Đề tài Xác định tần suất HBsAg(+) và một số yếu tố liên quan trên bà mẹ mang thai tại tỉnh Bạc Liêu từ 09/03/2003 đến 30/08/2003
VGSV B vẫn còn là một vấn đề quan trọng của cộng đồng. Hiện nay, hai tỉ người trên thế giới đã nhiễm SVVG B, trong đó khoảng 400 triệu người trở thành người mang SVVG B mạn tính. Bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư tế bào gan trong số khoảng 15%-40% trường hợp nhiễm bệnh. Mỗi năm trên thế giới có trên một triệu người chết vì biến chứng này. Ở những người nhiễm SVVG B mạn, nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 200 lần những người không bị nhiễm[20,53]. Tần suất HBsAg(+) thay đổi rộng khắp trên thế giới tùy vào tuổi và phương thức lây truyền ngang hay dọc. Ba phần tư dân số trên thế giới phần lớn là Châu Á sống ở vùng dịch tễ cao với tần suất HBsAg(+) ≥ 8%. Dân số còn lại sống ở vùng dịch tễ trung bình có tần suất HBsAg(+) dao động từ 2% đến 7% và vùng dịch tễ thấp có tần suất HBsAg(+) dưới 2%. Tần suất HBsAg(+) trên bà mẹ mang thai tại Pháp là 0,75%, tại Mêhicô là 1,65%, tại Mali là 15,5% [50,26,48]. Đông Nam Á là vùng dịch tễ lưu hành cao của VGSV B với tỉ lệ nhiễm từ 6,5% – 16,5% trong đó nhiễm chu sinh là kiểu lây truyền chiếm ưu thế [46]. Ơ Phi-lip-pin, tỉ lệ nhiễm SVVG B trên bà mẹ mang thai là 9,2%; ở Việt Nam, tỉ lệ này là 6,5%-12,7%[1,5,12,13,15,46]. Những người nhiễm SVVG B mạn ít khi có biểu hiện lâm sàng rõ rệt nhưng vẫn có thể truyền cho người khác, đặc biệt là con của các bà mẹ có mang HBsAg. Khả năng lây truyền SVVG B sang con của các bà mẹ có HBsAg(+) đơn thuần là 20%, khả năng này tăng cao hơn khi có kèm HBeAg(+) là 95,6%[2]. VGSV B có thể xảy ra bất kì giai đoạn nào của quá trình mang thai nhưng thường nhất vào tam cá nguyệt thứ 3. Hậu quả của bệnh trên thai kì có thể là sẩy thai, sanh non, thai chết trong tử cung[7,50]. Đối với trẻ < 1 tuổi khi nhiễm SVVG B nguy cơ chuyển sang mạn tính >90%[24]. Khoảng 25% những trẻ sơ sinh nhiễm SVVG B khi đến tuổi trưởng thành sẽ chết vì xơ gan và ung thư gan gây thiệt hại nặng cho gia đình và xã hội[49]. Từ năm 1991, các tổ chức cố vấn toàn cầu về chương trình tiêm chủng mở rộng của TCYTTG kêu gọi các nước tiêm vacxin phòng bệnh VGSV B. Đến năm 2002, một phần hai các nước trên thế giới gồm 215 quốc gia áp dụng chương trình này[41], Việt Nam cũng đã áp dụng từ năm 1997. Hiệu quả bảo vệ của vacxin đơn thuần cho trẻ được sanh từ những bà mẹ có HBsAg (+) là 75%, nếu phối hợp vacxin và globulin miễn dịch chống VGSV B thì tỉ lệ bảo vệ lên đến 94% cho những trẻ là con các bà mẹ có HBsAg(+) và HBeAg(+), nếu bé được chủng vacxin ngừa VGSV B sớm ngay sau sanh hoặc không quá 24 giờ đầu và tiếp theo lịch tiêm chủng 1, 2, 12[20]. Bạc Liêu là một tỉnh ở vùng bán đảo Cà Mau, mới được tái lập 6 năm, có tổng diện tích tự nhiên là 2.842 km. Dân số chung : 774.395 người. Tỉ suất sinh : 18,25‰. Tỉ lệ phát triển dân số là 13,2‰. Số phụ nữ có thai được quản lí tại tỉnh là 11.832. Địa bàn tiếp giáp với nhiều tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, phía Đông Nam giáp với biển Đông. Bộ phận hành chánh gồm 5 huyện; 1 thị xã; 55 xã/phường/thị trấn và 494 khóm ấp. Giao thông nông thôn chủ yếu bằng đường thủy, lộ và những con lộ nhỏ chỉ dành cho xe hai bánh, rất khó khăn cho việc đi lại vào mùa mưa nhất là việc chuyển bệnh nhân. Do đặc thù của vùng bán đảo Cà Mau, dân cư sống theo bờ kênh rạch chằng chịt, có 3 dân tộc chính: Kinh, Hoa và Khơ-me, nghề nghiệp chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, số ít sống nghề tiểu thủ công nghiệp và mua bán nhỏ. Những năm gần đây trong tình hình đô thị hóa nông thôn, Bạc Liêu đã trở thành một trong những nơi mới tái lập nên việc đô thị hóa nông thôn đã và đang đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Song song với quá trình đô thị hóa nông thôn, Bạc Liêu còn một số khó khăn: tình hình y tế chưa cải thiện tốt còn tỉ lệ mắc bệnh lây lan cao: bệnh lao, viêm não, sốt rét ; bệnh phụ khoa: viêm cổ tử cung, viêm phần phụ. Trình độ dân trí còn thấp, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai, thai nhi và trẻ em còn nhiều hạn chế. Chiến lược đưa tiêm phòng VGSV B vào chương trình TCMR mới được Bạc Liêu triển khai từ năm 2002 cho 2 huyện Phước Long, Vĩnh Lợi. Đến năm 2003, chương trình này mới được áp dụng cho toàn tỉnh. Người dân Bạc Liêu cũng chưa tiếp cận thông tin về tiêm ngừa vacxin này cho trẻ [17]. Trên cơ sở đó cùng với hậu quả VGSV B trên thai kì và cho trẻ sau này, chúng tôi cùng các cán bộ y tế tại tỉnh Bạc Liêu khảo sát tình hình nhiễm SVVG B tại tỉnh Bạc Liêu nhằm phát hiện ra những bà mẹ mang thai có HBsAg(+) và HBeAg(+) trên những bà mẹ mang thai có HBsAg(+) từ đó đề xuất chương trình quản lý chặt chẽ con của những bà mẹ này ngay sau khi sanh góp phần giảm tỉ lệ viêm gan B mạn và ngăn ngừa hậu quả của bệnh. Bên cạnh đó có kế hoạch tư vấn bà mẹ mang thai có HBsAg(+) và chồng của họ để ngăn ngừa sự lây nhiễm cho những thành viên trong gia đình của người nhiễm bệnh, cho cộng đồng