Lễ hội là sự kết tinh từ sản phẩm văn hoá truyền thống của dân tộc. Nó có một vai trò, vị trí khá quan trọng trong đời sống của một cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng làng xã ở nông thôn.
Ở vùng nông thôn đồng bằng Sông Hồng, trong suốt một thời gian dài hàng mấy chục năm, do hoàn cảnh khách quan, đặc biệt là do chiến tranh và một số lý do khác nữa mà các lễ hội hoặc không được tổ chức, hoặc nếu có được tổ chức thì quy mô và nhiều nghi thức của nó cũng bị hạn chế. Kết quả là, ở hầu hết các làng xã, loại hình sinh hoạt văn hoá này bị thu hẹp, bị mai một dần. Cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ 20, cùng với đường lối đổi mới của Đảng, đời sống của nhân dân có bước chuyển biến rất căn bản. Cùng với sự gia tăng mức sống, quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội ở nông thôn đã là cơ sở để nhu cầu tâm linh bị dồn nén từ lâu nay được dịp “bung ra”.
Sự trở lại với truyền thống thông qua các hoạt động hội lễ là một trong những sự kiện văn hoá nổi bật ở làng quê vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ đổi mới. Điều này cần được giải thích như thế nào trong bối cảnh văn hoá đương đại. Một mặt, lễ hội có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá nói chung và đời sống tâm linh nói riêng của người nông dân trong các làng xã đương đại, mặt khác, sự gia tăng sinh hoạt lễ hội trong những năm gần đây cũng đặt ra nhiều vấn đề bức xúc và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là vì, cùng với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng nông thôn theo hướng ngày càng hiện đại hoá ngày nay, lễ hội nếu như đã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu của đời sống văn hoá tinh thần, sẽ không thể không biến đổi theo. Sự biến đổi đó đang đặt trước những người quan tâm tới đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của xã hội một câu hỏi lớn về vai trò của lễ hội trong đời sống xã hội hiện đại cũng như triển vọng của những biến đổi của nó trong tương lai.
128 trang |
Chia sẻ: maiphuong | Lượt xem: 2899 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Tổng quan về lễ hội làng Giang Xá, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài
Lễ hội là sự kết tinh từ sản phẩm văn hoá truyền thống của dân tộc. Nó có một vai trò, vị trí khá quan trọng trong đời sống của một cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng làng xã ở nông thôn.
Ở vùng nông thôn đồng bằng Sông Hồng, trong suốt một thời gian dài hàng mấy chục năm, do hoàn cảnh khách quan, đặc biệt là do chiến tranh và một số lý do khác nữa mà các lễ hội hoặc không được tổ chức, hoặc nếu có được tổ chức thì quy mô và nhiều nghi thức của nó cũng bị hạn chế. Kết quả là, ở hầu hết các làng xã, loại hình sinh hoạt văn hoá này bị thu hẹp, bị mai một dần. Cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ 20, cùng với đường lối đổi mới của Đảng, đời sống của nhân dân có bước chuyển biến rất căn bản. Cùng với sự gia tăng mức sống, quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội ở nông thôn đã là cơ sở để nhu cầu tâm linh bị dồn nén từ lâu nay được dịp “bung ra”.
Sự trở lại với truyền thống thông qua các hoạt động hội lễ là một trong những sự kiện văn hoá nổi bật ở làng quê vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ đổi mới. Điều này cần được giải thích như thế nào trong bối cảnh văn hoá đương đại. Một mặt, lễ hội có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá nói chung và đời sống tâm linh nói riêng của người nông dân trong các làng xã đương đại, mặt khác, sự gia tăng sinh hoạt lễ hội trong những năm gần đây cũng đặt ra nhiều vấn đề bức xúc và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là vì, cùng với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng nông thôn theo hướng ngày càng hiện đại hoá ngày nay, lễ hội nếu như đã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu của đời sống văn hoá tinh thần, sẽ không thể không biến đổi theo. Sự biến đổi đó đang đặt trước những người quan tâm tới đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của xã hội một câu hỏi lớn về vai trò của lễ hội trong đời sống xã hội hiện đại cũng như triển vọng của những biến đổi của nó trong tương lai.
Trong bối cảnh chung đó, để góp phần vào việc nghiên cứu đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng nông thôn đương đại, tôi đã chọn đề tài “Tổng quan về lễ hội làng Giang Xá” làm nội dung nghiên cứu chính của mình. Thông qua việc nghiên cứu này, chúng tôi muốn tìm hiểu về vai trò của lễ hội trong đời sống văn hoá của người dân ở các làng xã, cũng như sự biến đổi của nó trước tác động của quá trình hiện đại hoá đang diễn ra mạnh mẽ ở nông thôn đồng bằng Sông Hồng hiện nay.
Để hiện thực hoá ý tưởng trên, chúng tôi đã được tham dự lễ hội làng Giang Xá (người dân ở đây thường gọi ngắn gọn là làng Giang) một làng nằm ở vị trí trung tâm của huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Trong các thư tịch cổ, lễ hội làng Giang Xá không được ghi chép như một trong các lễ hội lớn và nổi tiếng ở đồng bằng Sông Hồng. Nhưng tầm cỡ của nó cũng cần được ghi nhận bởi đây là một lễ hội tôn vinh Đức Thượng đẳng thần được tôn Thánh, được tổ chức theo qui mô nghi lễ của triều đình. Ngày xưa, phải 5, 10 hay 15 năm lễ hội mới được tổ chức một lần, nay cũng cách nhau 5 năm. Thông qua việc tìm hiểu lễ hội này, khoá luận có thể góp phần ghi nhận những sự kiện văn hoá trong bối cảnh xã hội đương đại với những biến chuyển to lớn.
Với việc nghiên cứu đề tài trên, mục đích đặt ra trước hết của khoá luận này là dựng lại một bức tranh sinh động về lễ hội của một làng ở nông thôn, cụ thể là làng Giang Xá thông qua việc mô tả và phân tích các hoạt động cụ thể của nó, từ đây góp phần tìm hiểu những biến đổi của lễ hội so với truyền thống.
Và cũng qua nghiên cứu này, chúng tôi muốn khẳng định vai trò của sinh hoạt lễ hội trong đời sống văn hoá tâm linh của những người dân sống trong cộng đồng làng xã nông thôn hiện nay. Đồng thời, từ trường hợp cụ thể của làng Giang Xá, chúng tôi muốn góp phần làm tăng thêm sự hiểu biết của mình về đời sống của làng Việt, một đề tài lý thú của Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam.
Cuối cùng, với nghiên cứu của mình, chúng tôi muốn cung cấp những tư liệu giúp cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hoá trong việc bảo tồn, khai thác, kế thừa và phát huy các giá trị của lễ hội truyền thống trong bối cảnh của xã hội hiện đại.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Là một sinh hoạt văn hoá tổng hợp, vừa độc đáo, vừa rất phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam, lễ hội đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Văn hoá dân gian, Dân tộc học, Sử học, Xã hội học…Các tác phẩm của các nhà khoa học này với nhiều cách tiếp cận khác nhau đã tạo nên một kho tư liệu khá phong phú về lễ hội của người Việt.
Đi ngược lại lịch sử, trong các tác phẩm của các sử gia phong kiến như “Việt sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư” hay “Đại Nam nhất thống chí”…chúng ta đã gặp các ghi chép về lễ hội trên mọi miền đất nước. Những ghi chép này dù còn sơ lược, tản mạn, nhưng hết sức có giá trị. Nó cho chúng ta thấy được phần nào bộ mặt văn hoá của nước ta khi đó.
Trước Cách mạng tháng Tám, nhiều học giả nước ngoài và trong nước đã đi sâu tìm hiểu, ghi chép lại một số lễ hội nổi tiếng trên đất nước ta. Đó là các công trình của Gustave Dumoutie, Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế Bính…Các tác phẩm này đã đặt những nền tảng căn bản cho những hiểu biết về lễ hội cổ truyền người Việt.
Đầu thập kỷ 80, nhiều tác phẩm nghiên cứu mới về lễ hội đã ra đời, tiêu biểu như tác phẩm: “Lễ hội truyền thống và hiện đại” của Thu Linh và Đặng Văn Lung. Tiếp sau đó, từ năm 1992, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, đã xuất bản nhiều tác phẩm lý luận, chuyên khảo về lễ hội dân gian, đặc biệt là tác phẩm “Lễ hội cổ truyền” do Lê Trung Vũ chủ biên. Cùng với các tác phẩm trên, nhiều công trình nghiên cứu của Đinh Gia Khánh, Ngô Đức Thịnh, Lê Hồng Lý…đã góp phần quan trọng vào việc nhận diện rõ hơn hội lễ truyền thống cũng như sự vận động của nó trong đời sống hiện đại. Nhìn chung, so với giai đoạn trước, các tác phẩm sau này không chỉ dừng lại ở việc mô tả các lễ hội cụ thể mà đã tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu lễ hội từ phương diện lý luận. Trong đó không ít tác phẩm đã đề cập đến khía cạnh vai trò của lễ hội đối với đời sống của cộng đồng.
Cùng với các tác phẩm, các công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo khoa học về lễ hội đã được tổ chức như: “Hội xứ Bắc” bàn về lễ hội dân gian ở Bắc Ninh; hội thảo “ Lễ hội Hà Nội” đề cập đến lễ hội dân gian ở Hà Nội xưa và nay. Nhìn chung, tại các cuộc hội thảo này, các nhà khoa học đã bắt đầu chú ý đến việc nghiên cứu vai trò và sự biến đổi của lễ hội trong bối cảnh của xã hội hiện đại. Đáng chú ý hơn cả là cuộc hội thảo: “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại” do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả Việt Nam và một số học giả đến từ các nước Đông Nam Á. Các nhà khoa học tham gia hội thảo đã bàn về rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu lễ hội như nguồn gốc và bản chất của lễ hội, mối quan hệ giữa tín ngưỡng và lễ hội…Nhưng nội dung đáng chú ý nhất đó là đi sâu vào phân tích nhu cầu về sinh hoạt lễ hội trong xã hội hiện đại cũng như sự biến đổi của các lễ hội để thích nghi với điều kiện hiện tại và tương lai. Tập kỷ yếu của hội thảo đã được sửa chữa, in thành sách và phổ biến rộng rãi trong cả nước. Nó trở thành tài liệu tham khảo có ích đối với các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý về văn hoá trong bối cảnh đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.
Ở một tầm mức thấp hơn, nhiều luận văn tốt nghiệp viết về lễ hội đã được chú ý đúng mức ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hoá… Các luận văn này cũng đã góp phần chung vào việc nghiên cứu hội lễ.
Rõ ràng là, trong những năm qua việc nghiên cứu về lễ hội ở nước ta đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Những công trình này đã góp phần định vị được giá trị văn hoá truyền thống của con người Việt Nam trên các tài liệu thành văn. Từ đó giúp cho chúng ta có cơ hội nhìn lại mình để có thể phát huy thể mạnh, khắc phục những điểm yếu, kém ; góp phần xây dựng một nền văn hoá thể hiện rõ bản sắc dân tộc.
3. Phạm vi đề tài, nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình khảo sát thực tế để thực hiện đề tài, chúng tôi đã được tham dự lễ hội của làng Giang Xá được tổ chức vào đầu năm 2004, vì vậy, trong bản khoá luận này, những mô tả của chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào lễ hội cụ thể đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng có những so sánh với các lễ hội được tổ chức trước đó qua băng ghi hình và qua lời kể của các cụ cao tuổi.
Trên thực tế, như phần trên đã trình bày, lễ hội làng Giang Xá hầu như không được ghi chép nhiều trên sách vở. Hơn nữa, đây là một nghiên cứu theo hướng phân tích một hiện tượng văn hoá xảy ra trong hiện tại. Chính vì vậy, để phục vụ cho việc nghiên cứu của mình, ngoài một số tài liệu thành văn của các tác giả đi trước, nguồn tư liệu mà chúng tôi sử dụng chủ yếu là các tư liệu có được trong quá trình khảo sát thực tế tại địa phương. Để có được các nguồn tư liệu này, trong quá trình thu thập thông tin, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp chủ yếu sau:
Phương pháp điền dã;
Phương pháp phỏng vấn sâu (khảo sát hồi cố);
Phương pháp quan sát tham dự.
Ngoài các phương pháp kể trên, trong quá trình viết, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp khác như:
Phương pháp mô tả;
Phương pháp thống kê;
Phương pháp phân tích - tổng hợp.
4. Kết cấu của khoá luận
Để thể hiện nội dung chính nêu trên, kết cấu của khoá luận ngoài phần Dẫn luận và Kết luận, gồm 3 chương :
Chương 1 : Tổng quan về làng Giang Xá
Chương 2 : Lễ hội làng Giang Xá
Chương 3 : Sự tham gia của người dân vào lễ hội
Mặc dù đã hết sức cố gắng trong quá trình điền dã, thu thập tư liệu, trong quá trình xử lý thông tin, giải quyết các vấn đề đặt ra, song, đây là một khoá luận tốt nghiệp cử nhân, bản thân người viết còn thiếu kinh nghiệm trong việc nghiên cứu khoa học nên không thể tránh được thiếu sót và hạn chế. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, phê bình của các thầy cô, các nhà nghiên cứu và các bạn có quan tâm tới chủ đề này.
CHƯƠNG I
TỔNG QUAN VỀ LÀNG GIANG XÁ
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ CẢNH QUAN
1.Vị trí địa lý
Từ trung tâm thủ đô Hà Nội đi về phía Tây theo quốc lộ số 32 (số 11 cũ), qua Cầu Diễn, Nhổn tới thị trấn Trôi (km số 17), rẽ trái tới cổng Uỷ ban Nhân dân huyện Hoài Đức, rẽ phải chừng 250m, bạn sẽ bắt gặp một cổng tam quan lớn. Đó là làng Giang Xá.
Làng Giang Xá trước Cách mạng tháng Tám thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (12,45). Về sau, thôn Giang Xá cùng bốn thôn Cao Xá Hạ, Cao Xá Trung, Lũng Kênh và Lưu Xá nhập thành một xã lấy tên là Đức Giang thuộc huyện Hoài Đức tỉnh Hà Đông. Từ năm 1979, Hoài Đức là một huyện thuộc ngoại thành Hà Nội, mãi tới năm 1991 mới chuyển trả lại cho tỉnh Hà Tây(19,15). Hiện nay, Giang Xá thuộc thị trấn Trạm Trôi, thị trấn huyện lỵ của huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
Vị trí hiện nay của làng nằm ở phía Đông của huyện Hoài Đức, phía Tây và phía Nam giáp xã Đức Giang, phía Đông giáp xã Kim Chung (huyện Hoài Đức), phía Đông Bắc giáp xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Với lợi thế về đường giao thông (có quốc lộ 32 và tỉnh lộ 79 chạy qua) lại cách thủ đô Hà Nội không xa, làng Giang Xá có nhiều điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
2. Môi trường cảnh quan
Giang Xá nằm giữa hai con sông là sông Hồng và sông Đáy, trên một địa hình tương đối cao và bằng phẳng. Theo các nhà địa chất, đất đai của Giang Xá thuộc loại đất phù sa mới trong đê. Thành phần chính của nó gồm có các lớp sét, limôn và cát xen kẽ, trong cát có vảy mica trắng và hạt thạch anh, phân bố theo cấp hạt, theo địa hình rất ắn khớp với quy luật bồi tụ phù sa, nơi cao là cát, cát pha hoặc sét pha cát, nơi trũng là sét pha nặng hoặc sét (19,37). Tuy nhiên từ lâu đời, các con đê đã làm cho phù sa của các con sông không thể bồi đắp thêm cho các vùng xa bờ, đồng thời nó tạo nên các giồng đất cao.
Về mặt khí hậu, cũng như bao làng quê khác ở đồng bằng Sông Hồng, khí hậu của Giang Xá mang tính chất nóng, ẩm với đầy đủ những thuận lợi và khó khăn của nó. Nhiệt độ về mùa hạ tương đối cao do ảnh hưởng của gió Đông Nam, trung bình theo ngày là trên 300C, trung bình tháng khoảng 250C. Về mùa đông, gió mùa Đông Bắc làm cho nhiệt độ giảm xuống đáng kể, nhiệt độ trung bình theo ngày khoảng 150C, nhiệt độ trung bình tháng là 200C. Với vị trí của mình, Giang Xá nằm trong khu vực ít mưa của tỉnh Hà Tây, lượng mưa trung bình khoảng 1400 mm/ năm. Sở dĩ có hiện tượng này là do ảnh hưởng của các dãy núi phía Tây của tỉnh như Ba Vì, Vĩnh Phúc đã làm cho lượng mưa ở khu vực phía Đông giảm đi đáng kể.
Ấn tượng đầu tiên của chúng ta về Giang Xá chính là chiếc cổng làng. Cổng làng không chỉ đơn giản là lối để người dân ra vào, mà hơn thế, nó góp phần tạo nên diện mạo, tạo nên hình ảnh ban đầu cho những người ở nơi khác đến về làng quê đó, cổng làng cũng chính là vật đã chứng kiến những thăng trầm, những đổi thay trong lịch sử của quê hương (1). Cổng Đông hiện nay được xây theo kiểu Tam quan với ba cửa vòm, một chính, hai tả- hữu. Trên Thượng lâu của cổng cũ xây năm Thành Thái có ba chữ đại tự “Xuất đông môn”, nay đổi thành “Giang đông môn” (cổng phía Đông làng Giang).
Bước qua cổng làng, con đường vành khuyên sẽ đưa chúng ta đến với các ngõ xóm của làng. Đường làng cổ xưa là đường đất, hai bên đường rào duối, rào tre san sát. Sau dân làng làm con đường lát gạch bằng tiền cheo. Con gái làng đi lấy chồng thiên hạ thì nhà trai phải nộp cheo bằng một đoạn đường gạch, tính bằng tiền. Số tiền này được cho vay lãi, khi nào làng làm đường thì sẵn có tiền đó. Con đường lát gạch đằng trên ở làng đi vào bên tay trái (lư tả) có chiều rộng 1,5 m, vỉa gạch nghiêng do làng và rể thiên hạ tạo nên. Con đường từ cổng làng đi về bên tay phải (lư hữu) được lát gạch năm 1910, có chiều ngang 1,2 m, cũng vỉa gạch nghiêng. Từ đó con đường vành khuyên được hoàn thiện. Đến năm 1987, dân làng lại lát gạch nốt hai bên đường vốn dành cho trâu bò đi và làm rãnh thoát nước. Con đường vành khuyên tuy nhỏ hẹp nhưng sạch sẽ, phong quang, thuận lợi cho việc đi lại luôn là niềm tự hào của người dân Giang Xá (1).
Làng Giang Xá trước đây được chia thành tám xóm : xóm Trong, xóm Quán, xóm Chùa, xóm Đình, xóm Thọ Lão, xóm Vồi, xóm Mả Ranh, xóm Bá. Các xóm này nằm liền kề với nhau.
Xóm Đình nằm ngay sát cổng làng phía Đông, sở dĩ có tên gọi như vậy là vì xóm này nằm gần Đình. Xóm Chùa nằm tiếp sau xóm Đình, cũng như xóm Đình, tên của xóm Chùa được gọi căn cứ vào di tích có trong xóm đó. Từ xóm Chùa có con đường thông ra khu đồng Xúm, đây là xóm tương đối rộng và thưa dân của làng Giang Xá. Xóm Trong nằm ở địa thế cao ráo, đây là xóm hình thành sớm nhất của làng, trước đây trong xóm có một hòn đá rất to bắc ngang qua rãnh nước đầu xóm, được gọi là “hòn đá đìa”. Sau xóm Trong là đến xóm Quán, nằm gần Quán, từ xóm Quán có lối đi ra đường tỉnh lộ 79, từ đây có thể đi sang làng Lưu Xá thuộc xã Đức Giang và đi sang xã Kim Chung tương đối thuận lợi. Qua ngõ dẫn vào xóm Quán khoảng 100 m là đến nơi có cổng làng phía Tây trước đây, đây cũng là nơi hai con đường lư tả và lư hữu gặp nhau. Từ đây cũng có thể đi sang hai thôn Cao Xá Trung, Cao Xá Hạ (xã Đức Giang) rất dễ dàng. Nằm ở cuối lư tả, gần cổng làng phía Tây là xóm Thọ Lão, tên gọi của xóm bắt nguồn từ đâu cho đến nay cũng không ai ở Giang Xá còn nhớ được. Xóm Mả Ranh nằm tiếp sau xóm Thọ Lão, theo sự giải thích của dân làng, xóm Mả Ranh vốn trước đây là nơi chốn cất của những trẻ em không may qua đời sớm. Xóm Vồi có khả năng là gọi chệch từ xóm Đồi mà thành, bởi theo trí nhớ của các cụ cao tuổi, xóm Vồi trước đây vốn là một khu đất cao. Xóm Bá là tên gọi của xóm nơi có những người làm nghề hàng xáo, bởi vì chữ Bá có nghĩa là sàng xẩy.
Ngoài tám xóm chính, còn có một số xóm hình thành sau này do sự phát triển của dân số, các xóm này nằm bên ngoài cổng làng, dọc theo con đường cống mương. Cho đến nay, ở Giang Xá có trên chục xóm, theo quy hoạch hành chính mới, toàn bộ khu dân cư trong làng Giang Xá được chia thành 4 khu. Khu 1 nằm ở khu vực xóm Đình, khu 2 nằm ở khu vực xóm Quán, xóm Thọ Lão và xóm Mả Ranh, khu 3 bao gồm xóm Trong và xóm Chùa, khu 4 nằm ở khu vực xóm Vồi và các xóm ngoài cổng làng.
Ngoài khu vực “làng” như người dân thường gọi, hiện nay còn hình thành một khu “phố” nằm dọc theo con đường quốc lộ 32, nối từ Lai Xá đến thị trấn Phùng. Trên thức tế, đoạn phố này đã có từ rất lâu trước đây với tên gọi là phố Trôi, nhưng chỉ khoảng hơn một chục năm trở lại đây, do nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu cư trú, nhiều hộ gia đình trong làng mới chuyển ra đây sinh sống và làm ăn. Phố Trôi hiện nay được chia thành ba khu là các khu 5, 6, 7. Theo chính quyền địa phương ở đây cho biết, đa số những người sống trên đoạn phố này đều có gốc gác, gia đình ở trong làng, họ chỉ chuyển ra phố để làm ăn buôn bán, còn mọi hoạt động khác đều tập trung trong làng, thậm chí có nhiều người ban ngày làm ăn ngoài phố, tối lại về nhà ở trong làng.
Dạo quanh Giang Xá, chúng ta sẽ cảm nhận thấy sự thay đổi đang từng ngày diễn ra ở đây. Hệ thống điện đã đem ánh sáng đến cho từng hộ gia đình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Những con đường giao thông cũng được chú trọng xây dựng và cải tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu giữa Giang Xá và các làng xung quanh. Sự đổi thay của Giang Xá còn thể hiện trong việc xây dựng nhà cửa của người dân ở đây. Đến Giang Xá ngày nay, bên cạnh những ngôi nhà gỗ mái ngói cổ truyền, ta có thể bắt gặp những ngôi nhà nhiều tầng được xây rất kiên cố theo kiểu dáng hiện đại. Tuy nhiên điều đặc biệt thú vị ở Giang Xá, đó là xu hướng trở về với truyền thống, rất nhiều các gia đình khi có điều kiện xây dựng nhà mới lại chọn xây những ngôi nhà gỗ 5 gian hay 3 gian theo kiến trúc dân gian cổ truyền. Những ngôi nhà gỗ vẫn ngày ngày mọc lên, hài hoà trong khung cảnh của vườn cây, của ngõ xóm, của đường làng. Sự tồn tại đồng thời của nhiều loại hình nhà cửa, cả truyền thống và hiện đại, đã chứng tỏ sự phát triển mới trong đời sống của người dân nơi đây cũng như ý thức kế thừa và bảo lưu các giá trị văn hoá quý giá mà ông cha ta đã để lại.
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Lịch sử hình thành làng Giang Xá gắn liền với quá trình khai phá vùng đất ven sông của người Việt. Trước khi có đập Đáy, sông Đáy có tên là Hát Giang, một phân lưu bên bờ phải của sông Hồng. Sông Hát chảy dọc theo phía Tây xuống Đông Nam của huyện Hà Tây trên một đoạn dài 28 km (25,19). Ngã ba nơi con sông Hồng phân lưu thành sông Hát được gọi là ngã ba Hát. Ngã ba Hát là tụ điểm thứ hai sau ngã ba Hạc, tương truyền là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng. Trước khi người Pháp cho xây đập Đáy (năm 1930) tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (cách Giang Xá khoảng 5 km), vào mùa lũ, nước sông Hồng và sông Đáy dâng cao, tràn ngập và hoà vào nhau tạo thành một biển nước mênh mông. Chính vì vậy, cả vùng dọc hai bên con sông Hồng và sông Đáy thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức rơi vào cảnh ngập lụt, lầy lội. Theo cách giải thích của các cụ thì đây chính là lý do mà nhiều làng ở vùng này có tên Nôm là Trôi như Trôi Canh, Trối Gối, Trôi Sấu Giá, Trôi Phùng, Trôi Đăm… Riêng làng Giang Xá có tên Nôm là Trôi Giang.
Làng Giang Xá là tên gọi chính thức được ghi trong sách vở nhưng cho đến nay, theo các cụ trong làng thì việc giải thích nguồn gốc của tên gọi này còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, tên gọi Giang Xá xuất phát từ vị trí của làng, Giang là sông, Xá là làng, Giang Xá là làng ven sông. Thật sự là trước đây ở phía Tây của làng, trước mặt ngôi đền có một dòng sông nhỏ mà người dân vẫn quen gọi là “tiểu giang biên”. Theo các cụ kể lại thì đây chính là một nhánh của Hát giang. Trải qua thời gian, dòng sông này bị lấp dần. Tuy nhiên cho đến nay, dấu tích của nó vẫn còn lại ở một dòng nước chảy- nơi có cây cầu đá bắc qua mà sách vở ghi lại là Cầu Thần và một cái giếng vuông trước của đền. Người khác lại cho rằng làng Giang Xá là tên gọi để chỉ nơi cư trú của dòng họ Giang. Trên thực tế, ở Giang Xá có dòng họ Giang, tuy nhiên dòng họ này cư trú ở đây từ khi nào, có phải là những người đầu tiên khai phá, lập nên làng Giang Xá hay không thì cũng chưa có