Là loại hình nghệthuật mang tính đặc thù, văn học thu hút sựquan tâm
nghiên cứu, sựtìm tòi, khám phám không chỉvới giới nghiên cứu mà rộng ra, với
cảnhững người yêu thích và biết thưởng thức văn chương. Bước vào thếgiới đa
chiều văn học, mỗi người, bằng khảnăng, sởtrường, sựtâm đắc và niềm đam mê
của mình, sẽbàn vềvăn học từnhững góc nhìn khác nhau, những phương diện khác
nhau của một lĩnh vực vốn phong phú về đặc điểm và đa dạng trong sựbiểu hiện.
Việc tìm hiểu, đánh giá cái hay, cái đẹp, giá trịcủa một tác phẩm, một tác giả, một
trào lưu văn học cần rất nhiều thời gian và công sức. Những tác giảlớn là những đài
kỉniệm sống, được xếp hàng ngang và mỗi tác phẩm hay là một nốt nhạc riêng,
mang cung bậc và sức âm vang riêng, làm nên sựphong phú, đa dạng với vẻ đẹp
độc đáo của khu vườn văn học.
184 trang |
Chia sẻ: vietpd | Lượt xem: 1560 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Hồn – Tình – Hình - Nhạc trong thơhoàng cầm, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
________________
VĂN THỊ LỆ HIỀN
HỒN – TÌNH – HÌNH - NHẠC
TRONG THƠ HOÀNG CẦM
Chuyên ngành : Lý luận văn học
Mã số : 60 22 32
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. PHÙNG QUÝ NHÂM
Thành phố Hồ Chí Minh -2009
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của Ban Giám Hiệu
Trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM, Phòng Khoa học Công nghệ - Sau Đại
học cùng tập thể các Thầy, Cô khoa Ngữ văn của trường.
Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Phùng Quý Nhâm, người
đã tận tình hướng dẫn tôi thực hiện luận văn.
Cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã động viên và giúp đỡ tôi rất
nhiều trong suốt thời gian tôi học tập và thực hiện luận văn.
Xin chân thành cảm ơn!
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Là loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù, văn học thu hút sự quan tâm
nghiên cứu, sự tìm tòi, khám phám không chỉ với giới nghiên cứu mà rộng ra, với
cả những người yêu thích và biết thưởng thức văn chương. Bước vào thế giới đa
chiều văn học, mỗi người, bằng khả năng, sở trường, sự tâm đắc và niềm đam mê
của mình, sẽ bàn về văn học từ những góc nhìn khác nhau, những phương diện khác
nhau của một lĩnh vực vốn phong phú về đặc điểm và đa dạng trong sự biểu hiện.
Việc tìm hiểu, đánh giá cái hay, cái đẹp, giá trị của một tác phẩm, một tác giả, một
trào lưu văn học cần rất nhiều thời gian và công sức. Những tác giả lớn là những đài
kỉ niệm sống, được xếp hàng ngang và mỗi tác phẩm hay là một nốt nhạc riêng,
mang cung bậc và sức âm vang riêng, làm nên sự phong phú, đa dạng với vẻ đẹp
độc đáo của khu vườn văn học.
1.2. Nền văn học ta giai đoạn từ nửa sau thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX là
thời ngự trị của những đại danh hào, những giá trị cổ điển bậc nhất như: Nguyễn
Du, Hồ Xuân Hương…, những tên tuổi đã làm rạng danh nền văn học nước nhà. Và
giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, bên cạnh những tên tuổi như: Nam Cao, Vũ Trọng
Phụng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử…, Hoàng Cầm là một
hiện tượng tiêu biểu trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại.
Dấn thân trên bước đường kịch nghệ và thi ca, với Hoàng Cầm, đâu chỉ là cái
duyên mà như là một thiên mệnh. Quả vậy, chất chứa trong hồn người thi sĩ Hoàng
Cầm là niềm mê đắm khôn nguôi với đời và với thơ ca. Phất cánh diều thơ từ rất
sớm, chàng thi sĩ tự nhận mình có duyên với làng quê và có nợ với thi ca ấy, trọn
đời một lòng chung thủy với nàng thơ, lấy thơ làm cứu cánh, làm mục đích và lẽ
sống cho mình. Tiếng thơ Hoàng Cầm không ồn ào mà khiêm nhường, lặng lẽ, sâu
lắng. Giọng thơ Hoàng Cầm mượt mà, đầy sức quyến rũ, bởi hơn ai hết, nhà thơ có
biệt tài trong việc khai thác chất men say của thơ và hơn thế, còn sở hữu một thế
giới nội tâm sâu thẳm và chiều sâu văn hóa làng quê Việt. Thơ ông đẹp vẻ đẹp thướt
tha mà dạt dào, hào sảng, óng ả, thanh cao mà ngọt ngào, lắng đọng. Bước vào thế
giới ấy, người đọc sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước nét bút tài hoa mà rất đỗi nguyên
khôi, một hồn thơ đặc biệt tinh tế và nhạy cảm. Vậy nên, dù gia tài văn chương thi
nhân để lại cho đời không thật nhiều song những tiếng vọng từ sâu thẳm tâm can
ông, qua thơ, lại có ấn tượng không nhỏ trong lòng người đọc.
1.3. Làm nên tên tuổi của Hoàng Cầm trên văn đàn, bên cạnh những sáng tác
thơ còn phải nói đến những tác phẩm văn xuôi và kịch thơ nổi tiếng. Đương nhiên,
chỉ với mảng sáng tạo đầy chất mộng của mình, Hoàng Cầm đã xứng đáng được
xem là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Giữa
mênh mông cuộc đời, tâm hồn anh minh, sâu lắng và luôn luôn rộng mở ấy, tiếng
thơ tràn đầy nhiệt huyết và giàu trải nghiệm về cuộc sống ấy đã không thể lẫn vào
đâu được, càng không thể phai mờ được. Tuy vậy, đời thơ nhiều tìm tòi, nhiều trăn
trở Hoàng Cầm, trước nay vẫn chưa có được sự quan tâm nghiên cứu đúng mức. Sự
yêu thích và niềm trân trọng của người thưởng thức đối với thi phẩm ông là không
thể diễn tả hết nhưng việc nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở những bài viết nhỏ, những
tiểu luận ngắn. Nhìn lại những cống hiến to lớn của Hoàng Cầm đối với nền thi ca
nước nhà, sẽ thấy, rất cần thiết phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu đối
với di sản thơ ca quý giá của ông, để cho, cuộc đời sáng tạo không mệt mỏi ấy được
tri ân một cách đúng nghĩa.
Với những lẽ trên, chúng tôi thực hiện luận văn nghiên cứu: Hồn – Tình –
Hình – Nhạc trong thơ Hoàng Cầm với mong muốn phát hiện ra những điểm sáng
giá trị trong thơ ông, khẳng định một lần nữa tài năng và những đóng góp nhất định
của thi nhân trong dòng chảy lớn của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Điều đó, thiết
nghĩ, có ý nghĩa không nhỏ đối với việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập thơ
Hoàng Cầm.
2. Mục đích nghiên cứu
Ý thức được giá trị to lớn của nguồn thơ Hoàng Cầm, nhận thấy có những
vấn đề mà các công trình nghiên cứu trước đây hoặc chỉ đề cập hoặc có quan tâm
khai thác, song vì lý do nào đó, đã chưa triển khai được một cách sâu sắc, chúng tôi
nghiên cứu mảng vấn đề: Hồn - Tình – Hình – Nhạc trong thơ Hoàng Cầm với mục
đích tìm hiểu những phần sâu hơn, khám phá được nhiều hơn chất ngọc tiềm ẩn
trong những sáng tác thơ của ông. Việc tiếp thu có chọn lọc thành quả nghiên cứu
của những người đi trước trong quá trình làm luận văn nhằm hướng đến trang bị
cho người đọc những nhận thức đúng đắn, đầy đủ về di sản thơ Hoàng Cầm. Nét
văn phong riêng, sự sáng tạo đặc sắc và độc đáo của người nghệ sĩ tài hoa Hoàng
Cầm cũng được khẳng định theo đó.
Mục đích đặt ra là không nhỏ, những gì có thể làm được hẳn cũng chưa phải
là tất cả khi sự nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, bằng niềm say mê và
lòng nhiệt thành, chúng tôi rất mong mang lại những đóng góp mới mẻ, dù nhỏ, cho
ngành nghiên cứu văn học.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Nếu những vở kịch thơ và những trang văn xuôi của Hoàng Cầm bộc lộ một
bề dày văn hóa cùng những trải nghiệm về đời, về nghệ thuật sâu sắc và thấu đáo thì
suối thơ của ông chính là dòng sông tâm hồn ông – nơi luôn đầy ắp những con sóng
dạt dào, trẻ trung và ngọt mát. Quả là, ở lĩnh vực nào Hoàng Cầm cũng tạo ra được
ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Song có lẽ, với thi ca, sức bung tỏa của tài năng
và mạch cảm xúc bất tận trong tâm hồn ông mới thực sự tuôn trào. Luận văn không
đề cập đến toàn bộ sáng tác của Hoàng Cầm mà chỉ tập trung nghiên cứu phần thơ
của thi nhân. Ở đó, chúng tôi cũng không bàn đến mọi phương diện về nội dung và
nghệ thuật mà chỉ đi sâu tìm hiểu cái hay, nét đẹp của thơ ông qua những yếu tố về
hồn thơ, tình thơ, hình ảnh và nhạc điệu trong thơ.
Để thực hiện mục đích nghiên cứu đã đặt ra ấy, chúng tôi khảo sát toàn bộ
sáng tác thơ của Hoàng Cầm, cụ thể qua những tập thơ: “Mưa Thuận Thành”, NXB
Văn hóa 1991; “Bên kia sông Đuống”, NXB Văn học 1993; “Lá Diêu Bông”, NXB
Văn học 1993; “Về Kinh Bắc”, NXB Văn học 1994; “Men đá vàng”, NXB Văn
học 1995; và “99 tình khúc”, NXB Văn học 1996. Ngoài ra, Hoàng Cầm còn có
nhiều tác phẩm thơ được in trên các báo và tạp chí song chúng tôi chỉ xem đó như là
những tài liệu tham khảo hữu ích cũng như những sáng tác văn xuôi và kịch thơ vậy.
Tuy sự nghiên cứu chỉ tập trung vào những vấn đế mà đề tài đặt ra nhưng để
những điều ấy được khai thác trọn vẹn, được làm sáng rõ, người nghiên cứu đặt
chúng trong mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với toàn bộ sáng tác của Hoàng Cầm,
với cả những sáng tác văn xuôi và kịch thơ của ông. Và trong chừng mực nhất định,
sự liên hệ, đối sánh những nét độc đáo, đặc sắc trong thơ Hoàng Cầm với sáng tác
thơ của một số tác giả trước, sau hay cùng thời với thi nhân nhằm khẳng định nét
đẹp riêng của tiếng thơ ông, xét thấy cũng là điều cần thiết.
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Thơ Hoàng Cầm như chính con người ông, thu hút sự quan tâm của mọi
người không phải bằng sự ồn ào, làm say mê lòng người không phải từ sự trau
chuốt đến bóng bẩy bởi lớp ngôn từ nhiều phép tắc. Vẻ đẹp thơ ông toát ra từ thế
giới tâm hồn, từ tình cảm bao la mà rất mực chân thành của một nhà thơ suốt đời
tận tụy vì nghệ thuật, xem thơ là lẽ sống của mình. Sức quyến rũ kì lạ của thơ
Hoàng Cầm khiến cho những ai yêu thơ khó lòng mà dứt ra được, để rồi càng thấy
thương hơn, quý hơn tấm lòng và tài nghệ con người ấy. Tuy vậy, nhìn lại lịch sử
nghiên cứu văn học trước nay, có thể nói chưa có công trình nào nghiên cứu về thơ
Hoàng Cầm một cách toàn diện và có hệ thống. Dưới hình thức những tiểu luận,
những bài viết ngắn, giới nghiên cứu, phê bình, người giảng dạy và độc giả yêu
thích thơ Hoàng Cầm đã khám phá ra được những giá trị nhất định của thi phẩm
ông, khẳng định sự cống hiến to lớn của thi nhân trong nền văn học hiện đại.
Chính thức bước vào làng Văn từ năm 1939 và thành công với nhiều vở kịch
thơ, nhưng phải nói, thơ là lĩnh vực Hoàng Cầm thử bút sớm nhất. Cậu bé ấy năm
lên tám tuổi đã thổi hồn mình vào trang thư tình trên nền thơ lục bát trao cho người
Chị yêu dấu của mình. Tuy vậy, thi nghiệp của ông chỉ thực sự được khẳng định khi
Bên kia sông Đuống ra đời. Bài thơ đã nâng tên tuổi Hoàng Cầm lên trên đài thơ,
đứng cạnh các bậc liền anh Thế Lữ, Nguyễn Bính, Xuân Diệu…, và cùng với
những Lá Diêu Bông, Quả vườn ổi…, thơ Hoàng Cầm làm say lòng độc giả bằng
cách riêng của nó, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của giới nghiên cứu, phê bình văn học.
Đến với thơ Hoàng Cầm, người nghiên cứu dù đứng ở góc độ nào, bàn về
phương diện gì cũng đều nhận ra cái tài thơ với tấm lòng yêu thơ, yêu cuộc sống
hiếm thấy nơi ông, ngưỡng mộ thật sự vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách của thi nhân. Và ở
những mức độ đậm nhạt khác nhau, các bài viết thể hiện niềm ưu ái, sự đồng cảm
và trân trọng đối với những vần thơ chan chứa tình đời, tình người, ngút đầy nỗi
nhớ, niềm thương của ông. Những bài viết ấy được tập hợp lại trong mấy quyển
sách sau đây: Quyển thứ nhất do Hoài Việt sưu tầm, biên soạn, có tên: Hoàng Cầm,
thơ văn và cuộc đời của NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997. Quyển thứ hai
của Vũ Tiến Quỳnh, quyển Lý luận phê bình – bình luận văn học, giới thiệu các tác
giả Hồng Nguyên, Chính Hữu, Trần Hữu Thung, Quang Dũng và Hoàng Cầm,
NXB Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 1998. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc biên soạn
quyển Hoàng Cầm và giai điệu thơ Kinh Bắc, tập sách có sự tham gia của nhiều
giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng và được Hội Nghiên cứu và Giảng
dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ xuất bản năm 2004. Quyển Hoàng
cầm – Tác giả, tác phẩm, tư liệu và quyển Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường,
về hai tác giả Nguyễn Đình Thi và Hoàng Cầm, được Nguyễn Bích Thuận và Lê
Lưu Oanh sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn nhiều bài viết về đời và thơ Hoàng
Cầm song phần lớn đã được giới thiệu trong những sách trên. Ngoài ra, còn có một
số bài nghiên cứu nằm rải rác trên các sách, báo và tạp chí, với những cách nhìn,
cách nghĩ khác nhau, tác giả mỗi bài viết đã góp những tiếng nói đầy ý nghĩa cho
việc nhìn nhận, đánh giá về sự nghiệp thơ ca Hoàng Cầm. Trong phạm vi giới hạn
của luận văn, chúng tôi điểm qua những bài nghiên cứu, phê bình, những bài viết có
liên quan và ít nhiều có ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu chuyên luận này.
Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm từ trước đến nay, có thể
thấy, thơ ông được tiếp cận theo hai hướng. Hướng thứ nhất gồm những bài giới
thiệu về cuộc đời và con người nhà thơ, những bài bình luận, đánh giá mang tính
khái quát về cái hay, nét đẹp và cả những điểm hạn chế trong thơ Hoàng Cầm.
Hướng thứ hai đi vào phân tích, thẩm bình một số tác phẩm cụ thể nhằm cung cấp
những tư liệu cần thiết, những gợi ý hữu ích cho việc khám phá, cảm thụ tác phẩm
văn học nói chung và tác phẩm trong nhà trường nói riêng. Việc trình bày sơ lược
những hướng tiếp cận thơ Hoàng Cầm nhằm có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về đặc
điểm nội dung và nghệ thuật thơ ông là điều mà chúng tôi mong muốn.
Theo hướng tiếp cận thứ nhất, người nghiên cứu trên nhiều phương diện
khác nhau đã đem đến cho người đọc những ấn tượng chung nhất về thơ Hoàng
Cầm. Tác giả các bài viết ấy là những nhà nghiên cứu, phê bình văn học nổi tiếng,
những nhà văn, nhà thơ và những người bạn thân thiết của ông. Đó là những tên
tuổi được nhiều người biết đến như: Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Đức Hiểu, Hoài Việt,
Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Đỗ Lai Thúy, Ngô Văn Phú, Nguyễn Xuân
Lạc…
Hoàng Cầm sinh ra và lớn lên trên đất Kinh Bắc huê tình, diễm ảo, vùng đất
đã nuôi dưỡng, bồi đắp cho hồn thơ Hoàng Cầm từ nhiều nguồn, nhiều phía. Nhận
định về điều này, Nguyễn Xuân Lạc viết: “Ta từng biết một Nguyên Ngọc gắn bó
với rừng xà nu Tây Nguyên, một Quang Dũng phiêu diêu trong mây trắng xứ
Đoài,… nhưng dễ thường ít có thi nhân nào lại gắn bó đến mức máu thịt với quê
hương Kinh Bắc như Hoàng Cầm... Có sự hòa hợp cộng hưởng giữa thế giới Kinh
Bắc với hồn thơ Hoàng Cầm để làm nên một gương mặt thi nhân, một người thơ
Kinh Bắc quen mà lạ, với phong cách và sắc điệu riêng, chỉ riêng ông mới có” [66,
tr.15]. Bài viết của Nguyễn Xuân Lạc về Hoàng Cầm và thơ ông tuy không thật dài
song đã bộc lộ một sự am hiểu sâu sắc về đời thơ này. Tác giả viết: “Người thơ ấy
đã đi một chặng đường thơ hơn nửa thế kỉ. Nhiều dáng thơ, kiểu thơ, lối thơ nhưng
vẫn chung một hồn thơ Kinh Bắc. Hồn thơ ấy đã lắng đọng và thăng hoa để làm nên
những nét đẹp riêng của thơ Hoàng Cầm mà dường như chỉ ông mới có” [66, tr.20].
“Những nét đẹp riêng” ấy trong thơ Hoàng Cầm được người viết nhận ra từ những
chiếc Lá Diêu Bông, từ Cây Tam Cúc, Quả vườn ổi, từ Bên kia sông Đuống…, từ cả
tập Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc..., và được khẳng định đó là “cái đẹp kì ảo”,
“lý tưởng”, là “cái đẹp của thơ siêu thực”, “thơ của cái viết tự động”.
Thơ Hoàng Cầm là vậy, làm khó ngay cả những người thật sự am hiểu và
yêu thích thi ca. Nghĩ về thơ ông, Nguyễn Đăng Mạnh băn khoăn: “Hình như có
một không gian Kinh Bắc rất đỗi cổ kính trong thơ anh” [66, tr.26]. Cùng suy nghĩ
ấy, Nguyễn Xuân Lạc khẳng định: “Cái may mắn lớn nhất trong đời thơ ông là được
hút nhụt ngọt từ vườn hoa thơ diễm tình Kinh Bắc. Và vùng đất thơ ấy đã nuôi
dưỡng, ôm ấp, nâng đỡ cho hồn thơ ông bay lên” [66, tr.24]. Đây là điều không ai
có thể phủ nhận trước mỗi thi phẩm của Hoàng Cầm, mà có chăng chỉ là những
cách nói khác nhau, xuất phát từ những điểm nhìn khác nhau.
Thật vậy, Đỗ Đức Hiểu trong bài viết Hoàng Cầm, đã nói: “Tính hiện đại của
thơ Hoàng Cầm không phải là như ở thơ Vũ Hoàng Chương (nhà thơ đô thị với phố
xá đô thị, sàn nhảy đô thị, tiệm hút đô thị…), mà là một vùng cỏ cây, sông hồ nhẹ
bay của thôn quê Kinh Bắc, được siêu thực hóa thành cỏ Bồng Thi, cầu Bà Sấm, bến
Cô Mưa và lá Diêu Bông, hay những người con gái mờ ảo, những mối tình hư ảo xứ
Kinh Bắc, xóa nhòa trong mưa bụi bay” [66, tr.30]. Còn Nguyễn Đăng Điệp thì
khẳng định: “Chắc hẳn, nếu tước đi cái không khí Kinh Bắc thì có lẽ thơ Hoàng
Cầm sẽ hết thiêng! Bởi lẽ, “Kinh Bắc đã trở thành quê thiêng – quê thơ – quê tình
trong thơ Hoàng Cầm”, và “Vũ trụ thơ ấy thực chất là hồn quê Kinh Bắc rung lên
qua những sợi dây thần kinh thi ca nhạy cảm được ươm ủ từ thời ấu thơ” [66, tr.44].
Hiểu rõ điều đó, lại có diệp đi sâu nghiên cứu vườn thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Đăng
Điệp đi đến kết luận: “Trong thơ Việt Nam thế kỉ XX, chưa một ai sánh được
Hoàng Cầm khi viết về Kinh Bắc” [66, tr.44]. Phải có một cái nhìn bao quát, sự am
hiểu sâu sắc và lòng yêu thích thực sự về thi giới Hoàng Cầm, người viết mới có thể
đưa ra được những lời nhận định đầy sức thuyết phục như vậy. Những nhận xét như
thế tuy có phần cảm tính và chủ quan nhưng kì thực bắt nguồn từ chính hồn thơ
Hoàng Cầm, từ những trang thơ giàu sức lan tỏa của ông.
Thâm nhập sâu vào thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Đăng Mạnh
gọi đó là “phạm trù siêu thơ”. “Một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất. Nó đi
hẳn vào cõi tiềm thức, vô thức và diễn tả bằng chính ngôn ngữ mông lung vô thức”
[66, tr.28]. Ông cũng cho rằng: “Sáng tạo ra thứ thơ này phải là những nhân cách
vô cùng trung thực, trung thực với mình, trung thực với người” [66, tr.28]. Chính
phẩm chất tốt đẹp ấy đã giúp Hoàng Cầm tạo nên phong cách riêng, vẻ đẹp riêng
cho thơ ông. Và cũng từ đó, nhiều sự nghiên cứu đã chú ý đến đặc điểm này của thơ
ông. Nguyễn Đăng Điệp xem Hoàng Cầm là “Người dệt thơ từ những giấc mơ”;
Nguyễn Xuân Lạc khẳng định cái đẹp trước hết trong thơ Hoàng Cầm là “cái đẹp kì
ảo, lý tưởng trong thơ tình”, và là “cái đẹp của thơ siêu thực, thơ của cái viết tự
động” [66, tr.20-21]; còn Đỗ Lai Thúy thì nhận định: “Có thể Hoàng Cầm không có
lý luận, không có tuyên ngôn như nhóm siêu thực của Bréton, nhưng trên thực tế
ông đã sáng tạo như họ” [66, tr.56]. Cũng trên quan điểm ấy, Đỗ Đức Hiểu viết về
Mưa Thuận Thành: “Mưa Thuận Thành là thế giới siêu Thuận thành, siêu Kinh Bắc,
siêu mưa” [66, tr.30].
Tìm hiểu thơ ông, nhất là những sáng tác ở giai đoạn sau, nhiều nhà nghiên
cứu, điển hình như Nguyễn Đăng Điệp, đã khẳng định: “Đó là tiếng vọng của cõi
mơ, là sự siêu thăng của vô thức” [66, tr.52]. Dễ hiểu hơn, Đỗ Lai Thúy nói: “Đó là
thơ của tiềm thức, của giấc mơ, mê sảng, của cái viết tự động…” [66, tr.56]. Một
chỗ khác, tác giả viết: “Nhà thơ chìm vào tiềm thức để cho ngòi bút tự tuôn chảy”.
Điều kì lạ mà hết sức thú vị này, chính Hoàng Cầm đã chia sẻ trong nhiều
bài viết của mình. Trong Đôi dòng tâm tưởng về thơ, thi nhân viết: “Thơ, từ những
khát vọng người, từ vùng u huyền, bí ẩn nhất, bật ra như một điệu đàn, như một
hình bóng, bất chợt, như tiếng nói các thần linh không biết tự thưở nào” [101, tr.89].
Sự thật, nhiều bài thơ của Hoàng Cầm đã ra đời như vậy, và sự thật, đó là những tác
phẩm được độc giả yêu thích trước nay. Nhà thơ tâm tình: “Nói chung, hầu hết
những bài thơ được độc giả yêu thích trong nhiều năm của tôi, bao giờ cũng bắt đầu
một cách vi diệu là từ ngoài tôi, vẳng lên đôi ba câu nghe rất rành rẽ giọng phụ nữ
lảnh lót mà rất xa, như hát mà như đọc” [101, tr.93]. Kì thực, đó chính là tiếng nói
dội lên từ tiềm thức thi nhân, những gì tưởng đã lắng đọng thật sâu trong hồn ông
bỗng có lúc vọng về, thổn thức, khôn nguôi. Gọi là “thơ của giấc mơ”, chớ hiểu
giấc mơ theo nghĩa thông thường của nó, bởi giấc mơ ấy thật diệu kì mà chẳng mấy
ai có đuợc. Đó là kết quả của bao đêm thao thức không ngủ, là sự thăng hoa của một
hồn thơ, là sự kết tinh máu thịt của cuộc đời và tâm hồn nhà thơ. Trong “những liên
tưởng đứt đoạn, những hình ảnh rời rạc là rất nhiều các khoảng trắng, các dấu
lặng... Tất cả trôi đi trong một nhịp điệu thôi miên” [66, tr.56], Đỗ Lai Thúy viết.
Vậy nên, tìm hiểu thơ Hoàng Cầm, nhất định phải nhìn thât kĩ, thật lâu và phải thật
sâu nữa. Sẽ thấy, trên trang thơ ông, những khoảng lặng ấy chất chứa thật “nhiều
xót xa, nhiều bi kịch, không nói” [66, tr.31]. Thấy được điều này trong thơ Hoàng
Cầm xem như chúng ta đã tiếp cận được một đặc điểm thi pháp của thơ ông.
Quan tâm nhiều đến nỗi ẩn ức, khối tình nghẹn ứ đầy trong lồng ngực thi
nhân, trong bài Ấn tượng thơ Hoàng Cầm, Chu Văn Sơn viết: “Thứ tình nào làm
thành ẩn ức của nguồn thơ Hoàng Cầm? Một mối tình non? Mối tình câm? Mối tình
đau? Không, một mối tình nghẹn! Như cây lúa nghẹn đòng, như cây chuối nghẹn
buồng…Thơ Hoàng Cầm là thứ hoa trái vật vã mộng du, óng ả thanh cao mà phong
trần lận đận của nỗi nghẹn ngào đó” [151, tr.285-286]. Bài viết thuyết phục người
đọc bằng sự lý giải sâu sắc mối liên quan mật thiết giữa thế giới tinh thần, tình cảm
của nhà thơ với thi phẩm ông, bằng những viện dẫn về cuộc đời và về thơ được rút
ra từ nhiều tác phẩm của thi nhân.
Luận giải về chất thơ Hoàng Cầm, Chu Văn Sơn đề cập đến vấn đề nhạc thơ,
điệu thơ Hoàng Cầm. Cụ thể, ông nói đến tình điệu riêng trong thơ Hoàng Cầm:
“Có cảm giác điệu thơ Hoàng Cầm như con hạc đầu đình muốn bay không cất nổi
mình mà bay, nó là những sải cánh, đập cánh chới với, chơi vơi” [151, tr.289]. Nửa
sau b