Đề tài Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học phân môn từ ngữ lớp 4 - 5 theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh
Loài người đã bước sang thế kỷ mới - Thế kỷ của tin học và công nghệ. Cho dù là đất nước nào đi nữa, muốn tiến kịp thời đại đòi hỏi phải có những con người có đủ phẩm chất, nhân cách và trí tuệ - con người mới phát triển toàn diện. Để đào tạo thế hệ trẻ có khả năng đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong mỗi giai đoạn chỉ có thể nhờ vào sự đổi mới giáo dục. Chính bởi lẽ đó mà Đảng và nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách, là cốt tử của sự phát triển đất nước. Những đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước từ những năm 1986 đến nay, những xu thế và thành tựu của đổi mới giáo dục thế giới, những vận động tự thân của giáo dục Tiểu học nước ta đòi hỏi phải đổi mới toàn diện và đồng bộ giáo dục Tiểu học. Bậc Tiểu học được xác định là “ Bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân “ ( Điều 2 - Luật phổ cập giáo dục Tiểu học ). Đây là bậc học phổ cập, tạo tiền đề cơ bản để nâng cao dân trí, là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt mang trong mình những phẩm chất ( Trí tuệ phát triển, ý chí cao, tình cảm đẹp ) tạo thành cốt lõi của một nhân cách Việt Nam trong giai đoạn mới. Mục tiêu phát triển giáo dục bậc Tiểu học từ nay đến hết năm 2020 Nghị quyết trung ương 2 chỉ rõ “ Nâng cao chất lượng toàn diện bậc Tiểu học ” Yêu cầu về nội dung, phương pháp “ Giáo dục Tiểu học phải đảm bảo cho học sinh có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người, có kỹ năng cơ bản về nghe, đọc, nói, viết và tính toán.” (Điều 24 - Luật giáo dục ). Liệu rằng mục tiêu trên có trở thành hiện thực hay không khi mà các em luôn là ngưòi thụ động để Thầy, Cô áp đặt những kiến thức có sẵn bẵng những qui trình giảng dạy sáo mòn. Các em sẽ chẳng bao giờ trưởng thành nếu mãi phải ngồi học theo kiểu: Thầy nói - trò nghe, Thầy đọc - trò ghi, Thầy khẳng định - trò chấp nhận. Lẽ ra các em phải là chủ thể của quá trình dạy học, các em phải được làm việc và thông qua việc làm của mình mà trưởng thành. Như thế mới là dạy học . Dạy học ở Tiểu học là một nghề. Nghề dạy học ở bậc Tiểu học có đặc thù riêng về mặt sư phạm mà người làm nghề dạy học ở bậc học khác không cần hoặc không có được. Vì dạy học ở Tiểu học đem lại cho học sinh kiến thức, kỹ năng, thái độ tạo cơ sở ban đầu rất cơ bản và bền vững cho trẻ tiếp tục học lên, hình thành những cơ sở ban đầu, đường nét ban đầu của nhân cách. Những gì thuộc về tri thức và kỹ năng, về hành vi và tính người. được hình thành và định hình ở học sinh Tiểu học sẽ theo suốt cuộc đời mỗi người. Những gì đã hình thành và định hình ở trẻ em rất khó thay đổi, khó cải tạo lại. Tóm lại, dạy học ở bậc Tiểu học chủ yếu là dạy cách học - dạy phương pháp học. Do vậy, muốn đổi mới giáo dục Tiểu học trước hết và quan trọng nhất phải đổi mới phương pháp dạy học. Chỉ trên cơ sở đổi mới phương pháp dạy học thì các đổi mới khác mới có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục Tiểu học.