Khóa luận tốt nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế và những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam
Hiện nay, xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Toàn cầu hoá, khu vực hoá kinh tế và tự do thương mại đã xoá bỏ hoặc làm giảm bớt hàng rào ngăn cách, mở rộng thị trường, kích thích sản xuất đồng thời cũng làm cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên găy gắt. Nền kinh tế của một quốc gia trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, phụ thuộc chặt chẽ vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng điều đó cũng củng cố vị thế của một nước, nếu nước đó biết tìm vị trí tối ưu trong phân công lao động quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời nó cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn. Quốc gia nào đứng ngoài xu thế này thì sẽ bị cô lập và tụt hậu nhanh chóng, nhưng nếu tham gia vào thì phải đương đầu với sự cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ. Hội nhập kinh tế trở thành yêu cầu cấp thiết đặc biệt với những nước đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Vì trên thực tế, không một quốc gia nào lại có thể thành công về mặt kinh tế khi đi ngược lại với xu thế chung này. Nhưng việc chúng ta tham gia một cách chủ động hay bị đẩy vào một cách thụ động còn tuỳ thuộc vào việc chúng ta có biết khai thác những lợi thế và hạn chế những khó khăn hay không để có thể hội nhập một cách nhanh chóng và hiệu quả vào nền kinh tế thế giới. Yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả đã và đang đặt lên vai hoạt động xuất nhập khẩu một gánh nặng vô cùng to lớn đòi hỏi chúng ta phải có một kế hoạch hành động thích hợp và cụ thể. Tham gia vào quá trình quốc tế hoá, khu vực hoá nền kinh tế, tức là phải tham gia vào một khuôn khổ cạnh tranh quyết liệt. Thông qua các biện pháp hạ thấp dần, đi đến xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hoá và dịch vụ, tức là mở cửa cho hàng hoá và dịch vụ của các nước thành viên khác thâm nhập vào thị trường của mình. Việc này sẽ khó khăn phức tạp đối với một số ngành kinhh tế nước ta do sức cạnh tranh kém, đồng thời giảm khả năng thu ngân sách Nhà nước qua thuế. Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu sự thiếu hụt này, hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và thế giới chỉ khi chúng ta có một lộ trình hội nhập hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thanh toán. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng GDP, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó đội ngũ trực tiếp thực hiện nghiệp vụ xuất nhập khẩu không ai hết chính là các doanh nghiệp. Để có thể thực hiện thành công quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp phải cải thiện đáng kể tình hình hiện tại như nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, có tầm nhìn chiến lược và hoạch định cho mình một chiến lược phát triển bền vững. Hội nhập kinh tế quốc tế là một đề tài lớn, trong phạm vi đề tài: "Hội nhập kinh tế quốc tế và những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam", khoá luận đề cập đến những vấn đề cơ bản của hội nhập, tác động của hội nhập đến hoạt động xuất nhập khẩu và những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Khoá luận được kết cấu thành 3 chương: Chương I: Những vấn đề cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế. Chương II: Mối quan hệ giữa Hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Chương III: Những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình Hội nhập kinh tế quốc tế. Để có thể hoàn thành được khoá luận này tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ thầy cô và các bạn. Hơn nữa, khoá luận chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn nên không tránh khỏi những sai sót, mong thầy cô và các bạn thông cảm. Qua đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn, người đã nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện khoá luận này.