Luận án Một số vấn đề về quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế
Chủ trương đổi mới và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNĐTNN) phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính sự phát triển này đã làm phát sinh những vấn đề phức tạp về quan hệ lao động - nội dung nhạy cảm nhất trong bất cứ hệ thống quản lý nào. Vai trò của người lao động ngày càng được khẳng định, đời sống tinh thần và vật chất được quan tâm hơn, nhưng những bức xúc mới trong quan hệ giữa họ và người sử dụng lao động cũng xuất hiện. Bộ Luật Lao động (1995) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều trong Bộ Luật Lao động (2003) đã thúc đẩy và tạo những nền tảng cơ bản về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào quan hệ lao động cũng như từng bước hướng các quan hệ này vào quỹ đạo chế tài từ luật. Mặc dù vậy, trong thực tiễn, các hiện tượng vi phạm pháp luật lao động, các thắc mắc, khiếu nại, tranh chấp lao động và đình công vẫn xảy ra rất nhiều, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động. Điều đáng lo ngại là không chỉ các doanh nghiệp đó bị thiệt hại đáng kể cả về uy tín lẫn kinh tế, người lao động bị mất mát, thiệt thòi mà toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội đều chịu những tác động tiêu cực. Nguyên nhân dẫn tới tình hình này được nhắc đi nhắc lại hàng chục năm nay, được bàn bạc thảo luận trong nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, nhưng vẫn chưa tìm được một lời giải khả thi. Vậy, làm sao bảo vệ được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động mà không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, không làm giảm tính cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam đang rất tích cực tham gia vào các định chế thương mại song phương hay đa phương, khu vực hay toàn cầu? Làm sao dự đoán và chủ động loại trừ ngay từ đầu những mầm mống gây tranh chấp lao động? Làm sao phát hiện kịp thời và giải quyết ngay khi chúng mới phát sinh, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất mọi thiệt hại có thể? Đó là những câu hỏi tồn tại từ khá lâu và thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên viên trong lĩnh vực sử dụng lao động. Nhằm đóng góp một tiếng nói tích cực vào việc giải quyết vấn đề đã nêu, tác giả chọn đề tài này để nghiên cứu một cách có hệ thống cơ sở lý luận về mối quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước khác, phân tíchhiện trạng cũng như những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ lao động trong thực tế Việt nam. Trên cơ sở đó, tác giả sẽ đề xuất một số giải pháp thích hợp, góp phần cải thiện tình hình, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không thuộc sở hữu Nhà nước.