Đề tài Thực tiễn áp dụng luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện luật thuế giá trị gia tăng ở nước ta
Trong nền kinh tế hiện đại, thuế không chỉ là công cụ thu ngân sách Nhà nước mà còn là một công cụ của Nhà nước để quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Do vậy, khi nền kinh tế của mỗi nước chuyển sang một giai đoạn mới với những chủ trương, chính sách, định hướng sự phát triển kinh tế thay đổi thì chính sách thuế của quốc gia cũng phải được cải cách cho thích hợp. Nền kinh tế nước ta bước vào thời kỳ quá độ chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, sản xuất hàng hoá đang dần phát triển. Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua luật thuế doanh thu ngày 30/06/1990 nhằm thay thế một số loại thuế trước đó để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế và sự bình đẳng, công bằng về chính sách động viên thuế giữa những người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước. Qua một thời gian thực hiện, thuế doanh thu đã bộc lộ những nhược điểm như tính chồng chéo, trùng lặp, có nhiều mức thuế suất, thuế quan nhập khẩu không ổn định gây thất thu cho ngân sách quốc gia, hệ thống thuế không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Trước sự đòi hỏi khách quan đó, Luật thuế GTGT được Chính phủ và Bộ Tài Chính nghiên cứu ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/1999 không những là một đòn bẩy chiến lược hạn chế nhược điểm của luật thuế doanh thu và hệ thống thuế cũ mà còn vì những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, thích ứng với sự đòi hỏi của nền kinh tế, của quá trình hội nhập trong khu vực và quốc tế trong thời kỳ mới.