Khóa luận Một số giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
Ngày nay, khu vực hóa và toàn cầu hóa là xu hướng phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trước một thị trường được mở rộng, các nguồn lực dồi dào, nhu cầu đa dạng, việc tham gia vào quá trình hội nhập là chiến lược không thể không thực hiện nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế khách quan đó. Việc trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tháng 7/1995 và diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/1998; kí kết hiệp định thương mại Việt- Mỹ tháng 7/2000 và xúc tiến đàm phán để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO từ năm 1995 đã chứng tỏ nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong công cuộc hòa nhập cộng động quốc tế. Ngành ngân hàng Việt Nam hơn 10 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu cơ bản: chuyển hệ thống ngân hàng từ một cấp thành hai cấp; hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của cả nước ta, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại về ngân hàng với nhiều nước và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế . Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng nước ta hiện còn nhiều bất cập và yếu kém, trình độ về nhiều mặt còn cách khá xa so với ngân hàng các nước trên thế giới và khu vực. Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) đang ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu thì bên cạnh cơ hội các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Với vị trí được khẳng định là khâu then chốt trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, hệ thống ngân hàng thương mại nước ta, ngay trong những năm đầu của thế kỉ XXI, cần có những thay đổi tích cực và bứt phá mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh. Có như vậy hoạt động ngân hàng nước ta mới rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các ngân hàng trên thế giới và trong khu vực, mới phát huy được vai trò và tác dụng của hệ thống ngân hàng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là một trong bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất nước ta với kinh nghiệm truyền thống chuyên doanh đối ngoại, được đánh giá là ngân hàng đi đầu trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng- liên tục mấy năm gần đây được các tổ chức nước ngoài đánh giá là ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, so với các ngân hàng nước ngoài, dịch vụ ngân hàng của ngân hàng Ngoại thương đang gặp những thách thức lớn bởi còn nhiều yếu kém, tồn tại như qui mô dịch vụ cung cấp còn nghèo nàn, chất lượng dịch vụ còn chưa cao, hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp, tình trạng nợ quá hạn cao rất khó có khả năng cạnh tranh với quốc tế .Chính vì vậy, tôi đã lựa chọn đề tài “ Một số giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”. Kết cấu của khóa luận được chia thành 3 chương như sau: Chương I: Hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến sự phát triển dịch vụ ngân hàng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Chương II: Thực trạng phát triển dịch vụ ngân hàng của ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam trong những năm gần đây. Chương III: Một số giải pháp tiếp tục phát triển dịch vụ ngân hàng tại ngân hàng Ngoại Thương trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.