Ngày nay, vấn đề nhân cách đang trở thành trung tâm nghiên cứu của các ngành khoa học như triết học, xã hội học, y học, giáo dục học, tâm lý học Do đó, có rất nhiều trường phái với nhiều quan niệm đa dạng:
- Theo quan niệm duy tâm: nhân cách là những cái có sẵn, do các thế lực siêu nhiên tạo nên (như Thượng đế, Chúa trời, Phật, ). Do đó, nhân cách là cố định, là bất biến và không thay đổi.
- Theo quan niệm di truyền học (sinh học): Tất cả các nét, các mặt của nhân cách con người được thế hệ trước truyền đạt lại thông qua di truyền, thông qua gen Do đó, không thể cải tạo con người.
- Theo quan niệm xã hội: Các nhà xã hội không tưởng nhấn mạnh tuyệt đối vai trò của xã hội đối với nhân cách. Họ cho rằng môi trường sống thế nào thì sản sinh ra đứa trẻ như thế ấy. Như vậy, vô hình chung họ đã thủ tiêu tính tích cực, tính cá nhân của con người.
- Theo phân tâm học: S. Freud cho rằng cái sinh vật và cái vô thức là yếu tố quyết định việc hình thành nhân cách. Và ông đã tuyệt đối hóa bản năng tình dục của con người, coi sự thỏa mãn tình dục là động lực của hoạt động, ông giải thích mọi hiện tượng xã hội thông qua tình dục Như vậy, ông đã tách rời điều kiện xã hội với việc hình thành nhân cách.
- Ngoài ra, còn rất nhiều cách hiểu về nhân cách dưới các góc nhìn khác nhau, nhưng để có một khái niệm nhân cách toàn diện cần xuất phát từ quan điểm Mácxít về bản chất xã hội của nhân cách.
14 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 8554 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân tích nhân cách tội phạm được hình thành và phát triển thông qua hoạt động và giao tiếp trong lĩnh vực phạm tội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA TÂM LÝ HỌC
-------------------------(((-------------------------
BÀI TIỂU LUẬN
PHÂN TÍCH NHÂN CÁCH TỘI PHẠM ĐƯỢC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG VÀ GIAO TIẾP TRONG LĨNH VỰC PHẠM TỘI
Giáo viên : T.S.Nguyễn Hồi Loan
Sinh Viên : Trần Văn Công
Lớp : Tâm lý Học – K47
Hà Nội, Tháng 03 -2005
I.VẤN ĐỀ NHÂN CÁCH
1.1. Khái niệm về nhân cách.
Ngày nay, vấn đề nhân cách đang trở thành trung tâm nghiên cứu của các ngành khoa học như triết học, xã hội học, y học, giáo dục học, tâm lý học… Do đó, có rất nhiều trường phái với nhiều quan niệm đa dạng:
- Theo quan niệm duy tâm: nhân cách là những cái có sẵn, do các thế lực siêu nhiên tạo nên (như Thượng đế, Chúa trời, Phật,…). Do đó, nhân cách là cố định, là bất biến và không thay đổi.
- Theo quan niệm di truyền học (sinh học): Tất cả các nét, các mặt của nhân cách con người được thế hệ trước truyền đạt lại thông qua di truyền, thông qua gen… Do đó, không thể cải tạo con người.
- Theo quan niệm xã hội: Các nhà xã hội không tưởng nhấn mạnh tuyệt đối vai trò của xã hội đối với nhân cách. Họ cho rằng môi trường sống thế nào thì sản sinh ra đứa trẻ như thế ấy. Như vậy, vô hình chung họ đã thủ tiêu tính tích cực, tính cá nhân của con người.
- Theo phân tâm học: S. Freud cho rằng cái sinh vật và cái vô thức là yếu tố quyết định việc hình thành nhân cách. Và ông đã tuyệt đối hóa bản năng tình dục của con người, coi sự thỏa mãn tình dục là động lực của hoạt động, ông giải thích mọi hiện tượng xã hội thông qua tình dục… Như vậy, ông đã tách rời điều kiện xã hội với việc hình thành nhân cách.
- Ngoài ra, còn rất nhiều cách hiểu về nhân cách dưới các góc nhìn khác nhau, nhưng để có một khái niệm nhân cách toàn diện cần xuất phát từ quan điểm Mácxít về bản chất xã hội của nhân cách.
Khi chúng ta xem xét con người với tư cách là một thành viên của một xã hội nhất định, là chủ thể của các mối quan hệ con người, của hoạt động có ý thức và giao lưu, thì chúng ta nói đến nhân cách của họ.
Không phải mọi cá thể người, với tính cách của mình, đều là nhân cách cả. Nhân cách không phải được sinh ra, mà là được hình thành (A. N. Lêônchiép). Nhân cách con người hình thành và phát triển nhờ những quan hệ xã hội mà trong đó cá nhân đang lớn lên và đang được biến đổi ấy bắt đầu quá trình hoạt động sống của mình.
Không phải sự biến đổi các đặc điểm cá thể tự nhiên của con người là nguyên nhân hình thành nhân cách, mà ngược lại, sự hình thành con người như là một nhân cách là nguyên nhân của sự biến đổi và phát triển các đặc điểm cá thể con người.
Nhân cách là tổng hòa không phải mọi đặc điểm cá thể của con người, mà chỉ những đặc điểm nào quy định con người như là một thành viên của xã hội, như là một công dân, một người lao động, một nhà hoạt động có ý thức. Nói gọn hơn, nhân cách là toàn bộ những đặc điểm phẩm chất tâm lý của cá nhân, quy định giá trị xã hội và hành vi của họ. (Tâm lý học - tập 1 - Phạm Minh Hạc, Lê Khanh, Trần Trọng Thủy).
Nhân cách là những đặc điểm tâm lý xã hội nói lên giá trị xã hội, cốt cách làm người hay nhân cách chính là thước đo mặt xã hội trong sự phát triển cá thể con người. Nhân cách của con người là mức độ phù hợp giữa thang giá trị và thước đo giá trị của người ấy với thang giá trị và thước đo giá trị của cộng đồng và xã hội ; độ phù hợp càng cao nhân cách càng lớn; nhân cách các danh nhân như nhân cách Hồ Chí Minh, nhân cách Nguyễn Trãi… là mẫu hình nhân cách lý tưởng của thời đại, khi độ phù hợp đó phát triển theo chiều âm (-), tức là ngược chiều với thang giá trị và thước đo giá trị của cộng đồng và xã hội, khi ấy là tình trạng suy thoái nhân cách (Phạm Minh Hạc).
Nhân cách có bản chất xã hội - lịch sử, nghĩa là nội dung của nhân cách mỗi con người là nội dung của những điều kiện lịch sử cụ thể trong xã hội cụ thể chuyển vào thành đặc điểm nhân cách con người.
Con người vốn sinh ra chưa có nhân cách. Nhân cách là cấu tạo mới do mỗi người tự hình thành nên và phát triển trong quá trình sống, giao tiếp, học tập, lao động, vui chơi (Phạm Minh Hạc).
1.2. Đặc điểm của nhân cách.
a. Tính ổn định của nhân cách.
Mặc dù từng nét nhân cách (thuộc tính và phẩm chất) trong quá trình hoạt động sống của con người được biến đổi, được chuyển hóa, nhưng trong tổng thể thì chúng tạo thành một cấu trúc trọn vẹn của nhân cách, cấu trúc này tương đối ổn định, ít nhất là trong một quãng đời nào đó của con người.
b. Tính thống nhất của nhân cách.
Nhân cách là một thể thống nhất của tất cả mọi nét khác nhau của nó, nghĩa là nó không phải là dấu cộng đơn giản của nhiều thuộc tính, phẩm chất riêng lẻ mà là một hệ thống thống nhất, trong đó mỗi nét nhân cách đều liên quan không tách rời với những nét nhân cách khác.
c. Tính tích cực của nhân cách.
Nhân cách là sản phẩm của xã hội. Nó không chỉ là khách thể, mà còn là chủ thể của các mối quan hệ xã hội, nghĩa là nó có tính tích cực của mình. Con người sống có nghĩa là con người hoạt động. Vì vậy ngoài hoạt động thì nhân cách của họ không thể phát triển, cũng như không thể tồn tại được. Đối với tội phạm, hoạt động của họ là hoạt động phạm tội, và nhân cách của họ cũng phát triển theo và tồn tại theo loại hoạt động đặc trưng lệch chuẩn đó.
d. Tính giao lưu của nhân cách.
Nhân cách chỉ có thể tồn tại trong sự giao lưu với những nhân cách khác. Nhân cách không thể được phát triển, cũng như không thể tồn tại bên ngoài sự giao lưu, bên ngoài xã hội. Chỉ có qua giao lưu cá nhân mới có thể lĩnh hội được các chuẩn mực đạo đức và hệ thống giá trị của xã hội, đồng thời qua giao lưu, mỗi cá nhân được đánh giá, được nhìn nhận theo quan điểm của xã hội.
1.3. Vai trò của hoạt động và giao tiếp trong nhóm với sự hình thành nhân cách.
a. Hoạt động và nhân cách.
Hoạt động của cá nhân là con đường quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của nó.
Tâm lý không chỉ được thể hiện, mà còn được hình thành trong hoạt động. Chính nhân cách của con người cũng được hình thành trong quá trình hoạt động
Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, hoạt động có tính chất xã hội, tính tập thể, được thực hiện bằng những thao tác và công cụ nhất định. Vì vậy mỗi loại hoạt động đều đề ra cho con người những yêu cầu nhất định, đòi hỏi ở con người những phẩm chất tâm lý nhất định. Hoạt động phạm tội là loại hoạt động phức tạp, khó khăn và yêu cầu kỹ năng cao, bản thân kẻ phạm tội đã phải đáp ứng được những yêu cầu tâm lý nhất định như sự bình tĩnh, sự lạnh lùng, sự lì lợm… để vượt qua nỗi lo lắng hoặc dằn vặt. Qua quá trình hoạt động như vậy, nhân cách tội phạm được hình thành.
b. Giao tiếp và nhân cách.
Trong giao lưu, đối tượng là những chỉnh thể tâm lý sống động, những nhân cách hoàn chỉnh. Ở đây diễn ra mối quan hệ giữa chủ thể và chủ thể. Do đó, trong giao lưu, chủ thể tác động qua lại với nhau với những tổng thể tâm lý phức tạp, sống động hơn nhiều, chúng có tính chủ động, có ý thức bản ngã, cho nên sẽ hình thành những thuộc tính có tính chất tổng hợp của nhân cách và liên quan nhiều hơn đến quan hệ giữa người với người.
Đối với cá nhân, giao lưu là điều kiện tồn tại và là một nhân tố phát triển tâm lý, nhân cách của họ. Giao lưu không chỉ là điều kiện tất yếu cho sự phát triển tâm lý. Chính trong giao lưu đã diễn ra sự hình thành nhân cách của con người: con người học được cách đánh giá hành vi và thái độ, lĩnh hội được các tiêu chuẩn đạo đức.
Trong quá trình giao lưu con người không chỉ nhận thức những người khác, mà còn nhận thức chính bản thân mình. Từ đó họ thu nhận được những thông tin cần thiết để hình thành sự đánh giá bản thân mình như là một nhân cách, để hình thành một thái độ giá trị - cảm xúc nhất định đối với bản thân.
c. Tập thể và nhân cách.
Con người là một thực thể xã hội, vì vậy mọi biểu hiện của đời sống con người cũng đều là sự biểu hiện và khẳng định một đời sống xã hội.
Trong khi thực hiện cái bản chất xã hội đó của mình, cá nhân - trong suốt cuộc đời mình - luôn có sự giao lưu trực tiếp với những người khác. Sự giao lưu này diễn ra trong các nhóm tiếp xúc (gọi tắt là nhóm). Nhóm là một tập hợp người được thống nhất lại theo những mục đích chung. Bất kỳ ai cũng đều hoạt động trong những nhóm nhất định.
Nhóm (và tập thể) luôn có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Trong nhóm và tập thể diễn ra các hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và các mối quan hệ giao tiếp giữa các cá nhân và cá nhân, cá nhân với nhóm, nhóm với nhóm. Ảnh hưởng của xã hội, các mối quan hệ xã hội thông qua cá tổ chức nhóm và tác động đến từng người….
2. NHÂN CÁCH TỘI PHẠM.
Như trên đã đề cập, trước hết nhân cách con người không phải được sinh ra, mà là được hình thành. Có nghĩa là nhân cách không tự nhiên mà có, không phải cá nhân nào cũng có nhân cách, mà nhân cách chỉ xuất hiện từ một giai đoạn phát triển nhất định nào đó của con người.
Thứ hai, về đặc tính của nhân cách, nhân cách có tính tích cực và có tính giao lưu. Có nghĩa là nhân cách không thể tồn tại và phát triển bên ngoài hoạt động và giao lưu trong xã hội. Như vậy, yếu tố xã hội, tính chất của hoạt động và giao lưu mà mỗi cá nhân tham gia vào có ý nghĩa quyết định phần lớn nhân cách của họ sẽ như thế nào. Bởi mỗi xã hội đều tạo ra được những cá nhân điển hình thích hợp nhất với nó, những cá nhân không phù hợp sẽ bị loại thải. Trong một nhóm tội phạm, hoặc trong môi trường tội phạm, cá nhân không đáp ứng được những “chuẩn mực” nhân cách tội phạm chắc chắn bị loại thải.
Thứ ba, hoạt động của cá nhân là con đường quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển, còn giao lưu là điều kiện tồn tại và là nhân tố phát triển của nhân cách. Và những hoạt động và giao lưu này luôn được thực hiện trong những nhóm nhất định. Tóm lại, nhân cách của con người được hình thành bởi những hoạt động đa dạng mà họ tham gia, bởi sự giao lưu trong các mối quan hệ xã hội (hoạt động học tập, lao động, vui chơi,…). Mỗi loại hoạt động đều đề ra con cho con người những yêu cầu nhất định, những phẩm chất tâm lý nhất định. Hoạt động phạm tội cũng như vậy, muốn phạm tội thành công, buộc cá nhân đó phải đáp ứng một số kỹ năng, kỹ xảo cũng như những nét tâm lý điển hình.
Như vậy, nhân cách phạm tội (hay bất cứ loại nhân cách nào khác) không phải tự nhiên mà có và cũng không phải do bẩm sinh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân cách người phạm tội được hình thành trong quá trình thực hiện tội phạm, quá trình tác động qua lại giữa cá nhân với môi trường sống xã hội tiêu cực. Nhân cách người phạm tội bao gồm những đặc điểm tâm lý không phù hợp với những chuẩn mực xã hội và luôn trái ngược với lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Ở những kẻ phạm tội, thông thường họ có thái độ xấu với các giá trị chuẩn mực xã hội.
Các Mác đã nói rằng “…bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó. Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Con người mới sinh ra chỉ là một thực thể sinh vật, tự nhiên đơn thuần với những nhu cầu bản năng có sẵn. Chính trong quá trình hoạt động và giao tiếp, con người đã tiếp thu những giá trị chuẩn mực xã hội, tiếp thu nền văn hóa… để tạo thành cái riêng của mình, mà chúng ta gọi là phần xã hội của con người, giá trị xã hội của con người, nhân cách của con người. Và do đó, mỗi kiểu xã hội có mẫu người tương ứng với chuẩn mực xã hội, với nền văn hóa của xã hội đó. Chẳng hạn: trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, mẫu người điển hình phải là người đánh giặc giỏi, tiêu diệt nhiều quân thù… ; còn thời nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, mẫu người tiêu biểu phải có khả năng làm kinh tế, làm giàu cho bản thân và đất nước. Cũng tương ứng như vậy, trong thời kỳ bây giờ, chúng ta có những tội phạm về kinh tế như: trộm cước bưu chính viễn thông, làm giả hóa đơn VAT, lừa đảo người đi xuất khẩu lao động … mà trước đây không hề có.
Những đặc điểm nhân cách của cá nhân kẻ phạm tội được hình thành trong chính hoạt động phạm tội, hoặc trong quá trình giao lưu với nhóm tội phạm. Chúng ta lấy ví dụ với một người phạm tội tham nhũng. Rõ ràng, từ bé tới trước khi phạm tội, người đó đã có nhiều những nét nhân cách phù hợp với chuẩn mực xã hội - có nghĩa là người đó không có sẵn “nhân cách tham nhũng” - thì mới có khả năng đạt tới một vị trí xã hội nào đó và thực hiện được hành vi phạm tội. Chính trong quá trình phạm tội, với sự tính toán, sự dằn vặt day dứt và chiến thắng sự day dứt đó, với sự căng thẳng, cảm giác tội lỗi lo âu… đã dần dần hình thành nên nhân cách tội phạm. Trong quá trình phạm tội, chắc chắn kẻ tội phạm có sự đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu trong con người, mặt tích cực và mặt tiêu cực, giữa kết quả thu được và hậu quả khi thực hiện hành vi phạm tội. Một khi hành vi phạm tội diễn ra thành công, có nghĩa là hàng loạt các mặt tiêu cực đã chiến thắng, con người đã thoát khỏi sự do dự tính toán, kẻ phạm tội có tâm thế sẵn sàng hơn, có sự bình tĩnh và tự tin hơn để thực hiện những hành vi phạm tội lần sau. Đó chính là những nét nhân cách tội phạm.
Sự ảnh hưởng của nhóm tạo nên nhân cách phạm tội cũng rất rõ, đặc biệt đối với trẻ vị thành niên (đối tượng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số tội phạm). Đối với trẻ em vị thành niên, nhóm bạn bè vô cùng quan trọng, nhiều lúc và đối với nhiều em, bạn bè còn quan trọng hơn gia đình, bố mẹ. Chúng lấy chuẩn mực của nhóm bạn bè mà chúng chơi làm chuẩn mực cho mình, là cái đích để chúng phấn đấu. Do đó, thật dễ hiểu nếu trẻ em không may chơi bời, giao du với những nhóm trẻ phạm tội, chúng sẽ bị nhiễm, và dần dần hình thành nên nhân cách tội phạm.
Hoạt động phạm tội không phải do bẩm sinh di truyền, mà do sự tự giác của cá nhân hoặc trong hoạt động giao lưu mà cá nhân ảnh hưởng lẫn nhau (giữa các thành viên của nhóm phạm tội). Đối với người phạm tội, họ thường có quan niệm sống sai lầm, đi ngược lại với xã hội, ví dụ như đề cao giá trị vật chất. Họ thường không có kỹ năng đáp ứng yêu cầu xã hội, yêu cầu của nhóm chính thức…
Chúng ta hãy lấy ví dụ với trẻ em, trong cùng một môi trường xã hội có thể nảy sinh tội phạm, nhưng số trẻ em phạm tội chỉ là một phần rất nhỏ. Nói chung, trẻ em phạm tội thường có những nét nhân cách như: hay dối trá, nghèo nàn về đời sống tình cảm, bốc đồng, học kém, tàn bạo với súc vật, thích chơi lửa, có thể có khuyết tật cơ thể, chống đối nhóm,… Tất nhiên, những trẻ em này nếu được sống trong môi trường lành mạnh, với sự giáo dục tốt của cha mẹ, nhà trường, không có cơ hội tiếp xúc bạn xấu, được đáp ứng đầy đủ về đời sống vật chất, tinh thần… thì sẽ ít khả năng thực hiện phạm tội. Nhưng, nếu chúng phải sống trong những môi trường kém lành mạnh, ít thuận lợi,… những hành vi lệch chuẩn của chúng càng có cơ hội biểu hiện, bộc lộ ra. Bước đầu tiên, đó là nghiện thuốc lá, rượu bia, chất kích thích. Sự chuyển hóa từ đứa trẻ bình thường sang đứa trẻ tội phạm là quá trình suy thoái - quá trình xã hội hóa theo chuẩn mực tiêu cực. Quá trình này diễn ra theo hai quy luật:
+ Quy luật một: Sự phát triển tiêu cực của một tuyến ứng xử nhất định. Ví dụ như nói tục chửi bậy.
+ Quy luật hai: Quy luật dao động dần, có nghĩa là lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành thói quen. Lần đầu tiên đi trộm cắp, đứa trẻ rất lo lắng, day dứt, căng thẳng… Nhưng khi đã dám trộm cắp một lần, chúng sẽ dám đi lần thứ hai, thứ ba,… với sự chai lì hơn, bình tĩnh hơn… Những hành vi phạm tội đầu tiên của vị thành niên thường nhẹ, dần dần khi lớn lên gây ra những tội phạm nặng hơn. Đa số kẻ phạm tội người lớn đều đã từng gây ra tội phạm ở tuổi thiếu niên.
Tội phạm là những hiện tượng xã hội tiêu cực cho nên nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm cũng là những hiện tượng xã hội tiêu cực. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tôi phạm luôn mang nguồn gốc xã hội.
*. Lấy ví dụ với xã hội Việt Nam hiện nay:
- Tình hình tội phạm diễn ra trong xã hội trước hết là do ảnh hưởng của tàn dư xã hội cũ, như tâm lý tư hữu, lối sống tham lam, ích kỷ, vô tổ chức, coi thường pháp luật…
- Do sự chống đối của các thế lực thù địch, chống phá trên mọi mặt của đời sống xã hội…
- Những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường: thất nghiệp, sự chênh lệch giàu nghèo, gian lận thương mại, vi phạm bản quyền, tham nhũng… Đặc biệt những tệ nạn như ma túy, mại dâm, trộm cướp tăng nhanh…
- Văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực tràn ngập đã tạo ra lối sống thực dụng, cái nhìn sai lầm về xã hội ở một số người…
*. Nguyên nhân phạm tội từ ảnh hưởng của gia đình:
- 20% những đứa trẻ trong trường Giáo dưỡng số II Ninh Bình có những người thân trong gia đình đã từng phạm tội; 23,39% số trẻ có bố mẹ thường xuyên sử dụng ma túy. Những việc làm, hành vi cư xử vi phạm pháp luật của bố mẹ để lại trong tâm trí đứa trẻ ấn tượng xấu khi nghĩ về bố mẹ; 60,65% đứa trẻ có cha mẹ không gương mẫu. Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người, gia đình là nơi mỗi người hấp thu những gì nền tảng nhất, cơ bản nhất của truyền thống, văn hóa, đạo đức. Gia đình cũng là nơi “trú chân” an toàn, hạnh phúc nhất của con người. Một khi gia đình không thể đảm nhận những vai trò như vậy, đứa trẻ có nhiều nguy cơ rơi vào quá trình suy thoái như đã đề cập ở trên.
- Gia đình là cơ sở ban đầu cho trẻ học cách giao tiếp, ứng xử, là nơi những thuộc tính và phẩm chất của nhân cách được hình thành, phát triển và phụ thuộc vào nền giáo dục của gia đình cũng như cách thức giáo dục trẻ của cha mẹ. Tại trường Giáo dưỡng số II Ninh Bình, phần lớn trẻ chịu sự giáo dục hà khắc, thô bạo, độc ác của cha mẹ như: đánh đập, trói, nhốt, bỏ đói hoặc bỏ mặc, đuổi khỏi nhà. Chỉ có 38,1% bố mẹ chịu khuyên nhủ, phân tích với con.
- Phần lớn trẻ phạm tội có gia đình khó khăn về kinh tế, đông con, chúng phải bỏ học sớm để lang thang kiếm sống. Xa gia đình, thiếu tình cảm, thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc,… chúng dễ sa ngã vào con đường tội phạm.
- Rất nhiều trẻ phạm tội có gia đình không hoàn thiện: thiếu cha hoặc mẹ, cha mẹ ly thân… Chúng thiếu hụt tình cảm, do đó tìm sự bù đắp ở người khác. Do vậy, chúng luôn buồn chán, thất vọng về gia đình, cảm thấy cô đơn,… và đi tìm sự khuây khỏa trong những nhóm bạn bè, thường là tiêu cực.
*. Ngoài ra, đối với trẻ em đang đi học, nếu nhà trường tách rời việc dạy học và giáo dục, không dạy cho trẻ biết nghỉ ngơi hợp lý, không dạy trẻ biết sáng tạo và độc lập… cũng những nhân tố tiêu cực.
*. Đối với người lớn đã đi lao động, những tiêu cực, bất hợp lý trong tập thể sản xuất, sự buông lỏng quản lý… dễ tạo điều kiện cho hành vi phạm tội.
Như vậy, các yếu tố xã hội tiêu cực rất dễ hình thành nên tội phạm. Đảng và Nhà nước ta luôn phấn đấu vì một xã hội thực sự tiến bộ, công bằng, văn minh,… để tất cả mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc ấm no, được hưởng thụ những thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội đem lại, con người được tạo điều kiện phát triển toàn diện, phát huy mọi khả năng năng lực của mình… Khi đạt được điều đó, tội phạm sẽ có rất ít cơ hội và môi trường để hình thành và phát triển.
----------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phạm Minh Hạc, Lê Khanh, Trần Trọng Thủy
[1] Tâm lý học đại cương - tập 1 Nhà xuất bản Giáo dục - 1988
Nguyễn Hồi Loan, Đặng Thanh Nga
[2] Tâm lý học Pháp lý Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội - 2004
[3] Bài giảng của thầy Nguyễn Hồi Loan
Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành
[4] Tâm lý học đại cương Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội - 2001
Bộ Giáo dục và đào tạo
[5] Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học - Chủ biên GS. TS. Đỗ Nguyên Phương
Nhà xuất bản chính trị quốc gia - 2004
Phạm Minh Hạc
[6] Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2001
Nguyễn Ngọc Bích
[7] Tâm lý học nhân cách Nhà xuất bản Giáo dục - 1998
Mục lục
1. VẤN ĐỀ NHÂN CÁCH. 1
1.1. Khái niệm về nhân cách. 1
1.2. Đặc điểm của nhân cách. 3
1.3. Vai trò của hoạt động và giao tiếp trong nhóm với sự hình thành nhân cách. 4
2. NHÂN CÁCH TỘI PHẠM. 5
TÀI LIỆU THAM KHẢO 11