Đề tài Một số giải pháp nhằm phát triển quan hệ thương mại nước ta với một số thị trường chủ yếu Tây Nam Á - Trung Cận Đông

Phát triển thị trường xuất khẩu là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược xuất khẩu, một yếu tố góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của ngành/doanh nghiệp, của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ trong tiến trình hội nhập. Đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu còn là một vấn đề quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu đối với Việt Nam hiện nay. Để phát triển thị trường xuất khẩu một mặt cần phải từng bước nâng cao khả năng chiếm lĩnh đối với các thị trường truyền thống, thị trường đã có, mặt khác cần phải tìm cách thâm nhập vào các khu vực thị trường mới, thị trường tiềm năng. Tây Nam Á - Trung Cận Đông là một khu vực thị trường mới và đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Trong thời gian qua quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thuộc khu vực thị trường này còn hạn chế, kim ngạch buôn bán còn ở mức nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các bên. Theo con số thống kê thì thị trường châu Á chiếm 57,7%, châu Âu 28%, châu Đại Dương 5,3%, Bắc Mỹ 4,4%, thị trường SNG và Đông Âu 2%; còn thị trường Tây Nam Á - Trung Cận Đông và châu Phi chỉ chiếm khoảng hơn 3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản của ta như gạo, hạt tiêu, chè, cà phê và một số các mặt hàng tiêu dùng khác như da giày, hàng may mặc, hàng điện tử. đã có mặt tại một số nước của thị trường này. Nhìn chung, các mặt hàng trên của ta đều đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của bạn, song số lượng không đáng kể lại chưa đáp ứng được một cách ổn định thường xuyên nên chưa tạo ra được chỗ đứng trên thị trường. Hơn nữa, hàng hoá xuất khẩu của ta vào khu vực thị trường này lại chủ yếu thông qua trung gian là một nước thứ ba, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất khẩu, cũng như khả năng thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam. Để tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước thuộc thị trường Tây Nam Á- Trung Cận Đông, tạo ra một chỗ đứng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh của ta cần phải tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, phân tích những đặc điểm, chỉ ra nguyên nhân làm cản trở sự phát triển thương mại giữa ta với thị trường này. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thiết thực nhằm phát huy những ưu thế sẵn có, thâm nhập hiệu quả vào thị trường Tây Nam Á- Trung Cận Đông là một việc làm cần thiết. Vì vậy, việc Bộ Thương mại cho phép triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu "Một số giải pháp nhằm phát triển quan hệ thương mại nước ta với một số thị trường chủ yếu Tây Nam Á - Trung Cận Đông" là có ý nghĩa rất lớn về cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là trên cơ sở nêu lên những nét tổng quan về điều kiện tự nhiên, xã hội, tình hình phát triển kinh tế, ngoại thương v.v., đánh giá tổng quan về thực trạng thị trường đặc biệt là thực trạng quan hệ kinh tế-thương mại của các nước khu vực Tây Nam Á - Trung Cận Đông với Việt Nam trong thời gian gần đây, đồng thời đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế -thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc thị trường Tây Nam Á- Trung Cận Đông. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thực trạng về quan hệ kinh tế - thương mại, hơn nữa chủ yếu lại là thương mại hàng hoá, bao gồm chính sách thương mại, tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, các bạn hàng chủ yếu của một số nước thuộc thị trường Tây Nam Á - Trung Cận Đông. Hơn nữa, trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa khu vực thị trường này với Việt Nam thì đề tài cũng chỉ tập trung nghiên cứu quan hệ thương mại hàng hoá, còn thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ. chỉ được đề cập ở các chừng mực nhất định. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các nước thuộc thị trường Nam Á - Trung Cận Đông, tuy nhiên đề tài chỉ tập trung vào một số nước chủ yếu như Ấn Độ, Pakistan, I-ran, I-rắc, Thổ Nhĩ Kỳ. đó là các nước thuộc khu vực Nam Á và khu vực Trung Cận Đông. Các nước thuộc khu vực Trung Á và châu Phi tuy cũng có nhiều đặc điểm tương đồng với các nước thuộc khối thị trường này, đều là các thị trường mới đối với Việt Nam nhưng đề tài chưa có điều kiện đề cập đến. Xuất phát từ mục đích và yêu cầu trên đây, đề tài bao gồm những nội dung chủ yếu như sau: Chương I: Tổng quan về thị trường khu vực Tây Nam Á- Trung Cận Đông. Chương II: Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước thuộc khu vực Tây Nam Á- Trung Cận Đông. Chương III: Những giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với khu vực Tây Nam Á - Trung Cận Đông. Đề tài được hoàn thành với sự giúp đỡ nhiệt tình của Vụ Châu Phi-Tây Nam Á (Bộ Thương mại), Viện Nghiên cứu Thương mại và của nhiều tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Bộ Thương mại. Ban chủ nhiệm đề tài mại xin chân thành cảm ơn vì những sự giúp đỡ quý báu trên đây đã dành cho chúng tôi trong quá trình triển khai thực hiện đề tài.

doc124 trang | Chia sẻ: oanhnt | Lượt xem: 1300 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Một số giải pháp nhằm phát triển quan hệ thương mại nước ta với một số thị trường chủ yếu Tây Nam Á - Trung Cận Đông, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu liên quan