Khóa luận tốt nghiệp Một số biện pháp tài chính khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của các DNN&V
Một trong những nét nổi bật của kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ II trở lại đây, đặc biệt là trong khoảng một thập kỷ qua, là sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá và hội nhập kinh tế quốc tế mà một trong đặc trưng cơ bản là sự gia tăng của thương mại quốc tế. Trong xu thế đó, đẩy mạnh thương mại quốc tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình quá trình chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập thương mại quốc tế của Việt Nam có thành công hay không phủ thuộc chủ yếu vào năng lực sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp, mà trong đó hơn 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V). Phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam được Chính phủ và các tổ chức tài trợ nước ngoài xác định là động lực tăng trưởng trong thiên niên kỷ mới. Phát triển DNN&V không những sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, khuyến khích xuất khẩu mà còn tạo sự ổn định xã hội thông qua tạo nhiều việc làm giải quyết vấn đề lao động và phúc lợi xã hội. Ở một nước mà phần lớn lao động làm nông nghiệp như nước ta thì chính DNN&V là tác nhân và động lực thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá hướng về xuất khẩu. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách biện pháp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội. Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2000 tháo gỡ khó khăn và tạo điệu kiện dễ dàng cho thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đã không ngừng tăng lên. Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP về “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” (Nghi định 90) đồng thời thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển DNN&V và Cục Phát triển DNN&V làm cơ quan đầu mối thực hiện các chương trình hỗ trợ DNN&V. Nhờ những chính sách chủ trưởng đúng đắn của Đảng, DNN&V Việt Nam đã bước đầu được hoạt động trong một môi trường khá thuận lợi và cũng đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với vị trí và vai trò của DNN&V. Phần lớn các DNN&V vừa mới ra đời còn non trẻ, hạn chế về nhiều mặt không chỉ là năng lực tài chính mà còn năng lực công nghệ, nguồn nhân lực, tên tuổi thương hiệu và khả năng tiếp cận thị trường nhìn chung cũng rất yếu kém. Nhận thức được điều đó, người viết chọn đề tài: “Một số biện pháp tài chính khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của các DNN&V” làm đề tài Khoá luận tốt nghiệp của mình với hy vọng cùng các công trình nghiên cứu chung góp phần xây dựng các giải pháp tài chính hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất khẩu của các DNN&V.