Luận văn Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của khách sạn Hoà Bình trong nền kinh tế thị trường
Nước ta sau hơn 15 năm đổi mới, nền kinh tế đã đạt được sự ổn định và có mức tăng trưởng khá lớn. Song song với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, ngành kinh doanh du lịch đang từng bước phát triển cả về thế và lực, tạo tiền đề cho bước tiếp theo. Kinh doanh khách sạn du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế xã hội phổ biến trên toàn thế giới. Nó không còn đơn thuần là hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú như buổi ban đầu mà nó đã trở nên phong phú và đa dạng hơn với rất nhiều dịch vụ khác như: dịch vụ lưu trú, dịch vụ hướng dẫn, dịch vụ giải trí và các dịch vụ khác tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Ngày nay, ngành kinh doanh du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Du lịch được coi như là một phương tiện thúc đẩy ngành công nghiệp, nông nghiệp và ngành dịch vụ khác phát triển. Trước sự thay đổi hàng ngày của những điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, ngành du lịch Việt Nam với những tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, đồng thời được sự quan tâm của Đảng và Nhà nướcthông qua các chính sách đổi mới đã có bước chuyển mình quan trọng. Năm 2002, hoạt động du lịch Việt Nam đã đón tiếp và phục vụ 2,6 triệu lượt khách quốc tế tăng 12% so với năm trước (Năm 2001 chỉ tăng 9,8%). Đồng thời, đối với người dân trong nước, du lịch không còn là mốt “sinh hoạt” mà đang trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống của một phần không nhỏ của xã hội. Năm 2002 có tới 13 triệu lượt khách nội địa, thu nhập du lịch là 23.500 tỷ đồng và tạo được nhiều việc làm cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng và mong muốn của ngành.