Khóa luận Chính sách công nghiệp của Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế hiện nay
Một quốc gia muốn tăng trưởng và phát triển kinh tế thì cần có những chính sách kinh tế thích hợp trong từng giai đoạn phát triển. Trong số những chính sách đó, chính sách công nghiệp là chính sách quan trọng hàng đầu vì công nghiệp đóng góp lớn vào GDP và là động lực để phát triển nông nghiệp cũng như dịch vụ. Đối với các nước phát triển, việc đưa ra chính sách công nghiệp nhằm phát triển các ngành công nghiệp hiện có, đầu tư vào các ngành công nghiệp mới có hàm lượng chất xám và khoa học cao, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước. Đối với các nước đang phát triển, chính sách công nghiệp là chính sách quan trọng nhất, là cốt lõi của chiến lược công nghiệp hoá của bất kỳ quốc gia nào. Công cuộc công nghiệp hoá của một nước chỉ có thể thực hiện được khi có một nền công nghiệp phát triển dựa trên những chính sách phát triển công nghiệp hợp lý. Chính sách công nghiệp phù hợp sẽ giúp các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế, tăng cường khả năng hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế. Ngay từ những năm 60, Việt Nam đã xác định công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện được chủ trương chiến lược đó, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách công nghiệp. Đặc biệt, trong những năm đổi mới, nhiều chính sách công nghiệp mới đã được đưa ra nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng trưởng và phát triển kinh tế phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và sự hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống các chính sách này chưa đồng bộ, việc hoạch định các chính sách còn nhiều bất cập, việc triển khai và thực thi chính sách còn nhiều hạn chế. Vì vậy, hiệu quả thực tế của chính sách công nghiệp còn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của đất nước và yêu cầu phát triển của công nghiệp trong điều kiện mới. Chính vì vậy, em đã chọn đề tài “Chính sách công nghiệp của Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế hiện nay” để thực hiện khoá luận tốt nghiệp này. Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của chính sách công nghiệp, đánh giá thực trạng chính sách công nghiệp Việt Nam. Và trên cơ sở các phân tích trên, đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chính sách công nghiệp của Việt Nam. Để đạt được các mục đích nêu trên, người viết đã sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu: tổng hợp, phân tích, thống kê và so sánh. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của khoá luận chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu chính sách công nghiệp Việt Nam chủ yếu từ năm 1986 đến nay. Ngoài phần lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, khoá luận được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận của chính sách công nghiệp Chương 2: Thực trạng chính sách công nghiệp của Việt Nam Chương 3: Những giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện chính sách công nghiệp Việt Nam Đây là một đề tài mang tính lý luận, bởi vậy mặc dù đã cố gắng hết sức mình, bài viết không thể tránh khỏi những sai sót, em rất mong nhận được sự chỉ bảo của các thầy, cô giáo. Em xin chân thành cảm ơn sự tận tình quan tâm, giúp đỡ của Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Ánh đã hướng dẫn em viết bài khoá luận này.