Luận án Tăng cường quản lý nợ nước ngoài ở Việt Nam

Để đạt tốc độ tăng trưởng cao trong điều kiện tiết kiệm trong nước còn hạn chế, các nước đang phát triển thường thu hút nguồn vốn nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau, trong đó, vay nợ là một phương thức phổ biến. Vay nợ nước ngoài bao gồm vay nợ dưới hình thức vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) có tính chất ưu đãi và vay thương mại theo các điều kiện thị trường. Nguồn vốn bổ sung từ bên ngoài đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng chậm phát triển và chuyển sang phát triển bền vững. Nợ nước ngoài phải được sử dụng một cách có hiệu quả để đáp ứng các nhu cầu đầu tư, đồng thời phải thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng, nhằm tạo nguồn vốn trả nợ, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên cũng có không ít quốc gia không những không cải thiện được một cách đáng kể tình hình kinh tế mà còn lâm vào tình trạng nợ nần nặng nề, khủng hoảng tài chính và kinh tế suy thoái. Nguyên nhân của những thất bại trong việc vay nợ nước ngoài có rất nhiều, trong đó phải kể đến việc buông lỏng quản lý nợ nước ngoài. Chính vì vậy chính sách quản lý nợ nước ngoài là một bộ phận thiết yếu trong hệ thống chính sách tài chính quốc gia. Trong suốt một thời gian dài kể từ khi giành được độc lập, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ vô tư từ phía các nước xã hội chủ nghĩa anh em như Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu, Cu-ba, v.,v., và một số nước anh em bè bạn khác. Kinh nghiệm về vay và trả nợ nước ngoài trong thời kỳ này chỉ giới hạn ở một số khoản vay nhỏ từ một số các Chính phủ bạn bè, thêm nữa trong việc vay và trả nợ thời đó quan hệ hữu nghị và ngoại giao được coi trọng hơn quan hệ kinh tế thị trường. Vấn đề vay và trả nợ ở Việt Nam thực ra mới chỉ bắt đầu nổi lên như một vấn đề quan trọng kể từ khi có sự nối lại các hoạt động cho vay của hai tổ chức tài chính đa phương lớn là Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á vào năm 1993. Song, cũng kể từ đó, cùng với những cam kết hỗ trợ ODA ngày càng lớn của cộng đồng các nhà tài trợ từ các nước công nghiệp phát triển và các tổ chức tài chính đa phương, vay nước ngoài của Việt Nam ngày càng tăng dần về số lượng vay, số khoản vay, tính đa dạng của các hình thức vay và trả nợ, và sự cần thiết phải theo dõi và kiểm soát nợ nước ngoài cũng trở nên ngày càng cấp thiết. Mặc dù cho đến nay, vốn vay nước ngoài phần lớn vẫn là dưới hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với các điều kiện ưu đãi (trong đó yếu tố cho không ít nhất chiếm 25% tổng số vốn), song việc số lượng nợ nước ngoài tăng vọt cũng vẫn đòi hỏi hệ thống quản lý nợ nước ngoài phải có những tiến bộ vượt bậc để đáp ứng nhu cầu lập kế hoạch, theo dõi, kiểm soát việc vay nợ và cân đối tài chính quốc gia để đảm bảo thực hiện đúng thời hạn và đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ. Việc Chính phủ trong vài năm gần đây đã đổi mới một loạt các quy định về quản lý vay và trả nợ nước ngoài, như Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài 2005, Quy chế thu thập, báo cáo, tổng hợp, chia sẻ và công bố thông tin về nợ nước ngoài 2006, Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài 2006, hay Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài 2006 (do Bộ trưởng Tài chính ban hành) cho thấy tính cấp thiết của việc đổi mới toàn diện hệ thống quản lý nợ của quốc gia và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với vấn đề quản lý nợ nước ngoài hiện nay.

doc171 trang | Chia sẻ: oanhnt | Lượt xem: 1353 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Tăng cường quản lý nợ nước ngoài ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan an tien si Nguyen Thi Thanh Huong.doc
  • docHuong Tom tat Luan an.doc
  • docTrang Bia Tom tat Luan an.doc
Tài liệu liên quan