Luận án Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với trường đại học và viện nghiên cứu: một nghiên cứu tại Việt Nam
Vai trò của công nghệ trong phát triển đã được thừa nhận một cách rộng rãi. Trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng hiện nay, công nghệ là một yếu tố chiến lược sống còn cho phát triển nhanh chóng kinh tế – xã hội. Nếu có kế hoạch và chuẩn bị một cách thích hợp cho việc sử dụng công nghệ, nó có thể là chìa khóa cho một xã hội phồn vinh, cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên công nghệ không phải là một lực lượng độc lập hay tự trị, nó đơn thuần chỉ là một công cụ để giải quyết vấn đề. Kết quả của việc ứng dụng, khai thác công nghệ phụ thuộc vào việc chúng ta tạo ra được những công nghệ phù hợp, có khả năng áp dụng được vào hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp. Nhờ đổi mới công nghệ, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như nâng cao khả năng trong thiết kế dây chuyền sản xuất mới, sản phẩm mới và nâng cao hiệu quả trong quản lý và vận hành doanh nghiệp. Phát triển của thị trường công nghệ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ và nhu cầu sử dụng công nghệ tại doanh nghiệp. Điều này lại liên quan đến các đối tượng tham gia trực tiếp của bên cung cấp công nghệ như viện nghiên cứu, trường đại học và bên cầu công nghệ như doanh nghiệp. Chúng ta sẽ có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao năng lực công nghệ quốc gia khi phối hợp được hiệu quả từ tác động của chính sách quản lý nhà nước, cấu trúc tổ chức của hệ thống khoa học và công nghiệp đến mối quan hệ và hoạt động của trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực công nghệ quốc gia đạt được từ quá trình vận hành hệ thống đổi mới quốc gia. Theo Nelson, hệ thống đổi mới quốc gia là “một sự kết hợp, liên quan giữa kiến thức của các tổ chức nghiên cứu và việc thực hiện đổi mới tại các doanh nghiệp trong quốc gia” (Nelson, 1993, trích trong Annamária Inzelt, 2004). Trong hệ thống đổi mới quốc gia, quan hệ của ba đối tượng doanh nghiệp, trường/ viện, và quản lý nhà nước luôn dựa trên nền tảng của quá trình đổi mới khoa học - 2 công nghệ. Trong mối quan hệ này, nhà trường ngoài nhiệm vụ truyền thống là đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp những kiến thức cơ bản, còn đóng vai trò giống như viện nghiên cứu cung cấp công nghệ và những trợ giúp nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, đổi mới (Loet Leydesdorff và cộng sự, 2001). Do đó, theo thời gian, sự phát triển của hệ thống kiến thức và khoa học công nghệ sẽ giúp cho nền kinh tế ngày càng phát triển hơn (Etzkowitz và cộng sự, 2001). Đổi mới luôn tồn tại trong doanh nghiệp, nhưng nền tảng kiến thức tạo ra đổi mới lại đến từ các trường đại học (Narin, 1997). Trường đại học với giả thiết đóng vai trò không chỉ là nhà cung cấp các kiến thức và kỹ năng con người, mà còn tạo nên quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao phát minh sáng chế tới doanh nghiệp. Ngoài ra, về phía chính phủ cũng tác động bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, không chỉ cung cấp nguồn lực mà còn thông qua hệ thống chính sách, luật lệ hỗ trợ cho từng đối tượng phát triển trong hệ thống đổi mới này (Leydesdorff, 2001). Những hợp đồng liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu của nhà nước và doanh nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn vấn đề đặt ra là các tổ chức nghiên cứu thường thực hiện các hoạt động nghiên cứu cơ bản, do đó có thể áp dụng vào trong nghiên cứu và triển khai (R&D) được hay không? Và vai trò của các trường đại học trong nghiên cứu cơ bản, theo chính sách khoa học tại Mỹ từ năm 1845 đã đề ra là phải “đóng góp trực tiếp cho tiến bộ của kỹ thuật trong các ngành công nghiệp” (Crow và Tucker, 2001, trích trong Aldo Geuna và các cộng sự, 2002). Vì vậy, chìa khóa của sự thành công trong quá trình đổi mới đó chính là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các tổ chức khác như trường đại học, viện nghiên cứu. Hợp tác giữa các tổ chức trong hệ thống đổi mới quốc gia có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau. Mối liên kết giữa doanh nghiệp, trường/ viện và chính phủ có thể theo nhiều cấp, mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ phát triển, lịch sử và đặc thù của từng quốc gia (Conceicão và Heitor, 2001; Senker, 2001; Crow và các c ộng sự, 1998; Geisler và Rubenstein, 1989).