Khóa luận Tự do hoá lãi suất: Thực trạng và giải pháp trong tiến trình hội nhập
Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, lãi suất là một công cụ quan trọng trong điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô. Lãi suất ảnh hưởng tới quan hệ cung- cầu về vốn, đến việc phân bổ các nguồn tài chính của nền kinh tế, tác động đến thị trường tiền tệ, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cũng là cơ sở để các cá nhân, doanh nghiệp quyết định sử dụng vốn như thế nào, chi tiêu hay tiết kiệm, đầu tư vào cái này hay cái khác. Ở Việt Nam, trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, lãi suất chưa được sử dụng một cách đầy đủ như đòn bẩy kinh tế, nhằm kích thích kinh tế phát triển. Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, lãi suất đã phần nào phát huy vai trò của mình. Tuy nhiên, để có một chính sách lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới, làm “hạt nhân” thúc đẩy thị trường tài chính phát triển còn là vấn đề đáng được quan tâm, nghiên cứu. Cơ chế lãi suất thị trường hay lãi suất tự do là một cơ chế có nhiều ưu điểm, đã được nhiều nước vận dụng thành công. Nhưng liệu Việt Nam có nên thực hiện cơ chế lãi suất này? Việt Nam đã đủ điều kiện để thực hiện tự do hoá lãi suất hoàn toàn hay chưa? Vì vậy việc nghiên cứu đề tài “Tự do hoá lãi suất: Thực trạng và giải pháp trong tiến trình hội nhập” là rất cần thiết phải đặt ra hiện nay cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Khóa luận tập trung nghiên cứu phân tích thực trạng của tiến trình tự do hoá lãi suất ở Việt Nam trong thời gian qua với những khó khăn và thuận lợi cùng với việc nghiên cứu về kinh nghiệm của một số nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và có xu hướng tự do hóa lãi suất; từ đó cho thấy tính tất yếu phải tiến tới tự do hoá lãi suất hoàn toàn ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập. Việc nghiên cứu cũng nhằm đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm phát huy cơ chế lãi suất thoả thuận hiện nay và tiến tới tự do hoá lãi suất hoàn toàn trong thời gian tới. Khóa luận sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp logic kết hợp với phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp đánh giá để từ đó khái quát rút ra vấn đề cần thiết cho mục đích nghiên cứu. Phương pháp thống kê sử dụng các bảng thống kê trong và ngoài ngành ngân hàng trong thời gian qua. Ngoài phần lời nói đầu, kết luận, mục lục, danh mục tài liệu tham khảo, khoá luận gồm có 3 phần: Chương I : Lý luận chung về lãi suất và tự do hoá lãi suất Chương II: Thực trạng tự do hoá lãi suất ở Việt Nam Chương III: Giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tiến trình tự do hoá lãi suất ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập.