Cây cà phê là cây công nghiệp chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Cây cà phê được xem là cây mũi nhọn trong chiến lược kinh tế của Tây nguyên. Ngành cà phê phát triển đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
64 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1898 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Đánh giá mô hình ghép chồi cải tạo giống cà phê vối (Coffea canephora var. Robusta) tại vùng chuyên canh cà phê ở Đăk Lăk, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Đặt vấn đề
Cây cà phê là cây công nghiệp chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Cây cà phê được xem là cây mũi nhọn trong chiến lược kinh tế của Tây nguyên. Ngành cà phê phát triển đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trong 15 năm (1990 – 2004) Việt Nam đã xuất khẩu cà phê với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5.289.620.244 USD. Hiện nay, sản phẩm cà phê Việt Nam cung cấp đến 40% sản lượng cà phê thế giới, cà phê Việt Nam được biết đến trên 71 quốc gia và vùng lãnh thổ. Niên vụ 2007 – 2008 Việt Nam đã xuất khẩu 1.077.375 tấn đạt giá trị 2.087.009 USD.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích cà phê cả nước năm 2009 có khoảng 506.000 ha được trồng từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên với 469.563 ha chiếm 92,79%, trong đó: Đăk Lăk 178.903 ha, Lâm Đồng 127.668 ha, Gia Lai 76.000 ha, Đăk Nông 72.500 ha, Kom Tum 14.492 ha.
Cơ cấu giống cà phê hiện nay trong sản xuất: Chủ yếu là cà phê vối chiếm 92,86%; cà phê chè chiếm 6,14%; các giống khác chiếm 0,9%.
Hiện nay diện tích cà phê có tuổi kinh doanh trên 20 năm ngày càng tăng, hiện có trên 123.107 ha trồng năm 1989 trở về trước chiếm 24,33% tổng diện tích và diện tích già cỗi có tuổi kinh doanh trên 20 năm trong 5-10 năm tới sẽ tăng nhiều và chiếm khoảng gần 50% diện tích cả nước (Bộ NN&PTNT, 2009).
Trước đây, hầu hết các diện tích cà phê được trồng bằng hạt (cây thực sinh), công tác tuyển chọn giống không được người sản xuất chú trọng nên vườn cây khi đưa vào kinh doanh, thâm canh cho năng suất cao nhưng vẫn có những biểu hiện vườn cây không đồng đều, năng suất không ổn định do trong vườn có những cây quả ít, quả nhỏ, cây không có quả và bị bệnh gỉ sắt chiếm tỷ lệ cao.
Mặt khác vườn cây cà phê kinh doanh có độ tuổi cao nên năng suất, chất lượng giảm dần.
Thực tiễn trong sản xuất để khắc phục những yếu điểm trên nhiều hộ nông dân đã áp dụng biện pháp cải tạo như: cưa đốn nuôi chồi tái sinh, đào bỏ những cây cho năng suất thấp sau đó trồng lại nhưng hiệu quả đem lại không cao, gây nhiều tốn kém và cây con dễ bị cạnh tranh về ánh sáng dinh dưỡng, nước...bởi các cây lớn xung quanh.
Vì vậy cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp ngành cà phê Việt Nam nói chung và ở Đăk Lăk nói riêng phát triển bền vững thì nhất thiết phải áp dụng đồng bộ các giải pháp như: thay thế các giống cũ năng suất kém bằng các giống đã được chọn lọc có năng suất, chất lượng cao và kháng được bệnh gỉ sắt; việc áp dụng kỹ thuật ghép chồi thay thế để cải tạo vườn cây cà phê vối kinh doanh cho phép nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm cà phê.
Xuất phát từ thực tế trên tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá mô hình ghép chồi cải tạo giống cà phê vối (Coffea canephora var. Robusta) tại vùng chuyên canh cà phê ở Đăk Lăk”. Nhằm mục đích góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất cà phê tại Đăk Lăk.
Mục tiêu và yêu cầu của đề tài
Mục tiêu
Đánh giá mô hình ghép cải tạo bằng các dòng vô tính cà phê vối, thông qua đó đề ra các biện pháp kỹ thuật để cải tạo vườn cà phê vối kinh doanh hiện nay cho năng suất thấp, chất lượng kém, nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Giới hạn đề tài
Vì thời gian quá ngắn nên kết quả nghiên cứu chỉ bổ sung thêm một số chỉ tiêu về sinh trưởng sau ghép, theo dõi năng suất bằng cách giám định. Còn lại dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu cụ thể trước đó về 5 DVT cà phê vối đã được công nhận của viện KHKT NLN Tây Nguyên, kế thừa các số liệu đã có về năng suất thực thu, bệnh gỉ sắt, phẩm cấp hạt qua nhiều năm.
Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế của các mô hình ghép tại 2 điểm khảo nghiệm trên địa bàn Đăk Lăk.
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
Đặc điểm nông sinh học cây cà phê vối
Phân loại thực vật
Cà phê vối (Coffea canephora) thuộc chi Coffea, nhóm Eucoffea, họ Rubiaceae, bộ Rubiales, số lượng nhiểm sắc thể của chi Coffea là x=11. Coffea canephora là loài nhị bội (2n=22). Do tính bất hợp nên trong tự nhiên cũng như trồng trọt, các quần thể cà phê vối rất đa dạng về hình thái, gồm những cá thể mang tính dị hợp cao độ [3].
Bộ Rubiales
Họ Rubiaceae
Chi Coffea
Nhóm Eucoffea
Loài Coffea canephora
Nguồn gốc xuất xứ và phân bố cây cà phê vối
Cà phê vối có nguồn gốc từ Trung Phi, phân bố rải rác dưới các tán rừng thưa, thấp thuộc vùng châu thổ sông Congo khoảng giữa 100 vĩ Bắc và 100 vĩ Nam. Cà phê vối từ Tây Phi và Madagascar đưa sang Nam Mỹ và Amsterdam vào năm 1899, sau đó từ Amsterdam đưa sang Java vào năm 1900 và sau đó từ Java lại trở về Châu Phi vào năm 1912. Cà phê vối được trồng phổ biến, chiếm gần 40% tổng diện tích cà phê của thế giới và khoảng 35% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu hằng năm, các nước trồng cà phê vối gồm có: Cameroom, CoteDivoire, Angola, Cộng hoà trung phi, Congo, Guine xích đạo, Gabon, Ghana, Guinea, Indonesia, Lebiria, Madagascar, Nigievia, Philipines, Sireleane, Srilanca, Thailan, Togo, Trinidat và Tolago, Uganda, Việt Nam và Zaire.
Các giống cà phê vối được trồng phổ biến là giống Rubusta và giống Kouilou:
Giống Rubusta (C.canephora var. Robusta) được trồng nhiều nhất ở các nước Châu phi, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam, chiếm 90% tổng diện tích cà phê vối của thế giới. Đặc trưng của giống này là cây to, khoẻ, tán thưa, lá to, đốt dài, ít cành thứ cấp, quả, hạt to, chín muộn và cho năng suất cao, kháng chịu tốt với các loại sâu bệnh hại như: tuyến trùng, bệnh gỉ sắt, nhưng khả năng chịu hạn kém.
Giống Kouillou (C.canephora var. Kouillou): chủ yếu được trồng ở các nước Congo, CotedIvoire và Châu Mỹ la tinh. Đặc trưng của giống là: cây nhỏ, dạng bụi nhiều cành thứ cấp, lá nhỏ, hẹp, xoăn, quả, hạt nhỏ năng suất thấp, khả năng chịu hạn tốt nhưng lại mẩn cảm với bệnh gỉ sắt và bệnh rễ gây tắc mạch do nấm Fusarium Xylarioides gây ra.
Đối với Việt Nam cây cà phê đầu tiên được đưa vào năm 1857 và được nhập vào để trồng thử năm 1888. Giai đoạn đầu được trồng thử tại một số nhà thờ ở Ninh Bình, Quảng Bình và mãi tới đầu thế kỷ XX mới được trồng ở các đồn điền thuộc Phủ Quỳ (Nghệ An) và một số nơi ở Tây Nguyên. Mãi tới năm 1920 trở đi cây cà phê mới thực sự có điện tích đáng kể, đặc biệt là ở Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk [3].
Theo Nguyễn Sỹ Nghị (1982) dưới thời Pháp thuộc trại cà phê Phú Hộ (Vĩnh Phú) đã có nhập nội trồng cả hai nhóm Rubusta và Kouillou. Cà phê vối trồng ở Miền Nam du nhập từ Java và Cộng Hoà Trung Phi (Trebel, 1996). Cây cà phê Việt Nam phân bố địa lý gồm hai vùng chủ yếu sau:
Miền Bắc, vùng chủ yếu trồng cà phê Arabica: đặc điểm vùng này là có mùa đông lạnh và có những đợt mưa phùn nên phát triển cà phê Arabica là chủ yếu, một số vùng Nam khu bốn cũ có nền nhiệt độ cao nên có thể trồng được cà phê Robusta nhưng hiệu quả không cao và không ổn định.
Miền Nam, vùng cà phê Robusta là chủ yếu: đặc trưng khí hậu vùng này là khí hậu nhiệt đới gió mùa khá điển hình với hai mùa tương phản sâu sắc là mùa mưa và mùa khô.
Đặc tính thực vật học cây cà phê vối
Hệ thống rễ cây cà phê
Bộ rễ cây cà phê gồm có: rễ cọc và rễ phụ.
Rễ cọc được hình thành từ phôi mầm, rễ cọc thường là một rễ to khoẻ, mọc thẳng, ăn sâu xuống đất từ 1,2 – 1,5m (tùy loại đất trồng).
Các rễ phụ mọc từ rễ cọc và đâm thẳng xuống sâu làm nhiệm vụ hút nước nuôi cây. Các rễ ngang mọc từ rễ phụ đâm vào đất theo nhiều hướng khác nhau, các rễ ngang phát triển thành hệ thống, phần đầu là các lông hút phát triển dày đặc làm nhiệm vụ hút dinh dưỡng. Rễ cây cà phê vối tập trung ở tầng đất mặt từ 0 – 30cm, chiếm trên 80% trọng lượng của cả bộ rễ.
Bộ rễ của cây cà phê thuộc loại háo khí, rễ tơ phấn bố chủ yếu ở tầng đất mặt, chức năng chủ yếu là hút dinh dưỡng, nước trong đất để cung cấp cho cây nên trong sản xuất cần có biện pháp bảo vệ, chăm sóc nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến rễ.
Thân, cành, lá
- Thân: cà phê là loại cây nhỏ, trong điều kiện để tự nhiên cao từ 8 – 12m và có rất nhiều thân do khả năng phát sinh chồi vượt rất mạnh, thân thuộc loại gỗ, cứng, mọc thẳng, thân có nhiều đốt, mỗi lóng (đốt) dài 7 – 14cm tuỳ theo điều kiện ngoại cảnh và giống. Khi cây còn non phân biệt rất rõ đốt, mỗi đốt có 2 lá, mỗi nhánh lá có vùng mầm. Vùng mầm phía trên hình thành quả, vùng mầm phía dưới hình thành chồi vượt.
- Cành: đặc điểm cành cà phê vối có cành cơ bản to, khoẻ vươn dài nhưng khả năng phát triển cành thứ cấp ít hơn so với các giống cà phê khác. Cành mọc đối xứng, mộc hoá chậm và tuỳ sinh thái từng vùng có khả năng phân cành ít hay nhiều, trong điều kiện thích hợp để phát triển được thêm một cặp cành hay một đôi lá phải cần một thời gian từ 25 – 30 ngày. Cây con sau khi trồng được khoảng 1 năm có khả năng phát triển từ 12 – 14 cặp cành. Sự ra cành của cà phê trên thân theo quy luật đối xứng (mỗi một đốt có cặp cành đối xứng) [3]. Cành cà phê có vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng đến bộ tán cây và năng suất, sản lượng.
Cành quả: cành mọc từ thân chính còn gọi là cành cơ bản (cành cấp 1), mọc thẳng góc với thân hoặc tạo thành một góc nhỏ hơn 900, cành quả quyết định đến năng suất cà phê trên cây giai đoạn kiến thiết cơ bản vì đây là giai đoạn cành mang quả và từ cành cấp 1 phát triển thành các cành thứ cấp. Các cành cấp 1 nếu gãy sát thân thì nó không có khả năng tái sinh vì vậy gây nên hiện tượng khuyết tán, từ cành thứ cấp phát triển cành tăm, cành chùm là những cành ít có khả năng cho quả nhưng lại tranh chấp dinh dưỡng, ánh sáng do đó cần phải cắt tỉa thường xuyên, hằng năm người lao động phải đầu tư công để cắt tỉa, tạo cho bộ tán cây được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển. Tùy giống mà số lượng cành này phát triển nhiều hay ít.
Cành vượt (chồi vượt) mọc từ thân, song song với thân, có khả năng tạo thân, giữ đặc tính di truyền của giống cây mẹ và không có khả năng tạo ra quả. Trong sản xuất cành vượt thường được sử dụng để tạo thêm thân (nuôi chồi) từ 1 – 2 thân/gốc, nuôi thân tạo tán đối với cây bị khuyết tán và đối với những giống tốt thì chồi vượt còn làm nguyên liệu sử dụng trong nhân giống.
- Lá: lá cà phê mọc đối, phiến lá to, hình bầu hoặc mũi mác, có màu xanh xám hoặc đậm, đuôi lá nhọn, mép lá thường gợn sóng, mặt lá hơi gồ ghề, chiều rộng từ 10 – 15 cm, chiều dài từ 10 – 40 cm, trên lá có từ 8 – 13 đôi gân lá [3].
Thân, cành, lá cà phê có vai trò quyết định đến năng suất vườn cây. Để phát huy, sử dụng có hiệu quả quy luật phát triển cành lá thì cần phải có những biện pháp kỹ thuật tác động. Vườn cây trong giai đoạn kinh doanh hàng tháng phải tiến hành đánh chồi, tỉa cành tăm và sau mỗi vụ thu hoạch phải tiến hành tạo hình để bộ tán cây phát triển cân đối, thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển và để ổn định năng suất hằng năm.
Hoa cà phê:
Cấu tạo hoa cà phê vối: hoa cà phê vối mọc trên các nách lá ở các đốt cành ngang thành từng chùm khoảng từ 1 – 5 cụm, lượng hoa trên cụm ở mỗi nách lá rất nhiều, có thể lên tới 80 – 100 hoa, tràng hoa màu trắng, lúc nở có mùi thơm, có 3 – 4 tràng/hoa, số lượng nhị đực bằng số lượng tràng hoa, có một nhuỵ cái, đầu nhuỵ chia 2 mảnh, bầu nhị là bầu hạ [3].
Quả cà phê
Quá trình thụ tinh và hình thành nội nhủ non: tính bất hợp ở cây cà phê vối đã được rất nhiều tác giả nghiên cứu. Theo Berthaud (1980) thì tính tự bất hợp ở cây cà phê vối thuộc loại bất hợp ở thể giao tử do các đơn alen S1, S2, S3,…Sn quy định khi hạt phấn có mang một alen S nào đó trùng với alen của bầu nhuỵ thì bầu nhuỵ sẽ kìm hãm không cho ống mầm của hạt phấn phát triển tiến sâu vào noãn để thụ tinh.
Sau quá trình thụ phấn, thụ tinh thì từ một bầu nhuỵ ban đầu của hoa cà phê có thể phát triển tiến sâu vào noãn để thụ tinh.
Sau quá trình thụ phấn, thụ tinh thì từ một bầu nhuỵ ban đầu của hoa cà phê có thể phát triển thành 3 loại khác nhau là:
Quả cà phê có 2 bầu noãn, không được thụ tinh để hình thành loại quả chỉ có 2 mu vẩy, loại quả này không tiếp tục phát triển và sẽ rụng đi trong khoảng một vài tháng sau đó.
Quả cà phê chỉ có một bầu noãn được thụ tinh để hình thành một nội nhũ non, còn bầu noãn kia không được thụ tinh và hình thành một mu vẩy. Loại quả này tiếp tục phát triển cho ra quả chỉ có một nhân dạng hình tròn gọi là hạt Caracolis.
Quả có hai bầu noãn để phát triển hình thành nên hai nội nhủ non, loại quả này trong điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành một quả có hai nhân bình thường.
Quá trình phát triển và hình thành hạt cà phê: sau khi được thụ tinh quả cà phê tiếp tục phát triển qua nhiều giai đoạn.
Quả cà phê: hình trứng hoặc tròn, núm quả to, lồi hoặc bằng, cuống quả ngắn và dai hơn cà phê chè, thường có hai hoặc 3 ngăn chia thành 2 phần chính.
Phần ngoài: gồm vỏ bọc và thịt quả, khi non có màu xanh, vị chát, chín có màu đỏ hoặc vàng vị ngọt. Vỏ thịt ít bám chắc vào hạt nên dễ xát tươi.
Phía trong gọi là hạt: ngoài cùng là lớp vỏ cứng, lớp vỏ lụa bám chắc vào hạt, hạt dạng hình tròn, ngắn và nhỏ hơn so với cà phê chè, có màu xám xanh lục hay vàng tuỳ theo phương pháp chế biến và bảo quản. Hạt bầu dục có hai mặt lưng và bụng, mặt bụng có rãnh nhỏ, cuối một rãnh có một lỗ nhỏ để phôi rễ, phôi mầm chui ra. Tỷ lệ tươi/nhân: 4 – 6, hàm lượng cafein 1,97 – 3,6% [3].
Trong giai đoạn nở hoa và tung phấn, nếu lượng nước cung cấp cho cây không đủ sẽ dẫn đến hiện tượng hoa không nở gọi là hiện tượng hoa chanh. Vì vậy cần phải cung cấp đầy đủ nước khi tưới trong mùa khô, quá trình tung phấn nếu gặp điều kiện gió to, mưa sẽ làm rụng hoa, thối hoa ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn thụ tinh dẫn đến hiện tượng hoa không được thụ phấn hoặc hạt một nhân. Nắm vững quá trình hình thành và phát triển quả cà phê để có những biện pháp kỹ thuật tác động giúp cho quả cà phê phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Yêu cầu sinh thái cây cà phê vối
Cà phê là loại cây công nghiệp lâu năm, đòi hỏi nghiêm ngặt yêu cầu sinh thái. Nắm vững yêu cầu sinh thái của cây cà phê giúp cho chúng ta phân vùng quy hoạch để trồng các giống cà phê sao cho phù hợp và áp dụng các biện pháp kỹ thuật sẽ hạn chế những bất lợi của điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây cà phê nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngay tại Đăk Lăk là vùng có điều kiện sinh thái thích hợp cho cây cà phê vối sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao nhưng vẫn có những vùng cho năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp như những vùng ở các huyện: Lăk, Eakar, Krông Năng, MaDrăk. Ở những vùng này cây cà phê phát triển xanh tốt nhưng năng suất thấp. Nguyên nhân là ở những vùng này không có mùa khô rõ rệt, cây cà phê khi nở hoa hay gặp những trận mưa làm cho cây không thụ phấn được. Do đó khi phân vùng quy hoạch để trồng cà phê cần phải đặc biệt chú ý đến yếu tố khí hậu, đất đai.
Yêu cầu về khí hậu
- Nhiệt độ: nhiệt độ là yếu tố mang tính giới hạn đối với sự phát triển, sinh trưởng của cây cà phê, cây cà phê cần nhiệt độ thích hợp từ 24 – 300C, thích hợp nhất là 24 – 260C. Cà phê vối chịu rét kém, ở nhiệt độ 70C cây ngừng sinh trưởng và từ 50C trở xuống cây bắt đầu bị gây hại nghiêm trọng. Độ cao và sự chênh lệch về nhiệt độ giữa các tháng trong năm, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm có ảnh hướng rất lớn đến chất lượng cà phê, đặc biệt là hương vị của hạt. Giai đoạn hạt cà phê được hình thành và tích luỹ chất khô nếu nhiệt độ càng xuống thấp và chênh lệch biên độ giữa ngày và đêm càng cao thì chất lượng cà phê càng cao. Những vùng này hay xuất hiện sương muối, gió rét và gió nóng đều bất lợi đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê.
- Lượng mưa: cây cà phê vối thường ưa thích với điều kiện khí hậu nóng ẩm, ở những vùng có độ cao thấp nên cần một lượng mưa trong năm khá cao từ 1.500 – 2.000 mm và phân bố tương đối đều trong 9 tháng. Cà phê vối là cây thụ phấn chéo bắt buộc nên phải có có một thời gian khô hạn ít nhất là 2 – 3 tháng sau giai đoạn thu hoạch để phân hoá mầm hoa. Vào giai đoạn lúc cây nở hoa yêu cầu phải có thời tiết khô ráo không có mưa.
Lượng mưa ảnh hưởng trực tiếp đến các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây cà phê, lượng mưa trong năm thấp ảnh hưởng đến quá trình phân hoá mầm hoa, nở hoa. Khi lượng mưa khá cao, phân bố không đều giữa các tháng trong năm thì quá trình sinh trưởng dinh dưỡng lớn hơn quá trình sinh trưởng thực, vì vậy cây cà phê rất ít quả, cây dễ bị sâu bệnh hại.
Điều kiện khí hậu Đăk Lăk hình thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa chiếm 90%, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau nhưng lượng mưa chỉ chiếm từ 10 – 15%, kèm theo gió hướng Đông Bắc thổi mạnh. Vì vậy mùa khô ở đây thường rất gay gắt, mùa khô kéo dài nên vần đề tưới nước cho cây cà phê trong mùa khô gặp nhiều khó khăn. Hằng năm tuỳ theo điều kiện khí hậu thời tiết và chất lượng vườn cây để quyết định số lần tưới/năm, thường từ 3 – 4 lần, áp dụng tưới dí hoặc tưới phun mưa. Lượng nước tưới dí 500 – 600 lít/gốc/ha/lần, tưới phun mưa từ 600 – 700 m3/ha/lần. Vì vậy vấn đề đặt ra cho vùng chuyên canh cà phê vối của tỉnh là cần phải có những giải pháp kỹ thuật canh tác, chế độ chăm sóc hợp lý để hạn chế quá trình rửa trôi, xói mòn đất, dinh dưỡng, sâu bệnh phát sinh trong mùa mưa và giảm khả năng thoát hơi nước, ảnh hưởng của gió trong mùa khô.
- Độ ẩm: đối với cây cà phê vối yêu cầu độ ẩm không khí từ 80 – 85%, độ ẩm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng cây cà phê, khi độ ẩm không khí cao, thấp đều bị ảnh hưởng. Độ ẩm không khí cao thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển và ngược lại độ ẩm không khí thấp làm tăng quá trình bốc, thoát hơi nước trên bề mặt lá, đất làm cho cây cà phê bị thiếu nước dẫn đến cây bị héo. Độ ẩm đất thấp hạn chế sự hút nước của rễ, hệ thống rễ tơ phát triển chậm làm ảnh hưởng đến quá trình hút dinh dưỡng, nước để cung cấp cho cây [3]
Mùa khô ở Đăk Lăk độ ẩm không khí rất thấp chỉ đạt 60 – 70%, kèm theo gió mạnh càng làm cho cây cà phê thiếu nưới trầm trọng dẫn đến rụng lá, khô cành, khô quả. Vì vậy để hạn chế sự thoát hơi nước, hạn chế tác hại khi độ ẩm không khí thấp cần phải có hệ thống đai rừng chắn gió, cây che bóng và tủ gốc giữ ẩm cho cây cà phê.
- Ánh sáng: cà phê vối là cây thích ánh sáng trực xạ yếu ( nguyên quán cà phê vối mọc rải rác ở ven bìa rừng ở Châu phi), ở những nơi có ánh sáng trực xạ, có cường độ mạnh thì cây cà phê vối cần che bóng để điều hoà ánh sáng, điều hoà quá trình quang hợp của cây. Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau thì yêu cầu ánh sáng đối với cây cà phê cũng khác nhau, thời kì cây con nếu ánh sáng mạnh và không được che bóng dẫn đến cây chậm phát triển, đốt thân ngắn. Thời kì cây lớn, cường độ sáng liên quan đến quá trình quang hợp, khi cường độ ánh sáng yếu thì cường độ quang hợp tỷ lệ thuận với cường độ ánh sáng. Thời gian chiếu sáng cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng, khi xử lý nhân tạo chiếu sáng 13 giờ/ngày thì mầm hoa không phát triển mà chỉ phát triển dinh dưỡng.
- Gió: gió cũng là tác nhân gây bất lợi đối với cây cà phê, khi gió lặng, gió nhẹ giúp tăng khả năng thụ phấn, tăng cường độ quang hợp và tăng quá trình vận chuyển dinh dưỡng cho cây cà phê. Gió lớn làm tăng quá trình thoát hơi nước, làm rụng hoa, quả cà phê. Vùng Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng trong những tháng mùa khô có gió hướng Đông Bắc thổi mạnh, vì vậy cần phải trồng hệ thống đai rừng để chắn gió giúp cho cây cà phê phát triển tốt trong điều kiện mùa khô.
Yêu cầu về đất đai
Cà phê là loại cây công nghiệp lâu năm, có chu kì kinh doanh dài trên 20 năm, có bộ rễ, thân, cành lá phát triển mạnh và hàng năm cung cấp khối lượng lớn sản phẩm. Vì vậy đất trồng cà phê phải phù hợp đặc tính thực vật học, đặc biệt là bộ rễ rất háo nước nên đất phải giàu dinh dưỡng, tơi xốp và khả năng thoát nước tốt.
Cà phê có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, trong đó đất bazan là một trong những loại đất rất lý tưởng để trồng cà phê vì các đặc điểm lý, hoá tính tốt và tầng canh tác dầy. Đất trồng cà phê phải tơi xốp, tầng canh tác dầy, có mức nước ngầm thấp, giữ, thoát nước tốt và yêu cầu lý tính đất nghiêm ngặt hơn cả hoá tính.
Tính chất vật lý, hoá học đất: tính chất vật lý quan trọng hơn so với tính chất hoá học, để cải tạo được tính chất vật lý cần phải trải qua một thời gian dài và rất khó cải tạo. Trong tính chất vật lý đất thì cấu tượng và độ sâu tầng