Đề tài Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang các nước ASEAN trong khuôn khổ AFTA
Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, mà chủ yếu là cách mạng thông tin, các quan hệ kinh tế thương mại quốc tế đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Tự do hoá thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế nổi lên như là một xu thế khách quan lôi cuốn các nước, vừa thúc đẩy hợp tác vừa tăng cường sức ép cạnh tranh và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Mở cửa để phát triển đã trở thành một nhu cầu vừa cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài, đối với mọi quốc gia trên thế giới. Nhiều khối thương mại tự do đã được thành lập giữa các quốc gia đang phát triển cũng như giữa họ với các nước phát triển như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Khu viực Mởu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng số hiệp định thương mại khu vực được ký kết giữa các quốc gia đang phát triển tuy nhiều nhưng khả năng thành công của chúng là không lớn vì trong nhiều trường hợp có sự khác biệt quá lớn trong lợi ích thu được từ chương trình tự do hoá thương mại giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, các nước đang phát triển vẫn đang hào hứng tìm kiếm các thoả thuận khu vực bởi họ coi đây là "bãi tập cấp tiểu vùng" lý tưởng trước khi bước vào sân chơi lớn hơn - nền kinh tế toàn cầu. Quá trình toàn cầu hoá kinh tế đã mở ra những cơ hội và tạo điều kiện cho các quốc gia dân tộc trên thế giới tận dụng những lợi thế so sánh của mình cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhưng cũng đặt mỗi quốc gia, dân tộc dưới sức ép cạnh tranh và thách thức gay gắt, nhất là đối với các nước đang phát triển. Các nước này vẫn do dự chưa muốn tiến sâu vào nền kinh tế toàn cầu hoá do e ngại mặt trái của nó. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay bị chi phối mạnh mẽ bởi lợi ích của các quốc gia phát triển. Vì vậy, khu vực hoá vừa là sự chuẩn bị vừa là giải pháp tình thế trước sức ép ngày càng lớn của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế thế giới. Trong thế giới đang phát triển, khu vực mậu dịch tự do AFTA được coi là một trong những khu vực thương mại tự do có triển vọng nhất. Nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo định hướng "xây dựng nền kinh tế mở, hướng về xuất khẩu, hội nhập với khu vực và toàn cầu", Việt Nam đã tham gia AFTA và bắt đầu thực hiện chương trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định ưu đãi có hiệu lực chung CEPT . Là một quốc gia kém phát triển hơn, Việt Nam không tránh khỏi những thua thiệt trong quan hệ buôn bán với các nước ASEAN trong khuôn khổ AFTA. Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước ASEAN là vấn đề khó khăn cần phải giải quyết nhằm giảm bớt chênh lệch trong cán cân thương mại, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế, khai thác được nội lực và phát huy được tiềm năng lợi thế so sánh của đất nước. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu vẫn còn nhiều tồn tại như quy mô kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ bé, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn ở trình độ lạc hậu, sức cạnh tranh yếu, thị trường xuất khẩu còn bấp bênh chủ yếu là thị trường gần, còn phụ thuộc vào các thị trường trung gian; thiếu hợp đồng lớn và dài hạn; chưa tạo dựng được hệ thống những bạn hàng lớn, gắn bó. Trong thời gian tới, cùng với lộ trình tham gia ngày càng sâu vào AFTA, sức ép mở cửa thị trường ngày càng lớn đòi hỏi chúng ta phải có chính sách thương mại quốc tế phù hợp và hữu hiệu để có thể mở rộng thị trường và gia tăng hoạt động xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là thị trường ASEAN. Do vậy, việc phân tích và đánh giá hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung và một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu nói riêng vào ASEAN để từ đó đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Vì vậy qua quá trình học tập và nghiên cứu, em đã chọn đề tài "Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang các nước ASEAN trong khuôn khổ AFTA" cho khoá luận tốt nghiệp của mình.