Luận văn Chính sách công nghiệp của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
Một quốc gia muốn tăng trưởng và phát triển kinh tế thì cần có những chính sách kinh tế thích hợp trong từng giai đoạn phát triển. Trong số những chính sách đó thì chính sách công nghiệp là chính sách quan trọng hàng đầu vì công nghiệp có đóng góp lớn vào GDP và là động lực để phát triển nông nghiệp cũng như dịch vụ. Đối với các nước phát triển, việc đưa ra chính sách công nghiệp là nhằm phát triển các ngành công nghiệp hiện có, đầu tư vào các ngành công nghiệp mới có hàm lượng chất xám và khoa học cao, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước. Đối với các nước đang phát triển, chính sách công nghiệp là chính sách quan trọng nhất, là cốt lõi của chiến lược công nghiệp hoá của bất kỳ quốc gia nào. Công cuộc công nghiệp hoá của một nước chỉ có thể thực hiện được khi có một nền công nghiệp phát triển dựa trên những chính sách phát triển công nghiệp hợp lý. Chính sách công nghiệp phù hợp sẽ giúp các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế, tăng cường khả năng hội nhập vào kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế. Ngay từ những năm 60, Việt nam đã xác định công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện được chủ trương chiến lược đó, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách công nghiệp. Đặc biệt, trong những năm đổi mới, nhiều chính sách công nghiệp mới đã được đưa ra nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng trưởng và phát triển kinh tế phù hợp với xu hướng toàn cầu hoá kinh tế và sự hội nhập kinh thế giới cuả Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống các chính sách này chưa đồng bộ, việc hoạch định các chính sách còn nhiều bất cập, việc triển khai và thực thi chính sách còn nhiều hạn chế, vì vậy hiệu quả thực tế của các chính sách công nghiệp chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của đất nước và yêu cầu phát triển của công nghiệp trong điều kiện mới. Chính vì vậy, tôi đã chọn đề tài “Chính sách công nghiệp của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới” để thực hiện luận văn thạc sĩ.