Luận văn Hoàn thiện nội dung phân tích tình hình tài chính của Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Xây Dựng Công Trình 646
Phân tích tài chính có thể được định nghĩa như một tổng thể các phương pháp cho phép đánh giá tình hình tài chính trong quá khứ và hiện tại, giúp cho việc ra quết định quản trị và đánh giá doanh nghiệp một cách chính xác. Trong những năm gần đây, khủng hoảng tài chính và những nguy cơ mất ổn định đang tác động mạnh mẽ đến nền tài chính của mỗi quốc gia, trong đó chủ thể phải đối mặt thường xuyên với những nguy cơ đó chính là các doanh nghiệp. Thực tế đã chỉ ra rằng tình hình tài chính doanh nghiệp ổn định là một trong những nhân tố cơ bản để giữ vững và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ở nước ta, khu vực doanh nghiệp mới bước vào hoạt động theo cơ chế thị trường được hơn chục năm nay, kinh nghiệm chưa nhiều và trình độ quản lí còn thấp. Đại đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tích luỹ chưa đáng kể, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp. Có thể nói tình hình tài chính của khu vực doanh nghiệp hiện nay nói chung còn chứa đựng nhiều nguy cơ mất ổn định. Thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập khu vực và Thế Giới thì việc đảm bảo hoạt động tài chính doanh nghiệp được an toàn, lành mạnh, ổn định và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì thế việc chỉ ra những bất ổn của thực trạng tài chính doanh nghiệp để từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hiệu quả là việc làm rất quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp. Hơn nữa, để thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình, doanh nghiệp cần thiết phải tạo lập, quản lí, phân phối và sử dụng vốn của mình thông qua các hoạt động tài chính doanh nghiệp. Hoạt động tài chính và tình hình tài chính doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả sẽ góp phần làm cho tình hình tài chính và hoạt động tài chính doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả. Hiểu rõ được tình hình tài chính và thực trạng tài chính doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quản lí doanh nghiệp nói chung, quản lí tài chính nói riêng. Phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp được sử dụng như một công cụ hữu hiệu nhất nhằm thực hiện mục tiêu ấy. Mặt khác, không chỉ có Nhà Nước, cơ quan thuế, nhà quản trị là những người thường xuyên quan tâm đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp, mà các đối tượng khác như : các cổ đông hiện tại hoặc người đang muốn trở thành cổ đông của doanh nghiệp, các nhà phân tích tài chính, ngân hàng, người mua tín phiếu của doanh nghiệp, công ty mẹ, các doanh nghiệp khác. cũng rất muốn dễ dàng hiểu được các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp để ra những quyết định theo những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, để có được những thông tin thực sự chất lượng và hiệu quả về tình hình tài chính của doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng thì không phải đơn giản. Công việc này chỉ được thực hiện nhanh chóng, chính xác bởi phân tích tài chính doanh nghiệp cùng sự trợ giúp của máy tính. Hay nói cách khác là phân tích tài chính sẽ giúp người quan tâm đến tình hình tài chính doanh nghiệp hiểu được quá khứ và đưa ra được những dự tính cần thiết cho tương lai của doanh nghiệp. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của phân tích tài chính doanh nghiệp nói trên, cùng với sự giúp đỡ tận tình của cô giáo Thạc sỹ Lương Thị Trâm, em đã lựa chọn và nghiên cứu đề tài : “ Hoàn thiện nội dung phân tích tình hình tài chính của Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Xây Dựng Công Trình 646.” Với đề tài này, em đã triển khai cụ thể trong luận văn thành ba mục lớn là: ã Chương I : Cơ sở lí luận phân tích tình hình tài chính trong các doanh nghiệp. ã Chương II: Thực trạng nội dung phân tích tình hình tài chính của Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Xây Dựng Công Trình 646. ã Chương III: Phương hướng hoàn thiện nội dung phân tích tình hình tài chính của Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Xây Dựng Công Trình 646. Do chưa có kinh nghiệm thực tế và kiến thức của em còn nhiều hạn hẹp cho nên luận văn của em chắc chắn còn nhiều chỗ thiếu sót cần sửa chữa. Vậy nên em rất kính mong nhận được sự chỉ bảo tận tình của cô giáo Lương Thị Trâm, các thầy cô giáo trường Đại học Thương Mại, các anh chị phòng Kế toán Công Ty Cổ Phần Đầu Tư và Xây Dựng Công Trình 646, cùng bạn bè để em có thể hoàn thành tốt nhất bản luận văn này. Em xin chân thành cảm ơn!