Khóa luận tốt nghiệp Mô hình Đặc khu kinh tế của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Trong xu thế nhất thể hoá nền kinh tế thế giới hiện nay, vấn đề cải cách, mở cửa và hội nhập nói chung, phát triển kinh tế quốc gia nói riêng đang là vấn đề thời sự, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Nó có ý nghĩa lớn lao đối với các nước đang phát triển - đặc biệt là các nước nông nghiệp lạc hậu - trong việc định hướng phát triển nền kinh tế của nước mình trước bối cảnh quốc tế mới hiện nay. Trung Quốc là quốc gia xã hội chủ nghĩa (XHCN) sớm nhận rõ ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc của vấn đề cải cách, mở cửa. Ngay từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, trong khi phần đông các nước XHCN còn đang luẩn quẩn trong mô hình chung của chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì Trung Quốc đã sớm xác định phải cải cách, mở cửa nền kinh tế hướng ra thế giới, đi con đường riêng của mình, xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra đường lối cải cách, mở cửa đúng đắn, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ với tốc độ chưa từng thấy kể từ ngày thành lập nước đến nay. Trong đó đặc biệt phải kể đến việc xác định ngay từ đầu phương hướng ưu tiên áp dụng mô hình kinh tế mới - Đặc khu kinh tế - nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật vững chắc, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Quá trình cải cách, mở cửa nói chung, phát triển mô hình Đặc khu kinh tế nói riêng trong hơn 20 năm qua đã đạt được những thành tựu đáng khẳng định và có tác dụng to lớn đối với những bước đi tiếp theo trong sự nghiệp công nghiệp hoá của đất nước Trung Hoa rộng lớn này. Việt Nam cũng đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Để đạt được những mục tiêu kinh tế như đã đề ra nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, chúng ta phải tiếp tục tiến hành đổi mới trên mọi lĩnh vực, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hướng về xuất khẩu. Tuy nhiên, sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hoá ở nước ta hiện nay yêu cầu một lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng chủ động về vốn của Việt Nam là có hạn, đồng thời với nó là sự suy giảm của các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tất cả những nhân tố đó đòi hỏi chúng ta phải tìm ra những hình thức thích hợp để thu hút đầu tư về vốn, công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài, nhằm phát triển nền kinh tế đất nước. Trung Quốc là một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về chế độ kinh tế, chính trị, xã hội. Qua việc nghiên cứu chiến lược phát triển mô hình Đặc khu kinh tế của Trung Quốc, chúng ta sẽ phần nào rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết đối với công cuộc cải cách, mở cửa, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay. Xuất phát từ ý nghĩa trên, đề tài: “Mô hình Đặc khu kinh tế của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam” hướng đến một số mục tiêu sau: Thứ nhất, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của mô hình Đặc khu kinh tế trên thế giới; thứ hai, nghiên cứu về mô hình Đặc khu kinh tế của Trung Quốc, qua đó rút ra những kinh nghiệm xây dựng thành công các Đặc khu kinh tế ở Trung Quốc; thứ ba, đưa ra một số kiến nghị có giá trị thực tiễn đối với việc xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế ở Việt Nam trong tương lai. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của bản khoá luận gồm ba chương: Chương I : Giới thiệu chung về mô hình Đặc khu kinh tế trên thế giới. Chương II : Mô hình Đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Chương III: Kinh nghiệm xây dựng Đặc khu kinh tế của Trung Quốc và một số kiến nghị nhằm phát triển mô hình Đặc khu kinh tế ở Việt Nam.

doc101 trang | Chia sẻ: oanhnt | Lượt xem: 1647 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Mô hình Đặc khu kinh tế của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu liên quan