Đề tài Pháp luật ưu đãi thương binh, người hưởng chính sách như thương binh - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước ta giành được độc lập, tự do sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Những vết thương chiến tranh đã và đang được khắc phục, đất nước bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng kinh tế vững mạnh, tiến kịp các nước trên thế giới. Có được những thành quả đó, dân tộc ta không thể quên ơn những người con đã cống hiến cả cuộc đời, hy sinh xương máu của mình vì độc lập, tự do của đất nước. Một trong số đó là những thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Theo thống kê về Tổng kết cuộc chiến tranh Cách mạng Việt Nam của Bộ Chính trị - Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 600.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong cuộc sống đời thường hiện nay, họ đã và đang phấn đấu trở thành người công dân có ích, nêu gương sáng về những người thương binh "tàn nhưng không phế" theo lời dạy của Bác Hồ. Họ đang được hưởng ưu đãi của Nhà nước cùng sự giúp đỡ của toàn thể cộng đồng, đảm bảo cuộc sống ngang bằng với mức sống trung bình của xã hội. Suốt thời gian vừa qua, những quy định về ưu đãi đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã có nhiều tiến bộ đáng kể, với hơn 1400 văn bản pháp luật quy định vế chế độ ưu đãi người có công với cách mạng mà một phần trong đó có quy định chế độ ưu đãi với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Hệ thống văn bản này đã liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế của xã hội. Những quy định cụ thể của pháp luật về ưu đãi đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã khá hoàn chỉnh với những quy định cụ thể về điều kiện công nhận, thủ tục xác nhận và lập hồ sơ, các chế độ ưu đãi, quản lý, xử lí vi phạm và giải quyết tranh chấp. Các quy định này góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh cùng gia đình họ.