Đề tài Sinh địa tầng và môi trường trầm tích Mioxen sớm – Oligoxen muộn bồn trũng Cửu Long qua việc khảo sát hai giếng khoan 1TK và 2TK
Tiềm năng dầu khí của bồn trũng Cửu Long cho đến nay được đánh giá là khá lớn. Các mỏ dầu và khí ở đây với giá trị công nghiệp hoàn toàn được khẳng định cũng như đang ngày càng được phát hiện và đưa vào thẩm định, khai thác thương mại. Từ trước năm 1975, công ty Mobil (Mỹ) đã tiến hành khoan thăm dò - tìm kiếm và có phát hiện dầu khí đầu tiên trong các trầm tích Oligoxen - Mioxen. Sau khi đất nước thống nhất, công tác tìm kiếm - thăm dò khu vực bồn trũng Cửu Long nói riêng cũng như thềm lục địa Việt Nam nói chung ngày càng được đẩy mạnh. Các hợp đồng liên doanh tìm kiếm - thăm dò, phân chia sản phẩm (PSC) giữa Việt Nam với các công ty nước ngoài được ký kết. Tiếp đó là hàng loạt các mỏ dầu có giá trị thương mại được phát hiện như mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng của Vietsopetro, mỏ Ruby của Petronas, mỏ Rạng Đông của JVPC Trong bồn trũng Cửu Long, dầu khí được tìm thấy chủ yếu trong các trầm tích tuổi Oligoxen-Mioxen và trong đá móng nứt nẻ. Lô 15.2 nằm ở phần trung tâm và phần đông của bồn trũng Cửu Long. Trước khi phát hiện ra một khối lượng dầu lớn trong đá móng mỏ Bạch Hổ thì hoạt động khoan thăm dò chủ yếu tập trung vào đối tượng trầm tích Mioxen - Oligoxen. Việc tìm kiếm thăm dò dầu khí dựa vào rất nhiều tiền đề - tiêu chuẩn, trong đó sơ đồ môi trường là một tiêu chuẩn rất quan trọng. Có rất nhiều cách để vạch ra sơ đồ môi trường trầm tích nhưng ngày nay phương pháp phổ biến và cho kết quả chính xác nhất là phương pháp nghiên cứu sinh địa tầng. Được sự hướng dẫn của cô Nguyễn Ngọc Thủy và thầy Chu Đức Quang tôi thực hiện đề tài tốt nghiệp : “ Sinh địa tầng và môi trường trầm tích Mioxen sớm – Oligoxen muộn bồn trũng Cửu Long qua việc khảo sát hai giếng khoan 1TK và 2TK.”