượng và các quá trình kinh tế, các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh đã rút ra những kết luận có giá trị khoa học. Nhưng do những hạn chế về điều kiện lịch sử, về phương pháp luận nên họ mới chỉ dừng lại ở vỏ bên ngoài của lý luận giá trị, chưa hiểu một cách cặn kẽ về bản chất của giá trị. Do vậy, họ đã đưa ra một số quan điểm kinh tế sai lầm và nhằm mục tiêu hướng lợi ích cho giai cấp tư sản.
Chỉ đến khi học thuyết kinh tế chính trị của Các Mác ra đời mới chỉ rõ được bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Các Mác đã phát triển lý luận giá trị một cách đầy đủ và phân tích đúng đắn quy luật giá trị, ứng dụng quy luật cho mọi nền sản xuất hàng hoá.
nội dung
C.Mác là người kế thừa, phê phán và phát triển lý luận về giá trị của các nhà kinh tế học thuộc trường phái cổ điển Anh. Ông đã áp dụng phương pháp mới trong nghiên cứu kinh tế chính trị: phương pháp trừu tượng hoá khoa học và sử dụng phương pháp duy vật biện chứng để phân tích các hiện tượng và quá trình kinh tế khách quan.
Mác không phải là người đầu tiên phân tích hàng hóa, sản xuất hàng hóa và các phạm trù của nó nhưng là người đầu tiên phát hiện ra hàng hóa là một hình thái xã hội đặc thù của sản phẩm, sản xuất hàng hóa là một hình thái đặc thù của sản xuất xã hội. Mác đã phát hiện ra điều kiện chuyển hóa sản phẩm thành hàng hóa. Phân công lao động xã hội khiến những người sản xuất phải quan hệ và phụ thuộc vào nhau, còn sự tách biệt tương đối về kinh tế khiến cho những người sản xuất độc lập nhau. Đó là một quan hệ mâu thuẫn, mâu thuẫn này được giải quyết bằng cách trao đổi sản phẩm dưới hình thái hàng hóa. Trao đổi hàng hóa thực chất là trao đổi lao động cho nhau, quan hệ trao đổi này xuất hiện trong quá trình sản xuất dựa trên cơ sở phân công lao động xã hội và được thực hiện thông qua trao đổi giữa hàng với hàng. Như vậy quan hệ giữa người với người bị che đậy bởi quan hệ giữa vật với vật.
C.Mác đã làm một cuộc cách mạng hết sức to lớn trong học thuyết giá trị - lao động sau khi phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động, giải quyết những bế tắc trong việc giải thích những hiện tượng kinh tế đang nảy sinh mà các học thuyết trước đó không giải thích được.
1. Hàng hoá và hai thuộc tính của hàng hoá
Để có thể phân biệt được sự khác nhau giữa tính hữu ích của sản phẩm với giá trị của nó, Các Mác đã chọn điểm xuất phát cho học thuyết của mình là hàng hoá và sản xuất hàng hoá. C.Mác đưa ra khái niệm: “Hàng hoá là tất cả những vật, những thứ mà có thể thoả mãn được nhu cầu nào đó của con người và chúng được dùng để trao đổi mua bán". Hàng hoá chính là sự thống nhất giữa giá trị sử dụng và giá trị.
C.Mác đã khẳng định chính tính chất hữu ích của vật làm cho vật trở thành một giá trị sử dụng. Tính có ích là do những thuộc tính tự nhiên của vật, do cấu tạo của vật đó qui định. “Giá trị sử dụng là công dụng của hàng hóa tức là nó có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người”. "Giá trị sử dụng chỉ được thực hiện khi tiêu dùng hay sử dụng. Giá trị sử dụng cấu thành nội dung vật chất của của cải, chẳng kể hình thái xã hội của của cải đó như thế nào". Giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn. Trong kinh tế hàng hoá, "Giá trị sử dụng đồng thời cũng là vật mang giá trị trao đổi". Mục đích của sản xuất hàng hoá là lợi nhuận. Để đạt được mục đích đó phải tạo ra những hàng hoá có giá trị sử dụng.
C.Mác đã phân tích từ thực tiễn trong nền sản xuất hàng hoá: tại sao hai hàng hoá với hai giá trị sử dụng khác nhau lại có thể trao đổi với nhau? Ví dụ: 1 rìu = 20 kg thóc. Ông nhận thấy: "Giá trị trao đổi, trước hết biểu hiện ra là một quan hệ về số lượng" mà theo đó giá trị sử dụng này tương đương với giá trị sử dụng khác. Chính từ điều đó, C.Mác đã chỉ ra giữa các hàng hoá phải có một cơ sở chung để trao đổi: "Nếu gạt hết giá trị sử dụng của hàng hoá ra một bên thì vật thể hàng hoá chỉ có một thuộc tính mà thôi: chúng là sản phẩm của lao động". Khi ta tiến hành lao động, lao động bị hao phí đã được kết tinh lại trong hàng hoá. Sự kết tinh lao động là cơ sở chung của trao đổi và đó là giá trị của hàng hoá. Chính giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện của giá trị. Còn giá trị là nội dung. Ông đã đưa ra định nghĩa: "Giá trị của hàng hoá là lao động xã hội của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá". Giá trị hàng hóa do lao động tạo ra, vật gì không do lao động tạo ra thì không có giá trị (nước, không khí). Giá trị là một phạm trù trừu tượng chỉ được biểu hiện ra trong trao đổi, vì vậy giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện của giá trị, do giá trị quyết định. Giá trị biểu hiện ra trong trao đổi mà thực chất của hoạt động trao đổi là trao đổi lao động cho nhau giữa những người sản xuất hàng hóa vì vậy giá trị hàng hóa biểu hiện quan hệ sản xuất giữa những người sản xuất hàng hóa. Giá trị hàng hóa là một phạm trù lịch sử chỉ tồn tại và gắn liền với kinh tế hàng hóa.
Không chỉ dừng lại ở việc định nghĩa hai thuộc tính của hàng hoá, C.Mác đã tìm ra lý do tại sao hàng hoá chỉ có hai thuộc tính. Đó là do hoạt động lao động sản xuất ra hàng hoá mang tính hai mặt: một mặt là lao động cụ thể - là nguồn gốc sinh ra giá trị sử dụng; mặt khác là lao động trừu tượng - là nguồn gốc sinh ra giá trị. Các nhà kinh tế chính trị cổ điển vẫn còn nhầm lẫn giữa lao động biểu hiện trong giá trị với lao động khi nó biểu hiện trong giá trị sử dụng của sản phẩm. Chính vì thế việc chỉ ra tính hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hoá trong lý luận của C.Mác là một bước tiến về lý luận. C.Mác viết: "Tôi là người đầu tiên chứng minh một cách có phê phán tính chất hai mặt đó của lao động chứa đựng trong hàng hoá". Lao động cụ thể tạo ra giá trị sử dụng. Bất cứ giá trị sử dụng nào nếu không sẵn có từ tự nhiên thì phải do một lao động cụ thể nào đó tạo ra. Lao động cụ thể khác nhau về chất, các lao động cụ thể hợp thành sự phân công lao động xã hội. Lao động cụ thể là một phạm trù vĩnh viễn, là một điều kiện không thể thiếu trong bất cứ chế độ xã hội nào.
Mặt khác, lao động của người sản xuất hàng hoá nếu coi sự hao phí sức lực của con người nói chung, không kể hình thức cụ thể của nó như thế nào, thì gọi là lao động trừu tượng. Chỉ trong xã hội có sản xuất hàng hoá thì mới có sự cần thiết khách quan phải qui các loại lao động cụ thể vốn không thể so sánh với nhau được thành một thứ lao động đồng nhất, có thể so sánh được để làm cơ sở cho quan hệ trao đổi, tức là phải qui đổi lao động cụ thể thành lao động trừu tượng. Lao động trừu tượng tạo ra thực thể của giá trị hàng hóa. Đó là một phạm trù lịch sử gắn liền với kinh tế hàng hoá. Chừng nào còn sản xuất và trao đổi hàng hoá thì chừng đó còn tồn tại lao động trừu tượng. Do vậy có thể khẳng định rằng "chất của giá trị hàng hoá chính là lao động trừu tượng".
2. Lượng giá trị hàng hoá
Nếu như các nhà kinh tế cổ điển Anh mới chỉ nhận thấy được mối quan hệ giữa lượng giá trị và lao động hao phí do họ chưa giải thích được nguồn gốc sinh ra giá trị thì ở đây C.Mác đã đi sâu tìm ra được đơn vị đo lường và cơ cấu giá trị.
- Về đơn vị đo lường lượng giá trị, trong cuốn "Tư bản", C.Mác đã xác định: "giá trị hàng hoá là lao động trừu tượng kết tinh trong hàng hoá". Cho nên lượng giá trị hàng hoá nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào lượng lao động kết tinh trong hàng hoá. Lượng lao động hao phí được đo bằng các đơn vị thời gian lao động như giờ, ngày, tháng, năm. Điều đó không có nghĩa là lượng giá trị được đo bằng thời gian lao động cá biệt mà nó phải được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết hay tất yếu. "Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động đòi hỏi để sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó, trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội, với một trình độ thành thạo trung bình và một cường độ lao động trung bình của xã hội đó". Thời gian lao động xã hội cần thiết thường được tính là thời gian lao động cá biệt của người sản xuất hàng hoá nào cung cấp đại bộ phận hàng hoá đó cho thị trường.
- Về cơ cấu lượng giá trị, C.Mác đã đưa ra một cơ cấu giá trị của hàng hoá một cách đầy đủ nhất. William Petty cho rằng: "Lao động là cha còn đất là mẹ của mọi của cải". C.Mác khẳng định lao động là nguồn gốc duy nhất của giá trị. Tuy nhiên giá trị sử dụng của hàng hoá lại là sự kết hợp của hai yếu tố: vật chất của tự nhiên và lao động. Nếu trừ đi tổng số những lao động có ích chứa đựng trong hàng hoá thì bao giờ cũng còn lại một cái nền vật chất nhất định, do tự nhiên mà có chứ không cần đến sự tác động của con người. Ông kết luận: "Lao động không phải là nguồn duy nhất của những giá trị sử dụng mà nó sản xuất ra, không phải là nguồn duy nhất của mọi của cải vật chất". Giá trị của một hàng hoá bao gồm cả giá trị cũ và giá trị mới.
Lao động của người sản xuất hàng hóa có tính 2 mặt:
Xét lao động cụ thể: trong quá trình lao động đó đã bảo tồn, di chuyển giá trị của tư liệu sản xuất vào giá trị sản phẩm (C) bảo tồn 1 lần giá trị đối tượng lao động (C2) vào sản phẩm và chuyển dần giá trị tư liệu lao động vào sản phẩm (C1). Đây gọi là giá trị chuyển dịch. Lý luận của C.Mác phát triển hơn so với Ricardo ở chỗ Ricardo đã nhận ra C trong cơ cấu giá trị nhưng theo ông C ở đây chỉ là C1. Mác chỉ rõ C bao gồm hai phần là C1 - giá trị máy móc thiết bị, nhà xưởng chuyển dần vào giá trị sản phẩm và C2 là giá trị của nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra sản phẩm.
Xét lao động trừu tượng: là lao động đồng nhất, trong quá trình lao động đó, hao phí lao động nói chung tạo ra giá trị mới. Giá trị mới là phần giá trị vừa được tạo ra trong quá trình sản xuất. Nó bao gồm phần tiền lương trả cho công nhân và phần giá trị thặng dư và được ký hiệu là (V+m). Do đó cơ cấu lượng giá trị hàng hoá = C + (V + m) = (C1 + C2) + (V + m)
Có thể nói rằng C.Mác đã hoàn thiện lý luận về giá trị và cơ cấu lượng giá trị của hàng hoá. Đồng thời với những lý luận này, C.Mác đã giải quyết được các mâu thuẫn mà các nhà kinh tế học cổ điển không giải thích được.
- Nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị: C.Mác đã xác định ba nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị là: năng suất lao động và cường độ lao động, trình độ thành thạo của lao động.
Năng suất lao động được tính bằng lượng sản phẩm tạo ra trong một đơn vị thời gian hay bằng lượng thời gian cần thiết để sản xuất một đơn vị sản phẩm. Khi năng suất lao động tăng lên, lượng sản phẩm tạo ra trong một đơn vị thời gian tăng nhưng lao động hao phí trong thời gian đó không đổi do đó lao động hao phí trong 1 sản phẩm giảm vì vậy giá trị hàng hóa giảm. Trong đó, giá trị mới của một đơn vị hàng hoá (V+m) giảm tuyệt đối. Giá trị cũ (C) có thể giảm, không đổi hoặc tăng lên nhưng phần tăng lên luôn nhỏ hơn phần giảm của giá trị mới (V+m). Do phạm trù năng suất lao động thuộc về pham trù lao động cụ thể, nên Mác phát hiện ra hiện tượng phức tạp diễn ra trong thực tế đó là năng suất lao động tỷ lệ nghịch với giá trị của một đơn vị sản phẩm do khối lượng giá trị sử dụng lớn lên nhưng khối lượng giá trị không đổi.
Cường độ lao động là mức độ khẩn trương của lao động. Khác với năng suất lao động, khi cường độ lao động tăng, lượng lao động hao phí trong một đơn vị thời gian tăng dẫn đến tăng lượng giá trị của tổng sản phẩm và tăng khối lượng sản phẩm trong một đơn vị thời gian. Như vậy giá trị của một đơn vị hàng hoá (bằng giá trị của tổng sản phẩm chia cho khối lượng sản phẩm) sẽ không đổi.
Trình độ thành thạo của lao động: thể hiện ở cặp phạm trù lao động giản đơn (bất kể người lao động bình thường nào cũng có thể thực hiện được) và lao động phức tạp (lao động phải trải qua chuyên môn trước mới thực hiện được). Theo C.Mác, lao động phức tạp tăng thì lượng giá trị tạo ra càng nhiều. Cùng trong 1 đơn vị thời gian lao động phức tạp tạo ra nhiều giá trị hơn lao động giản đơn. Quan điểm về mối quan hệ giữa lao động phức tạp và lao động giản đơn của C.Mác hoàn thiện hơn so với quan điểm của các nhà kinh tế chính trị cổ điển. Adam Smith mới chỉ thấy rằng: "Một loại lao động đòi hỏi sự khéo léo và sự thông minh tài trí, tất nhiên sản phẩm của loại lao động đó có giá trị cao hơn so với một sản phẩm bình thường làm ra với một lượng thời gian tương đương". Nhưng cụ thể làm thế nào để so sánh giữa hai loại lao động này thì ông chưa chỉ ra được. C.Mác khẳng định: "Lao động phức tạp chỉ là lao động giản đơn được nâng lên luỹ thừa, hay nói cho đúng hơn, là lao động giản đơn được nhân lên". Trong quá trình trao đổi hàng hóa người ta quy các loại lao động phức tạp và các loại lao động giản đơn về lao động giản đơn trung bình.
3. Các hình thái của giá trị
Một trong những thành tựu của C.Mác là việc ông chỉ ra các hình thái của giá trị hay giá trị trao đổi. Trường phái kinh tế chính trị cổ điển chưa phân tích đến tận cùng giá trị và giá trị trao đổi của hàng hoá nên họ chưa tìm được hình thái giá trị đã làm cho giá trị trở thành giá trị trao đổi. Họ chỉ coi hình thái giá trị như một cái gì đó hoàn toàn không quan trọng, thậm chí là một cái gì đó nằm bên ngoài bản chất của hàng hoá. Điều đó là do họ coi phương thức sản xuất tư bản là một hình thái tự nhiên vĩnh cửu của nền sản xuất hàng hoá. Họ chưa nhận thức được hình thái giá trị của sản phẩm lao động là hình thái trừu tượng nhất và cũng là hình thái chung nhất của phương thức sản xuất tư bản. Chính hình thái này đã làm cho phương thức đó mang tính chất một loại hình đặc thù của nền sản xuất xã hội và đồng thời lại có tính chất lịch sử. Chỉ đến C.Mác, bản chất của tiền tệ mới được chỉ ra một cách đầy đủ. Tiền tệ là một thứ hàng hoá đặc biệt được tách ra làm vật ngang giá chung cho các loại hàng hoá khác. Nó thể hiện lao động xã hội và biểu hiện quan hệ giữa những người sản xuất hàng hoá.
Trong tác phẩm "Tư bản", Các Mác viết: "bây giờ cần phải làm một việc mà khoa kinh tế tư sản chưa hề làm thử bao giờ, tức là phải trình bày nguồn gốc phát sinh của hình thái tiền tệ, tức là phải khai triển các biểu hiện của giá trị, biểu hiện bao hàm trong quan hệ giá trị của hàng hoá, từ hình thái ban đầu đơn giản và ít thấy rõ nhất cho đến hình thái tiền tệ là hình thái mà ai nấy đều thấy". Ông đã chỉ ra bốn hình thái phát triển của giá trị theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử kinh tế - xã hội:
- Hình thái giá trị giản đơn hay ngẫu nhiên.
- Hình thái giá trị toàn bộ hay mở rộng.
- Hình thái giá trị chung.
- Hình thái tiền tệ.
4. Qui luật giá trị
Từ hệ thống lý luận về giá trị, C.Mác đã tìm ra qui luật giá trị. Đây là qui luật kinh tế cơ bản của nền sản xuất hàng hoá: "ở đâu có sản xuất hàng hoá, lưu thông hàng hoá thì ở đó có sự hoạt động của qui luật giá trị".
Qua nghiên cứu, Các Mác đã nhận thấy: "quá trình sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá đều phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết". Đây là yêu cầu của qui luật giá trị, của chính nền sản xuất hàng hoá. Trước tiên trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá, hàng hoá sản xuất ra muốn bán được thì phải có mức hao phí lao động cá biệt của các chủ thể phù hợp với hao phí lao động xã hội cần thiết, tức là phải phù hợp với mức hao phí lao động mà xã hội có thể chấp nhận được. Đây là yêu cầu khách quan, nó không phụ thuộc vào hình thức sở hữu, hình thức sản xuất hay thành phần kinh tế nào.
Trong trao đổi hàng hoá, hai hàng hoá có giá trị sử dụng khác nhau có thể trao đổi với nhau được khi lượng giá trị của chúng ngang nhau, hay nói cách khác, trao đổi phải theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị hàng hoá làm cơ sở cho giá cả. Hàng hoá nào có mức hao phí lao động nhiều thì giá trị lớn nên giá cả thị trường cao và ngược lại. Nếu cung > cầu thì giá cả giá trị. Sự biến động giá cả thị trường là biểu hiện sự vận động của qui luật giá trị. Tuy nhiên, giá cả hàng hoá thay đổi còn chịu tác động của nhiều nhân tố khác như cung, cầu, tình trạng độc quyền. Nhưng xét về tổng thể nền kinh tế thì tổng giá cả của hàng hoá phải bằng tổng giá trị của hàng hoá đó. C.Mác gọi sự giao động lên xuống của giá cả thị trường xung quanh trục giá trị là vẻ đẹp của qui luật giá trị.
ý nghĩa của quy luật giá trị trong thực tiễn rất lớn. Trong sản xuất, qui luật giá trị điều tiết việc phân phối tư liệu sản xuất và sức lao động giữa các ngành sản xuất thông qua sự biến động giá cả hàng hoá để nền kinh tế đạt tới trạng thái cân bằng. Trong lĩnh vực lưu thông, qui luật giá trị có tác dụng điều tiết nguồn hàng từ nơi có giá thấp đến nơi có giá cao. Quy luật giá trị có tác dụng kích thích lực lượng sản xuất phát triển. Trong nền kinh tế sản xuất hàng hoá, người nào có hao phí lao động cá biệt ít hoặc bằng hao phí lao động xã hội cần thiết thì người đó sẽ có lợi. Do vậy, để có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, mỗi người sản xuất đều phải tìm cách rút ngắn thời gian hao phí lao động cá biệt, họ phải tìm cách cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Vì thế trong nền kinh tế hàng hoá, lực lượng sản xuất được kích thích và phát triển hơn nhiều so với nền kinh tế tự cung, tự cấp.
Đồng thời, quy luật giá trị cũng có tác dụng thực hiện sự bình tuyển tự nhiên và phân hoá người sản xuất thành kẻ giàu người nghèo. Trong nền sản xuất hàng hoá, những người có hao phí lao động cá biệt thấp hơn hao phí lao động xã hội cần thiết sẽ thu được lợi. Họ có thể tích luỹ, dần mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh của mình và trở nên giàu có. Ngược lại, có những người mà hao phí lao động cá biệt lớn hơn hao phí lao động xã hội cần thiết sẽ bị thiệt, họ dần bị lỗ vốn, thậm chí phá sản. Do đó, qui luật giá trị có ý nghĩa bình tuyển, đánh giá người sản xuất. Về phương diện này, qui luật giá trị đảm bảo sự bình đẳng đối với người lao động.
Quy luật giá trị biểu hiện hoạt động qua mọi giai đoạn. Trong giai đoạn tự do cạnh tranh, quy luật giá trị biểu hiện hoạt động thông qua giá cả sản xuất. Trước đây giá cả thị trường xoay quanh quy luật giá trị thì trong giai đoạn này giá cả thị trường xoay quanh giá cả sản xuất. Lúc này (C + V + m) chuyển hóa thành (k + p). Giá cả sản xuất là dạng chuyển hóa của giá trị, giá cả thị trường là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị do vậy trong giai đoạn tự do cạnh tranh giá cả thị trường là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá cả sản xuất.
Trong giai đoạn độc quyền, nhà độc quyền thống trị nên các tổ chức độc quyền thu được lợi nhuận độc quyền do đó giá trị chuyển hóa thành giá cả độc quyền.
Vậy giá trị có 2 hình thái chuyển hóa là giá cả sản xuất (trong giai đoạn tự do cạnh tranh) và giá cả độc quyền (trong giai đoạn độc quyền). Giá trị có 2 hình thức biểu hiện là giá trị trao đổi và giá cả thị trường mà hình thức biểu hiện cao nhất là tiền.
Kết luận
Trường phái kinh tế chính trị cổ điển Anh, với các nhà kinh tế tư sản đại diện là: William Petty, Adam Smith, David Ricardo là những người có công trong việc đưa ra các khái niệm ban đầu, các ý tưởng về giá trị tuy chưa phải là hoàn toàn đúng đắn và đầy đủ do những hạn chế về mặt thế giới quan và phương pháp luận cũng như các điều kiện lịch sử.
C.Mác đã kế thừa, phê phán và phát triển lý luận của trường phái kinh tế chính trị cổ điển Anh thành một hệ thống lý luận hoàn chỉnh về giá trị. Hay nói cách khác, dựa trên quan điểm lịch sử, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng về học thuyết giá trị lao động. Với cơ sở lý luận về giá trị lao động này, C.Mác tiếp tục nghiên cứu, phát triển và đưa ra học thuyết về giá trị thặng dư. Đây là một trong những phát kiến vĩ đại của C.Mác, là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác./.
Mục lục