Khóa luận tốt nghiệp Thực trạng và một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam
Trong các loại cây lâm sản thì cây quế được biết đến như một loại cây đặc sản của vùng nhiệt đới và từ lâu cây quế đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong thời phong kiến, cây quế là một mặt hàng không thể thiếu trong các loại lễ vật mà các vua chúa phong kiến Việt Nam mang đi tiến cống các vua chúa phương Bắc. Ngày nay, qua hàng chục năm, nhất là từ khi Việt Nam tiến hành cải cách mở cửa thì cây quế Việt Nam đã trở nên rất nổi tiếng trên thế giới. Giá cả của nó lại cao hơn hẳn các loại nông sản khác và đặc biệt khi nhu cầu về quế và sản phẩm quế trên thế giới hiện nay tăng cao thì quế trở thành một mặt hàng được giá, mặt khác khả năng sản xuất lại có hạn nên cây quế nhiều khi có giá độc quyền. Đây chính là một lợi thế rất lớn của Việt Nam. Trên thế giới chỉ có một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Srilanca, Seichelles, ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản mới có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất cây quế. Do đó giá cả mặt hàng quế rất cao và vì vậy mà hiệu quả của ngành sản xuất quế cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Cây quế Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng ngành sản xuất quế hiện nay còn quá nhỏ bé và vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, lao động trong ngành trồng quế chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc ít người, chưa có đầu tư lớn vì vậy năng suất và chất lượng chưa cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành xuất khẩu quế của Việt Nam còn quá nhỏ bé so với tiềm năng và chỉ dừng lại ở xuất khẩu sản phẩm thô nên kim ngạch còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu và so với các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp khác. Từ khi nước ta tiến hành cải cách mở cửa đến nay, nền kinh tế đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi ngày càng xa. Đời sống nhân dân đồng bào các dân tộc miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để giải quyết tình trạng này, Đảng và nhà nước ta đã và đang tìm mọi cách để đưa các phương thức sản xuất mới áp dụng vào các vùng khó khăn, đưa cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để bà con nhân dân các dân tộc có thể thoát nghèo. Một trong những cây trồng có thể giúp họ xoá đói, giảm nghèo chính là cây quế, đặc biệt là đối với bà con dân tộc các vùng Tiên Yên, Ba Chẽ (Quảng Ninh), Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên (Yên Bái), Lang Chánh, Thường Xuân (Thanh Hoá), Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An), Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi) nơi mà cây quế rất thích hợp với điều kiện tự nhiên. Với lí do đó, tác giả đã chọn đề tài “ Thực trạng và một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam “ để viết Khoá luận tốt nghiệp (KLTN) trường Đại học Ngoại Thương của mình. Mục đích của KLTN này nhằm nghiên cứu tình hình sản xuất và xuất khẩu mặt hàng quế của Việt Nam từ đó rút ra các giải pháp và một số kiến nghị đối với Nhà nước, các Ban, ngành, địa phương và các nhà sản xuất quế để có thể đưa ngành sản xuất và xuất khẩu quế phát triển hơn nữa. Đối tượng nghiên cứu của công trình này là các sản phẩm từ cây quế nhưng tập trung chủ yếu vào mặt hàng chính là vỏ quế. Phạm vi nghiên cứu của KLTN được giới hạn từ năm 1990 trở về đây và việc nghiên cứu chủ yếu tập trung vào bốn vùng sản xuất quế chính ở nước ta là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hoá- Nghệ An và Quảng Nam- Quảng Ngãi. Để hoàn thành KLTN, tác giả đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp trên cơ sở những thông tin thu thập được cùng các phương pháp thống kê, so sánh. để nghiên cứu những yêu cầu mà đề tài đặt ra. Với một thời gian không dài và việc thu thập tài liệu còn gặp nhiều hạn chế nên KLTN này không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong nhận được ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên để Khoá Luận được hoàn thiện hơn Nội dung của Khoá Luận Tốt Nghiệp bao gồm 3 chương sau: Chương 1: Giới thiệu về mặt hàng quế và thị trường quế trên thế giới Chương 2: Thực trạng sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Ban giám hiệu, Phòng Đào Tạo, Khoa KTNT và các Phòng Ban khác của trương ĐH Ngoại Thương đã tạo môi trường thuận lợi cho tôi được học tập và rèn luyện 4 năm qua. Đặc biệt tôi xin vô cùng cảm tạ Thạc sĩ Nguyễn Xuân Nữ, người đã nhiệt tình trực tiếp hướng dẫn tôi; Bác Nguyễn Đăng Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lí Xuất Nhập khẩu, Bộ Thương mại; Bác Cao Thị Cúc nguyên cán bộ của thư viện, các cán bộ khác của thư viện trường và các bạn bè đã giúp đỡ tôi hoàn thành KLTN này. Qua KLTN, tôi cũng tỏ lòng cảm ơn chân thành tới cha mẹ, các anh chị và những người thân của tôi, những người đã ủng hộ tôi cả về vật chất lẫn tinh thần trong suốt 4 năm học vừa qua.