Đề tài Đầu tư phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc-Việt Nam. Cơ hội và giải pháp
Rừng là “vàng” là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Đất nước ta với 3/4 diện tích đất đồi là núi gắn liền trên đó là thảm thực vật rừng và tập đoàn các loài động vật rừng khá đa dạng. Nơi đây cũng là địa bàn cư trú lâu đời của hàng triệu người thuộc rất nhiều các dân tộc trong cộng đồng người Việt. Tài nguyên rừng là một tài sản lớn và vô cùng quí giá của đất nước không chỉ ở giá trị kinh tế của nguồn lâm sản, mà đặc biệt là ở giá trị bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên của nó. Chính rừng là nơi sản xuất ra khí oxy nuôi sống con người vừa là nơi thu lọc và giữ lại khí CO2 và các chất độc hại khác, nó chính là lá phổi của mọi sinh vật trên trái đất. Đồng thời rừng còn là hồ chứa nước thiên nhiên khổng lồ nhất, quan trọng nhất cung cấp nước cho phát triển nông lâm ngư nghiệp phục vụ đời sống sinh hoạt của con người và các sinh vật khác. Trong cuộc kháng chiến cứu nước diện tích rừng của nước ta đã bị tàn phá do chiến tranh và chất độc hoá học, nhưng trong những thập kỷ qua diện tích rừng ngày càng suy giảm, tình trạng khai thác gỗ một cách bừa bãi. Việc chặt phá rừng lấy đất làm nương rẫy đã làm giảm tỷ lệ che phủ của thảm thực vật rừng từ 43% năm 1943 xuống còn 27,2 % năm 1990. Đó chính là nguyên nhân gây nên sự huỷ hoại tàn phá môi sinh môi trường mà chúng ta phải gánh chịu, như dịch đại hạn hán năm 1997-1998. Các trân lũ lụt từ năm 1996 đến năm 2001 đã gây nên những tổn thất rất to lớn về tài sản và tài nguyên thiên nhiên coi như là một “quốc nạn” trên đất nước ta. Ví dụ điển hình nhất là trận lũ lụt, lũ ống, lũ quét khủng khiếp năm 1992 ở Sơn La, và trận lũ năm 2000 ở Lai Châu là bài học cảnh tỉnh để chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ hơn vấn đề đầu tư vào phát triển lâm nghiệp trong đó việc đầu tư phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc-Việt Nam giữ vị trí trọng yếu. Tây Bắc là vùng núi biên giới phía bắc ngoài việc giữ vị trí vô cùng quan trọng về an ninh quốc phòng, thì Tây Bắc là nơi có nhiều dân tộc thiểu số, có trình độ phát triển kinh tế thấp, đời sống khó khăn sống, nguồn sống chủ yếu dựa vào rừng như thu lượm măng lâm đặc sản kiếm gỗ củi. Do ý thức và trình độ dân trí thấp cho nên tình trạng phá rừng, đốt nương làm rãy, khai thác gỗ và các lâm đặc sản khác một cách bừa bãi đã làm cho độ che phủ rừng ở Tây Bắc ở vào mức thấp nhất của Việt Nam. Trong khi đó các công trình thuỷ điện như thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La ngày càng đòi hỏi vai trò cấp thiết phải trồng rừng bảo vệ rừng để dự trữ nước cung cấp cho thuỷ điện, chống lũ lụt, khắc phục hạn hán và đáp ứng mọi nhu cầu về nước và phát điện của nền kinh tế quốc dân. Đây chính là lý do khiến tôi chọn đề tài: “Đầu tư phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc-Việt Nam. Cơ hội và giải pháp”. Việc nghiên cứu dựa trên cơ sở thu thập số liệu, tài liệu tham khảo và kết hợp với kinh nghiệp thực tế thực tập tại Cục phát triển Lâm nghiệp một cơ quan đầu mối chỉ đạo toàn ngành lâm nghiệp, nơi đầu mối điều hành Dự án quốc gia về trồng mới 5 triệu ha rừng (1998-2010) đã giúp tôi hoàn thành chuyên đề thực tập này. Chuyên đề nay gồm 3 phần: Chương I:Cơ sở lý luận chung về đầu tư và đầu tư phát triển Lâm nghiệp vùng Tây Bắc. Chương II: Thực trạng đầu tư phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc. Chương III: Phương hướng chiến lược – giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển Lâm nghiệp vùng Tây Bắc. Vấn đề đầu tư phát triển Lâm nghiệp là cả một vấn đề lớn với thời gian thực tập có hạn nên đề tài của tôi không thể không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được sự bổ sung góp ý của các thầy, cô và các cô các chú ở Cục phát triển Lâm nghiệp. Nhưng để có được thành quả này, ngoài cố gắng của bản thân mình là những đóng góp không mệt mỏi của các thầy cô giáo, các cô các chú ở cơ quan thực tập đặc biệt là sự giúp đỡ quý báu của Th.s Từ Quang Phương (Trường ĐHKTQD), Ts. Cao Vĩnh Hải (Cục PTLN) xin cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả.