Khóa luận Một số biện pháp marketing nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của Công ty Dệt Kim Hà Nội
Từ sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam nền kinh tế Việt Nam từng bước thay đổi về chất, từ một nền kinh tế quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa từ trung tâm sang nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) có sự quản lý của Nhà nước. Khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế nền kinh tế Việt Nam có được rất nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều những khó khăn, thách thức mới. Trước kia trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước tổ chức và điều hành toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, trong hoạt động sản xuất thì Nhà nước bảo đảm cung ứng các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra theo kế hoạch, các doanh nghiệp không phải lo lắng nhiều các yếu tố ngoại sinh nhất là trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm bởi vì thị trường luôn khan hiếm hàng hóa do vậy sản xuất ra bao nhiêu bán cũng hết. Ngày nay theo cơ chế thị trường, vai trò của doanh nghiệp được đề cao bằng cách được tự chủ kinh doanh theo pháp luật, tức là phải tự tổ chức toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lấy chỉ tiêu lợi nhuận làm thước đo hiệu quả và sự thành công trong kinh doanh. Vì cơ chế thị trường đã huy động và động viên tối đa các nguồn lực tham gia vào sản xuất - kinh doanh hàng hóa, do vậy nguồn cung hàng hóa vô cùng dồi dào nhưng cầu hàng hóa lại có hạn phụ thuộc rất nhiều vào mức sống và khả năng thanh toán của dân cư. Do vậy việc bán hàng nói chung, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất nói riêng luôn gặp những khó khăn và rõ ràng nó là một công việc khó khăn phức tạp nhất trong quá trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.