Đồ án Nghiên cứu đa dạng dạng di truyền nguồn gen bông (Gossypium L.) sử dụng chỉ thị phân tử SSR

Được trồng rộng rãi ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, cây bông (Gossypium L.) là loại cây trồng lấy sợi tự nhiên hàng đầu và quan trọng nhất. Hàng năm ngành công nghiệp dệt đã đóng góp vào nền kinh tế khoảng 500 tỉ USD với việc sử dụng khoảng 115 triệu kiện bông xơ [14]. Cùng với nhận thức về vấn đề chăm sóc sức khỏe và mức sống phát triển, con người quay trở lại sử dụng sợi bông thay cho sợi nhân tạo (sợi bông có những lợi thế như vốn thấp, năng suất cao, độ thấm, độ thoáng, giữ nhiệt tốt và không tĩnh điện) làm cho nhu cầu cung cấp sợi bông ngày càng tăng. Việt Nam là một trong những nước có ngành công nghiệp dệt may phát triển, sản phẩm dệt may chiếm tới 4,8% cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp [7]. Năm 2007, dệt may vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu, vượt qua cả dầu thô [8], chính vì vậy cây bông (Gossypium L.) cũng là cây trồng được chú trọng. Nhưng do nhiều khó khăn (sâu bệnh, chi phí sản xuất cao.), thực trạng sản xuất bông vải ở Việt Nam ngày càng giảm, năm 2005 diện tích bông của cả nước là 27.996 ha với tổng sản lượng 32.615 tấn, năm 2006 diện tích giảm xuống còn 20.900 ha với sản lượng 28.600 tấn [29]. Năm 2007 trong tổng số 220.000 tấn bông nguyên liệu, Việt Nam phải nhập trên 95% từ các nước Mỹ, Ấn Độ, Tây Phi, Uzebekistan. Theo quyết định phê duyệt chương trình Phát triển cây bông vải Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu đến năm 2015 diện tích trồng bông nước ta cần đạt 30.000 ha, năng suất bình quân 1.5 tấn/ha, sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn, định hướng đến năm 2020 diện tích đạt 76.000 ha, năng suất bình quân 2 tấn/ha, sản lượng bông xơ đạt 60.000 tấn, để cung cấp nguyên liệu bông xơ cho sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển ổn định [9]. Muốn mở rộng được diện tích trồng bông cần phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trồng và quan trọng nhất là phải có giống tốt. Các giống bông hiện nay ở Việt Nam chủ yếu chọn tạo bằng phương pháp truyền thống (một số giống bông do Viện nghiên cứu Bông và PTNN Nha Hố chọn tạo đã được công nhận là giống quốc gia và đưa vào phổ biến trong sản xuất, gồm có các giống bông lai: L18, VN20, VN15, VN01-2, VN01-4, GL03 và các giống bông Luồi: TH1, TH2, M45610, TM1, MCU9, LRA5166, D162, C118). Tuy nhiên phương pháp chọn tạo giống truyền thống có hạn chế là rất khó đáp ứng được mục tiêu cải tiến đồng thời cả năng suất, chất lượng sợi và sức chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của môi trường [17]. Sự phát triển gần đây của di truyền phân tử đã giúp cho các nhà chọn giống tiếp cận nhanh chóng và chính xác để phối hợp với chọn lọc truyền thống, giúp khắc phục nhược điểm của phương pháp này. Chỉ thị phân tử là công cụ hữu hiệu, được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu đa dạng di truyền và khoảng cách di truyền. Nghiên cứu tính đa dạng di truyền đóng vai trò rất quan trọng, thông qua phân tích đa dạng có thể chọn tạo được những cặp bố mẹ lai thích hợp trong chọn tạo giống cây trồng [3]. Van Esbroeck and Bowman (1998) chỉ ra rằng đa dạng di truyền đảm bảo sản xuất chống lại bệnh cây và loài gây hại, do đó có thể thấy được lợi ích của gen di truyền trong tương lai [13]. Cho đến nay chỉ thị ADN tiềm năng cho những chương trình chọn giống bông nhờ chỉ thị phân tử (MAS) đã trợ giúp rất nhiều cho việc chọn tạo được những giống bông có năng suất cao, chất lượng tốt [27]. Đối với cây bông, hiện nay đã có số lượng rất lớn các chỉ thị SSR được phát hiện tại nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới và được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu các chỉ thị bông (Cotton Marker Database-CDM), cung cấp nguồn chỉ thị phong phú cho các nhà nghiên cứu [12]. Đây chính là thuận lợi để chúng tôi thực hiện đề tài: "Nghiên cứu đa dạng dạng di truyền nguồn gen bông (Gossypium L.) sử dụng chỉ thị phân tử SSR" Đề tài nghiên cứu này là một nội dung nghiên cứu của đề tài thuộc chương trình Công nghệ sinh học cấp Nhà nước "Nghiên cứu áp dụng chỉ thị phân tử để chọn tạo giống bông có chất lượng xơ tốt".

doc60 trang | Chia sẻ: oanhnt | Lượt xem: 1492 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đồ án Nghiên cứu đa dạng dạng di truyền nguồn gen bông (Gossypium L.) sử dụng chỉ thị phân tử SSR, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docĐồ án - Tùng.doc
  • docbìa đồ án.doc
  • docdanh mục bảng và hình.doc
  • doclời cảm ơn.doc
  • docmục lục.doc
  • doctừ viết tắt.doc
Tài liệu liên quan