Khóa luận Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc và gợi ý đối với Việt Nam
Trong những năm cuối của thế kỷ XX, nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, là hiện tượng nổi bật nhất, thu hút nhiều sự chú ý nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Sau hơn 20 năm (1979-2003) thực hiện cải cách mở cửa, bộ mặt kinh tế xã hội Trung Quốc đã biến đổi sâu sắc.Về nhiều mặt, Trung Quốc đang chiếm những vị trí đáng kể trong nền kinh tế thế giới, đứng hàng đầu về tốc độ tăng trưởng với một thực lực kinh tế không nhỏ. Đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại thương, trải qua gần một phần tư thế kỷ, ngoại thương Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu rực rỡ: từ chỗ xếp hàng thứ 32 trên thế giới về xuất nhập khẩu (năm 1978) đến nay Trung Quốc đã là cường quốc ngoại thương lớn thứ 5 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 620,8 tỷ USD năm 2002 (tăng gấp 30 lần so với năm 1978). Hơn thế nữa, vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại quốc tế ngày càng được nâng cao, ngoại thương Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển tốt đẹp hơn, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc đã trở thành thành viên thứ 143 của Tổ chức thương mại thế giới ngay vào năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Việt Nam là nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân cư, chế độ chính trị xã hội và cả về kinh tế với Trung Quốc. Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam đang tiến hành đổi mới đất nước, hướng tới việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Việt Nam tiến hành mở cửa, đổi mới đất nước sau Trung Quốc 8 năm và cho đến nay thì những thành tựu kinh tế, thành tựu phát triển ngoại thương vẫn còn là khiêm tốn so với những thành quả to lớn của nước bạn và còn chưa xứng với tiềm năng của chính Việt Nam. Vì vậy, để thành công hơn nữa trong công cuộc phát triển ngoại thương Việt Nam thì việc tham khảo bài học kinh nghiệm của Trung Quốc là rất cần thiết. Với lý do trên, em xin được mạnh dạn nghiên cứu vấn đề “Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc và gợi ý đối với Việt Nam”. Bản khóa luận này chủ yếu đi sâu vào phân tích các bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc trong tiến trình mở cửa và cải cách kinh tế từ năm 1979 đến nay, để trên cơ sở đó tham khảo một cách có phê phán và chọn lọc những kinh nghiệm có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn ngoại thương Việt Nam, đưa ra những gợi ý nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngoại thương đất nước trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Khóa luận được xây dựng dựa trên các phương pháp nghiên cứu khoa học: phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp tổng hợp và phân tích, phương pháp thống kê và so sánh. Ngoài lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục bản khóa luận gồm có 3 chương: Chương I: Tình hình ngoại thương Trung Quốc từ năm 1979 đến nay Chương II: Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc Chương III: Một số gợi ý đối với hoạt động ngoại thương Việt Nam từ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc Em xin chân thành cảm ơn cô giáo – Tiến sỹ Vũ Thị Kim Oanh, người đã tận tình hướng dẫn em trong việc hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này. Em cũng xin được gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, bạn bè, Thư viện trường Đại học Ngoại thương, Viện kinh tế thế giới, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đã giúp đỡ, tạo điều kiện để khóa luận được hoàn thành.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- kltnduong.doc
- bia.doc
- kltnmucluc.doc
- kltnphuluc.doc