Đề tài Mô hình du lịch vì người nghèo tại vườn quốc gia Cúc Phương
Hiện nay, lao động trong ngành du lịch tại Việt Nam chủ yếu tập trung trong khu vực khách sạn, nhà hàng, các công ty du lịch, lữ hành ở các đô thị và các trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá. Du lịch tại các vùng nông thôn, miền núi hay tại các vườn quốc gia - những nơi giàu tài nguyên chưa thực sự phát triển. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và người nghèo vẫn còn rất hạn chế. Người nghèo thiếu các kiến thức và kỹ năng cần thiết, đặc biệt là cộng đồng dân cư của các vùng nông thôn và miền núi chưa tiếp cận được với các cơ hội về việc làm, kinh doanh và các lợi ích khác từ du lịch. Lợi ích do du lịch mang lại chưa được phân bố đều cho các đối tượng. Mặc dù Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hoá và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo, nhưng nhận thức về vai trò của du lịch đối với việc xoá đói giảm nghèo ở các địa phương còn rất hạn chế. Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm cách Hà Nội 120 km về phía Nam. Đây là vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 1962 và là một trong những kho báu lớn của thiên nhiên Việt Nam - nơi cư trú của rất nhiều loài thực vật, động vật có vú, chim muông quý hiếm và là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Mường với những giá trị văn hoá độc đáo. Cúc Phương từ lâu đã trở thành nơi thu hút hoạt động tham quan, giải trí, học tập, nghiên cứu của khách du lịch trong nước và quốc tế.