Ănghen đã từng nói: "Lao động là yếu tố tất yếu quyết định sự chuyển hoá biến vượn thành người chứ không phải sự thay đổi của môi trường hoàn cảnh. Mà trong lao động thì công cụ lao động đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Không những thế, công cụ lao động quyết định trình độ của xã hội, của đất nước. Tác động mạnh mẽ nên nền kinh tế.
13 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1423 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Vai trò của công cụ lao động trong một cơ sở sản xuất "than tổ ong" của Bà Phan Thị Lễ - Văn Chương - Khâm Thiên - Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Ănghen đã từng nói: "Lao động là yếu tố tất yếu quyết định sự chuyển hoá biến vượn thành người chứ không phải sự thay đổi của môi trường hoàn cảnh. Mà trong lao động thì công cụ lao động đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Không những thế, công cụ lao động quyết định trình độ của xã hội, của đất nước. Tác động mạnh mẽ nên nền kinh tế.
Vì vậy việc nghiên cứu vai trò của công cụ lao động cho ta một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về sự phát triển, tầm quan trọng của nó đối với xã hội loài người.
Trong bài viết này chắc chắn không thể không mắc những khuyết điểm, hạn chế cũng như chưa thể hiện được tính logic trong việc trình bày tiểu luận về kinh tế chính trị. Bởi vậy em mong nhận được sự góp ý, sửa chữa và bổ sung của thầy cô để bài viết được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
PHẦN I: CÔNG CỤ LAO ĐỘNG RA ĐỜI VÀ GẮN LIỀN CÙNG
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LOÀI NGƯỜI
1. Định nghĩa công cụ lao động
Công cụ lao động là một bộ phận quan trọng nhất của tư liệu lao động. Nó thay bàn tay con người trực tiếp tác động vào vật chất vào đối tượng lao động. Trình độ công cụ lao động cho thấy sự khác nhau giữa các thời kỳ kinh tế.
2. Công cụ lao động gắn liền cùng sự phát triển của loài người
Khoa học lịch sử mác xit đã chứng minh loài người chúng ta có nguồn gốc là loài vượn cao cấp. Giống vượn này sống trong các vùng nhiệt đới vào cuối thế kỷ đệ tam (cách đây vài chục triệu năm). Thông qua quá trình đấu tranh lâu dài với thiên nhiên, thông qua lao động sáng tạo chúng ngày càng phát triển và dần tự biến đổi bản thân để trở thành một giống mới, một loài mới: "Loài người".
Thuở ban đầu khai sinh con người nguyên thuỷ chỉ biết sử dụng cây gậy, hòn đá có sẵn trong thiên nhiên để kiếm ăn tự vệ. Hành động đó chưa phải là lao động thực sự. Cây gậy và hòn đá chưa phải là công cụ lao động. Nhưng dù sao điều đó cũng chứng minh rằng người nguyên thuỷ đã nhận thức được phần nào công dụng thuộc tính của khí cụ mà họ cầm trong tay. Dần dần với bộ óc, trí khôn phát triển họ đã có thể tạo ra thêm những vật bằng đá, gỗ, xương… hay kết hợp chúng với nhau để tạo ra những chiếc rỉu, con dao, giáo mác, đá. Và đó chính là những công cụ lao động thuở ban đầu. Chính lúc này đây khả năng của con người nguyên thuỷ đã được bộc lộ. Họ biết chế tác ra những công cụ phục vụ cho cuộc sống, chống lại thú dữ…
Trải qua 6,9 triệu năm của thời kỳ đồ đá cũ, kinh nghiệm sống của họ được nâng cao hơn, họ nhận ra rằng những hòn đá sắc, nhọn có thể giúp cho công việc của họ tốt hơn nhiều so với những viên đá sần sùi, thô kệch. Nên họ đã đẽo gọt, cải tiến nó sao cho thật sắc, thật bén, thật nhọn. Lịch sử loài người đã bắt đầu bước sang một trang mới. Chính nhờ có công cụ tốt hơn đó mà lãnh thổ của loài người mở rộng ra thêm. Từ việc sống chui rúc trong hang, lỗ mà họ đã có thể xây dựng nhà cửa, vườn trại. Năng suất lao động cũng tăng lên một cách đáng kể. Từ việc hái lượm hoa quả có sẵn trong thiên nhiên dần dần con người biết được cách tự trồng trọt trong thiên nhiên dần dần con người biết được cách tự trồng trọt lấy các thứ cây công nghiệp. Nghề nông nguyên thủy xuất hiện. Nhờ đó, thức ăn của con người được đảm bảo hơn. Ngoài ra, họ còn chế tạo ra cung nỏ cũng là một bước ngoặt quan trọng trong việc cải tiến công cụ sản xuất. Cung tên, nỏ giúp cho nghề săn bắn phát triển, thú vật săn bắt về được nhiều thì dần dần nảy sinh ra nghề chăn nuôi nguyên thuỷ. Từ đây, con người có được thức ăn bằng thịt thường xuyên hơn. Sau này, họ còn biết dùng súc vật làm sức kéo trong nông nghiệp.
Việc phát hiện ra lửa trong thiên nhiên và biết được cách lấy lửa có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Lửa dùng để nấu chín thức ăn, do đó ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cơ thể con người. Lửa lại dùng để chế tạo ra công cụ sản xuất, đốt rừng, phá rẫy, chống thú dữ, giá rét. Lửa giúp cho con người chuyển dần đến sống ở những vùng khí hậu lạnh hơn, những vùng lưu vực các con sông. Như vậy nhờ có lửa mà co người nguyên thuỷ tách hẳn khỏi thế giới động vật. Nhưng lực lượng sản xuất xã hội nguyên thuỷ đạt tới điểm cao nhất khi mà có người dùng lửa để luyện quặng, trước nhất là đồng (thời đại đồ đồng), rồi đến sắt (thời đại đồ sắt) tạo ra những công cụ hoàn hảo hơn đồng thời nó cũng làm cho năng suất lao động tăng lên, đưa lực lượng sản xuất phát triển tới một giai đoạn mới, cao hơn. Trước kia, khi trồng trọt bằng cây gậy nhọn thì phải hàng chục người làm mới được. Nhờ có công cụ bằng kim khí (cày, cuốc, dao… bằng đồng, sắt), lại biết dùng súc vật kéo nên mỗi gia đình đã có thể tự cày cấy riêng một mảnh. Và lao động chung, tập thể không còn cần thiết nữa. Công cụ được cải tiến thì thúc đẩy nghề nông, chăn nuôi phát triển hơn. Tình hình đó dẫn đến sự phân công lao động xã hội lớn đầu tiên: nghề chăn nuôi tách khỏi nghề nông từ đó hình thành nên những bộ lạc chuyên chăn nuôi, chuyên trồng trọt. Bên cạnh đó các nghề thủ công cũng rất phát triển: nghề dệt, nghề rèn, nghề làm đồ gốm… Đến lượt các nghề thủ công tách khỏi nghề nông. Đó là sự phân công lao động xã hội lớn thứ hai. Qua hai lần phân công lao động xã hội năng suất lao động được tăng lên rõ rệt, người ta không chỉ sản xuất ra đủ ăn mà còn có thêm những sản phẩm dư thừa. Điều này đã tạo nên một xã hội mới, lần đầu tiên trong lịch sử xã hội bị phân chia thành hai gia cấp: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột.
Thời gian như thúc đẩy sự tiến hoá, phát triển của xã hội loài người. Xã hội ngày càng phát triển thì con người cũng ngày càng tiến bộ. Họ trở nên thông minh hơn, mạnh mẽ hơn… rồi kéo theo sự phát triển song hành của công cụ lao động. Con người ngày càng phát minh ra nhiều thứ phục vụ cho cuộc sống mà chủ yếu là công cụ để phục vụ cho việc sản xuất. Trình độ phát triển của xã hội càng cao thì công cụ lao động được tạo ra ngày càng tinh xảo, hoàn mỹ. Máy móc do con người tạo ra có thể thay thế nhiều công nhân, lại tạo ra năng suất cao hơn (thời kỳ tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội) thu được lợi nhuận cao. Do đó, mà con người luôn tìm cách phát triển công cụ lao động nhằm thúc đẩy sản xuất, rút ngắn công đoạn và thời gian tạo ra sản phẩm.
Tóm lại quá trình phát triển công cụ lao động luôn gắn liền cùng sự phát triển của loài người. Ban đầu, con người là người chế tạo ra nó rồi chính nó làm cho con người thoát khỏi cuộc sống hoang dã của thú vật.
3. Công cụ lao động có tác dụng, ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng
Như chúng ta đã biết, công cụ lao động quyết định trình độ của xã hội, của một đất nước. Tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Điều này đã được thực tế chứng minh rất rõ ràng. Việt Nam chúng ta là một minh chứng cụ thể.
Trong hơn thập kỷ chịu sự đô hộ của thực dân Pháp và bọn tay sai đồng minh, kinh tế Việt Nam luôn bị kìm hãm, chìm đắm trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu, nhân dân Việt Nam phải sống trong cảnh nô lệ và nghèo đói. Đến năm 1945, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu và manh mún. Những ngành sản xuất công nghiệp thì nhỏ bé, què quặt. Cả nước chỉ có vài trăm nhà máy, xí nghiệp nhỏ với trang bị cũ kỹ mà phần lớn là khai thác mỏ. Công nghiệp không có các cơ sở luyện kim, chế tạo máy móc, hoá chất. Hay ngành sản xuất hàng tiêu dùng cũng chỉ có một số nhà máy: đường, rượu, xay xát, lương thực, vải giấy mà lại là những cơ sở ít vốn đầu tư, tận dụng được tài nguyên có sẵn, lao động rẻ mạt. Cho đến ngày nước ta giành được độc lập thì nền kinh tế vẫn còn chậm phát triển. Các máy móc, công xưởng mà thế hệ trước để lại đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu so với ngành nghề của nước ngoài.
Nhưng trong những năm trở lại đây, nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, điều này có được một phần là nhờ chính sách mở cửa ta cho nước ngoài đầu tư vốn vào Việt Nam. Qua đó chúng ta cũng nhập thêm những máy móc tân tiến để thay thế cho bộ máy cũ kỹ lạc hậu kia. Nhờ có máy móc tân tiên hiện đại mà nước ta đã từ một nước nghèo, lạc hậu, nền kinh tế nông nghiệp (trong những năm 1938-1939 tỷ trọng công nghiệp chiếm 10% trong giá trị tổng sản lượng nông - công nghiệp) để trở thành một nước đang phát triển, một nước tiên tiến.
Không chỉ có Việt Nam mà ngay trên thế giới cũng có rất nhiều nước từng bị coi là chậm phát triển nhưng qua thời gia họ đã cố gắng đưa nước mình trở thành cường quốc. Đó là Hàn Quốc.
Hàn Quốc cũng là một nước được đánh giá là phát triển khá nhanh. Thành công đó được thể hiện ở nhiều mặt: kết cấu kinh tế thay đổi, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Hàn Quốc dã thoát khỏi tình cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Bình quân thu nhập đầu người tăng từ 87 đô la/năm sau chiến tranh lên 7000 đô la/năm, vào những năm gần đây uy tín của Hàn Quốc ngày một tăng lên trên trường thế giới, Hàn Quốc không những được thừa nhận là nước đứng hàng đầu các nước tư bản phát triển. Họ luôn coi trọng việc phát triển các ngành công nghiệp nặng, hoá chất và các ngành công nghiệp điện tử, khoa học trình độ cao. Vì vậy mà từ năm 1977 đến năm 1979, Chính phủ Hàn Quốc đã đổ một khối lượng đầu tư lớn tới 2806 tỷ won vào các dự án với quy mô lớn cho công nghiệp nặng và hoá chất. Năm 1988 các công ty Hàn Quốc đã nhập 353 loại thiết bị hiện đại nhất nhiều gấp 1,5 lần so với thời kỳ trước. Trong đó 181 loại từ Nhật, 90 từ Mỹ, 46 từ Tây Âu. Nhập khẩu các nhà máy thiết bị toàn bộ sử dụng rô bốt và kỹ thuật điện tử, vi điện tử cũng tăng (họ nhập tới 36 xí nghiệp loại này nhiều gấp 3 lần so với năm trước). Không những thế, để hấp thu các kỹ thuật công nghệ, Hàn Quốc đã xây dựng nhiều Viện nghiên cứu, Viện kỹ thuật chuyên ngành để tự túc các công nghệ hiện đại, giảm bớt khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến. Đó chính là những bước thay đổi lớn để đưa Hàn Quốc từ một nước kém phát triển trở thành một nước phát triển sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
PHẦN II: ỨNG DỤNG THỰC TIỄN
Vai trò của công cụ lao động trong một cơ sở sản xuất "than tổ ong" của Bà Phan Thị Lễ - Văn Chương - Khâm Thiên - Hà Nội.
1. Sự ra đời
Trong những năm đầu của thập niên 90, chất đốt phục vụ cho cuộc sống người dân đất Hà thành chủ yếu là củi, dầu (giá thành còn chưa phù hợp với túi tiền người dân), những chất khô, dễ cháy… thậm chí còn dùng điện để đun nấu trong thời kỳ khan hiếm đó. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ một ngành nghề mới mẻ đã ra đời. Ngành sản xuất "than tổ ong".
2. Quá trình phát triển của xưởng than bà Phan Thị Lễ từ ngày đầu thành lập cho đến nay
Chạy theo nhu cầu của xã hội và tận dụng những lao động dư thừa trong gia đình nên bà Phan Thị Lễ đã quyết định thành lập nên một xưởng sản xuất với quy mô nhỏ. Những ngày đầu thành lập, xưởng đã gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự, đầu vào và đầu ra. Trong xưởng sản xuất chỉ có 7 người (3 người là thợ đóng than và 4 người chuyên bán hàng cho các hộ gia đình). Họ vừa phải tạo phôi vừa phải đóng. Trong quá trình tạo phôi họ luôn phải cân nhắc, đóng đếm các thúng than rồi tập hợp những loại than như: than cám, than bùn... trộn đều tạo ra phôi. Nhưng trong quá trình họ phải trộn sao cho thật đều, sao cho không được khô quá, hay ướt quá. Rồi sau đó mới cho vào khuôn để tạo nên những viên than. Vì công cụ lúc đó còn quá thô sơ và lại phải làm trực tiếp bằng tay nên một ngày người thợ giỏi chỉ tạo ra, sản xuất ra khoảng 1000 đến 1500 viên mà thôi. Mà điều đáng nói là than sản xuất ban đầu còn rất ướt và cần phải qua quá trình hong khô, sấy khô rồi mới vận chuyển đem đi bán được. Đó là chính là một khâu quan trọng trong sản xuất. Khi mà nhu cầu xã hội ngày càng tăng "nhân khẩu" của xí nghiệp cũng tăng lên. Lúc này xưởng đã có 27 người gồm 7 thợ đóng, 20 thợ chạy (người vân chuyển hàng đến bán cho các hộ gia đình). Tay nghề của thợ đóng cũng tăng lên đáng kể, cũng với công cụ cũ họ đã có thể đóng được 1500 đến 2000 viên trung bình mỗi ngày. Trong một phút họ có thể đóng được từ 5 đến 8 viên (ban đầu một người thợ chỉ tạo ra được 3 - 4 viên trong 1 phút mà thôi). Khối lượng than viên ngày càng nhiều vì vậy mà cần phải tập trung lại hong khô. Quá trình đó mất rất nhiều thời gian, thường thì nó kéo dài từ 12 tiếng đồng hồ đến 1 ngày. Thậm chí những hôm mưa, quá trình sản xuất phải ngưng lại, hoặc nếu có đóng thì họ lại phải quây chúng lại thành những lò, dùng nhiệt để làm khô chúng (quá trình đó người ta gọi là "sấy than").
Cuộc cách mạng mới trong ngành than xảy ra. Cuối năm 1999 đầu năm 2000, một người tên Phong (sống tại 223c đường Đê La Thành) đã chế tạo ra một chiếc máy đóng than bằng phôi khôi thông qua máy trộn than. Năng suất của máy rất đáng kể. Trong vòng 1 phút máy cho ra từ 30 viên đến 36 viên tuỳ theo con chạy của mỗi máy lắp đặt (trong khi với công cụ cũ trong 1 phút chỉ tạo ra khoảng 6 đến 8 viên mà thôi). Mà giá thành của nó cũng phù hợp từ 55 đến 60 triệu.
Chính vì vậy mà hầu hết các xưởng sản xuất than đều thay dần công cụ từ thô sơ sang máy móc. Nhờ có máy móc mà công việc thực hiện cũng được rút ngắn (quá trình sản xuất được rút ngắn). Cũng với chỉ 7 công nhân chuyên trộn và đóng mà phôi tạo ra được khô hơn. Khi mà chỉ cần cho các loại than vào trong máy và trộn. Máy sẽ cho ra loại phôi khô để phục vụ cho việc đóng dễ dàng hơn. Khi phôi được cho vào máy thì viên than tạo ra không phải là những viên than ướt như ngày xưa mà là những viên than khô, không phải đem sấy như ngày xưa nữa. Có thể vận chuyển ngay chúng ra thị trường bán được.
Dưới tác động của máy móc, quy mô của xưởng ngày càng mở rộng, ngày càng được nâng cao. Trong một ngày máy có thể cho ra khoảng từ 3 vạn đến 4 vạn than. Khối lượng người tham gia lưu thông vận chuyển than ra thị trường tăng lên. Ban đầu chỉ cần có khoảng 20 người để vận chuyển mà nay phải cần đến 50, 60 người mới có thể lưu thông hết được số than đóng ra thị trường.
Qua thực tế trên mà chúng ta có thể thấy được rằng công cụ lao động đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất. Công cụ lao động càng tinh xảo thì năng suất lao động cũng ngày càng tăng. Đồng thời nó cũng đóng góp lớn vào quá trình phát triển của xã hội, nó đáp ứng nhu cầu của xã hội một cách thoả đáng.
TỔNG KẾT
Để có một nền kinh tế phát triển như ngày nay với máy móc, thiết bị hiện đại phuc vụ cho lao động sản xuất, cho cuộc sống của con người. Thì công cụ lao động đã phải trải qua biết bao thời kỳ và càng chứng minh cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của nó trong sản xuất, trong sự phát triển của xã hội loài người.
MỤC LỤC
Lời nói đầu 1
Phần I: Công cụ lao động ra đời và gắn liền với sự phát triển của loài người 2
1. Định nghĩa công cụ lao động 2
2. Công cụ lao động gắn liền cùng sự phát triển của loài người 2
3. Công cụ lao động có tác dụng ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung 4
Phần II: Ứng dụng thực tiễn 7
1. Sự ra đời 7
2. Quá trình phát triển của xưởng than bà Phan Thị Lễ từ ngày thành lập cho đến nay 7
Tổng kết 10
Tài liệu tham khảo 11
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Kinh tế học phổ thông - Trần Phương
Kinh tế nguyên thuỷ ở Việt Nam - Đặng Phong
Hàn Quốc: Nền công nghề trẻ trỗi dạy - Vũ Đăng Hinh
Kinh tế Việt Nam chặng đường 1945-1995 và triển vọng đến năm 2020.