Người Tày có số dân đông nhất trong số các dân tộc thiểu số ở nước ta, cư trú ở
hầu khắp các địa phương trong cả nước nhưng chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc Việt
Nam. Trải qua sự phát triển thăng trầm của lịch sử xã hội, dân tộc Tày đã tự tạo sự đề
kháng để bảo tồn bản sắc văn hóa của riêng mình. Dân tộc Tày có đời sống văn hóa vô
cùng đặc sắc, trong đó phải kể đến các truyền thuyết dân gian về người anh hùng. Người
anh hùng không chỉ là đối tượng tôn vinh, ngợi ca của truyền thuyết mà còn là đối tượng
được thờ phụng tại các đình, đền và trong lễ hội. Vậy, có mối quan hệ nào giữa truyền
thuyết của người Tày và các lễ hội về người anh hùng lịch sử ở vùng Đông Bắc không?
Nếu có, thì hiện nay nó như thế nào?
8 trang |
Chia sẻ: anhquan78 | Lượt xem: 1091 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Mối quan hệ giữa truyền thuyết của người tày và lễ hội về người anh hùng lịch sử ở vùng Đông Bắc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1
MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THUYẾT CỦA NGƯỜI TÀY VÀ LỄ HỘI VỀ
NGƯỜI ANH HÙNG LỊCH SỬ Ở VÙNG ĐÔNG BẮC
Hà Xuân Hương
Người Tày có số dân đông nhất trong số các dân tộc thiểu số ở nước ta, cư trú ở
hầu khắp các địa phương trong cả nước nhưng chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc Việt
Nam. Trải qua sự phát triển thăng trầm của lịch sử xã hội, dân tộc Tày đã tự tạo sự đề
kháng để bảo tồn bản sắc văn hóa của riêng mình. Dân tộc Tày có đời sống văn hóa vô
cùng đặc sắc, trong đó phải kể đến các truyền thuyết dân gian về người anh hùng. Người
anh hùng không chỉ là đối tượng tôn vinh, ngợi ca của truyền thuyết mà còn là đối tượng
được thờ phụng tại các đình, đền và trong lễ hội. Vậy, có mối quan hệ nào giữa truyền
thuyết của người Tày và các lễ hội về người anh hùng lịch sử ở vùng Đông Bắc không?
Nếu có, thì hiện nay nó như thế nào?
1. Quan hệ hai chiều giữa truyền thuyết của người Tày và lễ hội về người anh hùng
lịch sử ở vùng Đông Bắc
Từ việc tìm hiểu mối quan hệ giữa truyền thuyết về các anh hùng lịch sử và lễ hội
dân gian của dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc ở vai trò qua lại giữa truyền thuyết và lễ hội ở
các thời kì khác nhau, ở sự phản ánh người anh hùng và các sự kiện lịch sử, chúng tôi
nhận thấy rằng có tồn tại mối quan hệ gắn bó giữa hai vi hệ văn hóa này. Thứ nhất, đó là
quan hệ mang tính vĩnh viễn, thể hiện rõ ở sự liên hệ về mặt nội dung của truyền thuyết
và các nghi thức, vật phẩm dâng cúng, sự kiêng kị, các màn diễn xướng trong lễ hội trong
toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của lễ hội. Đó là một quá trình xuyên suốt từ
quá khứ, hiện tại cho đến tương lai. Thứ hai, đó là quan hệ hai chiều, mang tính tương
tác, bổ sung cho nhau. Điều này được thể hiện rõ ở vai trò qua lại giữa truyền thuyết và lễ
hội: truyền thuyết đóng vai trò nội dung, cơ sở niềm tin cho lễ hội, có ảnh hưởng lớn tới
sự nảy sinh và phát triển của lễ hội. Đến lượt mình, lễ hội giúp lưu giữ truyền thuyết, hiện
thực hóa niềm tin trong truyền thuyết thông qua các nghi thức thờ cúng và các màn diễn
xướng. Lễ hội làm cho việc diễn xướng truyền thuyết được sinh động, cụ thể hơn.
Về cơ bản, những biểu hiện của mối quan hệ này cũng giống như quan hệ giữa
truyền thuyết và lễ hội về người anh hùng của người Việt mà tác giả Lê Văn Kì từng
nghiên cứu trong công trình Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội lễ về các
anh hùng
(1)
. Tuy nhiên, mức độ biểu hiện của mối quan hệ lại có sự đậm nhạt khác nhau
2
ở từng truyền thuyết, từng lễ hội; mỗi biểu hiện của mối quan hệ lại mang tính vùng miền
và đậm bản sắc dân tộc.
Chẳng hạn, ở nội dung truyền thuyết đóng vai trò là cơ sở quan trọng để nảy nở
và ổn định hóa lễ hội về người anh hùng, truyền thuyết dân tộc Tày có vai trò khác nhau
đối với từng lễ hội. Ở lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn),
truyền thuyết về việc bà Mẵn và dân làng giết giặc Tài Ngàn là nguồn gốc của lễ hội và
liên quan tới toàn bộ tiến trình tổ chức lễ hội: địa điểm (đình làng Mỏ, miếu Xa Vùn),
thời gian tổ chức (ngày rằm tháng giêng, định kì ba năm một lần), nội dung tế lễ Thành
Hoàng, nội dung tục hèm bôi mặt nhọ, đánh trận và cung tiến lễ vật nhằm diễn tả sự thất
bại của lũ giặc trước sức mạnh của dân làng, sự phục tùng người thắng trận. Ở đây, vai
trò của truyền thuyết đối với lễ hội được thể hiện đậm nét. Ở lễ hội đền Kì Sầm (bản
Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), lễ hội đền Đuổm (xã Động Đạt,
huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) vai trò của truyền thuyết Nùng Trí Cao, Dương
Tự Minh đối với lễ hội lại biểu hiện mờ nhạt hơn. Truyền thuyết là nguyên nhân của lễ
hội, quy định địa điểm, thời gian diễn ra lễ hội, đối tượng thờ cúng song hầu như không
có liên quan gì tới tiến trình lễ hội. Có thể thấy, rất ít các lễ hội ở vùng Đông Bắc biểu
hiện rõ nét vai trò dẫn dắt tiến trình lễ hội của truyền thuyết. Điều đó cho thấy sự phản
ánh người anh hùng và các sự kiện lịch sử trong lễ hội ở vùng Đông Bắc so với lễ hội ở
một số vùng miền khác có phần đơn giản hơn nhiều.
Điều đó xuất phát từ hai lí do. Thứ nhất, sự phong phú của lễ hội phụ thuộc vào
quá trình ảo hóa nhân vật người anh hùng lịch sử đạt đến mức độ nào. Ở một số truyền
thuyết xuất hiện sớm, việc xây dựng hình tượng người anh hùng mang đậm tính hư ảo,
thần kì như truyền thuyết Nùng Trí Cao, Vũ Thành Do đó, lễ hội suy tôn những vị anh
hùng này phong phú hơn về các nghi thức, vật phẩm thờ cúng, các màn diễn xướng
Việc diễn xướng truyền thuyết ở các lễ hội này đã làm tái sinh sức mạnh thiêng liêng của
người anh hùng. Ở những truyền thuyết xuất hiện muộn như truyền thuyết về Bế Khắc
Thiệu và Nông Đắc Thái, Lưu Nhân Chú, cô Thắm, quá trình huyền thoại hóa, ảo hóa
người anh hùng còn chưa trọn vẹn. Do đó, niềm tin tâm linh của người dân về người anh
hùng dân tộc Tày mới chỉ ở dạng ý niệm về người anh hùng. Họ đã giản hóa đi các nghi
thức trong lễ hội. Thứ hai, điều dễ nhận thấy là các lễ hội về người anh hùng lịch sử ở
Đông Bắc bên cạnh mục đích suy tôn người anh hùng thì người dân đến với lễ hội thuần
3
túy là giao lưu tình cảm, vui chơi giải trí và cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt
tươi. Do đó, các yếu tố liên quan đến lễ hội thường không cầu kỳ hay được quy định chặt
chẽ. Sự quy định nội dung của truyền thuyết đối với lễ hội vì thế mà cũng không thực sự
rõ nét.
Ở vai trò giúp lưu giữ truyền thuyết và hiện thực hóa niềm tin trong truyền thuyết
thuyết của lễ hội, có thể khẳng định rằng lễ hội về người anh hùng lịch sử ở vùng Đông
Bắc đã thực hiện rất tốt vai trò của mình trong quan hệ đối với truyền thuyết. So với
truyền thuyết của người Việt, truyền thuyết người Tày được sưu tầm, biên soạn muộn
hơn khá nhiều. Tuy thế, hệ thống truyền thuyết Tày vẫn tồn tại đến ngày nay khá phong
phú, đa dạng. Chính vị trí của nhân vật anh hùng được phụng thờ trong lễ hội là một
trong những điều kiện thuận lợi để truyền thuyết dân gian Tày tồn tại qua nhiều thế hệ.
Cùng với thời gian, việc thờ cúng người anh hùng lịch sử dân tộc Tày như những vị thánh
– vị phúc thần tại các đình, đền, miếu ở vùng Đông Bắc đã khắc sâu và bồi đắp niềm
ngưỡng vọng thiêng liêng của nhân dân đối với những người con ưu tú của mảnh đất này.
Nhờ thế, truyền thuyết về các anh hùng người Tày từ những đời Lý, đời Minh như
Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh, Thân Cảnh Phúc, Lưu Nhân Chú, Nông Đắc Thái vẫn
luôn tồn tại trong lòng người dân nơi đây.
Trên thực tế, người dân đến dự hội đều biết tới đối tượng suy tôn của lễ hội.
Những cảnh diễn xướng truyền thuyết trong lễ hội như diễn tích đánh trận, khao quân
sẽ khắc sâu hơn trong tâm thức nhân dân về sức mạnh và chiến tích của người anh hùng.
Đặc biệt, trong lễ hội được tổ chức hiện nay, phải kể đến các hoạt động kể truyền thuyết
trên loa hoặc kể theo từng nhóm nhỏ, bán các loại văn hóa phẩm liên quan đến truyền
thuyết về người anh hùng như sách, băng đĩa của ban tổ chức và các cụ già ở địa phương.
Nhờ có các hoạt động này mà truyền thuyết được phổ biến hơn tới những người đi dự
hội. Ở các lễ hội suy tôn Dương Tự Minh ở Thái Nguyên và lễ hội suy tôn Nùng Trí Cao
ở Cao Bằng, hoạt động phổ biến truyền thuyết này tỏ ra khá hiệu quả.
Niềm tin là một yếu tố không thể thiếu trong truyền thuyết. Trong lễ hội, niềm tin
về người anh hùng lịch sử trong truyền thuyết được hiện thực hóa. Sự hiện thực hóa đó
được thể hiện ra ở các phương diện quy định nghi thức thờ cúng, lễ vật, sự kiêng kị, lễ
rước... Chẳng hạn, trong lễ hội đền Đuổm (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), niềm
tin ấy được hiện thực hóa trước hết ở ngày mở hội chính. Người dân bao đời nay vẫn luôn
4
tin tưởng rằng ngày mùng 6 tháng giêng là lệ ngày sinh của Dương Tự Minh. Sức mạnh
và sự linh thiêng của đức thánh Đuổm được thể hiện ở việc người dân bắt buộc phải tuân
thủ quy trình làm lễ: sau khi dâng cỗ chay và cỗ mặn lên thánh mới được đi thắp hương ở
các nơi trong đền, từ chân đền lên đền Trung, phủ bà Diên Bình, phủ bà Thiều Dung, sau
đó mới lên đền Mẫu và hang Gió. Ở lễ hội núi Văn núi Võ ngày mùng 4 tháng giêng hằng
năm, (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), sức mạnh và sự linh thiêng của tướng quân Lưu
Nhân Chú được thể hiện thông qua nghi thức rước kiệu. Nghi thức này tượng trưng cho
việc tướng quân Lưu Nhân Chú tuần du địa hạt. Kiệu phải do con cháu dòng họ Lưu
rước. Kiệu được rước từ ngôi nhà cổ của dòng họ vào nhà thờ của khu di tích. Trên
đường đi, tất cả những ai đứng cao hơn kiệu sẽ bị kiệu húc đổ. Trước khi vào đền, kiệu
còn quay mấy vòng trên không. Chịu sự chi phối của niềm tin vào sự linh thiêng của
người anh hùng nên hầu hết người dân đều háo hức xem rước kiệu, lại vừa sợ đứng cao
hơn kiệu sẽ bị vong linh người anh hùng nổi giận, trị tội, cho kiệu húc vào đến ngã mới
thôi. Trong lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), các thành viên tham gia tục
hèm đánh trận và cung tiến lễ vật đều phải bôi mặt nhọ bởi họ tin tưởng rằng, nếu họ bôi
mặt nhọ thì lũ giặc Tài Ngàn xưa kia sẽ không thể nhận ra những người đang diễn lại
cảnh thất bại của chúng để về bắt tội, gây tai họa, dịch bệnh cho họ và gia đình. Rõ ràng,
lễ hội ở vùng Đông Bắc với các nghi thức sinh động, phong phú nhưng mang tính cố
định, tính tổ chức của nó đã thể hiện niềm tin trong truyền thuyết về người anh hùng lịch
sử. Niềm tin ấy khá nguyên sơ, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ
cúng các vị anh hùng của dân tộc, làng bản.
Điều đặc biệt trong vai trò của lễ hội đối với truyền thuyết ở vùng Đông Bắc là, lễ
hội về người anh hùng lịch sử ở Đông Bắc có sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa các dân
tộc cùng sinh sống trong vùng, giữa miền xuôi và miền ngược. Điều đó được thể hiện
thông qua sự đan xen giữa tín ngưỡng vạn vật hữu linh, lễ rước nước, tục thờ đá của miền
núi và tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của miền đồng bằng. Sự giao lưu văn hóa này
khiến cho niềm tin trong truyền thuyết được hiện thực hóa đến mức cao độ trong lễ hội.
Sự thờ cúng anh hùng đã trở thành một tín ngưỡng có sức ảnh hưởng phổ biến đối với
con người vùng Đông Bắc.
2. Sự biến đổi của mối quan hệ giữa truyền thuyết dân gian và lễ hội về các anh
hùng lịch sử của dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc trong cuộc sống hiện nay
5
Các lễ hội về người anh hùng lịch sử của dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc đã tạo cho
vùng miền một không gian văn hóa giàu tính truyền thống. Đến với lễ hội về các anh
hùng lịch sử ở vùng Đông Bắc, người ta vẫn có thể bắt gặp những yếu tố mang tính chất
truyền thống như trang phục, cách tế lễ thần linh, các vật tế lễ, các trò chơi dân gian
Chẳng hạn, trong lễ hội Pháo hoa ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, tục tranh cướp
đầu pháo là một phần quan trọng không thể thiếu của lễ hội, thể hiện rõ tinh thần thượng
võ của người dân miền núi. Trong lễ hội đền Đuổm ở Phú Lương (Thái Nguyên), lệ ngày
sáu tháng giêng cả làng dậy sớm, làm các loại cỗ chay và cỗ mặn truyền thống của dân
tộc rồi cử quan viên mặc áo chàm – trang phục truyền thống của dân tộc Tày – rước cỗ
vào đền để tế. Tế xong, nam giới làng Đuổm đủ 18 tuổi trở lên cùng khách các chạ ăn cỗ
đại hạ tại đền. Hết phần lễ sẽ tiếp đến phần kể truyền thuyết và các trò vui như hát trò,
tung còn, đấu vật, ví hát lượn Hay ở lễ hội đền Từ Hả (Bắc Giang), cảnh diễn lại tích
đức thánh Vũ Thành đánh giặc, khao quân rồi thua trận, phải lui về phía sau vẫn luôn
được duy trì qua các kì lễ hội và được đông đảo nhân dân tham gia. Năm 2012, sau nửa
thế kỉ bị gián đoạn, lễ hội Ná Nhèm ở Lạng Sơn đã được phục dựng theo chương trình
mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa(2). Những yếu tố cổ của lễ hội như các nghi thức
rước nước, thờ Đá, tục hèm bôi mặt nhọ, đánh giặc giữ làng và cung tiến lễ vật được bảo
lưu và phục dựng. Cùng với thời gian, những truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được giữ gìn,
thể hiện sức đề kháng của các vi hệ văn hóa của vùng miền trước những đổi thay của lịch
sử xã hội.
Nhưng, trong cuộc sống hiện nay, khi những yếu tố lịch sử đã có sự thay đổi
nhiều so với thời kì trước, kéo theo đó là sự đổi thay của tâm lí tập thể, mối quan hệ giữa
truyền thuyết dân gian Tày và lễ hội về người anh hùng lịch sử ở vùng Đông Bắc có còn
rõ nét?
Trong quá trình nghiên cứu vấn đề, chúng tôi đã điền dã và điều tra xã hội học về
mối quan hệ giữa các truyền thuyết dân gian Tày với lễ hội về người anh hùng lịch sử ở
vùng Đông Bắc trong đời sống ngày nay (3). Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn và
phát phiếu điều tra đến người dân ở các độ tuổi khác nhau, thuộc các địa phương: xã Văn
Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái
Nguyên), thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng), trong các lễ hội khác
nhau như lễ hội núi Văn núi Võ, lễ hội đền Đuổm, lễ hội pháo hoa Quảng Uyên. Từ kết
6
quả khảo sát mối quan hệ giữa truyền thuyết của người Tày và lễ hội về người anh hùng
lịch sử ở vùng Đông Bắc, chúng tôi rút ra những kết luận như sau:
Điều đáng tiếc là tuy vẫn bảo lưu được những yếu tố truyền thống của phần lễ
nhưng những lễ hội về người anh hùng lịch sử ở Đông Bắc đang có sự mất dần yếu tố
thiêng. Truyền thuyết về các anh hùng – nền tảng thiêng liêng của lễ hội đang rơi vào tình
trạng bị quên lãng hoặc biến tướng không còn mang đậm những giá trị văn hoá truyền
thống. Qua khảo sát về tình hình lưu truyền các truyền thuyết và sự gắn bó giữa truyền
thuyết và lễ hội về các anh hùng lịch sử ở xã Văn Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên),
xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng
Uyên, tỉnh Cao Bằng), chúng tôi nhận thấy số lượng truyền thuyết ở đây khá phong phú.
Xung quanh mỗi nhân vật anh hùng như Lưu Nhân Chú, Dương Tự Minh, Nùng Trí Cao
tồn tại ít nhất trên hai truyền thuyết. Nhưng, hầu hết mọi người đều chỉ biết một truyền
thuyết về người anh hùng. Số người không biết một truyền thuyết nào về các anh hùng
dân tộc Tày chiếm tới trên 20% và chủ yếu nằm ở độ tuổi học sinh trung học cơ sở, trung
học phổ thông. Họ có biết tên người anh hùng, biết lễ hội suy tôn vị anh hùng đó nhưng
không biết một truyền thuyết nào về vị anh hùng. Số người còn nhớ được các truyền
thuyết thường ở độ tuổi trung niên và cao tuổi (trên 60%). Điều đó một mặt cho thấy sự
vô tâm của giới trẻ ngày nay trước các giá trị văn hóa dân gian cổ truyền, mặt khác cho
thấy các lễ hội đang ngày càng mất dần tính thiêng liêng trong lòng người dân.
Người dân đi xem hội là nhiều. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi tại các lễ hội
núi Văn núi Võ (Thái Nguyên), lễ hội đền Đuổm (Thái Nguyên), lễ hội pháo hoa Quảng
Uyên (Cao Bằng), số lượng người đến lễ hội với mục đích vui chơi, xem hội chiếm đến
trên 70% số người dự hội. Điều đó cho thấy truyền thuyết – nội dung thiêng liêng của lễ
hội đang ngày càng được ít người biết đến, thay vào đó là tính chất du lịch, giải trí của lễ
hội. Số người đến với lễ hội nhằm mục đích tưởng nhớ người anh hùng thường nằm ở độ
tuổi trên 50. Một số lễ hội chạy theo xu hướng vui chơi, giải trí kết hợp với mục đích
kinh doanh mà ít chú ý tới những yếu tố tạo nên bản sắc văn hoá và tính truyền thống của
nó. Ở những lễ hội này, ta thường bắt gặp nhan nhản sản phẩm hàng hoá hiện đại hay các
trò vui chơi ăn tiền thiếu tính giáo dục như các trò đánh cờ, đánh bài ăn tiền Các trò
vui chơi mang tính thượng võ, đoàn kết của dân tộc như ngư – tiều – canh – mục, đẩy
gậy, lẩy cỏ thưa vắng dần. Người dự hội cũng ít ai mặc trang phục truyền thống của
7
dân tộc mình. Hầu hết các trang phục đã được Âu hóa. Sự hiện diện của trang phục
truyền thống có chăng chỉ ở những người được phân công thực hiện các nghi thức trong
buổi lễ như rước lễ, rước kiệu, trò diễn
Do không nhớ được các truyền thuyết – cơ sở cho tính thiêng của lễ hội và mục
đích đến lễ hội là để vui chơi, giải trí nên ít người còn hiểu được ý nghĩa của các nghi
thức thờ cúng, vật phẩm dâng cúng, các cảnh diễn xướng sự tích về người anh hùng, hay
nói cách khác, là hiểu được sự gắn bó của truyền thuyết và lễ hội. Vì mức độ hiểu biết về
truyền thuyết của thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế nên họ chưa nhận thức được rõ ràng sự
liên hệ giữa các nghi thức của lễ hội với nội dung truyền thuyết. Nhóm đối tượng từ 50
tuổi trở lên có vốn sống, vốn văn hóa phong phú nên mức độ hiểu biết của họ về truyền
thuyết, sự đánh giá người anh hùng sẽ sâu sắc hơn. Do vậy, họ nhận thức được quan hệ
giữa truyền thuyết dân gian Tày và lễ hội về người anh hùng lịch sử ở địa phương cũng rõ
ràng hơn.
Như thế, có thể thấy rằng, hiện nay mối quan hệ giữa truyền thuyết về người anh
hùng lịch sử và lễ hội ở vùng Đông Bắc đang ngày càng bị lu mờ trong tâm thức người
dân. Nhưng, dù thế, việc tôn vinh người anh hùng của cả truyền thuyết và lễ hội nơi đây
vẫn giữ nguyên ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó, chưa bị biến tướng như trong lễ hội ở
nhiều vùng miền khác. Niềm tin của người dân về sự hiển linh của người anh hùng rất
trong sáng. Vì thế, sự thiêng liêng của người anh hùng không hề bị lợi dụng. Người dân
vùng Đông Bắc đến với lễ hội để nhớ về người anh hùng, cầu mong người anh hùng phù
hộ cho mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh và để vui chơi là chính. Những mục đích
mang tính thực dụng như vay tiền, xin tiền đức thánh, xin nhà lầu xe hơi, xin được làm
quan chức hầu như không có. Vì thế, những lễ lạt người dân đem đến lễ thánh rất đơn
giản, có khi chỉ là nắm hương, nhiều hơn thì có gói bánh, đĩa xôi, con gà Những mâm
lễ lớn hàng chục triệu đồng với toàn vật phẩm thờ cúng sang trọng như voi giấy, ngựa
giấy, nhà cao tầng, xe hơi; những dịch vụ hầu bóng thâu đêm suốt sáng như ở một số lễ
hội vùng đồng bằng Bắc Bộ hầu như không có.
Từ việc tìm hiểu mối quan hệ giữa truyền thuyết về các anh hùng lịch sử và lễ hội
dân gian của dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc ở vai trò qua lại giữa truyền thuyết và lễ hội ở
các thời kì khác nhau, ở sự phản ánh người anh hùng và các sự kiện lịch sử, chúng tôi
8
nhận thấy truyền thuyết và lễ hội có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Thứ nhất, đó
là quan hệ mang tính vĩnh viễn, thể hiện rõ ở sự liên hệ về mặt nội dung của truyền thuyết
và các nghi thức, vật phẩm dâng cúng, sự kiêng kị, các màn diễn xướng trong lễ hội trong
toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của lễ hội. Đó là một quá trình xuyên suốt từ
quá khứ, hiện tại cho đến tương lai. Thứ hai, đó là quan hệ tương tác, bổ sung cho nhau.
Điều này được thể hiện rõ ở vai trò qua lại giữa truyền thuyết và lễ hội: truyền thuyết
đóng vai trò nội dung, cơ sở niềm tin cho lễ hội, có ảnh hưởng lớn tới sự nảy sinh và phát
triển của lễ hội. Đến lượt mình, lễ hội giúp lưu giữ truyền thuyết, hiện thực hóa niềm tin
trong truyền thuyết thông qua các nghi thức thờ cúng và các màn diễn xướng. Lễ hội làm
cho việc diễn xướng truyền thuyết được sinh động, cụ thể hơn. Ngày nay, cùng với sự
phát triển của xã hội, mối quan hệ giữa truyền thuyết về người anh hùng lịch sử và lễ hội
ở vùng Đông Bắc cũng có sự biến đổi. Nó không còn đậm nét như trước đây nữa, nhưng
niềm tin, mục đích suy tôn người anh hùng của cả truyền thuyết và lễ hội thì vẫn giữ
nguyên, ít bị biến tướng theo chiều hướng mê tín dị đoan như lễ hội ở nhiều vùng miền
khác.
Với tình trạng mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội đang bị phai nhạt dần đi
trong tâm thức nhân dân, các cấp chính quyền địa phương vùng Đông Bắc cần phải đẩy
mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng để người dân ý thức được
trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền;
nâng cao hơn nữa các cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa phục vụ cho việc phổ biến nội
dung của truyền thuyết và việc tổ chức lễ hội. Mỗi người dân ghi nhớ được các truyền
thuyết về người anh hùng lịch sử dân tộc Tày, hiểu được sự gắn bó giữa truyền thuyết và
các lễ hội cũng tức là giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương mình.
H.X.H
CHÚ THÍCH
(1) Lê Văn Kì, 1996, Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt v