Karl Gustave Jung và lý thuyết "Vô thức tập thể"

K.G. Jung (1875-1961) là nhà tâm lý học vĩ đại người Thuỵ sĩ theo trường phái phân tâm học. Từ năm 1913, khi công bố các tác phẩm: Biến thái và tượng trung của Libido, Tâm lý học vô thức ... Ông từ bỏ chức Chủ tịch Hội phân tâm học thế giới và kiên trì nghiên cứu lĩnh vực vô thức trong tâm lý học theo con đường của mình và đặt nền móng cho một trường phái nghiên cứu mới là Tâm phân học với chủ nghĩa Jung (Jungisme). Jung cho rằng cái bản ngã vô thức chỉ là một bộ phận vô thức, gọi là vô thức cá thể, là lớp mỏng nằm ngay dưới ý thức. Còn có một tầng sâu hơn nữa của vô thức, đó là vô thức tập thể, và đây cũng là thành công nghiên cứu của ông, khiến cho ông khác với Freud. Vô thức tập thể là tất cả những tập hợp kinh nghiệm của lịch sử loài người, có được trong tiến trình manh nha hình thành tâm lý toàn nhân loại. Nội dung cơ bản các yếu tố ban đầu này được thể hiện trong các cỗ mẫu (archetype) tức những hoàn cảnh và yếu tố điển hình mà con người đã từng trải qua, in đậm dấu trong tâm lý loài.

doc7 trang | Chia sẻ: candy98 | Lượt xem: 1101 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Karl Gustave Jung và lý thuyết "Vô thức tập thể", để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 19, 2003 KARL GUSTAVE JUNG VÀ LÝ THUYẾT "VÔ THỨC TẬP THỂ" Lê Nam Hải Trung tâm Đào tạo Từ xa, Đại học Huế K.G. Jung (1875-1961) sinh ra trong một gia đình bố là mục sư gốc Đức, mẹ không may bị chứng bệnh thần kinh tại một làng quê tươi đẹp bên hồ Konstanz, nước Thụy Sĩ. Thật ra trên ông còn có hai người anh, nhưng đã chết yểu. Năm 1902 ông đạt học vị Tiến sĩ Y khoa với luận án: Bàn về Tâm lý học và Bệnh lý học của những hiện tượng thần bí, sau khi bảo vệ, ông được mời làm giảng viên cao cấp về môn bệnh tâm thần học ở Đại học Bazel. Từ năm 1909, ông mở phòng tư vấn về "Tâm lý học phân tích" và giảng dạy môn Tâm thần học tại Trường Đại học Zurich cho tới năm 1913. Thời thanh niên, Karl Gustave Jung rất sùng bái S.Freud, đặc biệt tác phẩm Giải mộng xuất bản từ 1900. Từ 1902, Jung đã dẫn S. Freud trong một bài viết của mình và cố gắng áp dụng những tư tưởng của Freud. Quan hệ giữa Freud và Jung đặc biệt tốt đẹp tới năm 1912. Năm 1912, Jung công bố các tác phẩm như: Biến thái và tượng trưng của Libido, Tâm lý học vô thức... bày tỏ các kiến giải riêng của mình. K.G.Jung đã chia tay với S. Freud năm 1913 và khởi thủy của chuyện bất đồng chỉ xoay quanh vai trò của bản năng tính dục (Libido). Jung rất tán thành, thậm chí suốt đời trung thành với lý thuyết (vô thức) của Freud, nhưng ông kiên quyết phản đối trong vô thức chỉ có bản năng tính dục. Hay nói một cách khác, nếu S. Freud cho libido chỉ là bản năng tính dục, thì trái lại, K.G.Jung cho libido là một sức sống phổ biến, không phải chỉ là biểu hiện ở sinh thực, mà còn ở sinh trưởng cũng như ở nhiều hoạt động khác. Đối với ông, Libido là toàn bộ những xung năng chứ không phải chỉ là cái tính dục. Giữa năng lượng libido và bản năng tính dục có một dòng chảy ngầm năng động. Chính vì sự khác biệt đó mà S. Freud tức giận ông đến cuối đời, nhưng Jung hàng chục năm sau vẫn luôn tỏ lòng cảm kích và kính phục vị thủy tổ Phân tâm học, nhưng chỉ có điều ông kiên trì rẽ sang lối riêng của mình và đổi lại thành Tâm phân học (Analytical Psychology ¹ Psychoanalysic). Nhưng Tâm phân học không phải là Tân phân tâm học (Néo - Psychonanalysic) của các nhà Tâm lý học hiện đại Âu Mỹ như Harry Stack Sullivan, Karen Horney, Erich Fromm. Từ những thành tựu mà ông đã đạt được, từ những cống hiến của ông trong lĩnh vực nghiên cứu vô thức mà ngày nay tên của ông được đặt cho một trường phái tâm lý học: chủ nghĩa Jung (Jungisme), với một phạm vi nghiên cứu rất lớn: nghiên cứu những phạm trù vĩnh hằng trong tâm hồn con người thông qua các huyền thoại, các cổ tích dân tộc và các tôn giáo. Trong quá trình nghiên cứu phân tâm học Jung là nhà Tâm lý học phương Tây đầu tiên nghiên cứu những di sản triết học phương Đông, đặc biệt là đạo Phật vì theo ông, triết học phật giáo đã từng nghiên cứu các quá trình nội tâm thần từ nhiều thế kỷ trước, nhất là trong dòng thiền còn nghiên cứu cách tịnh tâm dưỡng tính mà y khoa phương Tây đang cố công nghiên cứu nhằm chữa bệnh tâm thần. Sau ông còn có vài nhà nghiên cứu tâm linh và thiền học phương Đông đã lên đường tìm về phương Đông khám phá những bí ẩn của tâm hồn. Cách thức chữa bệnh, tập luyện tinh thần của phương Đông như định tâm, quán thần hoặc hiện tượng thôi miên đã góp phần không nhỏ vào y văn đi tìm các bí ẩn của giấc mơ ngoài các biện pháp thực nghiệm Tây y theo cách trị bệnh thông thường. 1. Cấu trúc nhân cách theo Jung: [Theo Nguyễn Ngọc Bích - Tâm lý học nhân cách - một số vấn đề lý luận] Sơ đồ kết cấu tâm lý theo K.G.Jung gồm có 3 tầng: - Ý thức là phần nhô lên trên mặt nước của hòn đảo. - Phần chìm dưới nước là vô thức cá thể. - Cắm sâu dưới đáy biển là vô thức tập thể. (Sơ đồ cấu trúc nhân cách của K.Jung có phần ngược với sơ đồ của S. Freud (giai đoạn sau năm 1920), cũng gồm kết cấu ba tầng, nhưng tầng vô thức "bản ngã" (id) chìm sâu dưới nước, nhô lên trên mặt nước đến hai tầng: ý thức "tự ngã" (ego) theo nguyên tắc hiện thực và ý thức "siêu ngã" (Superego) theo nguyên tắc lý tưởng). Qua mô hình này, cái tôi là trung tâm của ý thức. Nhân cách là một toàn thể bao chứa ý thức và vô thức; cái vô thức lại là một toàn thể nhỏ bao chứa hai tập hợp con là tâm lý tập thể và tâm lý cá nhân. Jung chia làm hai loại hình libido. Loại hình hướng nội, thì quan hệ chính giữa chủ thể và khách thể là quan hệ phủ định, ý hướng của chủ thể không di chuyển sang khách thể mà phản hồi lại chủ thể. Cảm xúc, tư tưởng và hành động của những người trong loại hình này, thường xem chủ thể là nhân tố chính của sự kiện, còn khách thể chỉ là thứ yếu. Trái lại, loại hình hướng ngoại thì thường đem ý hướng của chủ thể di chuyển sang khách thể và biết căn cứ theo những quan hệ của khách thể để mà suy nghĩ và hành động. Theo Jung, loại hướng nội thường thích yên tĩnh, ưa cô độc, hay suy tư và tưởng tượng, sống thu hẹp mang tính phòng ngự. Trái lại, loại hướng ngoại thích hoạt động, giao du, sống vui vẻ, dễ thích nghi với hoàn cảnh. Jung cũng lưu ý rằng không người nào thuần tuý hướng nội hay hướng ngoại, tuỳ tình huống nhất định sẽ thiên về một hướng nào đó mà thôi. Jung còn chia ra bốn loại cơ năng tâm lý: cảm giác, trực giác, tình cảm và tư duy. Kết hợp với hai loại hình hướng nội và hướng ngoại nói trên sẽ có tám loại trạng huống tâm lý. Cơ năng tâm lý không nằm trong phạm trù vô thức, nhưng nó trong hoạt động chịu ảnh hưởng của khuynh hướng Libido, miễn là Libido không bị giải thích chỉ là bản năng tính dục như của Sigmun Freud mà là một xung lực sống mạnh mẽ, bản năng tính dục chỉ là một phần nhỏ. 2. Lý thuyết "vô thức tập thể": Karl Gustave Jung cho cái "bản ngã" (id) vô thức, chỉ là một bộ phận của vô thức, mà ông gọi là "vô thức cá thể", và là một lớp mỏng nằm cạnh ngay dưới ý thức; Nó chứa đựng những nội dung và hoạt động tâm lý không điều hoà được với ý thức, nhưng có khả năng chuyển hoá được nhanh thành ý thức. Thí dụ: bản năng tính dục. Đúng là mặc dù thường bị khống chế bởi ý thức, nhưng không có khó khăn gì bị chuyển hoá thành hành động có ý thức. Jean Paul Sartre,cây đại thụ của chủ nghĩa hiện sinh sau này, cho rằng nếu bản năng tính dục đã tự biết bị ngăn cấm trong những trường hợp nào đó, thì cái gọi là "vô thức" cũng chẳng qua là "ý thức ngụy tín" (mauvaise foi) mà thôi, còn Jacques Lacan thì dùng khái niệm "trá hình chủ quan" (camon - flage subjectif). Jung hiểu vô thức cá thể rộng hơn: nó gồm ba phương diện: những thể nghiệm cá nhân không phù hợp và bị dồn nén bởi ý thức, những thể nghiệm yếu ớt không vươn tới tầm ý thức; hoặc đã vươn đến nhưng còn hời hợt, yếu ớt và bị rơi dần vào quên lãng. Như thế, "vô thức cá thể" không phải đều là những bản năng hoạt động theo nguyên tắc khoái lạc, dẫn đến những điều xấu xa hoặc tội ác. Việc không ngừng tìm tòi, khám phá bên dưới "vô thức cá thể" đã đưa ông đến thành công, là việc ông đưa ra "vô thức tập thể" nằm bên dưới "vô thức cá thể". Đây cũng chính là chỗ Lý thuyết vô thức của Jung khác với vô thức của S. Freud. Bằng lý thuyết "vô thức tập thể", K.G.Jung càng nhấn mạnh vô thức hơn cả S. Freud. Ông cho rằng vô thức tập thể có gốc gác sâu xa từ kinh nghiệm lịch sử của nhân loại. Chính đây là nhân tố mơ hồ, nhưng lại rất sâu sắc quyết định hành động của con người. Jung đặt vấn đề vô thức của con người trong cả tiến trình manh nha và hình thành tâm lý toàn nhân loại, chứ không chỉ những dấu vết của những kỷ niệm thuở thiếu thời của từng cá thể người. Ông cực lực phản đối John Locke (1632-1704), nhà kinh nghiệm chủ nghĩa Anh cho rằng con người sinh ra như một tờ giấy trắng, và một "ký ức chủng loại" có tính chất tiền định, cũng như một số bản năng chủng loại ở động vật vậy. Sự kế thừa những ký ức cộng đồng không có nghĩa mỗi con người thâu tóm hoặc hồi tưởng tất cả những thể nghiệm của tổ tiên, mà đây chỉ nói đến những khả năng tiềm tàng hoặc khuynh hướng tất yếu sử dụng những phương thức tương đồng với ông cha để nắm bắt hoặc phản ứng trước thế giới. Tất cả những cái đó làm nên "vô thức tập thể", là hệ thống tâm lý thứ hai, phi cá thể, phổ biến, giống nhau với tất cả mọi người. Hệ thống tâm lý này, thông thường không trở thành ý thức và cũng không dựa vào bất kỳ kỹ thuật phân tích nào để tái hiện. Nó tồn tại tự nhiên, tự tại, không hề bị dồn nén không hề bị quên lãng, nó là thể nghiệm hàng triệu năm của nhân loại. Trái với S.Freud cho vô thức chỉ là sự di truyền của bản năng, nhất là bản năng tính dục (sinh vật), Jung cho rằng trong vô thức còn chứa đựng sự di truyền mang tính chất xã hội, thể hiện ở những phương thức như Tôtem, ma thuật, nghi thức tôn giáo trong thời dã man, và cả sự di truyền lưỡng tính sinh vật - xã hội, tức là những kinh nghiệm xã hội được mô thức hóa về mặt sinh lý trong cơ thể con người, nhất là trong hoạt động thần kinh của đại não: "Trong kết cấu nhân thể, chúng ta phát hiện dấu vết các giai đoạn phát triển buổi ban đầu của nhân loại, cho nên chúng ta có thể nói, trên phương diện kết cấu của tâm lý nhân loại, cũng sẽ phù hợp với quy luật phát triển của chủng loại như vậy" [Tâm lý học và văn học - K.G.Jung]. Quan niệm này của Jung đã được các nhà khoa học về sau chứng thực: "So với các giống loài động vật khác, thì nhân loại càng dựa vào sức mạnh tiến hóa song trùng của vật chất và quan niệm, con người chính là kế thừa của quá trình tiến hoá song trùng đó" [Tất yếu và ngẫu nhiên -Triết học tự nhiên của sinh vật học hiện đại; J.Monod (1910- 1976), Giải thưởng Nobel 1965]. Karl Gustave Jung khẳng định vô thức tập thể chính là nội dung kinh nghiệm nguyên thủy hình thành trong quá trình tiến hóa sơ kỳ của nhân loại. Về những nội dung cơ bản các yếu tố ban đầu này, lúc đầu ông gọi là "nguyên mẫu" (prototype) sau ông đổi thành "cổ mẫu" (archetype). Ông khẳng định trong cuộc sống nguyên thủy có bao nhiêu "tình cảnh điển hình" thì có bấy nhiêu loại cổ mẫu như sinh nở, sống lại, chết đi, quyền lực, ma thuật, anh hùng, thượng đế, ác quỷ, tài trí, đất mẹ, mặt trời, mặt trăng, sông ngòi... nhưng có năm loại cổ mẫu quan trọng nhất và còn lưu truyền rộng rãi đến ngày nay: I/ Persona (mặt nạ nhân cách): Đây là loại cổ mẫu của tâm lý cầu đồng (muốn giống nhau), nó có tác dụng làm cho con người khi giao tiếp có thể che dấu "cái tôi thực" và sắm một vai khác cho dễ phù hợp với nhân quần. Persona là mặt nạ dùng che đậy một bộ phận tâm thần tập thể, nhưng đem lại ảo ảnh về cá tính cho cá nhân. Phân tích persona là đi tìm cái đích thực cá nhân dưới lớp vỏ tập thể. Ông lưu ý Persona có thể mang lại hai hậu quả cực đoan: làm cho con người mất đi bản lĩnh, cá tính hoặc quá hay "sắm vai" lại không nhớ mình là ai, hành động lố bịch. II, III/ Anima và Animus: Anima là cái ý tưởng về nữ tính trong lòng nam giới và animus là ý tưởng về nam giới trong tâm linh nữ giới. Trong người đàn ông luôn luôn tồn tại bóng dáng của người mẹ từ ấu thơ nên trong suốt cuộc đời anh ta luôn đi tìm hình bóng nữ giới qua luyến ái dị tính hay các quan hệ tình cảm khác phái (để tìm, tập hợp những nét nữ tính mà người đàn ông cần tìm). Khi luyến ái khác giới là sự phóng ngoại những cổ mẫu Anima và Animus ( nhân cách nguyên thủy vô thức) ra ngoài khách thể. Mặt khác, người phụ nữ luôn đi tìm hình bóng, ý tưởng về nam giới qua hình bóng người cha (hoặc người đỡ đầu từ nhỏ) ở đàn ông. Anima, theo ông, có đặc điểm là thất thường, hay thay đổi, đó chính là một nguồn cảm hứng của đàn ông, vì thế có thể nói đến sự hay thay đổi tình cảm của đàn ông. Còn Animus có đặc điểm khó thay đổi, cương quyết, là những ý kiến mang tính tập thể trong người đàn bà, đây chính là nguồn gốc tính chung thủy của phụ nữ. Anima và Animus được ngoại xạ qua luyến ái dị tính (vợ chồng bình thường - không nói tới những người đồng tính ái). Anima thể hiện qua sự thể hiện nữ tính trong tính khí của đàn ông, dù người đó nam tính đến đâu cũng có những phần, dù có che dấu, ẩn kín nhất đầy nữ tính. Cũng như vậy, Animus luôn luôn tồn tại trong đàn bà, dù là người yểu điệu thục nữ nhất. Quan niệm nhu - động của triết học Phương Đông chính là sự khái quát cao các hình thức tồn tại và vận động của tự nhiên - xã hội, mà có thể liên hệ là Anima và Animus trong vòng tròn âm dương: [ với thiếu âm trong thái dương và thiếu dương trong thái âm, không một vật gì, hiện tượng gì toàn dương hoặc toàn âm - có người đàn ông trong người đàn bà và có người đàn bà trong người đàn ông. IV/ Shadou (bóng âm): Jung cho đây là lớp u ám nhất, nguyên thủy nhất trong vô thức tập thể, rất gần với khái niệm "tính dục nguyên thủy" của S.Freud, nghĩa là gần với bản năng động vật tính. Khác với các cổ mẫu Persona, Anima và Animus, Shadou là cổ mẫu giới tính tự thân, phát huy tác dụng trong quan hệ đồng tính. Shadou là nguồn gốc của mọi tâm linh thiện ác, xây phá. Jung cho rằng sự khống chế của Persona đối với Shadou cần thiết, để cho con người ngày càng văn minh hơn. Mặt khác nên nhớ Shadou tiềm tàng dồi dào một nguồn năng lượng, giúp cho con người nguyên thủy chống chọi lại với dã thú và thiên nhiên nên nếu dồn nén nó quá mức thì sẽ làm suy yếu sức sống bản năng, nếu "chất dã thú trong tâm linh chúng ta bị dồn nén khắt khe, thì nó càng trở nên hung dữ tàn bạo" [Jung - Con người hiện đại đi tìm linh hồn]. Điều này giải thích các cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo đẫm máu trong khi giáo lý của họ dạy cho họ phải từ bi, bác ái, biết yêu thương đồng loại, xây dựng nhân quần. V/ Self (vô thức tự ngã): chiếm vị trí trung tâm trong các loại cổ mẫu, nó có tác dụng tập trung những rời rạc của vô thức tập thể, có tác dụng điều hòa nội tâm và ngoại giới. Theo Jung, chỉ những bậc thánh nhân mới dung hòa được ý thức tự ngã và vô thức tự ngã. Vì thế, cuối đời ông quan tâm nghiên cứu thiền học Trung Hoa và Ấn Độ. Trong các công trình của mình, Jung luôn nhấn mạnh chớ nên đồng nhất giữa cổ mẫu với những nội dung cụ thể. Cổ mẫu là mô thức tâm lý xuất phát từ sự tồn tại tự thân của loài người, để cảm nhận và nắm bắt thế giới bên ngoài. Jung cho rằng, với tư cách là vô thức tập thể, các loại cổ mẫu này được tồn tại trong thần thoại nguyên thủy, đồng thời cũng còn được biểu hiện trong những ảo giác và giấc mơ của con người hiện đại. Ông cho rằng: loài người sống trong thế giới các thần thoại hàng triệu năm, còn thế giới văn minh chỉ mấy ngàn năm. Do đó, mặc dù ý thức con người văn minh rất khác xa với lối tư duy thần thoại, nhưng thật ra những cổ mẫu thần thoại đã ăn rễ sâu, thâm căn cố đế vào trong vô thức của con người, những bóng mờ của tôn giáo trong đa số sẽ vụt hiện lên rõ ràng khi chỉ một kích động thích hợp, chuyển vô thức ẩn chứa thành ý thức tự thân mỗi người trong hành động. So với Freud thì Jung xa rời những cơ sở của khoa học thực nghiệm hơn; ông đi sâu vào lĩnh vực văn hóa, thần bí, tâm linh, đôi khi lý giải vấn đề một cách tư biện thuần túy. Nhưng vì thế mà ông mở ra một con đường mới để nghiên cứu lĩnh vực tưởng tượng của con người. Ông có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nhất là về văn hóa phương Đông và văn học nghệ thuật. TÀI LIỆU THAM KHẢO S.Freud. Phân tâm học nhập môn (bản dịch của Nguyễn Xuân Hiếu), nxb ĐHQG Hà Nội (2002) David Stafford. Clark - Freud đã thực sự nói gì, nxb Thế giới, Hà Nội (1998) S.Freud. An Tiêm. Nghiên cứu Phân tâm học. Stêphen Wilson. Sigmund Freud nhà Phân tâm học thiên tài (Bản dịch của Hoàng Văn Sơn) nxb Trẻ, Tp.HCM (2001) Edwar Amstrong Bênnet. Jung đã thực sự nói gì? nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội (2002) S.Freud, K.G. Jung, E.Fromm và R.Assagioli, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, (sách dịch), nxb Văn hóa thông tin Hà Nội (2002) R.Assagioli. Sự phát triển siêu cá nhân (sách dịch), nxb KHKT Hà Nội (1997) Viện Thông tin KHXH. Triết học Đông Tây, Hà Nội (1996) Tổ hợp xuất bản Gió. Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn, Vũ Đình Lưu dịch (1969) Phạm Minh Lăng. S.Freud và Tâm phân học, nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội, (2000) Phương Lựu. Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại, nxb Giáo dục Hà Nội (1999) TÓM TẮT K.G. Jung (1875-1961) là nhà tâm lý học vĩ đại người Thuỵ sĩ theo trường phái phân tâm học. Từ năm 1913, khi công bố các tác phẩm: Biến thái và tượng trung của Libido, Tâm lý học vô thức ... Ông từ bỏ chức Chủ tịch Hội phân tâm học thế giới và kiên trì nghiên cứu lĩnh vực vô thức trong tâm lý học theo con đường của mình và đặt nền móng cho một trường phái nghiên cứu mới là Tâm phân học với chủ nghĩa Jung (Jungisme). Jung cho rằng cái bản ngã vô thức chỉ là một bộ phận vô thức, gọi là vô thức cá thể, là lớp mỏng nằm ngay dưới ý thức. Còn có một tầng sâu hơn nữa của vô thức, đó là vô thức tập thể, và đây cũng là thành công nghiên cứu của ông, khiến cho ông khác với Freud. Vô thức tập thể là tất cả những tập hợp kinh nghiệm của lịch sử loài người, có được trong tiến trình manh nha hình thành tâm lý toàn nhân loại. Nội dung cơ bản các yếu tố ban đầu này được thể hiện trong các cỗ mẫu (archetype) tức những hoàn cảnh và yếu tố điển hình mà con người đã từng trải qua, in đậm dấu trong tâm lý loài. KARL GUSTAVE JUNG AND THEORY OF COLLECTIVE UNCONSCIOUSNESS Le Nam Hai Distance Training Center SUMMARY K.G. Jung (1875-1961) is a great Swiss psychologist of the psychoanalytic school. In 1913, when his works “Libido’s variation and symbol, Psychology of unconsciousness ..”. was published, he retired from the post of the president of the World Association of Psycho-analysis and patiently made a research into unconsciousness in psychology on his own way and set up a foundation for a new research school called Psycho-analisis with Jungism. Jung supposed that the unconscious self is simply a part of unconsciousness, called Individual unconsciousness, which is a thin layer below consciousness. There is also a deeper layer of unconsciousness called collective unconsciousness making him different from Freud. Collective unconsciousness is the collection of experience of human history, which comes into existence in the process of forming human psychology. The basic characteristics of these primary elements are evident in archetypes, namely the circumstances and typical factors which humankind has experienced with deep traces in human psychology.